Thursday, February 27, 2014

Tục Kết Chạ giữa các làng Quan họ cổ bên dòng sông Cầu

( 08:33 | 29/07/2013 )
 
Bắc Giang nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc, đi khắp các miền quê trong tỉnh ở đâu cũng có những làn điệu dân ca trữ tình. Đó là vốn di sản văn hoá phi vật thể quý giá góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca của dân tộc. Mỗi làn điệu dân ca ngân vang suốt chiều dài lịch sử phản ánh đời sống tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, con người Bắc Giang.
 
Đất Kinh Bắc xưa nơi có 49 làng Quan họ, duy chỉ có làng Diềm tên chữ là “Viêm Xá” có đền thờ thuỷ tổ quan họ gọi đền Vua Bà hay đền Bà Chúa. Gần đây khi nghiên cứu, điều tra quan họ bên bờ Bắc sông Cầu, tại làng Việt cổ Trung Đồng thuộc huyện Việt Yên, chúng tôi cũng thấy có đền Vua Bà, nhân dân địa phương còn gọi đền Bà Chúa. Nghiên cứu các thư tịch cổ, tư liệu Hán-Nôm từ văn bia, sắc phong thời Lê và thời Nguyễn ở đình, đền, chùa Trung Đồng cho hay làng Trung Đồng xưa thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Từ lâu đời làng này đã có tục kết chạ với làng Thượng Đồng và Hạ Đồng (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Đó là mối tình huynh đệ gắn bó ngàn đời giữa các làng quan họ cổ bên dòng sông Cầu. Tương truyền tục kết chạ bắt nguồn từ xa xưa khi Bà Chúa đưa dân về khai phá lập làng trong đó có các làng Trung Đồng, Thượng Đồng và Hạ Đồng, cả ba làng đều thờ Bà Chúa và có mối tình huynh đệ kết nghĩa với nhau. Nơi thờ chính vị chúa Bà là ở Thượng Đồng, Hạ Đồng, vùng Diềm (Bắc Ninh) và được coi là thuỷ tổ quan họ.
Liền chị Quan họ thôn Trung Đồng, xã Vân Chung, huyện Việt Yên - Ảnh: Ngọc Dưỡng
 
Đền thờ Bà Chúa làng Trung Đồng hiện nay toạ lạc ở trung tâm làng. Ngôi đền cổ kính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhị, bên trong hậu cung đặt tượng Bà Chúa tôn thờ. Đền còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị trong đó có tấm bia đá thời Nguyễn khắc chữ Hán có giá trị nghiên cứu khoa học. Tại chùa Trung Đồng cũng có ban thờ Bà Chúa, lại có đôi câu đối, nội dung ghi rằng: “Đại Việt lưu truyền tiếng tăm của bậc mẫu nghi thiên hạ, dấu tích linh thiêng còn mãi. Đạo cao đức trọng được triều Trần phong là bậc triều trung nữ Chúa có phẩm hạnh được tôn vinh”. Đặc biệt làng Trung Đồng còn lưu giữ được bản thần tích ghi lại sự tích và công trạng của Bà Chúa đại thể như sau: Bà Chúa là người Quả Cảm, Yên Phong, Bắc Ninh được vua Trần Anh Tông tuyển làm Hoàng phi, bà có nhiều công lao với dân với nước, đề xuất nhiều chủ trương về phát triển nông nghiệp, khai khẩn đất hoang, dạy dân cách ươm tơ dệt lụa. Là người đề xuất giữ gìn văn hoá dân tộc, phát triển dân ca, dân vũ vùng Kinh Bắc. Khi bà mất được nhà vua truy phong làm Hoàng hậu và cho dân thờ làm phúc thần ở Thượng Đồng, Trung Đồng và Hạ Đồng. Công lao của bà được các triều đại sau này ghi nhận phong tặng nhiều danh hiệu mĩ tự cao quý. Đời vua Lê Cảnh Hưng phong là đức Vua Bà. Các đời vua Nguyễn sau này đều có sắc phong với danh hiệu và mỹ tự cao quý.
 
Hàng năm, vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch, là ngày giỗ Bà Chúa nhân dân làng Trung Đồng lại sửa lễ sang chạ anh tức làng Thượng Đồng và Hạ Đồng thuộc tỉnh Bắc Ninh góp lễ tôn thờ Bà Chúa. Ngược lại ngày mười năm tháng Tám, ngày sinh Bà Chúa, hai làng Thượng Đồng và Hạ Đồng lại sửa lễ sang làng Trung Đồng thuộc tỉnh Bắc Giang dự lễ. Các ngày sự lệ ở hai bên đều có sinh hoạt hát quan họ giữa các chạ với nhau. Như vậy ở làng Trung Đồng bên bờ Bắc sông Cầu cũng có một ngôi đền nữa thờ Bà Chúa hay còn gọi đền thờ đức Vua Bà. Khảo sát và sưu tầm các bài dân ca quan họ ở làng Trung Đồng cho thấy các anh hai, chị hai ở đây hát những bài quan họ gốc rất cổ xưa mà ít thấy ở đâu có được ví như bài:
 
Trung Đồng - Hà Nội đâu xa,
đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Em là con gái Trung Đồng,
Hát bài thung dung,
Anh hai tài tử,
Ai lên Xứ Lạng,
Đi tìm bạn,
Lên chùa tìm cảnh mà chơi....,
 
Ông Hoắc Công Chờ đã ngoài 70 tuổi, một anh hai quan họ làng Trung Đồng kể: Trước kia trong làng có bọn chơi quan họ, vào các dịp lễ tết, hội hè, giêng hai, bọn quan họ trong làng thường đi hát giao lưu khắp các hội làng trong vùng Xứ Bắc, đặc biệt là thường hát trong các đám hội ở bờ Nam Sông Cầu cùng các chạ anh ở Quả Cảm, vùng Diềm, vùng Vát và vùng Lim (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bên bờ Bắc sông Cầu có vùng Nếnh, vùng phủ Lạng Thương… Do điều kiện kháng chiến đến những năm 1948-1954, sinh hoạt hát quan họ ở làng Trung Đồng cũng như nhiều làng khác bị gián đoạn. Tuy nhiên trong làng vẫn có những người yêu và chơi quan họ, hát quan họ khi điều kiện cho phép. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước nên việc sinh hoạt quan họ ở Trung Đồng được duy trì đều đặn hơn. Làng hiện có một đội quan họ là các anh hai, chị hai đã từng đi hát nhiều năm. Các thế hệ trẻ cũng đang được lớp đàn anh đi trước truyền dạy kinh nghiệm nhằm bảo tồn và duy trì vốn di sản văn hoá dân tộc.
 
Đồng Ngọc Dưỡng
 

Tuesday, February 25, 2014

Xuân Này Con Về - Đinh Văn Thắng (Tony)

Xuân Này Con Về.

Đối với những người trong quân đội VNCH trước năm 1975 (sau năm 1968 - Tết Mậu Thân) nói riêng và hầu như tất cả dân chúng miền Nam VN nói chung, và nhất là những người con xa nhà, mỗi khi Xuân về, chúng ta không thể quên nhạc phẩm “Xuân này con không về” của cố nhạc sỹ Nhật Ngân.

Tôi rời VN vào Hè năm 1981, đã 33 năm không về VN vào dịp Tết được, cứ Xuân đến rồi Xuân đi, tưởng rằng sẽ không bao giờ về ăn Tết với Mẹ Già nữa. Nhưng đến năm nay (năm thứ 34), bất ngờ bị thất nghiệp, tôi đã tranh thủ để về VN mừng Xuân và thăm Mẹ Già cũng như thăm họ hàng, thầy trò, bạn hữu vào dịp Tết năm nay. Một chuyến đi thật bất ngờ cho cả bản thân tôi và gia đình. Chuyến đi lần này không dự định mà lại đi được, ngược lại 33 năm trước cố gắng đi thì lại không kỳ nào về VN vào dịp Tết được cả. Chuyến đi lần này đã cho tôi quá nhiều ngạc nhiên và thú vị. Tôi đã cố gắng đi thăm họ hàng trong Sài Gòn, nhất là những người lớn tuổi như dì Cuông (Phan Thị Xin), dì Chỉ, cậu Nguyễn Tuyển Thiệm, bác Hậu gái, cậu Diệm, bác Tòng, chú Hoàn (chồng dì Đinh Thị Lộc) vv...  Định đi Phước Lý, Bảo Lộc và Đà Lạt, nhưng tôi đã không còn đủ thời gian nữa, cho nên đành hẹn lại dịp khác vậy. Sau đây, tôi sẽ lần lượt tường thuật lại chuyến viếng thăm họ hàng của từng gia đình mà tôi đã đi thăm.

Người đầu tiên, tôi xin giới thiệu đến qúy đồng hương thân mẫu của tôi là bà Phan Thị Yêm, năm nay bà 86 tuổi (tính theo tuổi ta, bà sinh năm 1929).

Vào 11:45 đêm ngày 31-1-2014 (tức ngày mùng 1 Âm lịch - Tết), tôi về tới phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã về bất ngờ, không báo cho ai biết, chỉ riêng cho hai đứa cháu Bi và Boy (Sơn và Hùng con của chị Hiền).

Hai cháu cũng giữ bí mật để tạo bất ngờ cho Mẹ Già và gia đình. Giữa đêm mùng Một là tôi đã đặt chân tới nhà chị Hiền, nhưng giờ đó Bà đã an mạnh trong giấc ngủ thường ngày, cho nên đành phải chờ thêm vài tiếng nữa mới báo cho Mẹ Già biết. Tôi đã thức trắng đêm. Đêm thật là dài, giờ giấc bị thay đổi, không có cách nào ngủ được, tôi cứ thao thức và ôn lại kỷ niệm cũ và đứng balcony (băng công) nhìn vào xóm vắng. Xóm làng đã bắt đầu chìm sâu trong màn đêm, lúc này đã làm tôi liên tưởng đến nhạc phẩm Xóm Đêm của nhạc sỹ Phạm Đình Chương “Xóm vắng im lìm…! Nghe ai thoáng ru câu mến trìu, Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều…!”

Tôi đã cố nằm thiếp đi để cho đêm ngắn lại, thế rồi lúc 4:30 sáng, tiếng chuông nhà thờ An Lạc bắt đầu đổ rầm rộ, tiếp đó 4:45 tiếng chuông nhà thờ Tân Chí Linh, nhà thờ Nam Thái nối đuôi nhau liên tục vang dội khắp xóm làng. Tiếng gà gáy, tiếng xe Honda đã bắt đầu nối đuôi nhau, thi thoảng lại có chen vào những tiếng rao hàng rong “bánh mì nóng, bánh chưng, bánh dày nóng vv…!” Thật là thú vị, đã lâu lắm rồi tôi lại được nghe, thấy và cảm nhận được hương vị xóm làng và cuộc sống đời thường của Sài Gòn, được nghe những tiếng chuông Nhà Thờ đổ rầm rộ, được nghe tiếng rao hàng rong, được nhìn lại cảnh người buôn thúng bán bưng, nhìn thấy những nhọc nhằn của người bán hàng rong, thật là tội nghiệp, dù chỉ là mùng Hai Tết đã bắt đầu phải lăn lộn trong cuộc sống…!  

Cuối cùng cũng đến lúc Mẹ Già đã nhận được sự Ngạc Nhiên mà tôi mang đến cho Mẹ. Nhìn vào đồng hồ đã 6:30 sáng, tôi vội vàng đi thăm Bà (tức là tôi ở từ nhà chị Hiền, Mẹ ở nhà gần đó). Bất ngờ Mẹ Già và tôi đã gặp nhau, lời đầu tiên tôi gặp Mẹ và thốt lên câu: “Mẹ ơi, Xuân Này Con Về rồi.”  Bà vui quá sức, Bà không nói nên lời, chỉ biết cười và rươm rướm nước mắt. Sau đó, Mẹ tôi nói: “Con về sao không báo cho Mẹ biết ?”. Tiếp đó Bà bảo tôi qua nhà anh Ất - chị Khuyên báo cho anh chị ấy biết. Thật là bất ngờ, cả nhà ai cũng vui mừng. Chị Khuyên tôi (vợ của anh Ất) lăng xăng chạy ra vào và nói “Chị mừng quá, cậu về mà chẳng báo gì cả…! Thế rồi mọi chuyện đâu vào đấy.

Về vào dịp Tết thật là thú vị, có bà con đến chúc Tết gia đình, tôi đã gặp khá nhiều bà con họ hàng qua chúc Tết cho Bà như vợ chồng anh Thông con bác Hậu, anh giáo sư Anh văn Nguyễn Văn Đảng ở Biên Hòa, Thái và Lâm con dì Chỉ, thêm đó Duyên và người chồng ở bên Pháp về ăn Tết nữa, chị Ven, vv….

Qua tới ngày mùng Ba Tết, 9 giờ sáng tôi đã chạy qua Chúc Tết người Thầy năm xưa + người Cậu đã giúp tôi luyện thi lớp 6 vào năm 1972-1973, cũng nhờ người Thầy này mà tôi đã vượt qua vòng thi tuyển (3600 thí sinh, chọn có 360 em), và tôi đã thực sự bước vào ngưỡng cửa trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền năm 1973, bây giờ gọi là Trung học Phổ Thông, tức cấp 3. Trước kia, trường này mang tên “Trường Trung Học Tân Bình”, đến niên khóa 1974-1975 trường được đổi tên Trung Học Nguyễn Thượng Hiền cho đến ngày nay. Theo Bộ Quốc Gia Giáo Dục trước năm 1975, Trường Trung học này dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Sau năm 1975, trường có sự thay đổi và chỉ dạy Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Tôi muốn nói đến Thầy JM Lam Thy ĐVD. Thật là vui mừng khi gặp lại Thầy. Chuyện trò thật say mê, học hỏi từ chữ Nho đến chuyện nhà thờ GX Dũng Vy vv…



Hôm đó quá vội vàng đi chúc Tết Cậu, cho nên không mang máy ảnh theo. Mãi tới ngày cuối cùng trước khi về lại USA (ngày 19-2-2014) tôi mới trở lại thăm Cậu và từ giã Cậu, luôn thể chụp hình và học hỏi cũng như ôn lại kỷ niệm. Hai Cậu Cháu chuyện trò rất vui vẻ và cởi mở…! Bài tới tôi sẽ viết nói thêm về cuộc viếng thăm Thầy JM Lam Thy ĐVD. 

Từ từ tôi sẽ viết để tâm sự cùng qúy đồng hương câu chuyện viếng thăm những người họ hàng khác như dì Cuông, dì Chỉ, vợ chồng Nhan (con chú Đinh Công Khảo), hai chị Uyên (Bốt), chị Thúy con ông Nguyễn Văn Sở (ông Bốt), bác Đinh Quang Tòng, bác Tân, gia đình chú Hoàn, ông Nguyễn Tuyển Thiệm và gia đình chị Hữu ở Long Giao - Long Khánh, anh Đinh Văn Hồng con ông Chẩn ở Đồng Xoài (trước kia ở Phước Lý) và một vài người nữa. Tạm thời dừng bút và hẹn gặp lại qúy vị vào bài kế tiếp.

Dallas Texas, ngày 25-2-2014.
Tony Thắng Đinh. 

-----------
Ghi chú của Blog KYDV:

Quý đồng hương và bạn đọc cũng có thể xem bài viết này tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Thắng.

Friday, February 21, 2014

Danh sách các lễ hội ở Bắc Ninh (Tháng 2)

Lịch một số lễ hội ở Bắc Ninh (Tháng 2) 

  • Mùng 4: Hội Đình Đông - Đình Đoài, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (hai đình chung một hội)
  • Mùng 6
    • Hội Đình Làng Đông Côi (Thôn Cả - Thị Trấn Hồ - H. Thuận Thành - TP. Bắc Ninh).
    • Hội Đình làng Dương Húc (Đại Đồng - Tiên Du), lễ rước Thành hoàng có công dẹp giặc Ân giúp nước.
    • Hội đình Keo ở Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn
    • Hội làng Nghĩa Chỉ ở Nghĩa Chỉ, Minh Đạo, Tiên Du.
  • Mùng 6-­2:
    • Hội trình nghề ở Phương La Đông, Phương La Đoài (Tam Giang,­ Yên Phong).
    • Hội làng Tiêu Long, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 7:
    • Hội đền Đức Vua Bà (Thuỷ tổ Quan họ) làng Viêm Xá (Diềm) ở xã Hoà Long, huyện Yên Phong.
    • Hội làng Hồi Quan nơi thờ đức thánh tam quang ở xã Tương Giang thị xã Từ Sơn
    • Hội Chùa Đài hay còn gọi là chùa Kim Đài, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn
  • Mùng 7­-15:
    • Hội tranh cây mộc tất làng Long Khám ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
  • Mùng 7-9:
    • Hội làng Tiến Bào ở Tiến Bào, xã Phù khê, thị xã Từ Sơn
    • Hội làng Nguyễn Thụ ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
    • Hội làng Lễ Xuyên ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
    • Hội làng Yên Lã ở phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn.
    • Hội chùa Tiêu ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 8-9:
    • Hội làng Hưng Phúc ở xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn
  • Mùng 8­-10:
    • Hội làng Cẩm Giang ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 10:
    • Hội làng Đại Vi, xã Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh
    • Hội làng Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, thờ Lê Văn Thịnh (Thủ Khoa Đại Việt đầu tiên)
    • Hội làng Dương Lôi (Đình Sấm) ở phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn để kỷ niệm ngày mất của bà Phạm Thị, mẹ Lý Công Uẩn.
    • Hội làng Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Kỷ niệm ngày sinh của ông bà Phụ Quốc Đại Vương TRẦN QÚY và Minh Phúc Hoàng Thái Hậu PHƯƠNG DUNG, người có công cứu mạng Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ). Tưởng nhớ ớn hai anh em vị tướng ĐÀO LẠI BỘ người có công giúp Thục Phán AN DƯƠNG VƯƠNG đánh giặc Triệu Đà xâm lược.
    • Hội làng Đông Phù (Phú Lâm, ­Tiên Du) có trò rồng rắn đuổi bệt.
    • Hội làng Đại Mão, xã Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh
  • Mùng 10 - 12:
    • Hội Làng Yên Mẫn, phường Kinh Bắc, Thành phố Bắc Ninh
  • Ngày 14:
    • Hội chùa Hàm Long ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
  • Ngày 14­-15:
    • Hội chùa làng Nghiêm Xá ở xã Việt Hùng, huyện Quế Võ.
  • Ngày 12­-16:
    • Hội đình Đình Bảng (Đình Bảng, ­Từ Sơn) có đón chạ Cẩm Giang và thi đấu vật.
    • Ngày 17: Hội làng Nghi An (Trạm Lộ - Thuận Thành) rước phật, đá bóng, bóng chuyền, đánh đu, chọi gà, hát quan họ.
    Lễ hội tưởng niệm Đức Thánh Tam Giang, Vọng Nguyệt là nơi có đền thờ chính thờ Trương Hống (trong số 300 làng thờ Đức Thánh Tam Giang) - người anh cả trong gia đình có năm anh em, đã có công giúp Triệu Việt Vương đánh giặc và sau này hiển linh giúp Lê Đại Hành (981), Lý Thường Kiệt (1076) trong kháng chiến chống quân Tống. Tương truyền ông và người em - Trương Hát đã đọc bài thơ Nam quốc sơn hà trong các cuộc kháng chiến đó.[6][7]
      • Ngày 26: Hội làng Tiến Sĩ Kim Đôi ở xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh.
      • Ngày 28: Hội chiến thắng Như Nguyệt ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong.

    Source

    Phúc-âm-hóa đời sống gia đình - Dạy giáo lý - JM Lam Thy Đinh Văn Diệm

    PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
    DẠY GIÁO LÝ


    Shape

    DẪN NHẬP : 

    Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra định hướng căn bản “Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin Ki-tô giáo”. Định hướng này được thực hiện bằng kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):

    – Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình.
    – Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn.
    – Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội. (Thư Chung 2013, số 4)

    Như vậy, năm 2014 tập trung vào kế hoạch “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Để Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, “hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.” (Thư Chung 2013, số 6). Điều đó cho thấy cần phải đặt lại vấn đề Giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình, nhất là vấn đề Dạy Giáo Lý cho con trẻ, vì đó là những nhân tố căn bản cho việc xây dựng gia đình, đồng thời khi trưởng thành sẽ là “đạo binh các giảng viên Giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần Tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.” (SL “Truyền Giáo – Ad Gentes”, số 17). 

    Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ nhiều khi vì bận lo sinh kế cho gia đình, đã phó mặc việc giáo dục cho nhà trường (giáo dục văn hóa) và khoán trắng cho các lớp Giáo Lý trong Giáo xứ (giáo dục đức tin). Riêng vấn đề dạy Giáo Lý, nhiều khi có điều kiện, có thời gian để có thể thực hiện được công việc ấy, thì nhiều phụ huynh lại thầm nhủ: “mình thì biết gì về Giáo Lý mà dạy với dỗ!” Đó phải chăng là một mặc cảm tự ti không nên có? Thực ra, việc dạy Giáo Lý là việc của tất cả mọi Ki-tô hữu, như Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifideles Laici” (số 7) đã khẳng định: “Theo nghĩa đó, mọi Ki-tô hữu chúng ta đều là Giáo Lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục, mà trong đó "mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác”. Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục VN (số 21) cũng nhấn mạnh : “Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em mình" (x. Lc 22, 31-33); Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta.” 

