Wednesday, January 23, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)

Trở lại trên, phần lớn những chuyện kể đều mang tính huyền sử, để kết thúc bài này, tôi xin kể câu chuyện có thật 100% nhưng lại rất khó tin đối với những người chưa có hoặc chưa vững đức tin Kitô Giáo. Vào cuối năm 1952 (tôi quên mất ngày tháng), chú em Phan Tự Phiêu - con cô ruột tôi - đang làm Hương Dũng ở làng tôi. Một hôm đang gác ở cổng Cầu Ve thì có một anh khoảng trên 30 tuổi, ăn mặc luộm thuộm, người gầy gò hốc hác đi từ Đại Vy xuống hỏi em:
    - Chú làm ơn cho hỏi thăm, ở làng ta có miếu nào thờ ông Thần to lớn, râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu, tay trái bế em bé đẹp như Tây lai, tay phải cầm cành huệ - không, hả chú ?
Phiêu thấy lạ, vả còn ít tuổi (em mới 18 tuổi) nên trả lời:
    - Để tôi dẫn anh vào bác tôi, ông ấy biết rõ hơn tôi.
Rồi dẫn người khách Đại Vy (Phiêu quên hỏi tên họ) vào gặp Cụ Xếp - thân phụ tôi. Cũng câu hỏi lúc trước được lặp lại. Cụ Xếp vui vẻ:
    - Có, để tôi dẫn chú em đến gặp coi đúng không.
Lúc đó có mặt tôi, óc tò mò thúc đẩy, tôi liền đi theo cha tôi xem Ngài dẫn ông khách lạ mặt đi đâu. Cả em Phiêu nhờ người gác thay và cùng đi. Bốn người chúng tôi đi dọc theo con đường giữa làng, đến ngã ba rẽ vào chợ (tôi quên không nói rõ là lúc đó mới vào khoảng 8 giờ sáng, chợ Ve đang họp). Ông khách hỏi cụ Xếp:
    - Thưa cụ, con muốn cúng tạ ơn ông thần ấy, cụ vui lòng cho con biết là nên mua hoa trái bánh quả nhang đèn như thế nào ?
Cụ Xếp cười:
    - Không biết ông thần tôi dẫn chú em đến có đúng như chú em muốn tìm không, vội gì mà mua đồ cúng. Thôi thì tạt qua chợ xem còn hoa huệ, chú em mua mấy bông cúng là đủ.
Cũng may là còn sớm nên hoa cũng còn (chợ làng tôi hồi đó cũng có bán hoa nhưng chỉ lèo tèo vài bông huệ, bông cúc hoặc bông sen thôi). Thân phụ tôi dẫn ông khách lạ tới nhà thờ. Mới bước qua ngưỡng cửa cuối, đã thấy ông khách nhìn chăm chăm lên bàn thờ chính, tay run run như muốn đánh rơi cả mấy bông huệ. Cụ Xếp chỉ vừa kịp hỏi: “Có phải ông thần này không ?” thì đã thấy ông khách Đại Vy không trả lời - miệng lẩm bẩm những gì nghe không rõ - khụy chân quỳ ngay xuống nền đất nhà thờ. Rồi cứ thế đi quỳ - không, phải nói là nửa quỳ nửa bò mới đúng - tiến lên Cung Thánh, tay vẫn lạy lia lịa. Đến bậc thềm cung Thánh - nơi có hàng lan can gỗ cho giáo dân quỳ rước lễ - khách dừng lại, chúng tôi vẫn theo đi sát sau lưng. Khách lại tiếp tục lạy như tế sao, miệng lẩm bẩm lớn hơn, tôi nghe câu được câu mất: “Lạy Ngài mớ bái. Con lạy tạ ơn Ngài. Con đội ơn Ngài...”. Hai tay khách vẫn nắm chặt mấy bông huệ mà lạy tưởng đến rụng hết cả bông. Một lúc khá lâu, cụ Xếp lên tiếng:
    - Vậy thì đúng ông thần này rồi phải không ? Để tôi cho chú em biết tên ông ấy: Đó là ông Thánh Giuse, quan thầy của làng tôi đó. Sao, chuyện như thế nào mà chú em cứ lạy ông Thánh ghê thế ?
Khách bừng tỉnh:
    - Thưa, để lát nữa xin phép cụ cho con về nhà cụ, con sẽ kể.
Rồi lại tiếp tục lạy. Sau đó, khách có vẻ muốn tìm bình cắm hoa, cụ Xếp bảo cứ để hoa lên lan can, sẽ có cậu giúp lễ ra nhận và cắm vào bình. Xong xuôi, khách mới dám đứng lên và đi... giật lùi tới hết bậc thang cuối nhà thờ mới dám quay lưng. Về nhà tôi, sau một tách trà nóng, khách kể:

Số là thế này: Cách đây hơn tháng, con bị đau bụng tháo dạ nặng lắm. Chiều tối hôm ấy, con hấp hối trên ổ rơm, tự nhiên nghe thấy tiếng rầm rập ngoài ngõ. Lạ một cái là con không những nghe rõ tiếng mà còn nhìn rõ - dù con đang nằm ở trong nhà - một đám quân vận đồ đen cầm giáo mác, có một ông tướng đội mũ cưỡi ngựa ô đi đầu. Tới cổng nhà con, ông tướng chỉ roi về phía con nói với đám quân lính: “Vào bắt thằng này”. Thế là tự nhiên con vùng đứng dậy đi ra cổng, còn nghe rõ tiếng vợ con của con khóc gọi theo: “Ới anh ơi, anh nỡ bỏ em bỏ con mà đi sao anh ơi !”. Tiếng khóc xa dần, con đã theo đám quân lính ra đường giữa làng và đi về phía Dũng Vy. Lạ lắm cụ ạ, thường ngày đi đường làng tới Đình Đại Vy xây chắn ngang đường, con phải đi đường vòng theo tường Đình mới tới đường đi xuống Cầu Ve, hôm ấy tự nhiên đám lính và con đi băng qua Đình mà chẳng thấy vướng víu gì. Đi tới Cầu Ve thì có tiếng quát dừng lại, chúng con dừng lại ở đầu cầu phía Tây. Ngẩng lên trông thấy ông Thánh lúc nãy cụ dẫn con đến gặp đang đứng trên nóc cổng Cầu Ve, con nghe rõ ông Thánh nói: “Trả thằng này về nhà nó. Cút đi !”. Vừa nói ông Thánh vừa cầm cành huệ chỉ vào con. Ông tướng mặt đen chẳng nói chẳng rằng quay đầu ngựa lại theo lối cũ. Đến đầu ngõ nhà con thì mấy tên quân đi cạnh con đẩy con một cái vào ngõ. Con đi đến gần cổng thấy trời đã sắp sáng, vợ con vẫn lăn lộn khóc gọi. Mở mắt ra, quay đầu nhìn lại vẫn thấy mình nằm trên ổ rơm. Bỗng nhiên thấy vợ con ngưng bặt tiếng khóc rồi vùng té chạy, gào to: “Ối chú ơi, anh chú bị quỷ nhập tràng rồi”. Con càng thấy lạ lắm, con có chết đâu mà bị quỷ nhập tràng. Em trai con nghe vợ con gọi, liền cầm con dao phay nhảy đứng dạng háng trên người con giơ cao con dao lên và hét: “Mày phải quỷ nhập tràng không ? Nói ngay, không tao chém”. Con muốn nói cho em nó biết nhưng không nói được vì cổ đã khô cứng. Con ngáp ngáp mồm chớp chớp mắt ra hiệu xin nước. Nó hiểu ra và lấy nước. Uống xong, con nói được và phều phào kể lại đầu đuôi cho cả nhà nghe. Đến lúc đó con mới biết là con đã chết từ chiều hôm trước và nếu nhà không nghèo quá thì đã được bó chiếu chôn ngay tối hôm qua rồi. Chiếu cũng không có chứ đừng nói là quan tài. Cũng may ! Và con biết được ông Thánh Giuse ở làng cụ đã cứu con, con đã hỏi cả xóm con ở nhưng không ai biết. Hôm nay mới quyết định xuống đây và được gặp cụ. Quý hóa quá ! Con cám ơn cụ.

Như đã nói ở trên, chuyện này có thật 100% vì chính tôi được chứng kiến, mặc dù hồi đó tôi còn nhỏ (14 tuổi). Sau này, tôi có được nghe thân phụ tôi kể lại mấy lần. Và một nhân chứng sống động nhất vẫn còn sống, đó là người em cô cậu của tôi: Phan Tự Phiêu hiện đang sinh sống ở Liên Khương - Đà Lạt. Kể lại chuyện này, tôi muốn nói với mọi người rằng sở dĩ tôi có được một đức tin rất mãnh liệt là cũng nhờ vào những chuyện tương tự củng cố, cho nên dù ở bất cứ thời điểm nào tôi luôn luôn khai rõ với chữ in hoa trong lý lịch, nơi mục tôn giáo: Thiên Chúa Giáo, một mục mà tôi đã thấy có nhiều người hay ghi: Không Tôn Giáo. Tôi lại nhớ đến lời Đức Kitô nói với Thomas: “Thomas, bởi vì con đã thấy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Bây giờ thì xin được thay vào tiếng “tôi” đơn lẻ bằng một đại từ xưng hô khác “chúng tôi”, bởi vì tôi và chúng tôi cũng chỉ là một: Đồng hương Dũng Vy. Vâng, chúng tôi - những người đã bước qua ngưỡng cửa “lục thập nhi nhĩ thuận” - xin được đặt ở đây một câu hỏi: Tiền nhân xứ Dũng là như thế đó, các lớp hậu duệ nghĩ sao ?

Hạ Chí 2000
19.06.2000

No comments:

Post a Comment