Saturday, May 31, 2014

VietWeekly - Bắc Ninh: Cửa Võng đình Diềm



vietweeklytube
Published on Mar 7, 2014

Đình Diềm thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, miền quê Quan họ nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa. Tuy không được xếp lên hàng đầu các đình Kinh Bắc, nhưng nó đã làm vẻ vang cho cả làng cả xứ.

Đình xưa có 7 gian, nhưng khi thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nó chỉ còn lại 5 gian như hiện nay.

Tòa đại đình 4 mái, đao cong, lòng rộng, tạo cho bên trong một không gian thoáng rộng, 4 cột cái cao to lực lưỡng rất khỏe chu vi tới 2,14m là những cây trụ chính của cả khung nhà.

Trừ 4 đầu dư đỡ hai câu đầu ở gian giữa có chạm những hình rồng và mây nét mác, còn tất cả mọi thành phần của khung nhà đều chỉ bào trơn đóng bén, soi gờ chỉ chạy thẳng. Bụng câu đầu còn ghi khắc rõ niên đại xây dựng vào năm Nhâm Thân (1692)

Nghệ thuật chạm khắc ở đình Diềm chủ yếu tập trung nơi cửa võng và trên chiếc nhang án thờ. Toàn bộ cửa võng thếp vàng rực rỡ không một mảng trơn trống, từng điện nhỏ đều được trang trí kỹ lưỡng nổi bật lên, thu hút sự chú ý của mọi người ngay từ phút đầu mới đến, hầu hết các đình làng đều có cửa võng, nhưng hiếm thấy bức cửa võng đẹp như cửa võng đình Diềm.

Bức cửa võng này chạy dài suốt từ thượng lương ở trên độ cao 7m xuống tận nền đình, gồm 4 tầng lớp thấp dần và lui dần cho đến giáp hai cột cái bên trong. Tầng nào cũng được chạm khắc tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng tứ linh (long, li, quy, phượng) và những đề tài nghệ thuật mang tính chất vị nhân sinh cao đẹp. Đó là những hình tượng nghệ thuật dân gian đề cao cuộc sống của con người lao động và tinh thần dân chủ, vạch trần cuộc sống đồi trụy của tầng lớp thống trị, và do đó hạ thấp uy quyền của giai cấp phong kiến . Nghệ thuật và nội dung thể hiện trên bức cửa võng đình Diềm góp phần minh chứng rằng nhân dân lao động đương thời đã có ý thức mạnh mẽ về quyền sống và quyền dân chủ của mình, do đó đã đấu tranh chống sự kìm hãm của chế độ phong kiến, phát huy tinh thần sáng tạo đưa nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đến một trình độ cao.

Phía trong cửa cấm đình Diềm có một chiếc nhang án mà giá trị của nó về một số mặt cũng không thua kém bức cửa võng tuyệt đẹp này.

Soeur Maria Nguyễn Thị Hùy - Đinh Văn Thắng (Tony)

Mời quý đồng hương và bạn đọc xem bài viết "Soeur Maria Nguyễn Thị Hùy" của Đinh Văn Thắng (Tony) mới gởi cho Blog KYDV.

Qúy vị có thể xem tại địa chỉ dưới đây:

https://onedrive.live.com/view.aspx?cid=65E63F72BBB02D74&resid=65E63F72BBB02D74%2110477&app=Word

Blog KYDV

Thursday, May 22, 2014

Món Vịt nướng chao - Episode 1 & 2





Nguyen Joe
Published on Oct 31, 2013

GIA PHẢ HỌ ĐINH (Ngành thứ Ba) - Đinh Văn Thắng và Đinh Văn Diệm

Thưa quý đồng hương

Blog Kỷ Yếu Dũng Vi mới nhận được thêm một văn bản ĐINH TỘC THẾ PHỔ (Ngành Thứ Ba) do ông Đinh Văn Thắng và ông Đinh Văn Diệm biên soạn và hiệu đính, cập nhật.

Qúy vị có thể xem tại Hình ảnh - Văn bản KYDV 

ĐINH TỘC THẾ PHỔ (Ngành Thứ Ba)

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ E-mail dưới đây:

Ông Đinh Văn Thắng
E-mail: todi_1999@yahoo.com

Ông Đinh Văn Diệm
E-mail: lamthydvd@gmail.com

Blog KYDV

Monday, May 19, 2014

Hình ảnh đồng hương Dũng Vi - Đinh Tất Thức

Ông Đinh Văn Đan (ông Thơ Thành) và các cháu Thiếu nhi Thánh thể Giáo xứ Bùi Phát. (Ảnh chụp khoảng những năm đầu Thập niên 70, Thế kỷ 20).

Bà Đinh Thị Thành (thân mẫu anh Đinh Văn Đảng) và cháu Đinh Thị Hiền tại khuôn viên Thánh đường Bùi Phát. (Ảnh chụp khoảng những năm đầu Thập niên 70, Thế kỷ 20).

Ông Đinh Công Khảo (chồng bà Đinh Thị Muối) và cháu Đinh Tất Thông (Phát) tại khuôn viên Thánh đường Bùi Phát. (Ảnh chụp khoảng những năm đầu Thập niên 70, Thế kỷ 20).

Wednesday, May 14, 2014

Đồng hương tâm sự - Đinh Quang Tòng, Đinh Văn Thắng (Tony), Nguyễn Văn Quang, Đinh Tất Thức

From: Tony Thang Dinh (todi_1999@yahoo.com)
Sent: Sat 5/10/14 7:50 PM
To: Thuc Dinh (dthuc@live.com)
Cc: nguyenqv1@yahoo.com (nguyenqv1@yahoo.com)

Hello Thức;

Có người khen Blog KYDV của Đinh Tất Thức nè (you should be proud of it). Anh Quang khoảng tuổi của Thức, Quang là con ông Nguyễn Văn Bưởi (tên gọi là ông Hiến), anh là cháu ngoại bà Quản Chiu. Bà Ngoại anh Quang (bà quản Chiu), ông Nội của Thắng (Đinh Văn Trị và Bà Nội của anh Nguyễn Văn Đảng (Bà trùm Mích) là anh em ruột.

Thắng có mời anh Quang tham gia viết bài cho vui, anh nói sẽ viết. Thức đọc dưới đây thì sẽ rõ.

Trước đây Bác Đinh Quang Tòng có khen blog KYDV nữa và bác đã làm thơ tặng cho Blog KYDV, tiện đây Thắng gửi cho Thức luôn nhe:

"Có được những thông tin và hình ảnh sinh động chính xác và nhanh chóng, bác cháu mình hẳn không quên đến sáng kiến của Cháu Đinh Thức đã tự mở trang mạng Kỷ Yếu Dũng Vy:

Lòng vui biết mấy đọc trang mạng
"Kỷ Yếu Dũng Vy" đã mở ra
Nở hoa sáng kiến anh Đinh Thức
Tin tức - giao lưu vui mọi nhà

Bác có ít dòng gửi thăm sức khỏe và chúc gia đình Cháu bằng an trong Chúa."

Thân ái/Thắng (TTĐ).
----------

----- Forwarded Message -----
From: QUANG NGUYEN
To: Tony Thang Dinh
Sent: Saturday, May 10, 2014 1:44 PM
Subject: Re: Howdy from Tony Thang

Hi Thắng,

Đọc những bài viết của Thắng, thấy rất hay và giá trị. Không ngờ Dũng Vi cũng có một website professional như vậy.

Quang không có khiếu về viết văn nhưng cũng sẽ ráng viết đóng góp khi nào có dịp, nhưng không viết hay như Thắng được đâu.

Trong những bài của Thắng viết về họ hàng, Quang nghe quen tên rất nhiều vì bố mẹ có nhắc đến, như ông Ngân, chú Ắt, chú Đảng, ông Giáp, Chị Ven,... nhưng hầu hết chưa bao giờ gặp mặt vì thời đó còn quá nhỏ lại đi học xa nên không có dịp dự những đám tang, đám cưới,... Hy vọng có dịp gặp lại họ hàng.

Dịp tới có lẽ sẽ là đám cưới con chị Sen. Rủ Thụy, Hương, Thái đi luôn cho vui, cũng là dịp họp mặt họ hàng ở bên Mỹ.

Có bài gì hay về Dũng Vi hay họ hàng thì chia sẻ cho Quang và anh Hiến nhe, tụi anh sẽ tường thuật lại cho ông Bưởi. Ông Bưởi kì này cũng yếu rồi, không còn phong độ như trước. Mẹ Thắng thì chắc còn khỏe lắm nhỉ.

Thân, Quang

Monday, May 12, 2014

VietWeekly - Bắc Ninh: Tham quan Đền Cùng - Giếng Ngọc



vietweeklytube
Published on Mar 7, 2014

Theo sách "Văn hiến Kinh Bắc", làng Diềm (thuộc xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) vốn là một làng Việt cổ nằm dưới chân hai dãy núi Kim Lĩnh (còn gọi là núi Thiếp) và Kim Sơn. Đây là nơi có đền thờ bà thủy tổ khai sinh ra môn nghệ thuật dân ca quan họ Bắc Ninh. Làng Diềm xưa nay không chỉ nổi tiếng xứ Kinh Bắc về hát quan họ cổ mà còn là nơi chứa đựng rất nhiều di tích, thắng cảnh hùng vĩ, lạ kỳ, có lịch sử lâu đời.

Một trong những di tích đó là cụm di tích đền Cùng, giếng Ngọc nằm ở thôn Viêm Xá. Đền Cùng vốn là một ngôi đền có từ thời nhà Lý thờ "Nhị Nhân Thần Nữ" là hai nàng công chúa Tiên Dong (hoặc Tiên Dung) và Thủy Tiên, con của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, vào một đêm trời trong xanh gió mát, hoàng hậu đang nằm ngủ chợt thấy có ánh hào quang rọi sáng khắp nhà. Từ trong ánh hào quang ấy, có hai con cá chép vàng hiện ra xin được đầu thai làm người. Chẳng bao lâu sau đó, Hoàng Hậu có thai rồi sinh hạ được hai quý nữ, đặt tên là Ngọc Dong và Thủy Tiên. Hai nàng càng lớn càng xinh đẹp, lộng lẫy. Khi tới tuổi xuân sắc hai nàng không những nổi tiếng trong đám hồng quần về yểu điệu thục nữ mà còn vang truyền thiên hạ về tài trí của bậc quân tử.

Bấy giờ ở vùng núi Kim Lĩnh của làng Diềm còn hoang sơ, có nhiều thú dữ. Hai nàng liền xin phép vua cha cho về đây để diệt trừ thú dữ, giúp dân làng tránh tai họa. Sau này, khi vua cha tận dụng một hang động lớn dưới chân dãy núi Kim Lĩnh để làm "Thủ Khố Ngân Sơn" hai nàng liền tự nguyện xin được trông nom, quản lí kho quân lương này. Rồi nhằm ngày tiết Thanh Minh (3/3 âm lịch) một năm nọ, hai nàng cùng hướng về kinh thành lạy ba lạy rồi khấn "chúng con xin mãi mãi ở lại chốn này để phù giúp dân lành" rồi cùng hóa cá. Dân làng tri ân công ơn hai nàng liền lập đền thờ ở ngay chính nền kho "Thủ Khố Ngân Sơn" dưới chân núi Kim Lĩnh và đặt tên đền là đền Cùng.

Bên những dòng sông quê hương - Th.s Đỗ Thị Thủy

Thứ năm, 31/12/2009 - 10:10

Núi sông là nơi tụ khí linh thiêng của đất trời và là hồn của quê hương đất nước. Bởi núi sông là điều kiện tự nhiên quan trọng để con người sinh cơ lập nghiệp và làm nên lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước:

Phía Bắc tỉnh Bắc Ninh là con sông Cầu, xưa có tên là Nguyệt Đức, bắt nguồn từ tỉnh Thái Nguyên, chảy qua tỉnh Bắc Giang, xuống Ngã Ba Xà qua một loạt các làng xã của các huyện thị Yên Phong, Bắc Ninh, Quế Võ, đổ vào sông Lục Đầu. Chạy song song với con sông này là các dãy núi như: Quả Cảm, Cổ Mễ, Đáp Cầu, Thị Cầu, Ngọc Xá, Phù Lương, Phù Lãng, Châu Cầu, Châu Phong. Vùng đất núi sông này đã trở thành “phên dậu” phía Bắc của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc và đã được sử sách ca ngợi, dân gian truyền tụng.

Với vị thế là phên dậu, nên nơi đây đã sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt đánh giặc và cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công lẫy lừng của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm. Suốt dãy núi Vũ Ninh, Châu Sơn ghi dấu về truyền thuyết “Thánh Gióng” người anh hùng đầu tiên đánh giặc giữ nước. Dọc sông Cầu, trên 370 làng thờ các danh tướng họ Trương (Trương Hống, Trương Hát) quê ở Vân Mẫu-Quế Võ có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI. Cũng con sông này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của nhà sử học nổi tiếng Ngô Sĩ Liên viết vào thế kỷ XV đã ghi lại cuộc kháng chiến vĩ đại của quân dân nhà Lý đánh bại hàng chục vạn quân xâm lược Tống ở thế kỷ XI.

Sông Cầu, đoạn chảy qua Thị Cầu xưa được gọi là Thị Kiều, sách “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi lại chiến công của quân dân nhà Trần đánh lui quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII. Các thế hệ anh hùng hào kiệt nối tiếp nhau, đến thời Lê Sơ trở đi, vùng đất này có nhiều danh nhân, nghĩa sĩ trung quân ái quốc đánh giặc giữ nước, tiêu biểu là dòng họ 18 Quận công (Quế ổ-Quế Võ) nhiều đời có công với dân với nước. Chính vì vậy, sử sách xưa đã gọi vùng đất Quế Dương là đất “Vũ dũng”.

Vùng đất ven sông Cầu, không những ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, mà còn tạo điều kiện cho các làng xã phát triển nghề nông trồng lúa trồng màu, đánh bắt thủy sản, là quê hương của các làng nghề nổi tiếng. Sách “Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự” viết vào đầu thời Nguyễn, đã cho biết hàng trăm nghề thủ công của xứ Kinh Bắc, trong đó có các làng nghề ven sông Cầu, tiêu biểu như: tơ tằm (Vọng Nguyệt), gốm (Đương Xá, Quả Cảm, Thổ Hà, Phù Lãng), dệt vải (Đẩu Hàn, Viêm Xá), đường mật (Xuân Đồng, Viêm Xá), rượu bánh (Đại Lâm, Tam Đa), nung vôi luyện thép (Thị Cầu, Đáp Cầu), sơn thiếp Bình Cầu… Các làng nghề thủ công này đã góp phần làm nên sự trù phú và văn hiến của các làng xã. Đây còn là đất học của các nhà khoa bảng nổi tiếng như: Trạng Nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (Phù Lương). Các Tiến sĩ Bồng Lai (Bồng Lai) hai cha con cùng đỗ một khoa, nên dân gian có câu “Tiến sĩ Bồng cha Bồng con”. Các dòng họ Tiến sĩ họ Nguyễn và họ Phạm Kim Đôi (Kim Chân) với 25 Tiến sĩ. Làng Vọng Nguyệt (Tam Giang-Yên Phong) nổi danh với tên tuổi của 9 vị đỗ đại khoa, riêng họ Ngô của làng 5 đời liên tiếp có người đỗ đạt và có tới 5 vị đỗ đại khoa.

Phía Đông Nam tỉnh Bắc Ninh là con sông Đuống, xưa có tên là sông Thiên Đức, bắt nguồn từ sông Nhị Hà (Sông Hồng), chảy qua một loạt các huyện (thị) như: Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình rồi đổ vào sông Lục Đầu. Sông này chảy đến địa phận huyện Thuận Thành thì có một nhánh lớn chảy xuống phía Nam được gọi là sông Dâu. Sông Đuống và sông Dâu là đầu mối giao thông đường thủy rất quan trọng, nối sông Hồng với sông Thái Bình và Biển Đông, nên trong dân gian vùng Dâu còn truyền nhau câu ca:

“Lênh đênh ba bốn thuyền kề
Thuyền ra biển cả, thuyền về sông Dâu”.

Vì vậy, ngay từ thời quốc gia Văn Lang-Âu Lạc, vùng Dâu đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của nước ta. Khi nhà Hán xâm lược nước ta đã chọn vùng Dâu để xây thành Luy Lâu làm trị sở thống trị của chúng. Từ thời Hán đến Lục triều, Dâu-Luy Lâu luôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của nước ta. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc và chống đồng hóa của phong kiến phương Bắc, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tiến đánh giặc Tô Định tại thành Luy Lâu; để lại dấu ấn bằng hàng loạt các làng xã ở quanh thành Luy Lâu thờ các danh tướng và Hai Bà Trưng. Hệ thống di tích vùng Dâu như: Lăng mộ đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là thờ các bậc Thủy tổ của dân tộc Việt Nam.

Phía Bắc sông Đuống, xưa là phủ Từ Sơn gồm 5 huyện (Võ Giàng, Quế Dương, Đông Ngàn, Tiên Du, Yên Phong), nay là 5 huyện thị (Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh). Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ghi chép như sau: “Phủ Từ Sơn ở giữa Kinh Bắc, địa thế bề ngang kéo dài. Làng Cổ Pháp là đất thang mộc thời Lý, khí thiêng của đất chung đúc, lăng cũ của tám vị vua nhà Lý um tùm thành rừng. Về cảnh núi sông thì có Tiêu Sơn, núi Phật Tích, núi Phả Lại, núi Lãm Sơn, núi Châu Sơn, sông Nguyệt Đức, sông Thiên Đức…”). Núi Tam Sơn (Từ Sơn) được sách “Đại Nam nhất thống chí” ví như những hạt “minh châu” nổi lên giữa ruộng đồng bờ bãi; nơi sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Vùng đất này, có nhiều dãy núi (Hàm Sơn, Lãm Sơn, Tam Sơn, Tiêu Sơn, Bát Vạn Sơn, Phật Tích, Lim…) và những dòng sông cổ (Ngũ Huyện Khê, Tiêu Tương, Tào Khê) xen kẽ giữa đồng ruộng phì nhiêu mầu mỡ. Những con sông, dòng chảy cổ trên đã tạo điều kiện cho các làng xã quanh đấy phát triển nghề nông trồng lúa màu, các nghề thủ công sắt, dệt, gốm, mộc, nề, giấy dó như: sắt Đa Hội; cày bừa Đông Xuất; dệt tơ tằm và vải Lũng Giang, Nội Duệ, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Tam Tảo, Xuân ổ; mộc chạm khắc Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, Kim Thiều, Khúc Toại, Trà Xuyên; sơn mài Đình Bảng, Nội Trì, Phù Dực; giấy dó Đống Cao, Bùi Xá; nề xây dựng Nội Duệ, Vĩnh Kiều; đúc gang (Nội Trà), đúc nhôm (Mẫn Xá), nấu rượu (Quan Đình)… Đó còn là vùng đất khoa bảng nổi tiếng như: làng Tam Sơn có tới 17 vị đại khoa và có đủ Tam Khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); làng Hương Mạc có 11 vị đại khoa, trong đó 1 Trạng nguyên, làng Vĩnh Kiều có 10 vị đại khoa, trong đó 2 Thám hoa; làng Phù Chẩn có 10 vị đại khoa, trong đó 2 Trạng nguyên; làng Phù Khê có 16 Tiến sĩ; làng Kim Thiều có 9 vị đại khoa, làng Trang Liệt có 8 vị đại khoa; làng Cẩm Giang có 5 vị đại khoa. Và chính vùng đất địa linh này đã sinh ra các nhà yêu nước cách mạng tiền bối kiệt xuất như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ.

Đặc biệt, vùng đất các làng xã (Đình Bảng, Tân Hồng, Tương Giang), xưa thuộc châu Cổ Pháp, có sông Tiêu Tương chảy qua, có thế đất “Rồng chầu” và có huyệt “Đế vương” là quê hương phát tích nhà Lý. Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo; có nhiều chùa tháp cổ như Cổ Pháp, Kim Đài, Minh Châu, Tiêu, Trường Liêu, Tam Sơn từng là trung tâm Phật giáo với nhiều sư tăng nổi tiếng trụ trì. Chùa Tiêu trên núi Quốc sư Lý Vạn Hạnh trụ trì, nuôi dạy Lý Công Uẩn thuở ấu thơ. Chính vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sinh ra Lý Công Uẩn người có công dựng lập lên vương triều Lý và khai mở nền văn minh Đại Việt. Dọc đôi bờ Tiêu Tương còn là quê hương của những làng Quan họ gốc nổi tiếng như: Lũng Giang, Lũng Sơn, Tam Sơn, Hiên Ngang, Hoài Thị, Hoài Bão, Khúc Toại, Trà Xuyên, Bùi Xá, Đào Xá, Đặng Xá, Dương ổ, Xuân ổ, Hòa Đình, Bồ Sơn, Khả Lễ, Đọ Xá, Đặng Xá, Viêm Xá, Thượng Đồng, Thụ Ninh… Làng Viêm Xá được tôn vinh là đất Thủy tổ Quan họ.

Phía Nam sông Đuống, xưa là phủ Thuận An gồm 5 huyện (Gia Lâm, Siêu Loại, Lương Tài, Gia Định, Văn Giang), nay là 3 huyện (Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài). Vùng đất này, ngoài trung tâm Dâu-Luy Lâu, còn có dãy núi Thiên Thai, những con sông cổ như: Bái Giang, Nghi Tuyền, Nghi Khúc… Dãy núi Thiên Thai và các con sông trên đã tạo điều kiện cho các làng xã quanh đấy phát triển nghề nông, nghề thủ công, giao lưu buôn bán. Đây là vùng đất của các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng: Nghi Khúc (Bưởi Cuốc), Đại Bái (Bưởi Nồi), Đoan Bái (Bưởi Đoan), Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên)… Đó còn là vùng đất của các nhà khoa bảng, các danh nhân nổi tiếng: Làng Thổ Lỗi xưa là quê hương của Nguyên phi ỷ Lan, là vợ của vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Cuộc đời của bà gắn liền với hai vị vua anh minh triều Lý, hai lần nhiếp chính thay chồng và con lo việc giang sơn như: chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và giàu lòng yêu thương nhân dân. Thuộc dãy núi Thiên Thai, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu là quê hương của “Trạng nguyên” Thái sư Lê Văn Thịnh: Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Minh kinh bác học, Lê Văn Thịnh thi đỗ đầu, thăng đến chức Thái sư. Ông là người tài cao đức trọng có nhiều công lao với dân với nước, nên đã được nhiều làng xã thờ làm Thành hoàng làng. Đó còn là tên tuổi hàng trăm các nhà khoa bảng, danh nhân tài cao đức trọng các làng xã của huyện Gia Bình (Đại Bái, Nhân Thắng, Đại Lai, Bình Dương, Quỳnh Phú, Song Giang), huyện Lương Tài (Phú Lương, Trung Chính, Thứa, Trừng Xá, Trung Kênh, Phú Hòa, Lâm Thao, Bình Định, Quảng Phú, An Thịnh…).

Bắc Ninh-Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có núi sông hùng vĩ, ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, là đất “địa linh nhân kiệt” sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Phát huy địa thế của quê hương, truyền thống của ông cha, các thế hệ người Bắc Ninh luôn chịu khó, hay làm, hiếu học, yêu nước, đánh giặc và đã góp phần lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, vùng đất này đã được sử sách ca ngợi là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Th.s Đỗ Thị Thủy
(Ban Quản lý di tích tỉnh)

Wednesday, May 7, 2014

VietWeekly - Bắc Ninh: Hát giao lưu Quan họ



vietweeklytube
Published on Mar 7, 2014

Dân ca quan họ (còn được gọi là dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca quan họ Kinh Bắc) là những làn điệu dân ca của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam; tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc - mà trọng tâm là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Tên gọi Quan họ Bắc Ninh không có nghĩa tỉnh Bắc Ninh là chủ thể chính của thể loại dân ca này, Bắc Ninh hay Kinh Bắc được hiểu là tỉnh Bắc Ninh cũ gồm cả Bắc Giang ngày nay. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi di sản này có thể thay đổi theo thời gian, do các chủ thể văn hóa tạo ra.

