Sunday, January 20, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)

Xa về phía Tây chút nữa là Đình Bảng - quê hương vua Thái Tổ nhà Lý: Lý Công Uẩn. Dã sử kể: Hồi nhỏ Lý Công Uẩn là một chú tiểu nhỏ ở Chùa Hộ Pháp thuộc Đình Bảng (Pháp Tăng là sư trụ trì). Lý Công Uẩn rất thích ăn oản, mà lại chỉ thích ăn... trộm. Cứ tối tối Lý tiểu ta có nhiệm vụ thắp nhang đèn trên đại điện, thế nào cũng mò tới mấy miếng oản cúng Hộ Pháp và để thay vào đó bằng mấy miếng... đất sét. Không ai phát giác được. Tức vì oản thực chẳng được ăn, chỉ ăn toàn oản đất sét, Hộ Pháp báo mộng cho Pháp Tăng: “Nhà ngươi có làm thế nào, nếu không thì ta đến chết đói mất. Bao nhiêu oản nhà ngươi cúng cho ta đều bị Hoàng Đế lấy ăn hết sạch". Pháp Tăng lấy làm lạ, trong chùa thì ngoài sư ra, có một vãi già nấu cơm, bác Mộc lực điền lo việc ruộng nương và một chú tiểu oắt, đào đâu ra Hoàng Đế ? Bèn để tâm rình và bắt được tại trận tên trộm oản, đè ra nện cho một trận thẳng tay. Lý tiểu ta cay lắm, sáng hôm sau lên chùa thắp nhang định tâm tát cho Hộ Pháp mấy tát, nhưng Hộ Pháp to cao quá, tát không tới đành ra sau lưng đạp cho 3 đạp, rồi lấy ngón tay thấm nước bọt viết lên lưng Phật 4 chữ: “Đầy tam thiên lý” (đầy đi 3000 dặm), mồm lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, mi là đất sét thì ăn đất sét là đúng quá rồi, còn kêu ca nỗi gì khiến sư phụ đánh ta một trận tơi bời. Ta lưu đày mi ra ngoài 3000 dặm cho bõ ghét !”. Đêm sau sư Pháp Hoa lại được báo mộng: “ Ta bị Hoàng Đế đạp 3 đạp chỉ vì không chịu ăn oản đất sét, lại còn bị lưu đầy 3000 dặm. Thôi, vĩnh biệt !”. Sau đó, nhà sư có lên coi tượng và đọc được 4 chữ Lý Công Uẩn viết sau lưng. Nhà sư hơi nhột, lấy khăn lau hoài mà chữ vẫn rõ mồn một, không sao sạch được. Dần dần, tượng Hộ Pháp rệu rã như đất sét gặp mưa thành một đống. Đến khi ấy, sư mới thật sự sợ hãi và tin rằng chú tiểu có khí mệnh Đế Vương. Tới khi Lý Công Uẩn trở thành Đại Tướng Triều Lê cầm quân đánh Chiêm Thành, rồi về lật đổ Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) chính thức lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lý Thái Tổ (Vua đầu tiên Triều Lý), lập triều đình ở Đình Bảng, nhưng sau đó thác mộng thấy rồng bay lên ở thành Đại La, liền xuống chiếu dời đô về Đại La. Đổi tên Thành Đại La là Thăng Long Thành (cho ứng với điềm mộng). Kinh đô nước ta từ đó có tên Thăng Long.

Như vậy thì phải nói Dũng Vy nằm giữa một cái nôi văn hóa (“nôi trong nôi” vậy !). Sợ bài viết quá dài nên tôi còn chưa đào sâu thêm vào cái tên “nôi văn hóa”. Chỉ biết rằng Kinh Bắc cũng chính là quê ngoại của Nguyễn Du - một đại thi hào Việt Nam không tiền khoáng hậu. Kinh Bắc cũng là quê hương của ca trù, của dân ca quan họ. Không những thế, dựa vào dãy núi hình cánh cung phía Bắc của Dũng Vy (núi Chè, Cổ Miễu...), trên có sông Cầu, dưới có sông Đuống, Lý Thường Kiệt đã lập nên “phòng tuyến sông Cầu” để ngăn chống giặc Tống xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt là một danh tướng văn võ toàn tài, đã từng cầm quân đánh cả sang Tàu chiếm được Châu Ung, Châu Liêm, với câu nói bất hủ “Muốn phòng thủ chắc chắn, hãy tấn công vào hang ổ địch” và một bài thơ tuyệt tác:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !”

Tạm dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Phận định tất nhiên tại sách trời
Giả thử giặc thù xâm phạm mãi
Tụi bay sẽ bị đánh tơi bời !

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • No comments:

    Post a Comment