Saturday, January 19, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)

Bút ký Lam Thy Đinh Văn Diệm

Làng tôi phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long

Tôi mở đầu bài viết này bằng hai câu Ca dao Việt Nam. Tại sao lại thế ? Tôi vẫn có thói quen khi đặt bút viết (thơ, truyện, ký...), tôi sẽ ghi lại bất cứ một hình ảnh, một câu thơ, câu văn nào đó (có thể là của tôi, của ai đó hoặc của chung quê hương đất nước - thành ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao - nữa, không chừng) hiện lên đầu tiên trong óc tôi. Giây phút đầu tiên rất đáng trân trọng và cũng rất quan trọng đối với những người ưa bôi nhọ giấy trắng - nó sẽ thoáng qua rất nhanh, nếu không chụp được thì sau này không bao giờ còn cơ hội chụp được nó nữa. Rồi sẽ coi nó như một cái mốc - một cái cớ (cause) - để cho cơn hứng lang thang vào các ngõ ngách của tư duy sáng tạo. Hai câu ca dao trên đến với tôi như vậy đó, và thật sự đúng lúc - vào chính lúc tôi có ý định viết về LÀNG TÔI: DŨNG VY yêu dấu của tôi. Và loáng thoáng sau đó là hình ảnh làng tôi quyện lẫn trong giọng ca Thái Thanh một thời:

“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh...”

Tự nhiên trong cái cảm xúc dâng trào ấy, tôi muốn thay vào 2 tiếng làng tôi bằng 2 tiếng thân thương Dũng Vy. Vâng:

Dũng Vy phong cảnh hữu tình...

Có thật thế không ? Hoặc giả cái lăng kính tuổi thơ đã làm cho tôi nhìn quê hương mình - nhất là nhìn qua ký ức - thấy toàn một màu hồng chăng ? Nhưng dù là lăng kính màu gì đi nữa cũng không quan trọng, bởi vì điều mà tôi muốn đạt tới ở đây - trong bài viết này - là muốn gởi gấm cho những thế hệ về sau một chút tâm sự của tôi - của chúng tôi, những người biên tập - cộng thêm một chút tự hào về dòng tộc, quê hương mình. Cái hào quang ký ức tất nhiên phải có ấy chỉ soi sáng thêm cho những ghi nhận, chắc chắn không thể làm sai lệch được những yếu tố cấu thành một Dũng Vy phong cảnh hữu tình... Và vẫn còn đó những địa danh, những di chỉ văn hóa mà thời gian không thể xóa mờ.

Dũng Vy nằm ở trung tâm cái nôi Kinh Bắc - với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Đó là ở phạm vi rộng (tỉnh), còn ở phạm vi hẹp hơn một chút thì Dũng Vy lại thuộc huyện Tiên Du - mà mới chỉ nghe tên đã thấy rất đẹp, rất thơ mộng. Câu chuyện Giáng Hương tiên nữ từ trong tranh bước ra cuộc sống trần tục với anh chàng thư sinh Từ Thức, rồi vân du suốt một dải núi cánh cung: Trà Sơn (núi Chè) - Cổ Miễu - Bát Vạn - Phật Tích - Long Khám (Long Giáng) cuối cùng thì vào chùa Ba Cóc (núi Chè) đọc sách, ngâm thơ, quay tơ, sấy trà... cho đến khi cả đôi uyên ương thành tiên, chắp cánh bay về tiên cảnh bồng lai - phải chăng chỉ là huyền hoặc ? Ô, nhưng mà ba con cóc ngồi chầu văn vẫn còn đó. Sau này thì nói là ba con cóc ngồi chầu kinh (nghe sư trụ trì tụng kinh).

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)

  • Wednesday, January 16, 2013

    CỔNG LÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT



    Published on Jun 16, 2012

    Cổng làng - hồn Việt xưa nay vương vấn...
    Dân Việt - Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước...
    Cổng làng là một loại hình kiến trúc văn hoá rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ngày xưa, hầu như làng nào cũng có cổng làng. Nhiều làng có tới 2, 3 cổng trên các lối đi chính vào làng.
    Tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm dải đất từ phía Sơn Tây xứ Đoài về phía nam - mạn Hà Đông, còn khá nhiều làng cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa với các quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị.
    Đường đi qua cổng làng phải là đường trục chính, rộng rãi, thường được lát gạch nghiêng. Dọc hai bên đường trục là các lối xóm, ngõ đổ ra theo kiểu chân rết (hay xương cá). Đầu các ngõ xóm cũng có cổng. Nhà dân trong xóm ở liền kề nhau như bát úp và từng hộ gia đình lại có cổng riêng cùng với tường bao quanh, tạo nên một hình thái đặc trưng của nông thôn xưa là "kín cổng cao tường":
    Làng ta phong cảnh hữu tình
    Dân cư đông đúc như hình con Long...
    (Ca dao)
    Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa...
    Qua tìm hiểu, phần lớn cổng làng truyền thống ở vùng Hà Tây được xây dựng ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm-Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai.
    Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa.
    Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parapol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng.
    Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.
    Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng làng lớn như Ước Lễ (Thanh Oai), Thượng Hội (Đan Phượng), Tảo Khê (Ứng Hoà)... trên cổng còn có Vọng lâu với 2, 3 lớp mái, mỗi góc mái đều có đầu đao, dáng dấp như những ngôi đình chùa cổ.
    Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.
    Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước:
    "Chiều hôm đón mát cổng làng
    Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi..."
    (Bàng Bá Lân)
    Hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ "phong trào" phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Đó là một nét đáng mừng. Nhưng có lẽ, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu sau mỗi cổng làng ấy là cuộc sống người dân luôn no ấm, yên bình và đậm đà bản sắc "Mỹ tục khả phong" (Phong tục tốt đẹp) riêng.

    Cố Hương Ký - Lam Thy Đinh Văn Diệm

    (Trích KYDV 1 - Trang 6)

    Hướng Về Quê Mẹ - Tương Giang Đinh Quang Tòng

    Hướng về quê Mẹ Bắc Ninh
    Bao năm xa cách nặng tình cố hương
    Anh em mỗi ngã mỗi phương
    Cần cù lao động trên đường mưu sinh
    Gian nan lữ khách hành trình
    Nhưng lòng vẫn nhớ Bắc Ninh Chính Tòa
    Thời gian mấy chục năm qua
    Chia tay tản mác nhập hòa khó khăn
    Năm nay Kỷ Mão đầu xuân
    Dũng Vy họp mặt: Thập phần được bao?
    Ước gì đến những xuân sau
    Anh em đoàn tụ năm Châu về nguồn.
     
    (Trích KYDV 1 - Trang 5) 
    

    KHAI TỪ

    Cách đây trên một năm, nhân một cuộc họp bầu Ban Cố Vấn Công trình Trùng tu Thánh Đường Dũng Vy vào cuối tháng 03-1999, có một ý kiến được đưa ra trong lúc mạn đàm: Thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy. Tuy là một ý kiến bên lề, nhưng lại được đa số đồng tình. Thời gian qua đi, Công trình Trùng tu Thánh Đường xứ Dũng tuy có gặp một vài trở ngại, nhưng cũng được hoàn tất một cách tốt đẹp đúng với mong ước của mọi người con xứ Dũng tha phương (cả ở miền Nam VN và nước ngoài).

    Tới 05.02.2000, cuộc họp mặt nhân ngày giỗ đầu bà xã Lam Thy quy tụ hầu hết những thành viên của cuộc họp 28.03.1999. Trong bầu không khí hoài niệm (tưởng nhớ người quá cố – hoài nhớ dĩ vãng - tưởng niệm tiền nhân), Tương Giang đưa ra ý kiến làm một tập ảnh lưu niệm về quê hương nhân sự kiện Công trình Trùng tu Thánh Đường Dũng Vy đã hoàn tất. Lam Thy - tính vốn bốc đồng - đưa ra ý kiến: Thay vì làm một tập ảnh như phóng sự ảnh, tại sao không thể làm một TẬP KỶ YẾU? Lại được sự đồng tình tuyệt đại đa số. Thì cũng vẫn những NGƯỜI CŨ trong cái Ban Cố Vấn hữu danh vô thực năm trước - Trong cái nhóm Biên tập ĐINH TỘC THẾ PHỔ - trong cái gọi là Ngũ Quái: Đồng hương - đồng tuế - đồng môn – đồng liêu - đồng tâm còn sót lại ở miền Nam VN: ĐINH QUANG TÒNG - ĐINH VĂN DIỆM - ĐINH VĂN ĐƯỜNG - ĐINH VĂN ĐÍCH - ĐINH VĂN SỬU) nhưng VIỆC MỚI: Làm một cái gì đó cho thỏa cơn khát văn nghệ văn gừng - cho nó vui - tại sao không?

    Tất cả cũng đều chỉ nằm trong cái ý kiến bốc đồng được nhen nhóm từ một đốm lửa tưởng đã tắt lịm qua một năm dồn dập sự kiện cuối Thiên Niên Kỷ II. “Hãy thắp lên một ngọn đèn còn hơn là...". Thế là muối trong men - men trong rượu... và thật cảm động, khi có những người chưa hề đặt bút viết văn làm thơ lại có được những bài dồi dào cảm hứng đến như vậy. Phải chăng, ngoài những cảm hứng tự thân muốn ký thác như đã nói, còn một HỒNG ÂN NĂM THÁNH 2000 bao trùm và thúc đẩy? Tiên Du Tử chắp hai tay tạ ơn Đức Thánh Linh đã thắp sáng ngọn Lửa Mến trong tim mọi người và đọc đôi câu đối:

    - Hoài niệm dĩ vãng, ghi công đức tiền nhân, trách nhiệm nặng nề sao, gắng sức thì CỦA TIN vẫn để.
    - Hướng tới tương lai cho hành trình hậu duệ, ước mơ cao đẹp thế, kiên tâm nên KỶ YẾU tất thành.

    TẬP KỶ YẾU DŨNG VY thành hình là như vậy đó. Tất nhiên cũng còn nhiều hạn chế, nhưng tôn chỉ vẫn là một: Thắp lên một ngọn đèn. Tưởng cũng cần nói thêm là lúc đầu nhóm Biên tập cũng định mời tất cả mọi người cùng chung tâm niệm ở hải ngoại cùng tham gia, nhưng vì điều kiện liên lạc và thời gian tính nên chưa thực hiện được. Và nếu quả thực ngọn đèn đã được thắp lên ở cuối đường hầm - dù còn leo lét - như hai câu thơ của Muỗi Cầu Ve:

    Những đêm ươm DŨNG khí
    Chuyển mộng thành hành VI

    thì cũng xin được thắp lên ở đây một nén hương lòng - đón nhận tất cả mọi ý kiến và bài vở của những người con xứ Dũng từ khắp mọi nơi trên trái đất này cho một TẬP KỶ YẾU DŨNG VY số 2 (cùng với việc thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy) nhằm vào dịp Đại Cát: Ngày kỷ niệm Thánh Cả Giuse bổn mạng Giáo họ Dũng Vy 19.03.2001.

    Mong rằng những kỳ vọng đặt ra cho TKYDV số 1 này sẽ như một đóa lan Nhất Điểm hàm tiếu “kết tụ tinh anh giữa gió sương”. Và một vườn lan mãn khai “muôn màu muôn vẻ thoảng muôn hương” cho mùa Xuân đầu tiên của Thiên Niên Kỷ III.

    Mong lắm thay!

    Sài Gòn ngày Hạ Chí 19.06.2000
    Nhóm Biên tập

    (Trích KYDV Số 1, trang 3,4)