(08:42 | 27/11/2009)
Kinh Bắc là vùng đất có nền văn hoá lâu đời. Đây chính là nơi phát tích của Vương triều Lý, triều đại huy hoàng xây dựng nền độc lập, tự cường, mở ra nền văn minh Đại Việt. Vốn là miền Thượng của Lộ Bắc Giang thời Lý – Trần, trấn Kinh Bắc thời Lê, vùng đất Bắc Giang đã ghi sâu những chiến tích oai hùng qua những chặng đường lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. Từ hiện thực cuộc sống ấy đã tạo nên nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn, nhà thơ của vùng quê Kinh Bắc với những tác phẩm văn học có giá trị trường tồn.
Trong những sách xưa nay nói về Kinh Bắc, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, song để bảo tồn diện mạo văn học của một vùng quê nghìn năm văn hiến, soạn giả Duy Phi – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, đã cho ra đời cuốn sách “Danh nhân văn học Kinh Bắc”. Sách do Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2001.
Duy Phi là một nhà thơ, tác giả của một số tác phẩm thơ, tiểu thuyết như “Ngổn ngang trăm mối”, “Phút siêu lòng”, “Nụ hôn định mệnh” và còn là một soạn giả với nhiều tác phẩm được tuyển chọn, biên dịch có giá trị như: “Thơ văn đời Lý”, “Giai thoại văn học xứ Bắc”, “Đường thi tinh tuyển”...
Với gần 400 trang sách, “Danh nhân văn học Kinh Bắc” Duy Phi đã giới thiệu khái lược tác giả, tác phẩm thơ của 68 danh nhân Kinh Bắc tiêu biểu từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, sách còn in phụ trương tên các tác giả của thời kỳ này và thơ của Lê Thánh Tông.
Qua cuốn sách, có thể nói thời kỳ nào xứ Bắc cũng có những danh nhân văn học tiêu biểu. Thời Lý có thiền sư Vạn Hạnh với học vấn uyên bác, người đời gọi thơ ông là “sấm ký”. Thời Trần, xứ Bắc có Huyền Quang - người được coi là vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm về thi ca. Ngoài ra, thời kỳ này còn có Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi... với những bài thơ được hậu duệ lưu truyền. Thời Lê có Phó nguyên suý Tao đàn Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Thế kỷ XVI, xứ Bắc có Giáp Hải, người có tài văn chương, ứng đáp tinh nhanh làm sứ nhà Minh phải phục; Ngô Chi Lan nổi tiếng bởi tài làm thơ phú, từ khúc...
Thời kỳ rực rỡ nhất của văn học trung đại xứ Bắc phải kể đến Đoàn Thị Điểm với “Chinh phụ ngâm”, Nguyễn Gia Thiều với “Cung oán ngâm khúc”... Đó là những tác phẩm mang tính nhân văn cao cả, ảnh hưởng sâu sắc đến thi nhân nhiều thế hệ.
Nền văn học hiện đại Việt Nam đã có sự đóng góp đáng kể của một số nhà văn, nhà thơ xứ Bắc nổi tiếng. Đó là: Anh Thơ - nhà thơ xuất hiện trong phong trào thơ mới, nữ thi sĩ được nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939), giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001), có các tác phẩm tiêu biểu như: “Bức tranh quê”, “Chiều xuân”...; Hoàng Cầm – một nhà thơ tài hoa, có nhiều thi phẩm xuất sắc, đậm sắc thái quê hương Kinh Bắc như: “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”... Ngoài ra, còn có Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng... Những cây bút tiêu biểu của một vùng đất văn hiến ấy được giới thiệu trân trọng, tự hào của người cầm bút hậu thế.
Với nội dung bố cục chặt chẽ, cấu trúc theo trình tự thời gian, trong tập sách mỗi danh nhân đều có phần giới thiệu tiểu sử và những tác phẩm tiêu biểu của mình. Một số bài thơ được tác giả trình bày vừa bằng chữ Hán, vừa dịch sang tiếng Việt, giúp cho bạn đọc dễ đọc, dễ hiểu.
“Danh nhân văn học Kinh Bắc” được tác giả biên soạn công phu, góp phần giữ gìn vốn văn hoá dân tộc. Đây là một cuốn sách quý, rất có ý nghĩa trong việc phục vụ thầy cô giáo và học sinh, đặc biệt là các trường học trên đất Kinh Bắc tham khảo.
Thư viện tỉnh Bắc Giang trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hải Đăng
No comments:
Post a Comment