Từ Nghè Mậy tới Bờ
Cừ (cống thoát nước khi đồng bị úng thủy, lại ngăn
được nước khi đồng bị khô hạn, rất khoa học), con
Ngòi Cầu Ve ở quãng này được gọi là Tào Khê. Bên bờ
Bắc của Tào Khê là Đồng Lạng (cũng là do một chi họ
của Dũng Vy tách ra). Tiến thêm về hướng Bắc một
chút, có cả một dãy núi vòng cung chắn ngang (gồm các
ngọn núi Chè, Cổ Miễu, Bát Vạn, Phật Tích, Long Khám).
Ở núi Chè (Trà Sơn), ngoài tích chùa Ba Cóc, còn một sự
tích có trong chính sử: Bà Chúa Chè (chính là Tuyên Phi
Đặng Thị Huệ, vợ Chúa Trịnh Khải - đời Lê). Bát
Vạn có Chùa Bách Môn (có đủ 100 cửa - làm theo kiểu
bức bàn và mở ra đủ 4 hướng). Phật Tích có một bàn
cờ bằng đá trên đỉnh núi (tục truyền có tiên về
đánh cờ - vì thế mới gọi quả núi này là Phật Tích).
Bên cạnh bàn cờ là một hồ nước trong vắt mà vào
thập kỷ 30-40 (thế kỷ XX). Bảo Đại - Vua cuối cùng
Triều Nguyễn - thường hay cùng Nam Phương Hoàng Hậu về
tắm ở đây. Đến Long Khám lại có chùa Long Giáng được
miêu tả rất tỉ mỉ và nên thơ do ngòi bút trữ tình
tài hoa Khái Hưng Trần Khánh Giư ở tác phẩm đầu tay
(cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn):
Hồn Bướm Mơ Tiên. Phía Tây Nam qua làng Đại Trung, tới
sát bờ đê sông Đuống, là làng Phù Đổng. Học sử
Việt Nam, không ai quên được cậu bé Phù Đổng (Thánh
Gióng) lớn nhanh như thổi khi nghe Sứ giả Triều đình
tuyển quân tướng phá giặc Ân đang xâm chiếm nước ta.
Cậu cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt phá giặc. Giặc nếu
không chết vì roi sắt thì cũng chết vì lửa do ngựa sắt
phun. Đánh giặc đến gẫy cả roi sắt giặc vẫn chưa
yên, Thánh Gióng liền nhổ cả tre đằng ngà (một loại
tre rất cứng và dẻo dai) mà đánh giặc. Đến khi toàn
thắng thì cũng vừa lúc Thánh Gióng phi ngựa tới chân
núi Sóc Sơn. Ngài phóng thẳng lên đỉnh núi rồi cả
người lẫn ngựa thăng thiên ! Trong chính sử chỉ ghi khi
giặc Ân bên Tầu xâm chiếm nước ta thì có vị tướng
tài giỏi là Phù Đổng Thiên Vương nổi lên đánh đuổi
ra khỏi bờ cõi, giữ yên non sông gấm vóc. Câu chuyện
kể trên thuộc dã sử, mang tính huyền hoặc, thần thánh
hóa vị anh hùng cứu nước. Nhưng lạ một điều là suốt
dọc cánh đồng từ làng Phù Đổng, qua Đại Trung, Phù
Chẩn, Đồng Xép tới Lim (địa danh nổi tiếng của Kinh
Bắc: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế - Gái Nội Duệ, Cầu
Lim”, đồng thời cũng là nơi hàng năm mở hội hát Quan
Họ Bắc Ninh), có những vũng nước khá lớn (chưa đủ
lớn để gọi là ao) cách nhau khoảng vài chục mét chạy
chữ chi giống như dấu chân của một động vật khổng
lồ để lại trên đường đi của nó. Theo truyền ngôn
thì đó là dấu chân ngựa Thánh Gióng. Chẳng hiểu vì
sao mà trải qua hàng ngàn năm, các vũng nước lớn đó
không ai lấp kín được (các cụ thường nói đến mùa
cấy, nông dân lấp đất trồng lúa, nhưng khi gặt xong,
trâu bò lại cứ nhè đúng những chỗ đó mà đằm mình
xuống, rồi thì những chỗ đó lại thành vũng nước cho
chúng tắm rửa, ngâm mình, cho tới năm sau, nông dân lại
lấp, và cứ vậy luân chuyển hết năm này qua năm khác,
các vũng nước chữ chi vẫn tồn tại cùng thiên nhiên
cẩm tú). Có một đặc điểm là ở làng Phù Chẩn, nơi
ngựa Thánh Gióng đi qua, tre một nửa làng có thuần một
màu vàng cả cây lẫn lá (tre vẫn sống, vẫn phát triển,
chứ không phải vàng úa mà chết đi). Đã có người đem
tre ở nửa làng xanh tươi sang trồng bên nửa làng vàng