Tuesday, May 6, 2014

Phát hiện thêm bia đá cổ nhất Việt Nam tại Bắc Ninh

Thứ sáu, 29/11/2013 - 09:03

Phát hiện thêm bia đá cổ nhất Việt Nam tại Bắc Ninh

Tấm bia hiện nằm tại nghè thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được phát hiện tháng 10-2013.

Kết cấu của bia gồm 2 phần: thân bia và đế bia; thân bia được tạo tác bởi một phiến đá lớn, phần đầu bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác tạo thành trán bia, hiện đã bị vỡ làm đôi; đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật nhìn rất đồ sộ. Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu thì kích thước của nó như sau: Phần thân bia (chiều cao: xấp xỉ 200cm; chiều rộng: xấp xỉ 100cm; chiều dày: 15 cm); Phần đế bia (Chiều dài: 136 cm; chiều rộng: 100cm; chiều cao: 30cm). 
  
Theo lời kể của nhân dân địa phương thì trước đây bia vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vết nứt chéo ngang thân bia, vào năm 1967 máy bay ném bom của Mỹ bị rơi trúng địa phận thôn Thanh Hoài, cách vị trí bia hiện nay khoảng 300 m theo đường chim bay, chuyên gia tháo gỡ bom mìn đến tháo gỡ những quả bom còn chưa nổ còn sót lại trong lòng đất đã quyết định cho nổ hết số bom đó. Bởi sự chấn động mạnh khi cho nổ bom khiến cho tấm bia bị vỡ làm đôi như hiện nay. 
 
Qua khảo sát chúng tôi thấy số chữ còn lại ở cả 2 mặt bia là khá khiêm tốn, khoảng gần 300 chữ, mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau. Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên (314) còn khoảng 120 chữ được viết theo phong cách Lệ thư; mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên (450) còn khoảng 150 chữ được viết theo phong cách Khải thư, nét chữ ở cả 2 mặt đều được khắc sâu và rõ nét. Bởi số chữ còn lại rất ít và không liền mạch, nên chúng tôi dựa vào những con chữ ghi chép về địa danh, về nhân vật, cùng với những ghi chép của chính sử để cố gắng khôi phục lại nội dung và tìm ra những vấn đề liên quan. Để tiện theo dõi chúng tôi quy ước văn bia chia làm 2 mặt: mặt thứ nhất (mặt có dòng ghi niên đại Kiến Hưng nhị niên); mặt thứ 2 (có dòng ghi niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên). 
 
Mặt thứ nhất: 
  
Vốn dĩ ở mặt này phần lòng văn được khắc chữ khá dài nhưng qua thời gian quá dài (khoảng 1699 năm), mặc dù với chất đá tốt, nét chữ sâu nhưng cũng không tránh được bong chóc làm tổn hại bề mặt bia nên số lượng chữ còn lại ít và không liền mạch như trên đã trình bày. Qua khảo sát, chúng tôi thấy bố cục lòng văn được chia làm 4 phần: tiêu đề chính; phần ghi lai lịch nhân vật được nhắc đến trong bia; phần bài minh và phần ghi dòng niên đại ở cuối cùng. 
 
Tiêu đề chính được ghi trên trán bia với 2 dòng chữ to: “TẤN(?) CỐ SỨ TRÌ TIẾT QUÁN QUÂN TƯỚNG/ [QUÂN] GIAO CHÂU MỤC ĐÀO LIỆT HẦU BI” (Văn bia ghi chép về Trì tiết Quán quân tướng quân (?) Giao Châu mục Đào liệt hầu nước Tấn). Qua tiêu đề của văn bia chúng ta biết được đây là văn bia ghi chép về nhân vật Đào Hoàng, từng làm Thứ sử Giao Châu. Đào Hoàng tự là Thế Anh, không rõ năm sinh, chỉ biết mất năm 300. (Do khuôn khổ một bài báo, không thể nêu chi tiết nội dung chúng tôi sẽ đề cập đầy đủ trong một dịp khác). 
 
Ở dòng cuối cùng của mặt bia này chúng tôi thấy có ghi dòng chữ “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt nhâm…” (tháng 9 niên hiệu Kiến Hưng năm thứ 2). Chúng tôi cho rằng đây chính là dòng ghi niên đại dựng bia, bởi đây là dòng chữ cuối cùng của mặt bia, bên cạnh dòng chữ này chúng tôi không thấy có dấu hiệu khắc thêm chữ. Về niên hiệu Kiến Hưng, theo khảo sát của chúng tôi thì từ sau năm Đào Hoàng mất (năm 300) cho đến nhà Tiền Lương thì có tới 7 lần niên hiệu Kiến Hưng được sử dụng. Trong vòng 57 năm (304 - 361) có đến 7 lần sử dụng niên đại Kiến Hưng, vậy thì niên đại Kiến Hưng được nhắc đến trong bia là niên đại nào? 
  
Giả thuyết thứ nhất, nếu theo logic về mặt thời gian thì niên hiệu Kiến Hưng của nhà Thành Hán là tương đối hợp lý, bởi theo niên đại này thì niên hiệu Kiến Hưng nhị niên sẽ là năm 305, tức 5 năm sau khi ông qua đời. 
  
Giả thuyết thứ hai, theo chúng tôi thì đây là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế (313 - 317) vì sau khi Đông Ngô hàng Tây Tấn thì Đào Hoàng lại trở thành đại tướng dưới triều đại này. Nếu tính từ khi ông mất cho đến niên đại Kiến Hưng thứ 2, tất cả là 14 năm (từ năm 300 đến năm 314), cũng không phải là khoảng thời gian quá lâu cho việc dựng bia. 
  
