Friday, December 27, 2019

Blog Kỷ Yếu Dũng Vi 2019 - FLAG counter

49 different countries have visited this site.
93 flags collected.

Unknown - Asia/Pacific Region 1,977
Unknown - European Union 164
Unknown - Anonymous Proxy 8
Unknown - Satellite Provider 6

USA 40 out of 51 regions collected
CANADA 4 out of 13 regions collected
 


 


Source http://s05.flagcounter.com/more/9bx/

Những cú hích khiến bất động sản Bắc Ninh "lên đời"


Wednesday, December 18, 2019

Collection Nhạc Giáng Sinh (Vol. 2) - Thánh Ca Dâng Mẹ MARIA


Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

01/02/2018 23:10
 
Từ cuối tháng 12-2017 đến cuối tháng 1-2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á phối hợp với Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ tư. Đợt khai quật này tiếp tục được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác 5 năm (2014 - 2019) giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản). Phụ trách nhóm khai quật là GS.Hoàng Hiểu Phấn, Đại học Đông Á (Nhật Bản).
 
Tiếp nối kết quả đạt được trong các đợt khai quật năm 2014, 2015 và 2016 cũng như dựa trên kết quả khảo sát từ năm 2012, lần khai quật  này, đoàn nghiên cứu mở 1 hố khai quật có diện tích 20m2  với mục đích tìm hiểu những dấu vết văn hoá của thời kỳ hình thành Luy Lâu và xác định cấu tạo, hình dáng ngoại hào phía đông của thành Nội.
 
 
Các nhà khoa học nghe báo cáo kết quả sơ bộ tại hiện trường.
 
Kết quả, trong địa tầng lớp trên xuất lộ dấu vết hào bị lấp của thế kỷ 18, trong lớp đắp ken dày phát hiện nhiều mảnh hiện vật liên quan đến việc luyện đúc. Ở lớp thời Đường, phát hiện nhiều gạch, trong đó có viên gạch khắc chữ “Châu” – có thể cho đây là chứng cứ vật chất quan trọng đưa ra chứng minh di chỉ thành Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ, rồi tiếp đó là trị sở của Giao Châu.
 
Qua so sánh, nghiên cứu đối chiếu với kết quả những năm trước, Đoàn khai quật định hình được phần hào phía Đông của thành Nội thuộc hai thời kỳ: Thời kỳ II –III có độ rộng khoảng 10m, độ sâu khoảng 2,46m. Thời kỳ I có độ rộng khoảng 9m, độ sâu khoảng 1,6m (tính từ bề mặt hố là 3,8m). Hố khai quật còn xuất lộ nhiều loại hình di vật như than, đồ gỗ, đồ sắt, xương động vật, gạch ngói có hoa văn, trong đó chủ yếu là hiện vật thời Hán, bên cạnh đó là gạch ngói, mảnh gốm thời Ngô (Tam Quốc).
 
Tóm lại, kết quả của đợt khai quật này đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề còn tồn nghi của những đợt trước đó, từng bước khôi phục lại diện mạo của thành cổ Luy Lâu xưa. Sự phong phú và đa dạng về di tích và di vật cho thấy Luy Lâu là một trung tâm chính trị, văn hoá lớn, tiêu biểu trong nghiên cứu lịch sử giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên tại Việt Nam, của khu vực Đông Á và còn nắm giữ vai trò quan trọng trong lịch sử châu Á cổ đại.
 
Trước đó, tại khu vực di tích Luy Lâu diễn ra một đợt khai quật khác do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội) và Trường Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh nhằm đi sâu nghiên cứu khu vực nội thành với mong muốn góp phần đoán định niên đại, xác định đặc trưng di tích cũng như phục dựng lại đời sống dân cư trong thành. Qua đó góp thêm tư liệu cho quá trình nghiên cứu lịch sử thời đầu Bắc thuộc ở miền Bắc Việt Nam và trong việc xác định vị trí của Luy Lâu trong mối quan hệ với các khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam, Nam Trung Quốc, Chăm pa và Ấn Độ.
 
Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố khai quật trong khu vực thành Nội, một hố 16m2 và một hố 4m2. Kết quả thu được khối lượng hiện vật khá lớn, trong đó chủ yếu là mảnh vỡ của các loại hình vật liệu kiến trúc bằng đất nung, đồ gốm sứ gia dụng. Ngoài ra cũng phát hiện thêm một số di vật bằng kim loại, thuỷ tinh, đá và dấu tích xương. Qua đó thấy được phần nào sự phong phú, đông đúc, tập trung của đời sống dân cư nơi đây.
 
 
 

Hiện vật thu được trong cuộc khai quật di chỉ Luy Lâu năm 2017-2018
 
Các hiện vật phát hiện được như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực… làm từ gốm men, gốm cứng, gốm sành cho thấy tính chất phức hợp của khu di tích Luy Lâu. Nhiều loại hình vật liệu gạch ngói phát hiện trong hố khai quật chứng tỏ có nhiều kiến trúc nhà cửa, dinh thự trong thành Luy Lâu, trong đó có cả những kiến trúc lớn. Với những loại đồ dùng sinh hoạt tìm thấy tại đây như chỉ lưới, dọi xe chỉ, đá có vết mài là những dụng cụ sản xuất tiêu biểu của cư dân vùng Dâu để trồng lúa, trồng dâu, dệt vải, đánh cá… cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, tri thức và tầng lớp bình dân kéo dài trong nhiều thế kỷ, trong đó giai đoạn Lục Triều khá đậm nét. Kết quả khai quật còn cho thấy sự phát triển của những nghề truyền thống mà tiêu biểu là nghề làm gốm.
 
Tại khu vực mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu nằm trên cánh đồng Dâu thuộc địa phận thôn Khương Tự (xã Thanh Khương). Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố thám sát cắt ngang mộ thành hình chữ thập. Một hố theo chiều Đông Tây rộng 3m, dài 15m và một hố theo chiều Bắc Nam rộng 2m, dài 15m. Mục đích khai quật mộ gạch nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa di vật tuỳ táng và gạch xây mộ với di vật tương tự tìm thấy trong thành Nội, đồng thời tìm hiểu cấu trúc và kỹ thuật xây đắp của một ngôi mộ gạch có niên đại cùng thời với thành Luy Lâu.
 

Hiện trường khai quật khu mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu.
 
Về quy mô và cấu trúc, ngôi mộ khai quật có hướng cửa phía Đông, dài 9,76m, cao nhất khoảng 2,5m. Đây là một ngôi mộ gạch có cấu trúc vừa phải, thuộc nhóm mộ đơn táng có tiền thất, chủ quan thất, hậu tàng thất, Đông nhĩ thất và Tây nhĩ thất. Căn cứ vào quy mô, cấu trúc tường đơn và đôi của hầm mộ, gạch kích thước lớn với nhiều loại hoa văn khác nhau cùng đồ tuỳ táng còn sót lại trong mộ có thể thấy, niên đại ngôi mộ thuộc thời kỳ Đông Hán, thế kỷ I-III. Do không còn dấu vết của quan tài và xương cốt người chết nên giới nghiên cứu chưa dám bàn luận cụ thể về chủ nhân của ngôi mộ này.
 
Kết quả điều tra và khai quật mộ gạch cung cấp thông tin khoa học cho việc nghiên cứu về cộng đồng dân cư ở đây trong những thế kỷ đầu Công Nguyên từ đời sống vật chất, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày, cho đến quan niệm về thế giới thứ 2 sau khi chết. Đặc biệt, tiếp tục khẳng định vị trí của Luy Lâu trên bản đồ những khu mộ địa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu Công Nguyên. Qua đó, các nhà nghiên cứu bước đầu vạch dựng được con đường di chuyển chính của những quan lại nhà Hán được điều sang Giao Chỉ nhậm chức cũng như hành trình của những thương nhân Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á vào miền Bắc nước ta.
 
Nguồn: Thuận Cẩm
 

Monday, December 16, 2019

Bữa trưa cùng ông Già Noel (VOA)


MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2019


Thiếu Nhi Thánh Thể Maria Goretty Giáo Xứ Dũng Vy - 17/12/2019


Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

05/04/2017 16:11
 
Bắc Ninh, vùng đất có lịch sử lâu đời, cái nôi hình thành nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Qua hàng nghìn năm, vùng đất này lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng trong đó tiêu biểu có khu lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) nơi tưởng nhớ về cội nguồn của dân tộc.
 
Trong tâm thức mỗi người dân, Kinh Dương Vương là vị vua khởi thủy tạo lập nên đất nước Việt Nam. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã có những dòng ghi chép: “Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị. Vua là bậc thánh trí thông minh được cha là Đế Minh phong cho là Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên húy là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.”
Tự hào tỉnh Bắc Ninh là địa phương duy nhất trên cả nước hiện có di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để tưởng nhớ ơn đức tiền nhân có công mở cõi. Theo các bậc cao niên ở địa phương cho biết, đền thờ Kinh Dương Vương vốn xưa được xây dựng ở phía Tây thuộc xóm Bi làng Á Lữ. Đền thờ Kinh Dương Vương gọi là đền Thượng, gồm hai gian tiền tế và hậu đường. Gần đền thượng là đền Hạ nơi thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ có quy mô nhỏ hơn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hai ngôi đình Thượng và Hạ đều bị phá hủy. Hòa bình lập lại, nhân dân di chuyển đồ thờ tự về vị trí hiện nay để thờ cúng. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo di tích có kiến trúc quy mô gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ tứ thiết với nhiều mảng chạm khắc hết sức tinh xảo. Đề tài trang trí tại di tích là tứ linh, tứ quý, hệ thống cột được vẽ rồng mây tạo sự tôn nghiêm của ngôi đền. Giá trị của di tích còn thể hiện ở việc lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật như: Thần tích ghi chép về Kinh Dương Vương, 15 đạo sắc phong do các triều nhà Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Khải Định ban tặng ghi nhận công trạng của Kinh Dương Vương với đất nước. Tại chính tiền đường có bức đại tự Nam tổ miếu, “Nam bang thủy tổ”. Trung tâm của Hậu cung là Ngai thờ Kinh Dương Vương, hai bên là Lạc Long Quân và Âu Cơ uy nghiêm đó là những hiện vật minh chứng về một di tích đặc biệt thờ các bậc đế vương của con dân đất Việt.
Cách đền thờ không xa là lăng Kinh Dương Vương được đặt ở nơi địa thế tốt, trên một dải đất cao, bên hữu ngạn sông Đuống. Mặt lăng quay hướng Bắc, xung quanh là bãi bồi với tổng diện tích trên 4000 m2. Trải qua trường kỳ lịch sử, khu di tích lăng được các triều đại phong kiến quan tâm chú ý tôn tạo. Khu lăng mộ gồm quần thể các công trình kiến trúc: Lăng mộ, nhà thờ Văn, nhà thờ Võ và nhà Khách và Nghi môn. Trung tâm khu lăng là đài lăng được xây dựng bằng đá theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, trung tâm lăng mộ đặt tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” khắc vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) qua đó cho biết thời gian trùng tu tôn tạo công trình. Khu di tích lăng mộ với nhiều cây cổ thụ tạo thành quần thể di tích thâm nghiêm cổ kính.
 Về dâng hương Thủy tổ chúng ta hòa mình vào lễ hội hết sức đặc sắc phản ánh truyền thống văn hóa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội Kinh Dương Vương là một hội vùng với sự tham gia của nhân dân nhiều làng trong huyện. Xưa kia lễ hội được tổ chức trong thời gian từ 16 đến ngày 24 tháng Giêng hàng năm. Mở đầu lễ hội là nghi lễ tế nhập tịch trang nghiêm do các bậc cao niên thực hiện tại đền Thượng và đền Hạ. Sáng 18 tháng Giêng, sau tiếng trống khai hội đoàn rước bài vị của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ đền ra lăng và ngược lại được bắt đầu. Lực lượng tham gia rước hội được chia cho ba giáp trong làng là giáp Nam, giáp Bắc, giáp Đoài. Người tham gia rước là nam thanh niên từ 18 đến 45 tuổi mặc quần bó cạp, áo lửng hai thân sắc màu rực rỡ, tiếp theo là 10 người rước gươm trường bát bửu có biển tĩnh túc và hồi y để báo lệnh. Đi sau bát bửu là trống cái và chiêng đại, mỗi thứ có hai người khiêng, một người đánh, một người che lọng, đội nhạc tế. Tiếp theo là hai kiệu long đình mỗi kiệu có 8 người khiêng, kiệu đi trước rước sắc phong, kiệu đi sau rước chóe cùng với toàn thể nhân dân tham dự. Đoàn rước về lăng, nhân dân tổ chức tế lễ nghiêm cẩn ca tụng công lao đức Vua, tỏ lòng biết ơn ngưỡng mộ của lớp lớp con dân đất Việt đối với vị vua thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cầu mong dân làng bình an, quốc thái dân an mưa hòa gió thuận, thiên hạ thái bình.
Một nghi lễ đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Kinh Dương Vương là lễ “Rước nước”. Rước nước là một tục lệ thể hiện rõ nhất với quan niệm “rước nước năm trước hưởng lộc năm sau” của nhân dân địa phương, mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ông chủ tế là người được vinh dự đại diện cho dân làng lên thuyền ra dòng sông Đuống lấy nước tinh khiết về để thờ. Chóe nước thờ sẽ được sử dụng làm nước cúng trong suốt một năm. Cùng với nghi lễ trang nghiêm, lễ hội Kinh Dương Vương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: hát Trống quân, múa rối nước, tổ tôm điếm, hát Quan họ, các trò chơi dân gian như vật, chọi gà thu hút hàng vạn nhân dân tham dự.
Với giá trị đặc sắc trong những năm qua khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm đầu tư quy hoạch, trùng tu tôn tạo; đẩy mạnh công tác quảng bá tuyên truyền giá trị di tích; tập trung nghiên cứu sưu tầm các tài liệu; phối hợp mở các tour du lịch tâm linh đưa du khách về tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về di tích.
Nguồn: Nguyễn Hữu Mạo (Ban Quản lý di tích tỉnh)
 

Thursday, December 12, 2019

Bắc Ninh nay đã mê say bao người…

03/08/2018 10:00
 
Miền đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đẹp “như một khúc dân ca”, nơi đây có con sông Cầu lơ thơ nước chảy lại có dòng sông Đuống nghiêng nghiêng cuộn đỏ phù sa, có những liền chị cầu Lim, liền anh Khúc Toại đẹp nết, đẹp người, đẹp cả lời ăn tiếng nói… Đến với miền Quan họ, mỗi người đều có cảm xúc, ấn tượng riêng về một chiều sâu tâm thức văn hoá.
 
Quan họ mời trầu du khách quốc tế.
 
Một miền cổ tích

 Kinh Bắc xưa là một vùng đất nổi tiếng với phong cảnh đẹp, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng trù phú thẳng cánh cò bay. Lịch sử ghi nhận đây là một vùng đất trung tâm của đất nước với Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc, trung tâm Luy Lâu - Long Biên thời Bắc Thuộc, là phên giậu che chắn mặt Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt. Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và riêng có mà hiếm vùng miền nào có được. Ở miền đất này, mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hoá và lịch sử. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng truyền thuyết về Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ là Thuỷ tổ dân tộc, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt.

 Kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do cộng đồng nhân dân Bắc Ninh sáng tạo ra trong lịch sử vô cùng to lớn và phong phú. Hiện nay, miền Quan họ đang sở hữu hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng, các đình đền chùa nổi tiếng, nơi lưu giữ hồn gốc Việt lâu đời nhất. Đó là chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp-trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa Phật Tích, chùa Dạm là những Đại danh lam cổ tự thời Lý. Đền Đô nơi tôn thờ Bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt. Chùa Bút Tháp-công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê. Lăng Kinh Dương Vương thờ phụng Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ Tổ sư ngành quân khí; đền Lê Văn Thịnh thờ “Trạng nguyên” khai khoa đầu tiên; đền Xà với bài thơ thần Nam quốc sơn hà là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Đại Việt...

 Thực không dễ gì để một vùng đất được định danh là đất văn hiến. Lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Ninh được kết tinh, hun đúc và phản ánh sâu sắc, đa diện, nhiều chiều. Là cái nôi của Nho giáo, nơi Sĩ Vương mở trường dạy chữ nho đầu tiên, Bắc Ninh-Kinh Bắc còn nổi tiếng là đất học với gần 700 vị đỗ đại khoa, hàng nghìn cử nhân, tú tài, được sử sách và dân gian ca ngợi và để lại dấu ấn là những di tích nho học như: Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Chỉ ở các huyện, xã có nhiều đỗ đạt; đền, từ đường, nhà thờ của các dòng họ thờ các bậc khoa bảng... Với Bắc Ninh, nhân kiệt không chỉ sinh ra bởi “địa linh” mà còn được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hóa, trưởng thành từ nỗ lực và sự vun trồng. Giới nghiên cứu lịch sử đương đại đánh giá, các bậc hiền tài đất Bắc Ninh-Kinh Bắc không tách rời mà gắn bó mật thiết với văn hóa dân gian, trở thành rường cột nước nhà trên mọi lĩnh vực để làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Chính điều ấy giúp cho bản sắc văn hóa vùng đất này luôn vững bền, phát triển theo năm tháng.

 Ngoài chiều sâu và những trầm tích văn hoá ngàn năm, Bắc Ninh còn là xứ sở của thi ca và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống đặc sắc mà tiêu biểu nhất là Quan họ-một đặc sản vô cùng quý báu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bắc Ninh đã và đang toả sáng khắp 5 châu…
 
Chiếc nôi ngàn câu Quan họ

Xa xưa, khi nói về đời sống sinh hoạt văn hoá của người Bắc Ninh-Kinh Bắc, dân gian đã ngợi ca:

Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ dịp khoa
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa...

Là đất văn hiến với tinh hoa hội tụ cùng đội ngũ trí thức đại khoa tài năng xuất chúng cộng với những người thợ thủ công cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã sản sinh ra hàng trăm làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh độc đáo và đặc sắc. Có người nhận định: “Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình âm nhạc hội tụ khí chất của rất nhiều làn điệu dân ca, sự trong sáng, rộn ràng của Chèo; tính thổn thức, mặn mà của hát Dặm; nét khoan nhịp sâu lắng của Ca trù hay chất thênh thang, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ”. Song trên hết, Dân ca Quan họ dễ hát, dễ gần như một lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người, mọi nơi. Không chỉ ngoài sân đình hay trên thuyền rồng, cứ ở đâu người ta thấy lòng tươi vui hoặc thoảng nỗi nhớ thương thì lại ngân nga một đôi câu Quan họ…” .

Sau gần một thập niên được công nhận là di sản thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang phơi phới sức sống, toả ngát hương sắc đặc biệt của mình, ngày càng thể hiện rõ chân giá trị với những tinh tuý lấp lánh, được cộng đồng trong nước và quốc tế ngưỡng mộ. Bây giờ, Quan họ phổ biến khắp trong Nam ngoài Bắc và lan rộng sang nhiều quốc gia nhưng chỉ khi về Bắc Ninh người ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh tuý, sâu sắc của một “nghề chơi” lắm công phu. Bởi, Quan họ không đơn giản chỉ có hoạt động ca hát mà bao chứa trong đó nhiều phong tục, tập quán, lối ứng xử và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Nếu ở những loại hình dân ca khác, việc ca hát là chính thì với Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, những lời ca, câu hát chỉ là phương tiện để người Quan họ thực hành “nghề chơi”, trao gửi nghĩa tình.

 Trong quan điểm thẩm mỹ của người Quan họ, muốn gắn bó lâu dài, toàn diện thì phải lấy chữ “Nhân” làm đầu. Việc đề cao chữ “Nhân” của người Quan họ biểu hiện ngay trong cách đội khăn mỏ quạ và khăn xếp. Liền chị khi chít khăn mỏ quạ phải nắn chỉnh thật vừa, thật khít thành hình chữ “Nhân” và tạo cho khuôn mặt có hình chiếc búp sen. Còn với khăn xếp của các liền anh xưa là một dải lụa màu đen hoặc thâm được gấp khâu theo chiều dài của vải. Mỗi lần đội khăn, liền anh tự vấn lên đầu sao cho 2 nếp đầu tiên cũng phải tạo thành chữ “Nhân”. Những người chơi Quan họ lão luyện trong nghề không chỉ giỏi ca hát, thuộc nhiều làn điệu mà còn tinh tế trong cách phục sức, ứng xử và nghiêm cẩn trong từng lời ăn, tiếng nói… Chính sự chuẩn mực ấy đã mang lại cho khách thập phương cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất văn hiến, với những con người và điệu dân ca đằm thắm mà sang trọng, đầy chất trí tuệ mà vẫn trữ tình, đoan trang mà vẫn gợi cảm…

Tự hào khi Dân ca Quan họ được vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện bài bản, khoa học chuỗi chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng trong và ngoài tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý như: Thực hiện chính sách tôn vinh và đãi ngộ Nghệ nhân Dân ca Quan họ; đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường phổ thông; từ 44 làng Quan họ gốc đã phát triển thêm 329 làng Quan họ thực hành; hoạt động quảng bá, giới thiệu Di sản Dân ca Quan họ đến bạn bè trong nước và quốc tế được tổ chức đa dạng, phong phú. Trong đó, nổi bật là các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” hàng năm, Festival Bắc Ninh, Hội thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân… Đặc biệt, từ tháng 8-2017, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền để phục vụ nhân dân và du khách khi đến thành phố Bắc Ninh…

Về Bắc Ninh, miền đất đẹp như trong cổ tích “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” với chất men say Quan họ đã khiến bao người “phải lòng”, thương nhớ… Chính bề dày, chiều sâu văn hoá lịch sử cùng những trầm tích của miền đất cổ đã kiến tạo nên một Bắc Ninh văn hiến nghìn năm, giàu bản sắc; một miền đất Anh hùng, trẻ trung, năng động, căng tràn sinh lực và đầy khát vọng vươn xa hội nhập hôm nay.
 
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 
 

BẮC NINH VÀ BẮC GIANG SKYLINE - Sự tăng tốc của xứ Kinh Bắc


Tuesday, November 19, 2019

Vinhomes Ocean Park | Công viên GYM lộ diện | Gia Lâm - Hà Nội | Vingroup


Đồng hương tâm sự: Ông Tony Thắng Đinh và Thức Đinh

From: Thang Dinh
Tue 11/19/2019 10:05 AM
To: Thức Đinh
 
Hello Thuc;
 
  Hope you are doing well.!

  I am still looking for an test engineer job, but my luck is not coming yet.  Other than that we are fine.  Thuy cung van dang tim viec nhu Thang luon.  Hai anh em that nghiep cung mot luc.
 
  My wife, my son and I are going to Saigon Vietnam from Dec 17 to Jan 9, we plan to visit your mother this trip as usual.  We will travel to Singapore and Da Nang, Hoi An while we are in Vietnam.  I am excited for this trip now.
 
 O nha chan qua, thanh ra ru ba xa di VN choi nua.  Khong biet Thuc co biet khong, thang 2, 2019, Dinh Thi Bich Hop em cua Thang qua doi, huong duong 55 tuoi, Thang co ve VN for her funeral.  Sau do, den thang 8 lai co chi cua Thang Dinh Thi Hien qua doi, huong tho 67 tuoi, Thang cung ghe ve VN for her funeral too.  Bay gio di Vietnam nua, dang nao cung het tien roi, choi luon.  Doi nguoi mong manh qua...!  Nha Thang nam nay dung la gap cai hoa, het chuyen nay den chuyen khac...!
 
  Vai hang hoi tham suc khoe Thuc, khi nao ranh thi viet cho Thang vai hang nhe.
 
Keep in touch/Thang-Ngan
 
Tony Thang Dinh
Cell:  214-228-0223
 
----------

From: Thuc Dinh
Tue 11/19/2019 11:09 AM
To: Tony Thang Dinh


Hi Thắng

Cảm ơn. Thức cũng thường thôi. Hết làm ăn gì nữa rồi... Cứ như gia đình Thắng vậy là khỏe, tà tà du lịch... Cũng nên chăm sóc cho mình và gia đình một chút chứ.

Thức không biết khi nào có dịp về thăm nhà... Cuộc đời người còn thanh xuân thì hưởng. Mai mốt không còn cơ hội nữa.

Thư trước Thắng cũng có nói qua về tang gia. Chia buồn cùng gia đình nhé.

OK. Hope you guys enjoy your trips. Please say "Hello" to everyone.

See you again.
Thức

Tuesday, November 12, 2019

Trao đổi ý kiến về Gia Phả - Ông Đinh Văn Hưng và ông Đinh Tất Thức

Dưới đây là trích đăng ý kiến trao đổi về Gia Phả giữa ông Đinh Văn Hưng và ông Đinh Tất Thức qua Messenger Facebook ngày 11/11/2019.



Hung Tien: Gửi chú. Cháu hôm nay mới được xem kỹ Gia phả họ Đinh làng dũng vi

Đinh Thức: Thanks. Hưng xem thêm ở link này https://kyyeudungvi.blogspot.com/p/gia-pha-ho-inh.html


Trong ảnh cháu gởi, chú thấy một số tên lót chưa chuẩn. Thí dụ Đinh Tất Thức (không phải Đinh Văn Thức) và những tên cùng gia đình khác...

Dưới đây là bản mới và chuẩn nhất do ông Đinh Văn Diệm biên soạn và đã được nhiều họ hàng đồng hương góp ý bổ túc. https://1drv.ms/w/s!AnQtsLtyP-ZlzxUIL9cGAD3yfmsl

Đinh Tộc Thế Phổ 2013

Hung Tien: Bản này cũng ông Đinh Văn Diêm làm từ 1974 chú à. Nhưng cũng còn thiếu nhiều và sai cũng nhiều ạ.

Đinh Thức: Đó cũng là một trong những lý do phổ biến công khai gia phả để họ hàng người làng khắp nơi biết và góp ý. 

Chú cũng chỉ biết rõ về gia đình mình và họ hàng gần thôi... Còn thì do các cụ, ông bà chú bác ghi chép từ xa xưa.

Nếu có thể được thì Hưng chụp lại từng trang theo thứ tự gởi chú đăng lên blog KYDV để mọi người cùng tham khảo góp ý.

Hung Tien: OK chú.
 

Wednesday, October 23, 2019

Xếp hạng 13 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Xếp hạng 13 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

15/10/2019 10:20 
 
UBND tỉnh vừa có Quyết định xếp hạng 13 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
 
Cụ thể, thành phố Bắc Ninh có 3 di tích: đình Sơn Đông (xã Nam Sơn), đền Trung Cơ (khu phố Cổng Hậu, phường Vệ An) và chùa làng Phú Xuân (Cầu Lâu Tự, xã Kim Chân). Huyện Gia Bình có 1 di tích: Nhà thờ Định Quận công Trần Quang Châu (thôn Kênh Phố, xã Cao Đức).
 
Huyện Lương Tài có 4 di tích: Chùa Đan Quế (Liên Khương tự, xã Trung Chính), đình An Phú (xã An Thịnh), đình Tháp Dương (xã Trung Kênh) và  đình, chùa Lai Nguyễn (xã Trung Kênh). Thị xã Từ Sơn có 2 di tích: Nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô, thôn Tam Sơn (xã Tam Sơn) và đình Doi Sóc (xã Phù Chẩn). Huyện Tiên Du có di tích đền Đông Đạo (thôn Lũng Sơn, thị trấn Lim). Huyện Quế Võ có di tích chùa thôn Thủy (Hưng Khánh tự, xã Chi Lăng) và huyện Thuận Thành có di tích đình làng Phúc Lâm (xã Nghĩa Đạo).
 
Các cấp, ngành, địa phương nơi có di tích được xếp hạng theo chức năng, phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có tổng số 608 di tích, trong đó có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 194 di tích Quốc gia và 410 di tích cấp tỉnh.
 
Việt Thanh

Thursday, September 26, 2019

Những con đê làng

Những con đê làng
 
Ðể ngăn nước lũ, người xưa đã đắp nên những con đê. Ðê gắn với dòng sông, với làng mạc trù phú từ bao đời nay. Ðê góp mặt vào những sinh hoạt đời thường của con người, để lại những kỷ niệm thiết tha và ý nghĩa.

Hai bên bờ những dòng sông đều có con đê. Những con đê ngăn dòng nước lũ tràn lan, chia thành vùng đất trong đồng và ngoài bãi. Ðê giữ lũ cho xóm làng có một cuộc sống bình yên. Những con đê cứ uốn mình theo dòng sông, khúc cong, khúc thẳng như hình với bóng.

Những con đê là những con đường giao thông, nối tình người của những miền đất xuôi, ngược, mang những vật phẩm, hoa trái của miền nọ, giao hảo với miền kia. Ðê là những con đường cao ráo sạch sẽ. Dẫu có mưa dầm dề cũng không thể nào đọng nước. Và gió mặt đê cũng thỏa sức thả hết tốc độ của gió, lau sạch những bụi bặm trên mặt đường mà trận mưa rào chưa rửa hết.

Bờ đê, nơi thoáng gió ấy, là những "bệ phóng" lý tưởng của những cánh diều tuổi thơ. Cỏ bờ đê là những bãi chăn thả dự trữ của những đàn trâu, bò, gà tây, đàn ngỗng trong mùa lụt. Khi cánh đồng đã lên xanh, khi dòng sông đã nhấn chìm hết những bãi non, bãi già thì những đàn gia súc, gia cầm ấy chẳng hẹn cũng gặp nhau trên bờ đê. Những người chủ bé của chúng cũng gặp nhau cùng thi thả diều.

Với tuổi dậy thì, con đê là điểm hẹn hò đáng yêu, đáng nhớ. Mấy ai ở tuổi ấy, ở những nơi ấy chả có đôi lần gặp nhau, đợi nhau trên bờ đê. Nhà thơ Nguyễn Bính, con người "chân quê" xưa, chả đã có lần thốt lên:
 
Hôm qua em đi tỉnh về
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng...
 
Câu thơ của thi sĩ đã nói hộ bao người. Nói hộ bao trái tim đôi lứa sinh ra bên những con đê làng.

Những loài cây cỏ bên bờ đê cũng đặc biệt lạ lùng. Loài cây trinh nữ và loài cỏ may, hai loài cây ấy hầu như triền đê nào cũng có. Trinh nữ bò lan mặt đất, lá như lá me, hoa nở từng chùm, bông hoa tròn như bông hoa tai nàng công chúa trong cổ tích. Hễ ai động bàn tay vào, lá trinh nữ cụp lại, héo rũ, tái nhợt như người con gái lần đầu tiên gặp người mình yêu.
 
Thuở trước, khi mùa cưới bắt đầu, những tràng pháo nổ râm ran. Người làng đứng trên đê nhìn xuống có thể thấy những làn khói xanh bốc lên trước ngõ nhà nhau. Chàng trai hay cô gái nhìn khói pháo, giật mình tưởng việc của mình sắp đến. Trẻ con đứng trên đê nhìn khói pháo, rủ nhau chạy ùa xuống ngõ xem mặt cô dâu chú rể.

Ðó là hình ảnh của những con đê làng thời chưa xa lắm. Hôm nay ta đi trên mặt đê, lòng cảm tạ cha ông xưa, người đã sáng tạo ra những "vạn lý trường thành" ngăn giặc lũ, cũng là nơi manh mối nghĩa tình. Cuộc sống hôm nay trên mặt đê diễn ra nhộn nhịp. Những đám đón dâu, đưa dâu không còn phải đi bộ. Những xe hoa lăn bánh trên mặt đê, xe ngược, xe xuôi gặp nhau trong những ngày lành tháng tốt.

Làng tôi bên kia sông Hồng, một làng ven ngoại thành Hà Nội, cũng có một con đê trải bao đời như thế. Những nỗi lo mùa lụt hằng năm vẫn canh cánh người dân quanh vùng. Lịch sử sắp sang trang một thiên niên kỷ mới. Và những con đê quanh vùng ven cũng đổi đời. Những con đê bên bờ Hà Nội sẽ trở thành con đê bê-tông cốt thép để bảo vệ nội thành. Sau những nỗi mệt nhọc lo âu thường nhật, chiều chiều ra đê đón gió mát lạnh của sông Hồng, tôi mới hiểu con đê trong tôi tha thiết và ý nghĩa biết chừng nào.
 
Thanh Hào (Báo Giáo dục và thời đại)
 
Source E-CaDao

Wednesday, September 25, 2019

Nhộn nhịp chợ "hẹn" mùa nước nổi | THDT


Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Đinh Thức

Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức
 
Cái Bống là cái Bống bang
Con đi lấy sàng cho mẹ đổ khoai
Con ăn một, mẹ ăn hai
Con đi bốc muối thì khoai chẳng còn
Con ngồi con khóc nỉ non
Me cầm cái vọt con bon ra hè
Có đánh thì đánh vọt tre
Đừng đánh vọt nứa mà què chân con.
 


 
----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức

Monday, September 23, 2019

Mộ tổ PHAN TỘC và NGUYỄN-THẾ (04-2019)



Một số những hình ảnh về Dũng Vi do các em Thiếu Nhi Thánh Thể Maria Goretty Giáo xứ Dũng Vy chụp nhân dịp Chiến Dịch Hè 2019.
 
 
Mộ tổ dòng họ NGUYỄN-THẾ và PHAN TỘC (Kiến trúc bên phải)

 
Mộ tổ dòng họ NGUYỄN-THẾ của cả thôn Giáo và thôn Lương (Kiến trúc bên trái có bia và mái rồng) - Văn Việt (Facebook)
 
 
Mộ tổ PHAN TỘC
 


Photos: TNTT GXDV
 

Wednesday, September 18, 2019

Tri Phương - Bắc Ninh: Phát triển bền vững theo chuẩn nông thôn mới

Tri Phương - Bắc Ninh: Phát triển bền vững theo chuẩn nông thôn mới

Trong năm 2017, xã Tri Phương đã đạt tiêu chí nông thôn mới tạo tiền đề vững chắc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.
 
Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích reo cấy vụ xuân được đẩy lên là 268/270 ha đạt 99,3%; tổng diện tích reo cấy được 530,5ha đạt 98,2%, sản lượng bình quân đạt 57 tạ/1 ha. Năm 2017, tổ chức 07 lớp chuyển giao KHKT với 450 lượt người tham gia, không ngừng nâng cao kiến thức trồng trọt chăn nuôi.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp như: cung ứng 3.900kg giống lúa cho các Tổ hợp tác, trong đó vụ xuân cung ứng được 1.980kg, vụ mùa cung ứng 1.924kg lúa thuần các loại, đáp ứng được nhu cầu giống lúa cho người dân trong xã. Phối hợp tổ chức 02 lớp dạy nghề mây tre đan, 01 lớp trồng rau sạch với 90 học viên tham gia; tổ chức nghiệm thu 08 hộ xây dựng bể Biôga. Tập trung chỉ đạo điều hành các thôn, tổ hợp tác thực hiện tốt các dịch vụ nước, làm đất, bảo vệ thực vật, dịch vụ thu hoạch đảm bảo hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra trong sản xuất nông nghiệp năm 2018.

Công tác quản lý tài nguyên – môi trường có nhiều thành tích đáng khen. Trong năm 2017, UBND xã đã tiếp nhận 52 hồ sơ, trong đó 04 hồ sơ xin cấp mới Giấy CNQSDĐ, chuyển nhượng 16 hồ sơ, tặng cho 17 hồ sơ, phân chia thừa kế 03 hồ sơ, thỏa thuận gia đình 12 hồ sơ; đến nay đã trả kết quả được 48 hồ sơ. Về vi phạm đất đai, năm 2017 trên địa bàn đã xảy ra 9 trường hợp tự ý tân đất, tân cát, xây bờ bao trên diện tích đất canh tác, UBND xã chỉ đạo giải tỏa 5 trường hợp còn lại 4 trường hợp. Duy trì vệ sinh môi trường, thu gom được 80% rác thải ở các thôn về khu trung chuyển chứa rác.

Trong tháng 11/2017, UBND xã đã đề nghị Công ty môi trường Tân Trường Lộc chuyển rác tại các khu trung chuyển đi xử lý, đến nay công ty đã xử lý xong lượng rác của thôn Lương, thôn Giáo và thôn Đinh. Trong thời gian tới sẽ xử lý lượng rác của thôn Cao Đình.


Giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu trong các nhiệm vụ. Cả 3 cấp học vẫn được duy trì ổn định về quy mô; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; cơ sở vật chất cơ bản được đảm bảo; cả 3 trường đều hoàn thành nhiệm vụ năm học. Bậc mầm non, Chất lượng giáo dục được nâng lên về nề nếp vệ sinh có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%, nề nếp đạo đức có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%, nề nếp học tập có 23/23 lớp đạt tốt chiếm 100%. Bậc tiểu học, học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 137/137 học sinh đạt 100%, học sinh được lên lớp thẳng là 690 đạt tỷ lệ 99,6%.

Giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi là 20 đ/c, khá 18 đ/c, TB là 0 đ/c, không xếp loại là 02 đ/c. Có 07 đ/c giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 01 đ/c giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Bậc trung học, học sinh tốt nghiệp THCS là 103/105 học sinh đạt 98,1%. Tổng số học sinh thi đỗ vào lớp 10 công lập đạt 89,66%; Có 23 học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi về môn văn hóa do các cấp tổ chức (1 giải nhì, 11 giải ba, 11 giải khuyết khích).
 
Trong năm 2017, Trạm y tế xã là đơn vị tiên phong trong toàn huyện về công tác khám, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đạt 8515/9375 đạt 90,8%, phát hiện 101 mặt bệnh (656 ca bệnh). Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 217 trẻ. Thực hiện tốt các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, về y tế cơ sở đạt 90,5/100 điểm, trạm đạt chuẩn giai đoạn 2; thực hiện tốt công tác phòng dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2017, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh, không có vụ ngộ độc thực phẩm và tai biến nào xảy ra trong điều trị; khám chữa. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản được quan tâm thường xuyên, số phụ nữ mang thai khám 3 lần trước khi sinh đạt 100%, tiêm  trủng mở rộng cho phụ nữ có thai là 167 người, 100% các cháu khi sinh đều được uống VitaminA; chăm sóc sức khỏe.

Công tác tư pháp, giải quyết đơn thư trong năm 2017, tổ chức tiếp dân 49 buổi với tổng số 230 lượt người phản ánh 22 vụ việc, trong đó khiếu nại 02, đề nghị 20; về lĩnh vực đất đai là 10, chính sách xã hội là 07,  nội dung khác là 05. Tổng số đơn đã thụ lý để giải quyết là 21 đơn, trong đó huyện chuyển về 05, xã thụ lý 16, bao gồm khiếu nại 02, tố cáo 01, nội dung khác 18; nội dung đơn về đất đai 16, tài chính 01, nội dung khác 04. Kết quả đã giải quyết xong 13 đơn do xã tiếp nhận, đang giải quyết 03 đơn; giải quyết xong 04 đơn do huyện chuyển về, đang giải quyết 01 đơn.

Lập hồ sơ và ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính 44 trường hợp, cụ thể Chủ tịch xã đã ban hành quyết định xử lý hành chính áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với 09 trường hợp liên quan đến ma túy và gây rối trật tự công cộng, 15 quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm đất đai, xử phạt hành chính 09 đối tượng với tổng số tiền là 32.300.000 đồng; Trưởng Công an xã đã lập hồ sơ và ban hành quyết định xử phạt hành chính 11 đối tượng với số tiền là 10.000.000 đồng.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của UBND xã Tri Phương là tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát nền kinh tế; khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Chủ động, phát huy nội lực, khai thác quản lý và sử dụng các nguồn lực để duy trì ổn định nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; tận dụng cơ hội, phối hợp thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo bước chuyển biến mạnh về nhận thức và trách nhiệm hành động trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhằm hướng đến mục tiêu “Thực hiện từng bước đi vững chắc bền vững theo các nội dung tiêu chí của đề án xây dựng nông thôn.

Đình Cường

Thursday, September 5, 2019

Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức

Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
Trung Thu lại về mang theo những niềm vui nhỏ nhỏ, dễ thương cho tuổi thơ và có lẽ cả người lớn... Gia đình tôi vào những dịp Trung Thu hàng năm thì cả nhà bận rộn để kịp ra lò những hộp bánh nướng, banh dẻo đặng giao khách hàng (Quý vị muốn đặt hàng gọi số 0838438004)...

Mỗi người có một tuổi thơ với những kỷ niệm để nhớ. Những kỷ niệm tuổi thơ đáng yêu mà tôi vẫn nhớ suốt cuộc đời vào những dịp Trung Thu ở quê nhà là những chiếc đèn Trung Thu tự tạo bé nhỏ, ngộ nghĩnh, tốn công mấy ngày mới làm xong, không phải vì bố mẹ không mua cho mà vì thích tự làm lấy như thế; có khi làm bằng giấy bóng kính, có khi thì làm bằng cóng lon nước ngọt kêu lóc cóc, leng keng quanh xóm ngõ cùng đám trẻ trong xóm... Cả đám ồn ào, vui nhộn với những câu hát đi hát lại... "Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi. Em đốt đèn đi khắp phố phường... Đèn ông sao với đèn cá chép... đèn bướm bướm..." (Rước đèn tháng Tám - Nhạc sĩ Vân Thanh hay Đức Quỳnh)... Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư và dễ thương như những cây đèn cầy ngũ sắc bé nhỏ xinh xinh lung linh tỏa sáng...

Nói đến Trung Thu thì không thể thiếu câu chuyện Chị Hằng Nga và Chú Cuội mà chúng tôi vẫn hát vang đêm trăng rằm "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ... Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi..." (Thằng Cuội - Nhạc sĩ Lê Thương).

Cung Quảng vừa tròn vừa sáng lung linh huyền ảo lại có Hằng Nga và một bầy tiên nữ xinh đẹp vui đùa múa hát như thế hỏi sao chú Cuội cứ ôm cây ở mãi chẳng muốn về... Đến như bố mẹ Cuội mà còn mê cưỡi ngựa, chơi cầu vồng... thì trách chi Cuội sao chỉ muốn sống mãi trên tiên cung...
 

 
 
----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức