Phía Đông làng tôi
giáp với xóm Sen (thuộc làng Cao Đường). Nghe đồn các
vị sư trụ trì ở Chùa Trong - Chùa Ngoài thuộc làng tôi,
rồi cả các vị ở Chùa Ba Cóc, Chùa Bách Môn, Chùa Phật
Tích (phía Bắc làng), đến cả các vị trụ trì Chùa Hộ
Pháp ngoài Đình Bảng - Từ Sơn (phía Tây của làng), cứ
đến mùa Hè có lễ hội muốn dâng hương sen, lại tấp
nập về làng tôi rồi qua xóm Sen lựa hoa. Phía Tây của
làng có con sông nhỏ (quen gọi là Ngòi Cầu Ve) tên là
Ngưu Giang ôm lấy lũy tre làng chảy lên phía Bắc, gặp
nhánh sông phía Tây Bắc (làng Đồng Xép) chảy xuống hợp
lưu tại Nghè Mậy và tiếp tục ôm lấy cánh đồng màu
mỡ của làng mà chảy mãi về Đông, cho tới nơi hội tụ
của 6 dòng sông gần biển Đông (Thái Bình Dương), gọi
Lục Đầu Giang. Bên kia Ngòi Cầu Ve, cách một quãng đồng
là làng Đại Vy (nhưng Đại Vy lại có một xóm nhỏ nằm
sát bờ Tây Ngòi Cầu Ve, ngay liền bên làng tôi. Hai bên
có thể tán gẫu qua lại với nhau, tên xóm nhỏ rất gợi
hình: xóm Gạ. Đáng yêu quá, muốn gạ gì mà chẳng
được !). Không hiểu sao xóm nhỏ đó lại không thuộc
làng tôi (mà chỉ Gạ gẫm thôi !), lại thuộc Đại Vy
cách xa hơn ? Có lẽ do phong thổ (thổ âm xóm Gạ giống
hệt Đại Vy mà khác hẳn Dũng Vy). Tiến thêm về phía
Tây nữa là Đại Thượng, Dương Húc, Phù Chẩn, Lã Vôi,
Đình Bảng, Cẩm Giang, Từ Sơn. Phía Tây Nam còn có làng
Đại Trung và xa hơn nữa, giáp bờ đê sông Đuống là
làng Phù Đổng - quê hương Thánh Gióng.
Phía Nam làng cũng có
một nhánh sông ôm sát lũy tre làng, gọi Ngòi Cầu Cung,
hợp lưu với Ngưu Giang ngay tại xóm Gạ. Qua Ngòi Cầu
Cung thì tới Đền Vua và Mả Ngụ. Nghe đồn từ xa xưa,
Triều đình phong kiến có lập tại đây một trường tập
bắn cung gọi là Mả Ngụ và xây dựng một ngôi đền
(Đền Vua) để nếu nhà vua có về ngự thi xạ tiễn thì
có nơi để nghỉ ngơi. Theo suy nghĩ của tôi thì có lẽ
trường tập bắn tên là Mã Ngự (ngựa của vua hoặc có
thể hiểu theo nghĩa: Mã là ngựa, Ngự là vua ngự lãm -
Mã Ngự là vua cỡi ngựa bắn cung hoặc xem bắn cung - ở
đây tôi giải thích chữ Mã Ngự theo cách giải thích
những chữ sau: Ngự thiện = Vua ăn cơm - Ngự triều = Vua
họp triều đình - Ngự xạ = Vua bắn cung - Ngự tiễn =
mũi tên vàng của vua v.v...), rồi theo dòng thời gian, dân
chúng đọc trại đi (luật biến âm của từ nguyên) thành
Mả Ngụ chăng ? Tôi đã hỏi các vị cao niên, nhưng không
ai rõ nguồn gốc chữ Mả Ngụ và cũng chẳng thấy có
ngôi mộ nào tại trường tập bắn cả. Còn một điểm
nữa, cổng làng phía Nam của làng tôi gọi là cổng Cầu
Cung (nơi ghi dấu một cái Cung đường để nhà vua cầu
phúc, hoặc có thể hiểu là nơi cầu cho cung tên được
bách phát bách trúng). Trên cổng Cầu Cung còn có 3 đại
tự: PHÚC LAI VI (phúc lại vi hành đến hoặc phúc đến
với làng Dũng Vy). Tổng hợp cả 3 địa danh CẦU CUNG -
ĐỀN VUA - MẢ NGỤ, chứng tỏ có ghi dấu ấn các Hoàng
đế phong kiến ở nơi đây mà 3 đại tự PHÚC LAI VI có
thể là do vua ban hoặc sắc phong cho làng. Như vậy thì Mả
Ngụ có thể hiểu là Mã Ngự cũng có lý lắm chứ ! Tiếc
một điều thời gian dâu biển, ngày nay hỏi đến thật
ít người lưu tâm. Con đường từ cổng Cầu Cung đi
thẳng hướng Nam thì gặp bờ đê sông Đuống (tên chữ
là Thiên Đức Giang - con sông đào từ đời Thiên Đức
để chia bớt áp lực nước từ sông Hồng và cũng là
cách dẫn thủy nhập điền của tổ tiên xưa), bên cạnh
đường này về phía Tây là Đền Vua và Mả Ngụ đã nói
ở trên, còn cạnh đường về phía Đông là thôn Đinh
cũng thuộc làng tôi (làng có 3 thôn - nhất xã tam thôn:
Thôn Ngoài - Thôn Trong và Thôn Đinh, sau này khi Thôn Ngoài
tòng Giáo thì được gọi là: Thôn Giáo, Thôn Lương và
Thôn Đinh).
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
No comments:
Post a Comment