Thêm vào đó, trên tiêu đề được ghi ở trán bia: “TẤN(?) CỐ SỨ TRÌ TIẾT QUÁN QUÂN TƯỚNG [QUÂN] GIAO CHÂU MỤC ĐÀO LIỆT HẦU BI” (Chữ TẤN chỉ còn bộ VIẾT phía dưới, chữ QUÂN trong ngoặc đứng mất hẳn, đọc theo vị trí chữ và chức phong của nhà Tấn cho Đào Hoàng trong Tấn thư). Với những cứ liệu trên, chúng tôi cho rằng dòng niên đại được nhắc đến trong bia rất có thể là niên hiệu của Tấn Mẫn Đế, tức niên hiệu Kiến Hưng nhị niên (314).
  
Mặt thứ 2: 
 
Ở mặt bia này không thấy khắc tiêu đề chính trên trán bia mà chỉ thấy khắc phần nội dung. Căn cứ vào bố cục trình bày chúng tôi thấy toàn bộ phần nội dung được khắc thành 8 dòng, gồm khoảng hơn 160 chữ, số chữ có thể đọc được khoảng gần 150 chữ, còn lại là những chữ bị mất. Chúng tôi cho rằng đây là một bài văn bia hoàn chỉnh, có nội dung ghi chép về việc tu sửa công trình thờ tự viên tướng Đào Hoàng từng cai trị đất Giao Châu. 
 
So với tấm bia tháp xá lợi có niên đại 601 mà nhân dân xã Trí Quả, huyện Thuận Thành đã hiến tặng cho bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hồi năm trước (2012) thì tấm bia đá ở nghè thôn Thanh Hoài (nêu trên) là tấm bia có niên đại sớm hơn, nhưng đáng tiếc bia này lại bị vỡ làm đôi, chữ khắc ở 2 mặt bia đã mờ và mất nhiều. Qua khảo sát bước đầu chúng tôi mới thấy được nội dung ghi chép về thân thế sự nghiệp của nhân vật lịch sử Đào Hoàng, là một viên tướng của Trung Quốc, sống dưới hai triều Đông Ngô và Tây Tấn, từng cai trị nhiều năm ở xứ Giao Châu. Mặc dù tấm bia này giờ đã bị vỡ làm đôi, chữ khắc ở hai mặt đã bị mờ và mất nhiều nhưng nó vẫn có giá trị tiêu biểu dưới góc độ “bảo tàng”.

Lê Viết Nga - Nguyễn Phạm Bằng

Thursday, May 1, 2014

Thăm Họ Hàng ở Sài Gòn on the Last Minutes - Tony Thắng Đinh

Thăm Họ Hàng ở Sài Gòn on the Last Minutes. TTD.

Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi VN, tôi cảm thấy bùi ngùi và bắt đầu mang nhiều nỗi nhớ nhung. Một phần thì lo lắng cho chuyến về và những công việc còn đang dang dở ở Hoa Kỳ, một phần thì lại suy nghĩ mình không biết chuyến tới về VN vào dịp nào, đây là cơ hội tốt nhất để thăm Bà Con họ hàng, mình đã thăm những người lớn tuổi, bây giờ mình sẽ cố gắng thăm anh em ngang vai vế với mình, được người nào hay người nấy. Cho nên tôi đã cố gắng tận dụng cơ hội ở VN để thăm anh em trong họ tới giờ phút cuối cùng.

Tôi đã liên lạc anh Nguyễn Văn Đảng, anh ở Biên Hòa, không tiện cho tôi lên thăm anh, nhưng sau khi anh biết tin tôi đang ở Việt Nam, anh rất hân hoan hớn hở sắp xếp đến nhà, trước là thăm Bác, sau là anh em có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Khoảng 9:30 sáng, anh đã có mặt ở Ông Tạ, anh được anh Ất dẫn sang mừng tuổi Bác. Sau đó anh bắt tay tôi và nói liền: "Em phải gọi bằng anh Thắng mới đúng, mặc dù em lớn tuổi hơn anh, giấy rách phải giữ lấy lề, đây là văn hóa VN mà Cha Ông chúng ta đã truyền lại cho con cháu." Tôi vội đáp lại: "Không sao hết, gặp nhau là qúy rồi." Trước đó anh và tôi có email qua lại hỏi han nhau, tôi quen xưng hô là anh Đảng, cho nên cũng hơi khó sửa ngay lập tức. Dù sao đi nữa, anh em chúng tôi vẫn hiểu về sự liên hệ họ hàng trên dưới là được rồi.

Bà Phan Thị Yêm và Nguyễn Văn Đảng.

Tôi xin mạn phép nói riêng về anh Đảng một chút. Nguyễn Văn Đảng là tôi đã được nghe danh anh từ trước năm 1975. Lúc bấy giờ, chị Hiền nhà tôi học ở Đại Học Văn Khoa, sau này mới biết vợ anh Đảng là bạn học cùng lớp với chị Hiền, có mượn sách nhau. Chị Hiền có kể rất nhiều về "Cậu Nguyễn Văn Đảng" cho tôi nghe. Chị Hiền ca tụng anh Đảng và một số anh em họ hàng khác trong lứa tuổi của chị như anh Hiến chẳng hạn, anh Đảng có phần trội không kém những anh em khác. Chị Hiền ca tụng anh Đảng là nhà nghèo mà học tới nơi tới chốn, thi đâu đậu đó, còn anh Hiến là người đầu tiên trong họ hàng mà tốt nghiệp ngành Dược Khoa với văn bằng Dược Sỹ năm 1972. Còn anh Đảng là Giáo Sư Anh Văn ở quân trường Không Quân Nha Trang, sau này anh chuyển về dạy ở trường Quốc Gia Võ Bị Đà Lạt. Hai anh Hiến và Đảng rất nổi tiếng lúc bấy giờ, chị Hiền trầm trộ khen ngợi nhiều lắm. Hôm nay, tôi có dịp gặp anh lại, lần đầu tiên tôi gặp anh Đảng ở Đám Ma thân phụ tôi vào tháng 12-2007, không tiện nói chuyện nhiều với anh vì tang gia bối rối, cho nên hôm nay tôi tận dụng thời gian tối đa để tìm hiểu chi tiết hơn về cuộc đời của anh Đảng. Tôi có lập một cuộc phóng sự nho nhỏ để hỏi về tiểu sử của anh. Anh Đảng tính tình rất vui vẻ, cởi mở, và khiêm nhường.

Anh Đảng sinh năm 1948 ở làng Dũng Vy Bắc Ninh, anh di cư vô Nam với Mẹ mà thôi. Anh đã sinh sống ở Phước Lý, nhà rất nghèo, các Cha thương hoàn cảnh gia đình anh và đem anh vào ở chung với Cha và Thầy ở Phước Lý. Vì được ở gần Cha, anh Đảng đã học hỏi được rất nhiều về mọi mặt, nhất là môn ngoại ngữ Pháp Văn. Cha và các thầy đã truyền đạt cho anh một vốn liếng khá lớn về ngoại ngữ Pháp, anh có học kèm theo Anh Ngữ nữa. Khi thi Tú Tài xong, anh thấy tình hình Anh Ngữ càng ngày càng gia tăng và nhiều người sử dụng trong thời gian cuối thập niên 60 và đầu thập niên 1970, anh đã nhanh chóng đổi thế cờ để luyện Anh Ngữ, anh đã trúng tuyển vô dạy Anh Văn trong trung tâm sinh ngữ Quân Đội. Anh được đi Mỹ huấn luyện vào cuối thập niên 60 ở Texas. Anh trở về VN dạy Anh Văn ở quân trường Nha Trang cho binh chủng Không Quân. Đến năm 1972, anh được chuyển qua dạy Anh Văn ở Trường Quốc Gia Võ Bị Đà Lạt, anh có nói thêm là anh Đinh Công Luy dạy môn Sử Địa cùng với anh ở Võ Bị Đà Lạt.

Nguyễn Văn Đảng và Tony Thắng Đinh.

Sau khi Sài Gòn bị thất thủ năm 1975, anh bị đi cải tạo vài năm, nhà anh đã dọn đi làm ruộng ít năm để tránh đi Kinh Tế Mới, làm ruộng rãy thấy không xong, con cái lại bị thất học, anh đi học tập cải tạo về, anh đem gia đình về lại Thành Phố Biên Hòa và làm lại từ đầu. Anh thuật lại: “Vào giữa thập niên 1990, không biết từ đâu mà họ tìm ra anh Đảng là Giáo Sư Anh Văn trước năm 1975”, anh bất ngờ nhận được rất nhiều học sinh từ tứ phía nhờ anh dạy kèm Anh ngữ, những học sinh đủ mọi tầng lớp trong xã hội: cán bộ (cỡ thượng cấp), người dân sắp đi đoàn tụ ở Mỹ, Canada, Úc Châu, các tu sỹ nam nữ, các em học sinh sửa soạn đi Du Học, vv... Từ đó anh đã mở lớp dạy Anh Văn, đến bây giờ anh và người con trai của anh đang dạy Anh Văn tại gia. Anh tâm sự rằng: Chúa ban cho anh và gia đình đủ ăn, có nhà cửa như mọi nhà khác, cho nên anh dạy Anh Văn chỉ lấy học phí tượng trưng, chứ không chủ trương làm giầu. Chủ yếu của anh bây giờ là dạy cho các tu sỹ nam nữ và dạy luyện thi cho các em trước khi vào Đại Học ở Hải Ngoại và những Đại Học quốc nội. Anh nói rằng số học sinh của anh gần như 99 phần trăm là có kết quả rất mỹ mãn.
  
 Thắng, Bà Phan Thị Yêm, Nguyễn Văn Đảng, Nguyễn Văn Ất.

Bố Mẹ tôi rất qúy mến anh từ lâu, cho nên cũng hay kể chuyện về gia đình anh cho anh em chúng tôi nghe, nhất là chuyện của Bố anh Đảng bị bom nổ ở sân nhà (ở Dũng Vy trước năm 1954) làm mù mắt, và nói là anh Đảng giống Bố anh ấy như đúc. Thật là may mắn cho tôi mới có dịp tâm sự với anh Đảng. Anh em nói chuyện về họ hàng, chuyện nhà thờ, anh Đảng cũng hoạt động giúp nhà thờ rất nhiều. Đặc biệt anh cũng thích làm thơ, anh có tặng cho tôi một bài thơ chúc Tết cho vui (thơ do anh Đảng sáng tác):

Ngựa hí chào Xuân sang Giáp Ngọ
Năm mới huy hoàng rước lộc to
Mã đáo thành công, thời vận đỏ
Gia đình hạnh phúc quẳng âu lo.

Anh hỏi thăm họ hàng và kể cho tôi nghe những anh cùng lứa tuổi với anh là anh Hồng (anh Bốt nhà Bác Vui), và anh Hiến. Anh nói: "Anh rất thân với hai anh này, anh chuyển lời hỏi thăm tới anh Hồng và anh Hiến, anh luôn mong có dịp gặp lại Bà Con Họ Hàng lắm". Tôi xin mượn nơi đây để kính chuyển lời của anh Đảng hỏi thăm các Bác, Cô-Cậu, Chú-Dì và tất cả anh em trong họ. Nhà tôi có mời anh lại dùng cơm, nhưng anh từ chối vì đã có hẹn với người con trai của anh. Anh em từ giã nhau, lần tới có dịp về VN, tôi nhất định ghé thăm gia đình anh Đảng ở Biên Hòa.  
  
Tôi đã cố gắng thăm họ hàng ở trong Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng, tôi đã nhờ Hải em rể đưa tới nhà một người mà tôi luôn kính trọng từ nhỏ, tôi muốn nhắc tới Thầy JM Lam Thy ĐVD.

Thắng, JM Lam Thy ĐVD.

Cổ nhân có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cho nên tôi luôn coi Cậu Diệm mãi là Thầy của tôi. Tôi rất ngại khi viết về Thầy mình, sợ rằng nhiều sự hiểu lầm không đáng, hơn nữa sợ rằng thiên hạ cho mình đang lau bóng tên tuổi của Thầy mình. Như qúy đồng hương cũng biết tên tuổi JM Lam Thy ĐVD đã và đang có tiếng vang rất xa trong thập niên vừa rồi ở phương diện truyền thông báo điện tử toàn cầu. Qúy vị cứ vô lướt web ở Google, rồi gõ “JM Lam Thy”, kết quả sẽ có rất nhiều bài vở của Lam Thy trên nhiều trang mạng khác nhau ở trong và ngoài nước VN, có những trang mạng tên tuổi như VietCatholic News ở Hoa Kỳ. Bài vở của JM Lam Thy rất có giá trị, nhiều nơi đã lấy làm tài liệu để tham khảo và giảng dạy, chẳng hạn như “Nhân Bản Học Kitô Giáo”, như nhà dòng dùng làm tài liệu để đưa vào đề tài giảng dạy theo chương trình. Hơn nữa, có những nơi đã ngộ nhận JM Lam Thy là Linh Mục. Có một lần chính tác giả JM Lam Thy đã phải đính chính cho một tòa báo Lam Hồng thuộc Giáo Phận Vinh để khỏi lầm lẫn. Tôi cũng thấy tếu là chính JM Lam Thy không biết gì hết, thiên hạ cứ âm thầm lấy bài vở đăng lên báo của họ tỉnh bơ, tôi là người đã thông báo cho Cậu Diệm biết về nhiều tòa báo điện tử (Electronic News) đã đăng bài của Cậu, lúc đó Cậu mới lần là tìm ra. Đây là một bất ngờ rất được trân trọng và qúy mến. Đây cũng chính là món quà tinh thần và là động lực cực mạnh để Thầy có nhiều nghị lực cầm bút tiếp tục nghiên cứu phúc âm để phục vụ cho giáo hội và xã hội.

JM Lam Thy ĐVD

Qua những thành công mỹ mãn làm giảng viên cho Dòng Ba Đa Minh Bắc, Trung, Nam Việt Nam hơn một thập niên vừa qua... Thầy cũng có nhiều chiến công oanh liệt, và mang nhiều thành quả, cho nên có rất nhiều Bằng Khen ở khắp nơi. Tôi đến nhà Thầy hai lần và có chuyện trò rất cởi mở, tình cờ tôi bắt gặp một tấm bằng khen của Tòa Thánh Roma do Đức Thánh Cha Bê-Nê-Đictô XVI ban tặng vào ngày 14-2-2013, tôi có chụp tấm bằng khen này. Đây là niềm hãnh diện cho bản thân JM Lam Thy và cũng là niềm hãnh diện chung cho cả họ hàng.

                                 
Hai thầy trò nói chuyện tán gẫu từ chuyện học đến chuyện đời. Thầy có nói là văn bằng Cử Nhân của Thầy là Cử Nhân Hán-Việt do Đại Học Văn Khoa cấp trước năm 1975. Thầy có cho tôi xem một vài cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Việt Nam, nét chữ của Thầy năm xưa rất rõ nét, ít nhiều tôi cũng nhớ lại những năm tháng tôi bị gõ đầu ở nhà Thầy. Thấm thoát thế mà đã hơn 40 năm…!        
  
Nói đến Chữ Nghĩa, hai cậu cháu có nói chuyện chữ Việt Nam mình đã bị thay đổi khá nhiều so với thời trước năm 1975, Thầy kể cho tôi rất nhiều chuyện cười ra nước mắt trong thời gian Thầy còn đi dạy sau năm 1975, tôi nhớ không hết những chuyện cười có thật đã xảy ra trong cuộc đời nghề Giáo của Thầy.

 JM Lam Thy ĐVD

Nhận tiện đây, tôi muốn giới thiệu đến qúy đồng hương một bảng ngữ của một trung tâm dạy luyện thi hay dạy kèm, trường này ở ngay sát bên nhà Mẹ tôi đang ở. Tôi thấy bảng ngữ này lạ quá, cho nên chụp một tấm hình làm bằng chứng để mình cần học hỏi nghiên cứu thêm, bảng ngữ viết rất to và rõ: "Trung Tâm Bồi Dưỡng Văn Hóa", tôi đọc tiếp mấy hàng chữ nhỏ hơn và in ở dưới, thì tôi mới hiểu là trung tâm này dạy luyện thi hay dạy kèm về Toán-Lý-Hóa-Sinh (Hóa Học và Sinh Vật, trước 1975 Sinh Vật là môn Vạn Vật) và ngoại ngữ Anh Văn. Nếu không đọc tiếp mấy chữ nhỏ thì tôi tưởng là trung tâm bán đồ ăn cho Văn Hóa, như là phụ nghĩa cho môn Ẩm Thực vậy. Thường thường tôi chỉ nghe là "Bổ Túc Văn Hóa" hay trung tâm luyện thi hay dạy kèm, đây là lần đầu tiên tôi được thấy một bảng ngữ treo giữa làng xóm như vậy và nghe nói là đã treo nhiều năm rồi, Trung Tâm khá nổi tiếng trong vùng ông Tạ.


Chuyện bên lề về chữ nghĩa đến đây tạm ngưng với Thầy. Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, đó là định luật. Tôi vội vàng chia tay Cậu Diệm và hứa sẽ trở lại dịp tới về Việt Nam thăm Cậu tiếp. Cậu cũng gửi lời thăm tất cả họ hàng nội ngoại xa gần. Bây giờ Cậu đã lớn tuổi và sức khỏe đã kém đi, xin qúy đồng hương thêm lời cầu nguyện cho Cậu Diệm cho Cậu có nhiều sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho Giáo Hội.

Kính chúc qúy đồng hương và họ hàng nội ngoại xa gần sức khỏe dồi dào và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.



Thân ái.  
Tony Thắng Đinh (TTĐ).  
Dallas, Texas ngày 29 tháng 4, năm 2014.  
  
Tái Bút:  
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm tạ Blog KYDV đã cho tôi cơ hội tham gia và viết phóng sự cho chuyến đi VN vừa qua.
----------

Ghi chú của Blog KYDV:
Quý vị cũng có thể xem bài này tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Thắng