Thursday, October 24, 2013

Dũng Vi tổng các xã thần sắc‏ (Dẫn giải) - Đinh Văn Diệm


From:Van Diem Dinh (lamthydvd@gmail.com)
Sent:Thu 10/24/13 2:41 AM
To: Thức Đinh (dthuc@live.com); Tony Thang Dinh (todi_1999@yahoo.com); Tuyen Dinh (tuyend@yahoo.com); Khai Nguyen (phaolo200930@yahoo.com)

1 attachment (91.2 KB)

Cháu Thức,
 
Chú vẫn nhớ, trước 1945, thì làng nhà được gọi là làng Dũng Vy, xã Dũng Vy, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau 1945, đổi thành xã Tri Phương. Các cụ vẫn nói Dũng Vy là “nhất xã tam thôn” – một xã 3 thôn: thôn Ngoài (thôn Giáo), thôn Trong (thôn Lương) và thôn Đinh. Lúc đầu chỉ có 2 thôn (được Vua ban chiếu chỉ đàng hoàng) là thôn Đinh và Thôn Lương. Về sau, thôn Lương lại chia thành 2 thôn nhỏ hơn và gọi là thôn Ngoài và thôn Trong. Khi Dũng Vy tòng Giáo, chỉ có thôn Ngoài theo Đạo, nên thôn này được gọi là thôn Giáo, và thôn Trong được gọi lại đúng tên từ trước: thôn Lương. Như vậy thì phải hiểu từ xa xưa, xã Dũng Vy chỉ có 2 thôn: Thôn Đinh + Thôn Lương và có Sắc Chỉ của Vua ban đàng hoàng (敕 紙 sắc chỉ: Chiếu thư của nhà vua).
 
Triều đại phong kiến coi Vua là Thiên tử (con Trời) nên để tôn kính thường gọi là Thần vương Thánh đế. Vì thế, sắc phong hay chiếu chỉ vua ban thường gọi là Thần sắc, Thánh chỉ (chiếu chỉ của thần thánh). Vậy đoạn văn “BẮC NINH TỈNH TIÊN DU HUYỆN DŨNG VI TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC ” phải được hiểu là: Sắc chỉ của Vua ban cho Tổng Dũng Vy, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chiếu chỉ sắc phong thôn Đinh do vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) ban, còn chiếu chỉ sắc phong thôn Lương là do vua Cảnh Thịnh (con của Quang Trung) ban:

BẮC NINH TỈNH, TIÊN DU HUYỆN, DŨNG VI TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC 北 寧 省 仙 遊 縣 勇 為 總 各 社 神 敕 (Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm)
 
1- Sắc phong thôn Đinh gồm 2 đạo (đạo : văn bản), 1 bản do Vua Quang Trung (Đại Vương), 1 bản do Hoàng Thái Hậu (mẹ của Vua Cảnh Thịnh, tức Hoàng Hậu của Quang Trung) ban cho người quyền quý số 1 (đệ nhất cao gia). Điều này (tên gọi “thôn Đinh”: thôn ấp của họ Đinh) càng cho thấy lời các cụ truyền lại là xác thực: “Cụ tiên tổ họ Đinh đã đến khai hoang lập ấp Dũng Vy, về sau mới quy tụ các họ khác”. Còn vì sao lại có vụ Hoàng Thái Hậu ban sắc chỉ ? Đó là vì khi vua Quang Trung mất (1792), hoàng tử Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh); vì vua còn nhỏ tuổi (10 tuổi) nên Hoàng Thái Hậu phải phụ việc triều chính (gọi là “nhiếp chính”). Đó là lý do giải thích tại sao chiếu chỉ của vua mà lại do Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua) ban hành.
 
2- Sắc phong thôn Lương cũng gồm 2 đạo: 1 do Vua Quang Trung, 1 do vua Cảnh Thịnh (lúc này đã chính thức làm vua), ban cho cùng một lúc 3 nhà quyền quý (đệ nhất cao gia, đệ nhị cao gia, đệ tam cao gia). Vua Cảnh Thịnh cũng chỉ ở ngôi vua được 10 năm (1792-1802) thì bị Nguyễn Ánh lật đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.
 
Cũng cần hiểu thêm về tên gọi Khê Lương: Ngòi nước tốt lành (Khê 溪 là khe nước, ngòi nước; Lương 良 là lương thiện, tốt lành). Đó chính là con ngòi Cầu Ve (còn gọi là Ngưu Giang) khơi nguồn từ góc làng phía đông nam (cổng Vườn Thứ), ôm sát lũy tre làng chảy qua Cầu Cung (phía nam làng), rồi quẹo theo lũy tre làng chảy về hướng bắc, tới Nghè Mậy (đầm Tam Giang) hợp lưu với nhánh ngòi chảy từ Đồng Xép (hướng tây bắc) rồi chảy về phía đông, mãi tới Lục Đầu Giang rồi đổ ra biển Đông (Thái Bình Dương). Ngòi Cầu Ve quãng từ Nghè Mậy tới Bờ Cừ vẫn được dân làng gọi là Tào Khê. Chính là chữ Khê trong Khê Lương vậy.
 
Ở Kỷ Yếu Dũng Vy số 1, chú đã viết: Ở ngay sát cạnh thôn Đinh có 2 di tích là Đền Vua và Trường bắn (xạ trường) Mả Ngụ. Được gọi là Đền Vua vì đó chính là nơi Vua thường ngự giá vi hành. Còn Mả Ngụ có lẽ là do từ Mã Ngự (ngựa của nhà vua) đọc trại (phát âm không chuẩn) mà thành. Một chứng tích khác chứng minh là từ Đền Vua đi vào thôn Lương có cổng Cầu Cung (求 恭 có nghĩa là kính cẩn cầu xin), đây là nơi Vua cầu phúc cho những lần ngự giá thân chinh xạ tiễn (nhà vua cưỡi ngựa bắn cung) tại xạ trường. Vì thế, dân làng khắc trên cổng 3 chữ “Phúc Lai Vi” ( có nghĩa “hành động đem lại sự tốt lành hạnh phúc”).
 
Ngoài ra, những con số (5086/ 48. AD. A7/ 27.) là những mã số của thư tịch.

Chú Diệm.

----------


From:Thuc Dinh (dthuc@live.com)
Sent:Wed 10/23/13 11:12 AM
To: Diem Dinh Van (lamthydvd@gmail.com)
 
1 attachment (91.2 KB)

Chào chú Diệm

Cháu tìm thấy văn bản cổ này trên kho thư tịch của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (Attached).
Văn bản này là gì? Có liên quan gì với Dũng Vy làng mình không? Chú rành về Hán văn nên có thể hiểu. Chú giải thích dùm cháu. Cảm ơn chú.

Chúc sức khỏe.
Cháu - Thức
----------

KYDV tìm thấy tài liệu Hán-Nôm mang tên "Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc", mang ký hiệu AD.a7/27 đăng trên mạng của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm. Nguyên văn như sau:

5086/ 48. BẮC NINH TỈNH TIÊN DU HUYỆN DŨNG VI TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC 北 寧 省 仙 遊 縣 勇 為 總 各 社 神 敕 - 1 bản viết, 14 tr., 32 x 22, chữ Hán.

AD. A7/ 27.

Thần sắc 2 thôn, thuộc xã Dũng Vi, tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
1. Thôn Đinh , xã Dũng Vi 勇 為: 6 tr., phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo).* Phong cho Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương 第 一 高 家...大 王; Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu 第 一 高 家... 隍 太 后.
2. Thôn Khê Lương 溪 良, xã Dũng Vi: 6 tr., phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo).* Phong cho Đệ Nhất Cao Gia, Đệ Nhị Cao Gia, Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương 第 一 高 家, 第 二 高 家, 第 三 高 家...大 王
 

No comments:

Post a Comment