Sunday, January 20, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)

Tôi đã có hơi dài dòng - mà nói về quê hương thì ngại chi dài dòng - nhưng vẫn chỉ một mục đích: để con cháu đời sau có thể hình dung nơi quê cha đất tổ với một niềm tự hào trên thực tế, chứ không chỉ bằng huyễn hoặc.

Bây giờ thì xin nói thẳng vào Dũng Vy, vào trong làng với cả hình thức lẫn nội dung: Xét về đại thể và theo đúng phương pháp họa đồ quốc tế (phương Bắc ở trên, Nam ở dưới, Đông phải, Tây trái) thì Dũng Vy giống như một cỗ xe: đầu xe là Xóm Đông và Cầu Giỏ, thùng xe là Thôn Ngoài, thân xe là Thôn Trong, bánh xe là Thôn Đinh, bánh xe dự phòng (secours) là xóm Gạ. Cỗ xe đang chạy trên con đường thiên lý là dải đê sông Đuống. Đang oai Dũng tiến thẳng về phía Đông (hướng Mặt Trời mọc - hướng đại cát trong Dịch số - Kinh Dịch). Chi tiết hơn, Dũng Vy có 3 thôn (nhất xã tam thôn): thôn Giáo (Ngoài), thôn Lương (Trong) và thôn Đinh. Trước kia vẫn gọi theo hệ thống hành chính phong kiến là: Làng Dũng Vy - xã Dũng Vy - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh. Sau CMT8/1945 đổi xã thành Tri Phương. Sau 1954, đổi tỉnh thành Hà Bắc và huyện sáp nhập với huyện Từ Sơn đổi thành huyện Tiên Sơn. Nhưng đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX lại gọi lại như cũ = Dũng Vy - Tiên Du - Bắc Ninh. Vậy là Dũng Vy vẫn là Dũng Vy, mãi mãi vẫn là Dũng Vy, dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, biết bao dâu biển sao dời vật đổi. Làng được bao bọc bởi một lũy tre rất kiên cố (theo truyền ngôn thì lũy tre này rất dày và rất lớn, có 2 lớp tre đan kín thành vòm che con đường giữa lũy rộng khoảng gần 2m để tuần đinh đi tuần quanh làng phòng trộm cướp), sau này (khoảng thập kỷ 10 - thế kỷ XX), lũy tre chỉ còn lớp ngoài và con đường đi tuần nằm vào phía trong lũy (chứ không nằm giữa lũy như xưa). Làng có 2 con đường lớn: một đường Đông Tây chạy thẳng từ cổng Cầu Giỏ tới cổng Cầu Ve, một đường Bắc Nam nối với đường Đông Tây ở ngã ba chợ giữa làng chạy thẳng tới cổng Cầu Cung, qua Đinh thôn tới tận đê sông Đuống. Nếu nhìn từ trên xuống theo đúng họa đồ vị trí, thì 2 con đường này họp thành chữ Đinh (). Phải chăng vì thế mà thôn nằm kề chân của chữ () gọi là thôn Đinh ? Quả thực, càng tìm hiểu, càng suy nghĩ, càng thấy kỳ thú. Ngoài 3 cổng làng đã nói ở trên, còn 3 cổng nữa: một ở góc Đông Nam gọi là Cửa Đông, một ở góc Tây Nam gọi là Cửa Đồng Thần và một ở góc Tây Bắc gọi là Cửa Ngõ.

Làng có một ngôi Đình rất lớn sát lũy tre phía Nam gần cổng Cầu Cung với hai tảo mạc rất khang trang. Đình hướng Nam, cổng xây theo lối Tam Quan (3 cửa), trước cổng xây một cái giếng thả sen có đủ Tam Cấp và Thủy Tạ. Phía sau Đình là một ngôi Chùa (có lối đi riêng) gọi là Chùa Trong, và một ngôi Chùa nữa nằm giữa cánh đồng ngăn cách thôn Trong và thôn Đinh gọi là Chùa Ngoài. Ngay giữa làng, chỗ tiếp giáp ngã ba giữa hai con đường Đông Tây và Nam Bắc, có một Văn Chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ. Xin dừng ở đây để nói rõ hơn về Đình - Chùa - Văn Chỉ, mà nhiều người vẫn ngộ nhận đó là của Phật Giáo. Thực ra, chỉ có Chùa là của Phật Giáo thôi. Còn Đình, là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đình không phải là nơi thờ Phật mà là nơi thờ các vị tiền bối có công lớn với làng (cụ thể là Thành Hoàng: những người có công lớn trong làng đã quá cố, được Triều đình sắc phong làm thần bảo hộ làng, và làng có bổn phận phải thờ cúng quanh năm). Vì thế mỗi ngôi Đình của mỗi làng thờ một vị thần riêng của làng, chứ không như tất cả các ngôi Chùa đều thờ Phật.

Đình còn là nơi tụ hội mỗi khi làng có hội hè đình đám và ở mỗi ngôi Đình có một ông Đám trông coi, chứ không có Sư trụ trì. Còn nói về Văn Chỉ thì lại khác hẳn. Văn Chỉ xuất phát từ Khổng Giáo và hoàn toàn chú trọng vào Văn học (Khổng Tử chủ trương NHẬP THẾ chứ không XUẤT THẾ như Phật Thích Ca hoặc Lão Tử), Văn Chỉ không phải là nơi thờ thần (Khổng Tử đã từng nói: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” - Kính trọng quỉ thần từ xa xa - ý muốn nói: “Tôi không muốn bàn đến quỉ thần” hoặc “tôi không hẳn là không tin có quỉ thần mà cũng không hẳn là tin có quỉ thần - xin đừng bắt tôi phải nói về quỉ thần”). Văn Chỉ là nơi để tế lễ tưởng nhớ các vị Tiên Hiền Nho Giáo, có thể dùng làm nơi tụ họp các nho sinh bình văn đọc sách, vì thế trong Văn Chỉ có những bệ xây theo những hình khối nhất định - thường là những hình lập phương - và trên bệ không hề có để tượng thờ một vị thần (khi tế lễ mới rước tượng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử hoặc một danh nho VN như Chu Văn An ra để trên bệ mà tế lễ thôi). Văn Chỉ thường chỉ có ở những làng trọng văn học và có những bậc Đại Khoa (Cử nhân, Tiến sĩ hoặc ít ra cũng Tú tài). Dũng Vy tuy chưa có các bậc Đại Khoa, mới chỉ có các vị Khóa sinh (đỗ trong phạm vi Tỉnh) như cụ Thủ Hiệu (Thôn Ngoài), cụ Chánh Hội Niên (Thôn Trong) mà đã xây Văn Chỉ, chứng tỏ rằng Dũng Vy rất coi trọng Văn học. Và cả một vùng rộng lớn cũng mới chỉ có một Văn chỉ Dũng Vy, điều này đủ cho các thế hệ sau tự hào về cha ông của mình.

Câu nói ở trên của tôi về làng tôi (“nôi trong nôi” - cái “nôi văn hóa làng tôi” trong cái “nôi văn hóa Kinh Bắc”) tưởng cũng không ngoa lắm vậy ! Sau l954, Dũng Vy đã có các bậc Đại Khoa (không phải Đại Khoa Nho giáo vì Nho học đã bị bãi bỏ ở nước ta từ đầu thế kỷ XX theo trào lưu tiến hóa chung của Thế giới) hậu bối như: Đinh Văn Đích (ĐHSP khoa Sử - tương đương cử nhân Sử), Đinh Văn Bảo (Võ bị LQ. Đàlạt - tương đương cử nhân), Đinh Văn Diệm (Cử nhân giáo khoa Văn Chương Việt Hán), Đinh Công Luy (Cử nhân Sử), Nguyễn Văn Hùng (tức Duyến - con ông Hội Gioan - Kỹ sư Cầu đường) - Lớp hậu duệ sau nữa thì có rất nhiều kỹ sư, giáo sư, dược sĩ... Đó phải chăng là những thành quả tốt đẹp sinh sôi nảy nở từ cái nôi trọng Văn học của Văn Chỉ Dũng Vy ?

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • No comments:

    Post a Comment