úa, đến khi tre phát triển lại vẫn cứ đặc điểm của
cả lá lẫn cây đều vàng. Làm ngược lại, đem tre bên
vàng trồng sang bên xanh, thì tre lại xanh. Thật là lạ
lùng và thú vị với một huyền sử: Tại ngựa Thánh
Gióng trên đường đánh giặc, đã phun lửa cháy mất nửa
làng Phù Chẩn nên sau này tre của nửa làng cháy cứ có
màu vàng. Chúng ta có quyền hoài nghi về tính huyền hoặc
của truyền thuyết, nhưng thực tế thì Phù Chẩn lại có
một tên gọi rất ấn tượng: làng Cháy. Xin kể thêm một
chuyện vui có thật. Có 2 toán thợ gặt - một của Đại
Vy, một của Phù Chẩn - cùng đi gặt thuê cho một chủ ở
Dũng Vy. Đến bữa cơm trưa, một thợ gặt Đại Vy muốn
ăn cơm cháy (cho thơm miệng) liền nói với người ngồi
ngoài xới cơm (chắc cũng chỉ chủ ý nói cho vui): “Đào
Phù Chẩn lên mà quật” (đào cháy lên mà ăn), thế là
cháy chưa kịp đào lên đã thấy liềm hái dựng lên tua
tủa: “Nào, Phù Chẩn đây, có ngon thì cứ đào lên mà
quật !). Cũng may là chủ nhà Dũng Vy khéo can, không thì
lại bị ngựa Thánh Gióng phun cháy cả chủ lẫn thợ.
Saturday, January 19, 2013
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
Phía Bắc của làng là
cả một cánh đồng màu mỡ hàng năm 2 vụ chiêm + mùa
cung ứng lương thực cho cả làng. Ngòi Cầu Ve tính từ
cổng làng phía Tây (gọi là cổng Cầu Ve) chảy thẳng
lên phía Bắc, gặp nhánh sông từ Tây Bắc (Đồng Xép)
chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy (còn gọi là Nghè Tam
Giang) rồi ôm lấy cánh đồng làng chảy thẳng về Đông.
Trên cánh đồng bao la, biết bao di tích, nào là Nghè Mậy,
Cửa Ngõ, Đường Làng, Lò Ngói, Cầu Bạc, Đường Giồ,
Đường Ông Soi, Bờ Cừ, Mả Chúa... nhiều quá không thể
nói hết lai lịch. Chỉ xin nói về Nghè Mậy. Tại sao lại
là Nghè Mậy ? Chữ Nghè ở đây, theo từ nguyên, được
hiểu là một ngôi đền (chứ không phải quan Nghè - một
chức danh của Tiến Sĩ thuở xưa) thờ một vị thần
nào đó (Nghè Mậy thờ Thần Sông). Đền này thường là lớn hơn
Miếu và nhỏ hơn Chùa, cách kiến trúc gần giống như
Tam quan ở các Đình, Chùa. Chung quanh Nghè, những gốc si
sù sì tỏa bóng xuống mặt nước. Tam giang là nơi nghỉ
mát lý tưởng cho nông phu vào những buổi trưa oi nồng.
Theo truyền khẩu, Nghè Mậy thờ một nữ thần. Một hôm
ông tổ của ông Đinh Văn Khiên (Trùm Sừ) vốn là một
phù thủy có hạng (hồi đó Dũng Vy chưa tòng giáo), ghé
Nghè Mậy nghỉ mát. Chẳng biết nổi hứng sao đó, lấy
hết chuối cúng xuống ăn, úp hết bát nhang xuống đất
(ý hẳn muốn ghẹo chơi... nữ thần !). Một trận chiến
nổ ra ào ào như bão tố, lá si chung quanh đều rụng bằng
sạch. Biết là gặp phải tay chẳng vừa, lại chiến đấu
tại phòng tuyến của đối phương rất bất lợi, ngài
Phù Thủy đành một tay bắt ấn, một tay chèo thuyền,
rồi lên bờ lui về Cửa Ngõ - cứ điểm của mình. Về
tới Cửa Ngõ, tính đã chắc ăn, định bụng phản công
mãnh liệt giành chiến thắng (lòng vẫn nghĩ: đối phương
dù sao cũng chỉ là... đàn bà !). Ai dè một cành tre ở
Cửa Ngõ từ trên cao quất thẳng xuống mặt, hất tung
chiếc nón dứa quai thao trên đầu (nữ thần tác quái đó
!). Theo phản xạ tự nhiên, ngài Phù Thủy đưa ngay bàn
tay đang giữ ấn ra chụp lấy cái nón. Ấn đã buông, hết
hiệu lực, âm binh tan tác, thầy bị quật chỏng gọng,
mồm ứa máu. Thảm bại ! Sau này, đành đem âm binh ra ký
gởi tại Lã Vôi và không truyền nghề cho con cháu nữa.
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment