Wednesday, January 23, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)

Nói về hàng Mục tử thì từ ngày Thôn Ngoài tòng giáo, trên Tòa Giám Mục Bắc Ninh có các Đức Giám Mục: Đức cha Lễ, Đức cha Khâm, Đức cha Phúc, Đức cha Chỉnh (4 Đức cha gốc Y Pha Nho - Espagnã - Tây Ban Nha, lấy tên Việt Nam), Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, Đức Cha Khuất Văn Tạo, Đức Cha Phạm Đình Tụng, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến. Về các Linh mục thì có quí Cha: Cha già Khải, Cha già Đoán, Cha già Chấn, Cha Châu, Cha Liêm, Cha Nghĩa, Cha Mẫn, Cha Yên, Cha Tự... Đến quí Thầy thì có: Thầy già Tín, Thầy già Xuân, Thầy già Huệ, Thầy Ước, Thầy già Cửu, Thầy Trạch, Thầy Nhật, Thầy Xướng... Hàng giáo dân tham gia Mục vụ thì tiên khởi có cụ Phó Trương Cả già (Chánh Trương là người ở chính xứ Cẩm Giang, Dũng Vy là họ lẻ nên chỉ có đến Phó Trương là lớn nhất), tiếp theo là các cụ: Phó Trương Nghìn, P.Trương My, P.Trương Tể.

Trước 1949 và sau 1954, Dũng Vy chỉ là họ lẻ thuộc giáo xứ Cẩm Giang. Chỉ đến 1949, khi Cha Chính xứ Cẩm Giang là Ngô Văn Yên thì tòa Giám có cử Cha Phạm Quang Tự (sinh quán Cẩm Giang) về làm Chính xứ Dũng Vy. Từ 1952 đến 1954 thì Cha Tự về tòa Giám Mục Bắc Ninh, Cha Yên lại về thay Cha Tự làm Chính xứ Dũng Vy. Tuy phần lớn thời gian, Dũng Vy chỉ là họ lẻ, nhưng công việc duy trì và phát triển Đức tin Kitô Giáo vẫn rất tốt đẹp. Cứ thử tưởng tượng trước l949, hàng tuần giáo dân Dũng Vy vẫn lũ lượt kéo nhau đi dâng lễ rất đông tại Cẩm Giang (cách Dũng Vy khoảng 4 - 5 km), đến sau 1954 còn phải đi xa hơn nữa, lên tận Bắc Ninh mới có Thánh lễ (cách làng khoảng 15km). Sau biến cố 1954 có đến gần phân nửa giáo dân Dũng Vy di cư vào Miền Nam Việt Nam, vậy mà nhà Chung vẫn được trông coi tươm tất, nhà Thờ sớm tối vẫn vang lên lời kinh tiếng hát - đèn nến phụng thờ Thiên Chúa vẫn luôn được thắp sáng và hàng năm vẫn tổ chức lễ kính Thánh Cả Giuse Quan Thầy Giáo Họ một cách hết sức long trọng, có Cha Quản Hạt về dâng Thánh lễ, thậm chí có năm do chínnh Đức Cha Tuyến về Chủ tế. Và mỗi năm làng như mở hội lớn vào ngày lễ kính Thánh bổn mạng (Thánh Giuse Thợ 01/05). Sau ngày đất nước thống nhất, kẻ viết bài này đã hết sức sửng sốt và thật sự vui mừng khi được biết 21 năm qua, quê nhà vẫn giữ được nếp Sống Đạo như xưa - thậm chí còn hơn cả xưa nữa.

Lại nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ của tôi viết cho quê nhà:
 
Làng tôi đó - bao thăng trầm lịch sử
Bao sao dời vật đổi vẫn ung dung

Nối theo hai câu thơ là hình ảnh lớp học tiếng Pháp với Cha Tự, rồi những buổi học hát, những buổi hát lễ Mồ, thấy chúng tôi mệt, Cha thường khôi hài mời chúng tôi ăn sung và khế cùng lúc và thay vì chấm muối như bình thường thì Cha tự tay rót tương cho chúng tôi chấm - có lẽ để bớt vị chua của cây khế nhà Chung vốn dĩ rất chua và bớt đi vị chát của sung xanh - cũng thấy hay hay, nhưng kỷ niệm thì không sao quên được. Đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh, trời rét ngọt, chúng tôi co ro trong những chiếc áo len đan bằng tay, miệng run lập cập - hai hàm răng đánh đàn - vẫn cố hát theo cái náo nức trong tim trên con đường dẫn đến Thánh Đường: “Đi mau! Vào chầu! Đi đi mau! Vào lậy chầu! Vào hang cung chúc Chúa ta ra đời, để tạ ơn Người đoái thương ta...”.
 
Nói đến nhà Thờ, dòng liên tưởng của tôi lại chuyển qua sự kiện mới xẩy ra cách đây một năm: Công việc trùng tu Thánh Đường Dũng Vy sau 60 năm xây dựng. Tôi cũng vinh dự được góp chút tâm huyết vào Ban Cố Vấn vì thấy được rằng những người con xứ Dũng dù ở bất cứ nơi đâu - trong bất cứ hoàn cảnh nào - dù chính kiến có thể bất đồng - nhưng luôn vẫn một lòng nhớ về nơi quê cha đất tổ, luôn vẫn thể hiện tình đồng hương gắn bó trong tình yêu Đức Kitô và duy trì đức tin, sống đạo một cách vững vàng. Xin đọc thêm bài “Lời cảm nhận” của Tương Giang ĐQT vì trong bài viết này tôi chỉ sơ lược vài dòng về vấn đề này để còn dành chỗ cho các sự kiện khác. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là kể từ Cụ Tổ của làng đến cắm đất ở Đồng Vĩnh (thuộc Vĩnh Phú gần núi Cổ Miễu) rồi dần dần chuyển cư xuống địa giới hiện nay, trải nhiều thế hệ làng tôi vẫn luôn duy trì và phát triển được đức tính kiên nhẫn để tồn tại và tự hào.

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • No comments:

    Post a Comment