    Trong phạm vi một bài viết giới hạn, chỉ xin được đặt lại vấn đề này một cách đơn giản và ngắn gọn, với mục đích trước hết là để “tự huấn luyện” bản thân như lời dạy của Chân phước Gio-an Phao-lô II (nêu trên), và sau là xin được cùng chia sẻ với tất cả những Ki-tô-hữu-giáo-lý-viên đồng hành. 
    ......


    -----------

    Ghi chú của Blog KYDV:

    Blog KYDV mới nhận được Bài "Dạy Giáo Lý" do tác giả đồng hương JM Lam Thy Đinh Văn Diệm gởi cho Blog hôm nay 21-02-2014. Bài viết khá dài, xin được trích đăng Phần Dẫn Nhập.

    Quý đồng hương và bạn đọc có thể xem đầy đủ bài viết tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm

    Wednesday, February 19, 2014

    Chuông vàng gác cửa Tam quan - Dân ca Quan họ - Tốp ca



    vienncan hue
    Published on Jan 22, 2013

    Sách cổ miền Kinh Bắc

    Thứ Hai, 26/11/2012, 15:50'

    Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến...
      
    Bia 25 Tiến sĩ làng Kim Đôi.
     
    Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người.
     
    Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến... Quả vậy, hệ thống thư tịch cổ miền Kinh Bắc còn lại đến nay khá phong phú, đa dạng, tương đối lâu bền giúp hậu thế hiểu được cuộc sống xa xưa của cha ông, qua đó là những tinh hoa văn hoá truyền lại. Hệ thống thư tịch cổ chưa được thống kê và khai thác đầy đủ, thậm chí có nơi còn làm thất thoát, nhưng chỉ với số ít lượng thư tịch cổ này được khai thác sử dụng cũng đã làm sáng danh miền quê văn hiến.
     
    Ngoài những thư tịch trên chất liệu giấy thông thường như gia phả, sắc phong, thần tích, ta còn thấy có những chất liệu bền vững khác là sách đá, sách đồng và sách gỗ.
     
    Sách đá là khắc chữ trên chất liệu đá, còn lại phổ biến hơn cả do sự bền vững của đá, do trị giá vật chất không cao và do sự thiêng hoá trong quan niệm dân gian. Được biết riêng ở huyện Yên Phong đã tổ chức khai thác tương đối toàn diện hệ thống sách đá trong huyện qua công trình đã in Văn bia Yên Phong. Một số địa phương cũng tự tổ chức dịch hoặc bỏ tiền thuê dịch một số bia. Còn lại hầu như chưa được khai thác.
     
    Trong địa giới Bắc Ninh hiện nay ta thấy có những bia đá rất lớn như bia trùng tu Văn Miếu tỉnh, bia đền Lũng, bia chùa Bút Tháp. Lại có loại sách đá lớn hơn là cuốn kinh khắc trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp, tháp mộ sư Minh Hành, người có công chỉ đạo xây chùa Bút Tháp thế kỉ 17 và mang kinh phật thiền tông từ Trung Quốc về chùa. Ngoài ra ta còn thấy sách đá ở cây hương, cầu quán, khánh hoặc trên những viên đá làm vật liệu xây dựng.
     
    Một trong những cuốn sách đá có niên đại sớm là bia trùng tu đình xã Mão Điền, Thuận Thành, dựng năm 1587 thời Mạc. Qua bia này ta đọc được thông tin về quy định mức góp tiền tu sửa đình, 38 quan sẽ được bầu làm hậu thần, thu tô ruộng công điền 4,8 thăng thóc 1 mẫu, tên hậu thần và cách lập khoán ước bầu hậu thần...
     
    Bia trùng tu đền Đô dựng năm 1604 khi nhà Lê mới trung hưng cho biết lịch sử nhà Lý, những người có công trùng tu đền, những quy định bảo vệ đền và các lăng mộ nhà Lý. Ý nghĩa lịch sử của vương triều Lý đã được khẳng định từ thời đó như sau: Thế nước thật vững vàng, chủ trương giữ nước chu đáo, vun đắp tình đoàn kết dân tộc. Dẫu thời vận đã hết, công đức ấy phải duy trì để người nước Nam đời đời ghi nhớ, phải dựng đền thờ cúng để toàn dân tôn kính báo đền công đức Lý triều. Bia chùa Bút Tháp khá phong phú để lại rất nhiều thông tin về ngôi chùa và quá trình xây dựng. Riêng bia Phụng lệnh chỉ do thiền sư Minh Hành soạn văn ở chùa Bút Tháp viết rằng: Than ôi! Ta vốn là kẻ nghèo hèn ở đất Hu Giang, biết bao giờ gửi tinh chất vào toà sen thượng phẩm. Ngoảnh mặt vào tường, đứng trong tuyết lạnh, ấn tổ theo đó thêm sáng; lưng đeo đá nặng giã gạo đêm khuya. Y bát từ đây kế truyền. Một niệm Di Đà sáng soi thế giới ba ngàn đại thiên; Luận bàn Phật điển phô bày nghĩa lí sáu đời lục tổ. Qua lời văn này khẳng định chùa đây là một nhánh của thiền tông Thiếu Lâm mà thiền sư Minh Hành chính là một vị tổ. Bia cầu Bái Giang dựng năm 1644 có những lời luận sâu sắc về công việc dựng cầu và lời văn rất bay bổng: Cầu cao to vắt ngang sông, người xem có cảm giác như trụ cầu ở giữa dòng mà thân cầu lại bắc tận mây. Những trụ những xà của cầu trông như ngọc, trăng soi gió thổi, nắng không đến mà đất cũng không nhuốm tới được. Làng xa mã, khách công khanh cho đến người buôn bán, khách lữ hành, kẻ làm ruộng qua qua lại lại trên cầu như đi vào cõi nhân thọ. Chiếc cầu đã điểm vào chỗ thiếu của tạo hoá góp vào chỗ không đủ của trời đất.
     
    Sách đồng là văn bản khắc trên chất liệu đồng, như chuông, khánh, đồ thờ và sách bằng giấy đồng. Văn bản chuông chùa Long Châu ngoài cho biết niên đại đúc chuông còn cho biết các địa phương và cá nhân hàng phủ cúng tiền cho địa phương sở tại làm chuông. Như vậy ý nghĩa của việc đúc chuông có tính xã hội rộng lớn. Cuốn sách đồng chép kinh Lăng Hoa Nghiêm cất ở tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp lại là một cuốn sách hoàn chỉnh bằng giấy đồng. Do đồng là loại vật chất có giá trị cao nên việc bảo quản loại sách này khá khó khăn và còn lại đến nay không nhiều.
     
    Sách gỗ là loại thể hiện văn bản trên chất liệu gỗ, có thể viết chữ lên gỗ, có thể khắc chữ lên gỗ. Gỗ thường được xử lí công nghệ cao là sơn then hoặc sơn son thếp vàng. Kiểu dáng gỗ cũng làm hình thức đẹp, như các bức hoành phi, câu đối, cuốn thư. Cũng có khi chữ khắc kèm tranh và trở thành một bộ phận của tranh, như các bức tranh làng Hồ. Ở Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được một số bộ sách gỗ nguyên vẹn, đó là các bản khắc sách Cổ Châu phật bản hạnh thế kỉ 18 ở chùa Dâu. Do chất liệu gỗ có thể bị mối mọt, bị cháy, bị chuyển mục đích sử dụng nên độ bền vững không cao, tuy nhiên gỗ dễ kiếm, nghề mộc sơn ta khá thịnh nên sách gỗ hiện còn vẫn nhiều, tới tận gia đình riêng. Lượng thông tin sách gỗ đem lại khá phong phú. Đáng chú ý là dòng chữ khắc ở bệ pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp cho biết tác giả pho tượng là Giao Thọ nam Trương tiên sinh, làm xong năm 1656. Chùa Tùng Lâm, chùa Đại Bi, chùa Khánh Lâm đều có sách gỗ chép thơ vịnh cảnh. Nhiều câu đối có nội dung ca ngợi danh nhân sâu sắc, tiêu biểu như câu đối đình Đình Tổ ca ngợi Lê Văn Thịnh:
     
    Đông nhạc giáng thần, vi lương sứ, vi sư, vi tướng, quán cổ nguy khoa truyền Lý sử
    Nam triều hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm
     
    Hay câu đối miếu Âm Hồn ca ngợi bà ba Cai Vàng:
     
    Tiểu cát phục nhung y kị mã huy kì danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc
    Xuất gia quy thiền phái chiêu kinh tịch kệ giác chân đức độ phật Như Lai.
     
    Tạm dịch:

    Thân gái yếu đuối mà làm tướng giỏi, nổi tiếng là anh hùng của đất Kinh Bắc
    Khi tu hành theo đạo Phật chăm đọc kinh kệ, thông hiểu hết đức độ của phật tổ Như Lai.
     
    Ngoài ba loại sách kể trên, miền quê Kinh Bắc còn loại sách cổ bằng nguyên liệu vữa tốt đắp ở các cột đồng trụ, ở cổng, ở tường, có khi là vữa nguyên, có khi được dán mảnh gốm nhiều màu. Loại sách này thay cho sách gỗ vì trưng ở ngoài trời, chịu được mưa nắng gió bão của thời gian. Loại hình này gần đây được các nghệ nhân gốm Bát Tràng vận dụng làm sách gốm tráng men, vừa đẹp vừa bền. Sách gốm đã được trưng ở đền Đô với bản Chiếu dời đô và một số câu đối ở cột đồng trụ.
     
    Sách cổ mặc dù chưa được khai thác sử dụng hết, nhưng chỉ sự tồn tại rất phong phú của nó đã nói lên nhiều điều về một miền quê giàu truyền thống văn hoá, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
     
    theo Phạm Thuận Thành-BBN
     

    Tuesday, February 18, 2014

    Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc

    Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:29
     
    Ngựa trong điêu khắc Kinh Bắc
     
    Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngựa gắn bó trung thành với con người trong cuộc sống và đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật. Có lẽ, hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất trong văn hóa tâm linh dân tộc Việt, đặc biệt với người Kinh Bắc là ngựa sắt hý ra lửa khiến giặc Ân bạt vía kinh hồn, sau khi chiến thắng, Thánh Gióng - nhân vật kỳ vĩ thuộc đời Hùng Vương thứ 6 đã cùng thần mã bay vào trời xanh.
     
    Ngựa ở cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh).        
    Con ngựa sắt khổng lồ do Phù Đổng Thiên Vương cưỡi đã phản chiếu sự hân hoan của tổ tiên ta khi tìm thấy sắt và kỹ nghệ luyện rèn sắt thành những sản phẩm có kích thước hoành tráng và tinh xảo. Những bằng chứng khảo cổ học khai quật ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Kinh Bắc đã cho thấy rằng: tại tầng đất thuộc thế kỷ IV trước Công nguyên có rất nhiều sắt. Đến thời Lý thì con ngựa có huân công trong việc quy hoạch xây dựng kinh đô Thăng Long là con ngựa trắng ở đền Bạch Mã (Thăng Long - Hà Nội). Khi Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên Nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư ra Đại La, ông cho tu sửa lại thành cho xứng với tên gọi mới: Thăng Long “kinh sư bậc nhất của đế vương muôn đời”. Nhưng lần nào cũng vậy, dân chúng vừa đắp xong thì thành lại bị sụp đổ. Vua bèn làm lễ cầu thần Long Đỗ và chợt thấy con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu để lại vết chân tới đó, cuối cùng quay lại đền thì biến mất. Vua cho là điềm Trời mách bảo nên cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành không bị sụt lở. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua cho tạc tượng ngựa trắng để thờ, đặt tên đền là “Bạch mã linh từ”; sắc phong cho thần Long Đỗ làm “Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương”, “Quảng Lợi tối linh thượng đẳng thần”.      
    Ngựa trắng ở đây là một biểu hiện cho “linh khí ” đất nước, sự “hóa thân” của đức Phật. Nhờ “âm phù”, vua Lý Thái Tổ - người tôn Phật giáo là quốc giáo đã mở mang kinh đô bền vững theo quy luật phát triển tự nhiên (vết chân ngựa - tượng trưng cho sự vận động của Mặt trời: Từ Đông sang Tây tạo thành trục thần đạo sáng láng). 
    Sau Bạch mã là đôi ngựa ở chùa Phật Tích (Tiên Du - Bắc Ninh), được chế tác khoảng giữa thế kỷ XI, bằng đá nguyên khối vùng Đông Triều (Quảng Ninh). Đôi ngựa nằm ngang hàng với các cặp voi, sư tử, trâu và tê giác. Hai con ngựa này béo tốt tạo nhiều khối căng tròn biểu hiện sự no đủ, sung túc. Đầu ngựa tạc chân thực, ngoảnh nhìn về phía đường đi. Bờm ngựa dài chải mượt rẽ đều về hai bên gáy. Kích thước ngựa gần như voi (1,17m x 1,43m x 0,7m), tư thế cũng quỳ sụp xuống đài Sen như voi nhưng tư thế chân hơi khác: Hai chân trước gập gối về phía sau, hai chân sau gập gối về phía trước, các móng guốc áp sát mặt bệ sen.
    Ngựa còn xuất hiện trên đài sen, có nghĩa con vật tượng trưng cho tâm ý bồng bột lăng xăng đã được Phật giác ngộ, tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để Phật giáo hoá chúng sinh. Ngựa thờ bằng gốm men thời Lý cũng được tìm thấy ở chùa Phật Tích.
    Nói đến ngựa trong điêu khắc thời Lý không thể không nhắc đến “ngựa đá của giặc Ân” trên sườn núi Châu Cầu - Thất Gian (huyện Quế Võ). Ngựa đá có cánh như cánh Thiên Nga này được chạm theo phong cách Champa. GS sử học Trần Quốc Vượng đã “liên tưởng ngay đến hình ngựa Trà Kiệu. Ngựa Châu Cầu cũng như ngựa Trà Kiệu là biểu tượng môn thể thao Hất Phết (một trò chơi thế tục hoá tín ngưỡng mặt trời) rất thịnh hành ở Champapura và Đại Việt các thế kỷ X - XIII ”. Dấu tích ngựa đá, cột đá chứng tỏ rằng trên núi Châu Cầu - Thất Gian từng có một công trình chùa chiền chung đúc nhiều tài nghệ thợ thủ công Việt - Chăm.
    Tại đền Đô (Đình Bảng - Từ Sơn) - nơi thờ 8 vị vua Nhà Lý, trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con chạm “Bát mã quần phi” (Bầy ngựa tám con đang phi) với các dáng điệu rất sống động: ngựa phi, ngựa lồng, ngựa nô rỡn, gặm cỏ, uống nước. Bức phù điêu phản ánh được đời sống thanh bình, phong lưu mã thượng của vùng đất Kinh Bắc - quê hương của các triều vua Lý.
    Thời Lê-Trịnh,  ngựa được triều đình rất chú ý, Chúa Trịnh Căn đã có thơ vịnh: 
    Danh ấy âu lên tót giá cao
    Gấp hơn vật loại biết dường nào
    Mình dường lân phượng gìn vẹn tốt
    Vẻ tựa vân long điểm xuyết vào...
    Trong điêu khắc, hình tượng ngựa sinh động, độc đáo và đa dạng hơn. Thế kỷ XVII, phổ biến nhất là loại ngựa thờ như “Vân mã” (ngựa bay trên mây) hay các loại ngựa bạch, ngựa hồng để biểu hiện cho cặp phạm trù  âm - dương, nóng - lạnh, nước - lửa. Ngựa trở thành con vật linh thiêng mang đôi cánh hình ngọn lửa hay dải cờ đuôi nheo ở hai chân trước. Ngựa chạm trên hương án chùa Bút Tháp (Thuận Thành) là một điển hình. 
    5 bức phù điêu ngựa đá ở chùa Bút Tháp gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn: bức chạm ngựa độc, bức chạm ngựa đàn, bức chạm ngựa đuổi hươu. Trên lan can phía trước bên trái thượng điện nghệ nhân chạm 2 ngựa chạy nước kiệu, con đi trước quay lại nhìn con phía sau. Cả 2 con ngựa đều có vóc dáng tròn lẳn, dẻo dai, chắc khỏe .
    Trên bức lan can cuối cùng bên thành trái cầu đá, diễn tả một bầy 5 ngựa trên một bãi cỏ rộng: con nhởn nhơ gặm cỏ, con đưa chân gãi mép, con  tung tăng chạy nhảy, con đưa chân đá bạn, con khác thì nằm ngửa giơ 4 vó lên trời.
    Bức đầu hồi thượng điện và bức mặt ngoài lan can phía bên trái cầu đá đều là đề tài ngựa đuổi hươu. Đẹp hơn cả là bức chạm trên cầu bởi thể hiện được không khí sôi động của cuộc rượt đuổi. Ngựa và Hươu đều nhảy bổ từ trên cao xuống, con nào cũng rướn mình, sải dài chân mà chạy. Để diễn tả tốc độ “nhanh như gió, như chớp”, nghệ nhân đã tạo thêm nhiều dải mây quấn trên thân con vật, các dải mây đều lướt về phía sau. Đây là một trong bức chạm đá xuất sắc nhất của chùa Bút Tháp.
    So với các tác phẩm điêu khắc về ngựa thì bức chạm ở chân cửa võng đình Diềm (Hòa Long - TP. Bắc Ninh) cũng thuộc loại “hiếm có khó tìm”. Dân gian có câu: “chớ mó dái ngựa” kẻo nó đá chết người, thế mà nghệ nhân xưa rất hài hước, dí dỏm khi tạc cảnh một người đàn ông đứng bên ngựa, dưới bụng ngựa lại có một người đang sờ vào bộ phận sinh dục con ngựa. Phải chăng, bức phù điêu thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cầu cho vạn vật sinh sôi?
    Đến thế kỷ XVIII, nếu hình tượng ngựa ở lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đậm chất hiện thực thì hình tượng ngựa ở Từ Vũ - một di tích lịch sử văn hóa Quốc gia của họ Trương ở Như Quỳnh (xưa thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc) lại vượt hình thể bình thường biến thành Long Mã đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò - tượng trưng nguồn nước, tư tưởng cứu nhân độ thế.
    Đúng là, mỗi thời đại mỗi ý tưởng sáng tạo khác nhau khiến cho nghệ thuật điêu khắc cổ điển Kinh Bắc nảy nở. Di sản quý báu đó cần được bảo tồn cho muôn đời.
    Trương Thị Kim Dung
     

    Saturday, February 15, 2014

    Mùa Xuân trên quê ngoại Nguyễn Du

    Thứ sáu, 13/04/2012 - 08:35
     
    Mùa Xuân Kinh Bắc, mưa bụi phơ phất giăng tơ khắp trời. Không khí xóm làng như thực như mơ. Thiên nhiên trải bày bức tranh thuỷ mặc. Đến với làng Kim Thiều, tưởng mình trở về với ký ức thi hào Nguyễn Du trong nhịp điệu lách cách như Ả Đào gõ phách ngàn năm của một làng nghề sản xuất đồ gỗ chạm khắc nằm trong quần thể chạm khắc gỗ của phủ Từ Sơn, Đông Ngàn xưa...
     
    Một phần của quần thể lừng danh 
      
    Miền quê này dễ đưa đẩy tâm hồn du khách nhập vào những làn điệu dân ca Quan Họ ngọt ngào mê đắm, những huyền thoại lịch sử đượm vẻ linh thiêng, những di tích thâm nghiêm. Và nhịp sống nồng nàn hôm nay như mời gọi bước chân vui dạo. Trên những đường thôn ngõ xóm sạch sẽ phong quang dù lát gạch hay đổ bê tông thì những nếp nhà vẫn giữ được nét tươi mát, duyên dáng bên luỹ tre rặng chuối...
     
    Tiện nghi sinh hoạt trong các gia đình tương đối đầy đủ: sập gụ, tủ chè khảm trai, ti vi, xe máy, và một số người còn sắm cả ô tô chạy hàng...
     
    Mặc dù kinh tế đã khấm khá nhưng người dân Kim Thiều vẫn chịu thương chịu khó sớm khuya và không quên cội nguồn, thuần phong mỹ tục của địa phương từng được gần xa bao đời ca ngợi.
     
    Ngôi làng cổ Kim Thiều - quê ngoại của thi hào Nguyễn Du còn có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Hương Mạc (Từ Sơn - Bắc Ninh). Kim Thiều cùng với Phù Khê, Trang Liệt, Đồng Kỵ, Hương Mạc, Vân Hà tạo thành quần thể chạm ngà, chạm gỗ lừng danh ở Kinh Bắc và nước ta.
     
    Lượn quanh những ngõ xóm đầm ấm, thanh bình, tâm trí cứ thầm tìm kiếm dấu vết cậu Chiêu Bảy từng sống với người mẹ trẻ xinh đẹp cùng các anh chị em ở quê ngoại thời thơ bé. Cánh đồng Hiên xanh mướt lúa khoai, chấp chới cánh cò trắng muốt trước minh đường nhà thờ họ Trần kia có liên quan gì đến bút hiệu Thanh Hiên của Nguyễn Du?
     
    Suốt mấy trăm năm nay, thiên hạ vẫn cho rằng: Nguyễn Du (1765- 1820) -  tác giả “Truyện Kiều” nổi tiếng thế giới là sự hội tụ, thăng hoa linh khí văn chương của hai vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá: Hà Tĩnh quê cha, Kinh Bắc quê mẹ.
     
    Họ Trần danh gia vọng tộc 
      
    Theo gia phả Nguyễn (Tiên Điền - Nghi Xuân) thì gia đình Nguyễn Du thuộc loại trâm anh thế phiệt, nhiều đời hiển hách “cha con, anh em, chú bác đều là người khoa giáp, làm quan to thời Lê - Trịnh”.
     
    Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (1707 - 1775) thân phụ Nguyễn Du đã đỗ Tiến sĩ, giữ chức Đại tư đồ Bình nam Tả tướng quân (tức Tể tướng triều đình). 4 chữ “Cổ Kim Nhật Nguyệt” khảm vàng son trên bức đại tự treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là bút tích thư pháp và 2 cây đại hoa vàng trước cửa Thái học là kỷ vật của đại thần văn võ song toàn Nguyễn Nghiễm đối với trường Đại học đầu tiên của nước ta...
     
    Họ nội đã vậy nhưng họ ngoại và quê mẹ Nguyễn Du cũng “môn đăng hộ đối” không kém. Nhiều bộ gia phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có ghi chép về gái vùng này vừa đẹp vừa đảm, thường được các triều đại tuyển chọn phi tần. Không chỉ có nghệ nhân giỏi được kén vào cung đình làm đồ mỹ nghệ và trang trí nội thất cho vua chúa mà còn lừng danh khoa bảng, toàn xã có 22 Tiến sĩ kể từ thời Trần đến thời Nguyễn (theo “Danh công truyện ký”). Thời nay số giáo sư, Tiến sĩ trong các lĩnh vực cũng gần gấp đôi con số đó. Tại xã có 11 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia thì 9 di tích thuộc về các dòng họ như Đàm (Đàm Thận Huy), Nguyễn (Nguyễn Giản Thanh), Đỗ (Đỗ Đại Uyên), Nguyễn Hữu (Mai Động), Trần (Trần Ngạn Húc).
     
    Ngay tại làng Hoa Thiều, dân gian còn truyền tụng câu chuyện Tể tướng Nguyễn Nghiễm lấy cô thôn nữ Trần Thị Tần làm trắc thất. Sinh ngày 8 tháng 7 năm Canh Thân (tức 24-8-1740) bà Trần Thị Tần - con gái quan Câu kê thuộc đời thứ 9 của dòng họ Trần ở Hoa Thiều. Khi kết hôn, Tể tướng hơn người vợ thứ ba này 32 tuổi. Theo bản gia phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì Tể tướng Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con. “Hoa thơm đánh cả cụm”, vợ cả, vợ hai của Xuân Quận ông Nguyễn Nghiễm là hai chị em ruột họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết đều biết hát Ca trù.
     
    Bà Trần Thị Tần sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Anh chị em của Nguyễn Du ra đời với thứ tự: Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức. Nguyễn Trụ, con trưởng mất từ nhỏ, Nguyễn Nễ con trai thứ hai hơn Nguyễn Du 4 tuổi. Nguyễn Ức, con trai út.
     
    Nguyễn Du sinh ra ở Kinh Bắc và các anh chị em của ông đều sống với mẹ tại Hoa Thiều. Vùng quê này còn là nơi lánh nạn của gia đình anh trai (Nguyễn Nễ - Trương Thị Ngọc Bình) khi triều đình Lê - Trịnh ở thế kỷ XVIII bị biến loan.
     
    Trong ngôi Từ đường treo bức đại tự “Tiến sĩ từ”, ông trưởng họ Trần đã cho tôi xem gia phả.
     
    Cụ tổ thứ nhất (không rõ tên, sau cháu chắt đặt hiệu là Phổ Khánh) lúc đầu lập cư ở Ngô Trực (Hương Mặc). Khi cụ mất, quan Trần Thái Sử chọn miếng đất ở gò Chử (thôn Cổ Trâu nay thuộc Phù Khê) rộng hơn sào, có núi Thái Sơn làm án, có gò hình thước ngọc. Đúng giờ chính Tý (12 giờ đêm) thì hạ huyệt, mạch theo hướng Tý dẫn vào. Quan Thái sử bảo: Long mạch đắc địa sẽ phát vào đời thứ 5. Quả nhiên, Trần Ngạn Húc sinh năm Giáp Tý (1504) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất giữ chức Thái Bảo. Thân phụ ngài là Trần Tôn (1472 - 1546) (hiệu Nhiễm Khê) thi hội trúng Tam trường. Vua Lê ra đề thi “Phụng thành xuân sắc phú” thì bài của Nguyễn Giản Thanh xếp thứ nhất, bài của Tiến sĩ Hứa Tam Tỉnh xếp thứ hai, bài của Tiến sĩ Trần Tôn xếp thứ ba. Cụ Trần Tôn được bổ làm tri huyện phủ Ứng Thiên (Thăng Long) và được vua phong Tham nghị, tham chính đại phu. Cụ kết hôn với Trinh Từ Ngọc Uyển (1478 - 1552) con gái cụ Tiến sĩ Nguyễn Giản Liên và là chị gái Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.
     
    Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn (tổ đời thứ sáu) làm quan to triều Mạc, mất tại Cao Bằng; là cháu đích trưởng cụ Trần Tôn.
     
    Theo sự truyền tụng thì họ Trần (Kim Thiều) là hậu duệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII).
     
    Trong trận Bạch Đằng, những nghệ nhân họ Trần (Kim Thiều) từng rèn đúc Thiết toả (khoá sắt) để giữ chắc những cọc gỗ lim được chằng dây xích đóng xuống lòng sông cửa biển chặn thuyền chiến giặc.
     
    Hồn quê trong danh nhân 
      
    Họ Trần danh gia vọng tộc và làng Hoa Thiều đã để lại nhiều kỷ niệm thân thương đối với Nguyễn Du trong quãng đời thơ ấu, hoa niên từ lúc trứng nước đến khi 10 tuổi thì mồ côi cha, 13 tuổi lại chịu thêm tang mẹ. Sau “đại sự” của thân phụ mẫu, cậu chiêu Bảy Nguyễn Du phải rời quê ngoại đến sống với anh trưởng cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản - đại thần trong phủ chúa Trịnh, giữ chức Tả thị lang Bộ Hình, có dinh thự lớn ở phường Bích Câu (Thăng Long), thì Nguyễn Du có nhiều lần trở về quê mẹ, nghe hát quan họ, vãn cảnh thiên nhiên, thắp hương nhà thờ Tổ. Bên bờ sông Hồng, hơn hai trăm năm trước có lần nào nhà thơ lớn thầm nhỏ lệ trước khung cảnh mênh mang sông nước:
     
    “Chiều chiều ra đứng bờ sông
    Trông về quê mẹ mà không có đò”
     
    Cũng như bao người khác sau khi đọc thơ chữ Hán và Truyện Kiều, tôi cứ thầm hỏi những điều còn ẩn ức trong tâm khảm về chàng Tố Như và chưa tìm ra được lời giải đáp. Chỉ có điều xoa dịu trái tim thời nay là bậc thày thiên tài thi ca Nguyễn Du đã thừa hưởng “gen” thông minh, tài hoa của dòng họ nội - ngoại đều thành đạt về khoa bảng và không khí sinh hoạt hào hoa, nho nhã với nền học vấn uyên thâm của Thăng Long - Kinh Bắc - Hà Tĩnh. Ông có cuộc sống thăng trầm dâu bể và sự thấu hiểu sâu sắc nhân tình thế thái qua ba triều đại (Lê -Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn). Tất cả những yếu tố ấy đã góp phần tạo nên cốt cách nhân bản và văn tài siêu việt khiến nhân loại thế giới ngưỡng mộ.
     
    Trương Thị Kim Dung
     

    Nhớ Mãi Khôn Nguôi - Dân ca Quan họ - Minh Thanh



    vietnamcultures
    Uploaded on May 26, 2010

    Friday, February 14, 2014

    NGÀY XUÂN MƠ VỀ XỨ DŨNG - Tùy bút JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm

    NGÀY XUÂN MƠ VỀ XỨ DŨNG
    Tùy bút JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm

    Ngày Xuân nhàn rỗi miên du,
    Đắm trong tiếng nhạc ca trù đê mê.
    Chỉ mong có dịp trở về,
    Về thăm quê cũ thỏa thuê cõi lòng.
    Ai về biển lúa mênh mông,
    Xứ Dũng Vy – lũy tre đông tiếng cười,
    Cho ta gửi chút bồi hồi,
    Vũng tâm tư của con người phiêu linh.

    Ảnh: Tác giả JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
    Lại thêm một mùa Xuân nữa đi qua trong cuộc đời, thêm một bước tiến gần tới Bình Hưng Hòa. Nghe tên gọi thì thấy có vẻ hấp dẫn, vì Bình Hưng Hòa là Hưng-phấn-trong-hòa-bình. Được tiến tới nơi hòa bình hạnh phúc, thì hưng phấn, phấn khởi là cái chắc! Nhưng khổ một nỗi địa danh Bình Hưng Hòa lại là tên gọi một Nghĩa trang của Saigon. Cách đây vừa đúng 15 năm, vào ngày 5/2/1999, bà xã đã chê Đinh-to-đầu, về an nghỉ tại đó. Thế thì nên vui hay nên buồn? Được sum họp với hiền thê thì vui mới phải lẽ, tại sao lại buồn?

    Nói tới nghĩa trang, tự nhiên nhớ đến một danh xưng mới được nghe cách đây hơn nửa năm: Vườn Thánh. Kể cũng hay, trước đây gọi là Nghĩa địa  (義 地) hay Nghĩa trang (義 莊) là vùng đất (hay trang trại) hàm chứa những việc làm tốt đẹp (chôn cất người chết là một nghĩa cử cao đẹp, thánh thiện). Còn gọi là Vườn Thánh thì không phải đó là khu vườn của các Thánh, mà phải hiểu đó là khu vườn lành thánh (nơi thể hiện những nghĩa cử tốt đẹp, thánh thiện). Tôi có hơi dài dòng về từ ngữ, đó chỉ vì những cảm xúc ngày Xuân nhàn rỗi đưa tôi về với cố hương Dũng Vy.

    Với tôi, nói về Dũng Vy thì không bao giờ vơi cạn được xúc cảm, vì những ký ức mang đậm dấu ấn những kỷ niệm thời thơ ấu luôn đầy ắp trong tâm tư. Khi làm tập Kỷ Yếu Dũng Vy, tôi cũng đã viết rất nhiều về nơi chôn rau cắt rốn (chôn nhau cắt rốn) chan đầy những kỷ niệm sâu sắc khôn nguôi: 

    * KYDV số 1 có những bài: CỐ HƯƠNG KÝ, XỨ DŨNG QUÊ TÔI, NHẮN VỀ XỨ DŨNG, TĨNH DẠ TƯ, NGẢ ẤY VỚI TRÔNG, THĂNG TRẦM, KHÔNG LỜI, NGHE VẺ NGHE VE, NGƯỜI CON GÁI XÓM CẦU VE (hồi  ký), NGŨ QUÁI ĐĂNG TRÌNH, BÁC TÔI. 

    * KYDV số 2 có những bài: GIÓ BỐN PHƯƠNG, BUỔI ẤU THỜI, NGƯỜI CON GÁI XÓM CẦU VE (thơ), GẮN BÓ, LAM THY TỰ BẠCH, TẠP BÚT, TRẦU KHÔNG, NHỚ VỀ CHA CỐ MẪN (linh mục Nguyễn Khắc Mẫn), TƯỞNG NHỚ NGƯỜI QUÁ CỐ (nhớ về linh mục Phạm Quang Tự), THU TRONG THƠ, VÈ NHÂN DANH, TÌNH CHA CON (viết về linh mục Ngô Văn Yên).

    Tới tháng 6/2013, thì Giáo xứ Dũng Vy lại tiếp tục trùng tu Thánh đường và Nghĩa trang. Những hình ảnh sau đây in đậm trong tâm tư người con xứ Dũng tha hương:

    1/- XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI THÁNH CẢ GIU-SE:


    Công trình này được Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Dũng Vy nói là làm Tượng đài Thánh Cả Giu-se ở bên cánh tả (bên trái, phía Tây) nhà thờ cho cân xứng với Tượng đài Đức Mẹ bên cánh hữu (bên phải, phía Đông) nhà thờ. Đó là về hình thức, còn về nội dung, thì có ý nghĩa như một Thánh gia Na-da-rét: Hai bên là Cha (Dưỡng Phụ Giu-se) và Mẹ (Hiền Mẫu Maria) ở giữa là Người Con (Đức Giê-su Con Thiên Chúa) cùng tiến về Đền Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc. 

    2/- TRÙNG TU NGHĨA TRANG:


    Như đã nói trên, công trình này mang ý nghĩa rất lành thánh. Ghi nhớ công ơn tổ tiên, cầu cho các đẳng linh hồn, chính là hướng về các ngài trong tâm tình “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

    3/- TU SỬA GÁC ĐÀN:


    Ngoài ra, Giáo xứ cũng không quên tu sửa lại Gác Đàn – Nơi để những lời ca tiếng hát của Giáo dân Dũng Vy vang lên chúc tụng Thiên Chúa và ngấm sâu vào tiềm thức con dân xứ Dũng ở khắp nơi trên thế giới.

    Quả thật, công trình xây dựng Tượng đài Thánh Cả Giu-se, trùng tu Thánh đường và Nghĩa trang Dũng Vy lần này đã gây ấn tượng rất mạnh và để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc khó phai mờ. Nó đã gói ghém trong lá thư cảm ơn tôi gửi bà con Dũng Vy ở hải ngoại: 

    THƯ CÁM ƠN

    Kính gửi quý anh chị, các em và các cháu (gốc Dũng Vy – Tiên Du – Bắc Ninh), cùng các bạn bè của cháu Tony Thắng Đinh thân mến.

    Trong lá thư đầu tiên gửi cháu Thắng, tôi có viết: Vừa rồi Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Dũng Vy có trao đổi với cậu v/v quy tập lại nghĩa trang Giáo xứ, đồng thời chỉnh trang khuôn viên Nhà thờ và dựng tượng đài Thánh Giuse Quan thầy Giáo xứ nhà. Công việc tiến hành tốt đẹp, nhưng thiếu kinh phí. Vì thế, Cha chính xứ cũng như Hội đồng Mục vụ có ý muốn nhờ cháu kêu gọi bà con Dũng Vy ở hải ngoại chung tay trợ giúp… Cậu mong cháu hết lòng giúp đỡ theo khả năng, nhất là kêu gọi bà con cùng tham gia như một hành vi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng “chứng tá bác ái” (*) như lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôsê: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 14).
      
    Thật không thể ngờ cháu Thắng đã tận tình giúp đỡ, kêu gọi bà con Dũng Vy (kể cả những bạn bè thân của cháu Thắng) ở hải ngoại và được mọi người (trực tiếp hay gián tiếp) hưởng ứng một cách rất nồng nhiệt. Năm nay là năm toàn thể Giáo Hội sống “Năm Đức Tin” (11/10/2012–24/11/2013), khi viết những dòng này, tôi cứ như được nhắc nhở bởi một lời dạy của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: “Bất cứ ai khởi đầu con đường làm điều thiện cho người khác thực sự đã tiến lại gần Thiên Chúa” (Thông điệp “Ánh sáng Đức tin – Lumen Fidei”, Chương 2), và nhất là lời thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galat: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Gl 5, 13-14). Công việc tiến hành tốt đẹp như vậy, phải chăng là vì chúng ta cùng là những kẻ ly hương, cùng chung một tấm lòng hướng về cội nguồn, và cùng là con cái Đấng Tối Cao, hằng mong mỏi được “tiến lại gần Thiên Chúa” mỗi ngày một hơn?

    Tôi thật sự không biết nói gì hơn là xin thay mặt toàn thể dân làng Giáo xứ Dũng Vy chân thành gửi đến tất cả bà con lời tri ân nồng nhiệt nhất. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho quý vị. Đồng thời, cũng xin báo để bà con rõ: Cách đây khoảng 2 tuần, ông trùm Nam (Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Gx Dũng Vy) có cho biết là đã dựng tượng Thánh cả Giuse ở khuôn viên Thánh đường (sân phía tây nhà thờ, nơi nhà ông Tình, ông Bái trước kia), còn công việc Vườn Thánh (nghĩa trang) vẫn đang tiến hành rất khả quan. Vì thế, xin nhắc cháu Thắng là cố gắng đúc kết trước ngày 31/8/2013 (như cháu đã thông báo cho bà con trước đây), để kịp gửi tiền về cho Giáo xứ nhà hoàn tất công trình. Nếu ai chưa gửi thì cũng xin gửi ngay cho cháu Thắng theo địa chỉ:
     
    Tony Thang Dinh 
    728 Madison St. Coppell, TX 75019, USA
    ĐT di động: 214-228-0223.

    Cháu Thắng có nhiệm vụ lập danh sách ân nhân với tổng số tiền quyên góp được, gửi về Giáo xứ Dũng Vy. Sau khi Dũng Vy nhận tiền, tất nhiên sẽ có hồi báo tri ân, lúc đó cháu sẽ công khai thông báo cho toàn thể ân nhân ở hải ngoại được rõ. 

    Một lần nữa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh cả Giuse Quan thầy, nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho tất cả chúng ta trong công tác thi hành “chứng tá bác ái” thánh thiện này.

    Thân mến chào toàn thể.
    Saigon ngày 19/8/2013 
    Joseph Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm
    ---------------------------
    Chú thích: (*) Có nhiều người gửi thư thắc mắc về cụm từ “Chứng tá bác ái”, xin trả lời: Theo Từ nguyên thì “Chứng tá” 證 佐 (đồng nghĩa với “Chứng nhân” 證 人 ) là: Chứng cớ, người làm chứng, nhân chứng. “Chứng tá bác ái” là những việc làm biểu lộ tình yêu thương rộng khắp. Thực hiện “chứng tá bác ái” là thực hiện Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 9), với mục đích tối hậu là minh chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa.
    -----=+=-----

    Sau lá thư nêu trên, tới tháng 9/2013, cháu Thắng đã kết toán và số tiền quyên góp đươc là 7.400 USD (xc. THƯ CÁM ƠN của HĐMV Giáo Xứ Dũng Vy ngày 16/9/2913 – Blog Kỷ Yếu Dũng Vy, trang “văn bản và hình ảnh”). Tới tháng 11/2014, một ân nhân không phải người Dũng Vy, mà là thân phụ một người bạn thân của cháu Thắng lại ủng hộ 1.000 USD (xc. THƯ CÁM ƠN  của HĐMV Giáo Xứ Dũng Vy ngày 30/11/2013 – Blog Kỷ Yếu Dũng Vy - ibid), nâng tổng số lên tới 8.400 USD. Một con số vượt quá sự mong ước của bản thân tôi khi nhờ cháu Thắng xúc tiến công việc. Tiện đây cũng xin được trích những bài viết về công việc lành thánh này: 

    BỨC TÂM THƯ

    Thân gửi: Toàn thể hàng hậu duệ Giáo xứ Dũng Vy – Giáo phận Bắc Ninh. 

    Trong dịp trùng tu Thánh đường và vườn Thánh Giáo xứ Dũng Vy kỳ này, tôi bắt gặp 2 cảm xúc tuyệt vời: 

    1- Trong công việc quyên góp lòng hảo tâm của bà con gốc Dũng Vy ở hải ngoại, lúc đầu tôi chỉ nghĩ với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, nếu có cố gắng cũng chỉ được khoảng 2.000 tới 3.000 USD là cùng. Không ngờ kết quả đã vượt xa lòng mong mỏi của tôi, một con số quá đẹp: 7.400 USD. Được như vậy chính là nhờ công của cháu Thắng đã rất nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Tất nhiên, nếu chỉ kể công của cháu Thắng mà không có sự hưởng ứng nồng nhiệt của bà con, thì cũng chỉ là công “Dã tràng xe cát biển Đông” mà thôi. Ngược lại, nếu chỉ có lòng hảo tâm, mà không có một động lực thúc đẩy, thì lòng hảo tâm đó cũng không có cơ hội được thể hiện. Cho nên phải nói là cháu Thắng với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, nhất là tấm chân tình đối với quê hương, đã “gãi đúng chỗ ngứa”, để cuối cùng có được thành quả tốt đẹp như vậy. 

    2- Trong khi tiến hành công tác, cậu cháu tôi thường xuyên trao đổi qua thư điện tử (email), và cũng nhờ Thắng cất công truy cập trên internet, tôi mới biết được những bài viết chia sẻ Tin Mừng của tôi đã được rất nhiều trang web Công Giáo trong nước và hải ngoại trích đăng. Tôi chỉ gửi bài cho 3 trang web www.thanhlinh.net; www.tinmung.net; www.daobinhducme.net ; không ngờ lại được nhiều nơi mến mộ trích đăng như vậy. Và cũng nhờ truy cập trên internet qua tên của tôi (JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm), cậu cháu tôi lại phát hiện ra trang web “Kỷ Yếu Dũng Vy” do cháu Đinh Tất Thức chủ biên. Quả thật bất ngờ khi một công trinh hướng về quê cha đất tổ thực hiện từ năm 2.000, tưởng đã trôi vào quên lãng, nay lại được cháu Thức khơi dậy và phổ biến. 

    Từ 2 cảm xúc mãnh liệt đó, tôi có được một ấn tượng sâu xa về tầng lớp hậu duệ của Quê Mẹ Dũng Vy. Các bậc tiền nhân đã quy tụ cõi vĩnh hằng, gần đây nhất là cụ Lễ, cụ Cam cũng đã về chầu tiên tổ. Lớp tuổi chúng tôi đã ngoài “thất thập cổ lai hi” (bảy chục tuổi xưa nay hiếm), cũng đang chuẩn bị hành trang “lên xe hoa” về với tổ tiên. Như vậy thì tầng lớp kế thừa chính là lớp hậu duệ Dũng Vy (con cháu chúng tôi) ở trong nước và hải ngoại. Mong rằng các cháu – dù ở chân trời góc biển nào – cũng luôn một lòng hướng về cội nguồn trong tâm tình những người con thảo hiếu đối với Quê Cha Đất Tổ. 

    Tâm tư chan đầy cảm xúc, tôi không thể viết tiếp được nữa. Xin được tạm dừng. Nguyện xin Thiên Chúa – nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Cả Giu-se Quan Thầy – chúc phúc và ban nhiều ơn lành phần hồn phần xác cho tất cả chúng ta. Luôn tiện, xin gửi đến toàn thể bà con gốc Dũng Vy “ĐÔI DÒNG TÂM SỰ” (đã viết cách đây ít ngày). 

    Thân mến, 
    Saigon, ngày 25/9/2013 
    Joseph Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm 


    ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

    Nhân dịp Giáo xứ Dũng Vy tổ chức trùng tu Thánh Đường (dựng Tượng đài Thánh Cả Giu-se Quan Thầy) và quy tập Nghĩa trang Giáo xứ, xin gửi đến toàn thể Giáo dân Dũng Vy trong và ngoài nước đôi dòng tâm sự: 

    Như tôi đã viết trong Kỷ Yếu Dũng Vy (vào những năm đầu thế kỷ XXI – năm 2000-2001), với tâm tình của người con xa quê hương luôn hướng về Quê Mẹ, đong đầy kỷ niệm ăm ắp Tình Quê, tôi luôn ao ước cho Giáo họ Dũng Vy (thuộc Giáo xứ Cẩm Giang – Địa phận Bắc Ninh) đã kiên cường trường tồn qua hơn một thế kỷ, sẽ ngày một thăng tiến trên hành trình loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa. Quả thực lòng khao khát của chúng tôi đã được đáp ứng, Giáo họ Dũng Vy nay đã trở thành Giáo xứ. Đó là một niềm vinh dự cho tất cả chúng ta. 

    Thánh Au-gus-ti-nô đã dạy: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người”. Một lời nói mới thoạt nghe thì thấy có vẻ không ổn, nhưng suy xét cho thấu đáo, thì quả thực đó là một chân lý. Ngay từ khi Đức Giê-su thiết lập Giáo Hội tiên khởi, với 12 Tông đồ nòng cốt (“Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê – Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi –, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.” – xem “Mac-cô 3, 16-19”). Đặt giả thử nếu cả 12 môn đệ đó đều như Giu-đa It-ca-ri-ốt thì liệu công trình cứu độ của Thiên Chúa có thực hiện được không? Chắc chắn là không. Và vì chỉ có một Giu-đa It-ca-ri-ôt phản bội (không cộng tác), còn lại 11 môn đệ một lòng trung thành cộng tác mật thiết với Đức Giê-su Ki-tô, nên trải qua hơn 20 thế kỷ mới có một Giáo Hội Công Giáo với hàng tỉ tín hữu hiện diện trên khắp địa cầu như hiện nay. 

    Có thể nói được rằng Giáo dân Dũng Vy từ ngày tòng giáo vào cuối thế kỷ XIX (khoảng từ 1883 đến 1890), đã hết lòng tin tưởng và cộng tác với Thiên Chúa, với Giáo Hội, nên mới có một Giáo xứ Dũng Vy như ngày hôm nay. Không những thế, đời sống đạo cúa Giáo dân Dũng Vy cũng hết sức sốt sắng trong đời sống cầu nguyện (dâng lễ, đọc kinh sớm tối), trung kiên trong đời sống hoạt động nơi cộng đồng xã hội (từ bản quán đến nhiều tỉnh thành trong cả nước Việt Nam lẫn ở hải ngoại). Một minh chứng hùng hồn cho tinh thần sống đạo tốt đẹp đó là cho đến ngày nay, Giáo xứ Dũng Vy đã có được 4 Linh mục và một Phó tế. Đó là: 

    * Cha Giu-se Đinh Quốc Trụ, con ông bà Đinh Văn Túy (thuộc gia đình ô Lý Canh). 
    * Cha Giu-se Đinh Tấn Hoài + Cha Giuse Đinh Minh Hoàng, con ông bà Đinh Văn Hòa (thuộc gia đình ông Đinh Văn Đạo – ô Đường). 
    * Cha Giu-se Đinh Tuấn Việt, con ông bà Đinh Văn Goòng (gđ ô Đinh Văn Quỳnh). 
    * Phó tế Phao-lô Bùi Ngọc Linh, con ông Bùi Bằng Đổng và Nguyễn Thị Ren (Ren là con ông Trùm Hiểm – Nguyễn Ích Niết). 

    Ấy là chưa kể một số nữ tu: Sæur Đinh Thị Tuẩn (con cụ Chánh hội Tề – Đinh Văn Đẩu), Sæur Nguyễn Thị Riêng, em ông Nhận (con cụ Ngữ), Sæur Nguyễn Thị Tiên (quen gọi là cô Mầu, con cụ Khóa Hà), Sæur Nguyễn Thị Hùy (con ông bà Nguyễn Khắc Thiện), và còn một số nữa..., nhưng không nhớ được hết. 

    Nhờ đâu mà có sự cộng tác tốt đẹp đó? Chính là nhờ một nền tảng Đức Tin vững mạnh. Vâng, “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (Thánh Au-gus-ti-nô). Nền tảng đức tin vững mạnh ấy có được phải chăng là do ân sủng Thiên Chúa trao ban? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong bài giảng ngày thứ tư 24-10-2012 tại quảng trường thánh Phê-rô, đã trả lời cho câu hỏi đó: “Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương nó.” Vậy thì phải nói chính Thiên Chúa đã ban Đức Tin cho chúng ta thông qua những cộng tác viên đắc lực của Người như Đức Maria, Thánh cả Giu-se, các Thánh Tông đố. 

    Các thánh Giáo phụ đã cho rằng “De Mariam nunquam satis” (nói về Đức Maria thì không bao giờ cùng). Quả thực con cái Mẹ trên khắp địa cầu muôn đời sẽ không đủ ngôn từ để có thể diễn tả cho hết được những đức tính cao vời khôn ví của Mẹ, mà qua đó Mẹ được hưởng những ân sủng đặc biệt Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Chỉ với đức tin mới có thể cảm nghiệm được Mẹ Maria đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể), là Mẹ Giáo Hội (mầu nhiệm phó thác dưới chân Thập giá, khi Đức Giê-su trao Thánh Gio-an cho Đức Mẹ, Người nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà” – Ga 19, 26). Đức Mẹ còn là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hoàn vũ, Nữ Vương mỗi gia đình Ki-tô Giáo. 

    Còn Thánh cả Giu-se là Đấng Công Chính, là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội, Bảo Trợ giới Lao động, Bảo Trợ các Gia đình Ki-tô Hữu. Giáo xứ Dũng Vy đã nhận Thánh Cả Giu-se làm Quan Thầy Bầu Cử thật vô cùng vinh dự. Thêm một đặc điểm là kể từ khi tòng giáo, toàn thể Giáo dân Dũng Vy đều lấy tên thánh là Maria (cho phụ nữ) và Giu-se (cho nam giới). Mãi cho tới sau thời điểm 1975, mới có một số trường hợp lấy tên thánh bổn mạng khác với truyền thống tốt đẹp đó, nhưng phần lớn vẫn giữ theo truyền thống. 

    Đó là tất cả những lý do khiến tôi gửi đến quý vị một truyện ngắn (“ĐIỆU RU NGÚT NGÀN”); 2 ký sự (“BẮC HÀNH KÝ THUẬT” và “BẮC HÀNH TẠP KÝ”) về công tác giảng dạy khóa Chân Lý IX (Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam) tại Giáo phận Bắc Ninh và Gp Bùi Chu, Thái Bình (có về thăm Dũng Vy 3 năm liền 2006-2007-2008); cùng với những bài chia sẻ về Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Cả Giu-se Quan Thầy (xc. 2 file đính kèm). Và cũng để minh họa thêm cho tâm tình của tôi, tôi xin kể lại hai phép lạ trong rất nhiều phép lạ mà Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se đã ban cho Giáo xứ Dũng Vy: 

    + Phép lạ thứ nhất do Đức Mẹ ban: Như đã kể trong Kỷ Yếu Dũng Vy số 1, năm 1949 quân Pháp chiếm đóng Dũng Vy. Tới đầu năm 1952, thì rút lên đóng ở núi Phật Tích (cách Dũng Vy khoảng vài cây số về phía đông bắc). Khi rút, Đồn trưởng (sĩ quan Pháp) có chỉ thị cho ông Đinh Văn Loát (Trưởng ban Hương dũng) làm một cây đình liệu (cây cột bằng tre quấn rơm cao khoảng 10 mét) chôn ở cuối nhà thờ, tại khu đất nhà ông Câu, phía đông lô cốt quân sự (lô cốt xây ở gian giữa nhà quan cư), cách khoảng 7-8 mét. Khi có sự cố (bị địch tấn công), thì lấy dầu hôi (dầu hỏa) tưới vào cây đình liệu rồi đốt cháy, báo hiệu cho quân Pháp cứu viện. 

    Ông Loát và đội Hương dũng mê tổ tôm, chắn cạ, có bao nhiêu dầu hôi dự trữ đem đốt đèn chơi bài hết. Tới 26 tháng chạp năm Tân Mão (22/01/1952 dl), VM tấn công, tìm dầu hỏa không có, không đốt được cây đình liệu báo động. Đội Hương dũng chỉ có khoảng 10 người do ông Loát chỉ huy, đành liều chết ra chống cự ở ngã ba đường làng (Cầu Giếng) phía đầu chợ Ve bên cạnh nhà ông Lý Súy và ông Thơ Thành. Ruộng rau cần nhà ông Đám Hà (đối diện nhà ô. Thơ Thành) bị cày nát vì trận chiến này. Cuối cùng thì cũng đẩy lui được VM. Sau Tết Nhâm Thìn (1952), anh Chẩm con bà Đám Tẹo (bà Đám Tẹo và ông Xếp là chị em đôi con dì ruột) kể lại như sau: 

    Biết được quân Pháp rút khỏi làng Dũng Vy, VM quyết định tấn công tiến chiếm. Tối hôm đó (22/01/1952), họ chia quân làm hai mũi: Một mũi tập trung ở nhà ông Đám Hiện (nội công) sẽ đánh theo đường làng từ cổng Cầu Cung tiến vào chợ Ve. Vừa tới chợ “thì bị một đoàn quân Pháp đông ơi là đông phản công kịch liệt, súng bắn như mưa bão, anh em đành rút lui, ngã lên ngã xuống ở ruộng rau cần nhà ông Đám Hà” (nguyên văn lời kể của anh Chẩm). 

    Mũi tiến công thứ hai từ Đồng Lạng tiến qua ngòi Cầu Ve (phía gần Bờ Cừ), đi thẳng lên Cầu Bạc, Đường Giồ, Lò Ngói, Cửa Ngõ. Khi tiến tới gần bờ tre làng (cách khoảng 100 mét) thì thấy một người đàn bà đội khăn trắng, mặc váy đầm (soirée) trắng thắt đai xanh. Bà đi lướt trên ngọn tre suốt dọc lũy tre làng, mỗi lần bà phất tay một cái thì có một luồng gió rất mạnh đẩy anh em ngã sấp mặt xuống ruộng. Nhiều lần như vậy, cứ lồm cồm bò dậy thì lại bị quật ngã bằng những luồng gió lạnh thấu xương từ tay bà phất ra. Sợ quá, đành rút êm, may là không ai bị thương hay chết. 

    + Phép lạ thứ hai do Thánh Cả Giu-se ban: Chuyện này cũng đã kể trong tập Kỷ Yếu Dũng Vy số 1. Xin xem nguyên văn trong bút ký “XỨ DŨNG, QUÊ TÔI” có đăng trên blog “Kỷ Yếu Dũng Vy” mục “Bài đã đăng 2013 – January”. Chuyện khá dài, xin tóm tắt lại: 

    Vào cuối năm 1952, chú em Phan Tự Phiêu (con bà Phiêu, cô ruột của tôi) là Hương dũng (lính làng) đang gác ở cổng Cầu Ve, thì có một người khoảng trên 30 tuổi từ làng Đại Vy xuống, hỏi thăm “miếu thờ ông Thần to lớn, râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu, tay trái bế em bé đẹp như Tây lai, tay phải cầm cành huệ” (nguyên văn lời nói của anh ta). Nhờ ông Xếp dẫn anh ta đến nhà thờ, nhìn lên tượng Thánh cả Giu-se thì anh ta quỳ gối, sấp mặt xuống và cứ thế đi bằng hai đầu gối lên tận Cung Thánh, miệng thì không ngớt kêu khấn: “Lạy Ngài mớ bái. Con lạy tạ ơn Ngài. Con đội ơn Ngài...”. Sau đó anh ta kể lại cho ông Xếp và tôi nghe câu chuyện hết sức cảm động: Anh ta bị dịch tả, khi hấp hối (sắp chết) thì thấy có âm binh vào bắt đi, bắt hết ở Đại Vy thì xuống Dũng Vy. Đến đầu cầu bắc qua ngòi Cầu Ve thì thấy ông Thần (như anh ta nói ở trên) đứng trên nóc cổng Cầu Ve quát: “Trả thằng này về nhà nó. Cút đi!”. Thế là anh ta khỏi bệnh và tìm xuống Dũng Vy để tạ ơn. 

    Những nhân vật chính trong 2 truyện này đều là người ngoại đạo, chưa hề biết tới hình ảnh Thánh Cả Giu-se và Đức Mẹ Maria, vậy mà miêu tả rất rõ và đúng hệt. Điều này cho thấy phép lạ là có thật 100%. Tôi chỉ là người thuật lại câu chuyện, không hề thêm bớt một chi tiết nhỏ nào. 

    Saigon, cuối Thu Quý Tỵ (9/2013)
    Joseph Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm
    -----------

    Ghi chú của Blog KYDV:

    Bài viết trên đây của Joseph Marie Lam Thy Đinh Văn Diệm, quý đồng hương và bạn đọc cũng có thể xem tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm

    Tuesday, February 11, 2014

    Đại danh lam chùa Phật Tích và lễ hội Khán hoa Mẫu đơn

    Thứ năm, 12/01/2012 - 14:18
     
    Đại danh lam chùa Phật Tích và lễ hội Khán hoa Mẫu đơn
     
    Theo thư tịch cổ và truyền thuyết, chùa Phật Tích tên chữ là “Vạn Phúc Tự” là nơi Phật giáo từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên truyền giáo vào nước ta ngay từ buổi đầu Công nguyên. Thư tịch cổ còn cho biết: Vào thời nhà Đường, vua Đường đã cho người mang ba hòm xá lỵ của Phật đến đất Giao Châu để xây tháp, trong đó có một hòm ở chùa Phật Tích.
     
    Đến thời vua Lý Thánh Tông, chùa Phật Tích được xây dựng thành Đại danh lam, còn cho xây dựng một cây tháp cao 10 trượng, trong chứa pho tượng Phật mình vàng cao 6 xích, đứng từ kinh thành Thăng Long nhìn thấy được. Dấu tích chân cây tháp cổ còn để lại, có kích thước rất lớn (9,20m x 9,20m) với những viên gạch ghi rõ niên đại xây dựng: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (tức vào đời vua thứ 3 nhà Lý niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 4-(1057).

    Dẫu trải hơn ngàn năm lịch sử, chùa xưa tháp cũ không còn nữa, nhưng dấu tích Đại danh lam thời Lý vẫn còn với quy mô nền móng rất lớn, gồm 4 cấp nền được kè đá tảng và nhiều di vật cổ thời Lý như: tượng Phật A Di Đà, linh thú (sư tử, voi, trâu, tê giác, ngựa), tượng đầu người mình chim, chân tảng, chân cột, gạch ngói, con giống… Trong số những cổ vật độc đáo của thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà có vẻ đẹp đã vượt thời gian và không gian.

    Pho tượng Phật A Di Đà đã hơn 1000 năm tuổi, vẫn còn nguyên vẻ đẹp ở nhiều phương diện như: Triết lý của Phật pháp, tạo hình, chất liệu, đường nét, hoa văn… Tượng được làm từ đá xanh nguyên khối trong tư thế ngồi thiền tĩnh toạ trên toà sen: thân cao 1,845m, thon thả óng nuột và mềm mại bởi những đường cong và những nếp chảy của tấm áo cà sa khoác ngoài; khuôn mặt đẹp với đôi mắt hiền từ, lông mày thanh cong, miệng cười mỉm. Toàn bộ thân hình và khuôn mặt của tượng toát lên vẻ đẹp thánh thiện từ bi hỷ xả, như đang thấu nghe tiếng kêu cứu khổ cứu nạn của mọi kiếp chúng sinh để cứu khổ độ nạn.

    Chùa Phật Tích còn nổi tiếng trong dân gian với lễ hội “Khán hoa mẫu đơn” (tức Hội xem hoa mẫu đơn) với thiên tình sử “Từ Thức gặp tiên”. Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng bạt ngàn hoa mẫu đơn. Hàng năm, xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Chùa Phật Tích mở hội đầu năm vào mồng 4 tháng Giêng để đón năm mới, lễ Phật, cầu may. Từ muôn nơi người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng Giáng Hương đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Và từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

    Mỗi khi tết đến xuân về người người lại nô nức rủ nhau về chùa Phật Tích trảy hội. Lễ hội Khán hoa mẫu đơn diễn ra tưng bừng nhộn nhịp, trước cửa chùa Quan viên chức sắc hai hàng đón tiếp khách, trong chùa thì sư vãi tụng kinh lễ Phật, ngoài sân chùa bạt ngàn hoa mẫu đơn và người đến xem hoa.

    Th.s Đỗ Thị Thủy
    Ban quản lý di tích tỉnh

    Source Bac Ninh Online

    Hồ sơ văn hoá Việt: Thánh Gióng



    BCKQ. Văn Hoá Việt·
    Published on Jun 11, 2013

    Phát hiện tấm bia đá cổ nhất Việt Nam tại Bắc Ninh

    Cập nhật lúc 18h08, ngày 12/11/2013

    Tấm bia đó là Di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện dưới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII.

    Vừa qua, T.S Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Bắc Ninh vừa phát hiện tấm bia đá có niên đại từ năm 314 đến năm 450 tại thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Đây được coi là tấm bia đá cổ nhất Việt Nam đã được phát hiện đến thời điểm này". 
     
    Bia đá vừa được tìm thấy thuộc loại bia nhọn, có hình dáng đặc biệt, không giống bất cứ tấm bia nào đã tìm thấy trước đó. Kết cấu bia gồm hai phần: thân bia và đế bia. Thân bia được tạo bởi một phiến đá lớn, phần trán bia được đục vát hai đầu thành hình tam giác. Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật.
     
    Có thể do chịu chấn động mạnh của bom đạn thời chiến tranh, tấm bia bị vỡ làm đôi. Nếu bia vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu, kích thước phần thân bia có chiều cao gần 2m, chiều rộng gần 1m, bề dày 15 cm; phần đế bia dài 1,36m, rộng 1m, cao 30cm. 

    Ảnh minh họa
     
    Ảnh minh họa

    Tấm bia đá cổ mới được phát hiện

     
    Tấm bia do có niên đại sớm nên bị cũ và rỗ nhiều. Hiện tại, ở cả 2 mặt bia còn khoảng 300 chữ có thể đọc được. Mỗi mặt lại được viết theo một lối chữ khác nhau.
     
    Mặt thứ nhất có dòng niên đại Kiến Hưng nhị niên (314) còn khoảng 120 chữ được viết theo phong cách Lệ thư; mặt thứ hai có niên đại Tống Nguyên Gia chấp thất niên (450) còn khoảng 150 chữ được viết theo phong cách Khải thư. Nét chữ ở cả 2 mặt đều được khắc sâu và rõ nét.
     
    Trước đó, vào năm 2012, cũng tại Bắc Ninh tấm bia tháp xá lợi có niên đại 601, đã được phát hiện. Theo một số cán bộ thuộc phòng Nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng Bắc Ninh, năm 2004 khi ông Nguyễn Văn Đức - người dân thôn Xuân Quan (xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh) đào đất làm gạch ở độ sâu chừng 2m tại khu phía sau chùa Đông Quan đã tìm thấy tấm bia cổ nói trên.
     
    Theo lời ông Đức kể lại thì lúc mới đưa lên hai tấm bia úp khít vào nhau và kết dính bởi một chất liệu đặc biệt, phải rất vất vả mới dùng mai tách đôi ra được. Và tới năm 2012  tấm bia đã được chùa Huệ Trạch và ông Đức trao lại cho Bảo tàng Bắc Ninh.
     
    Theo đánh giá của giới sử học, đây là hai tấm bia cổ nhất Việt Nam và có giá trị lớn về mặt văn hóa lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự phát hiện liên tiếp những tấm bia đá cổ đại có niên đại từ sớm càng khẳng định vùng đất Bắc Ninh ngày nay, vốn là vùng đất Kinh Bắc xưa kia là cái nôi của nền văn hóa Việt.

    Source Viện Nghiên cứu Hán Nôm