(DVT.vn) - Họ Đinh, dòng họ văn vật nhiều đời, gắn liền với những tên tuổi lớn như Đinh Bộ Lĩnh… Nguồn gốc họ Đinh được kể lại như một truyền thuyết.
Họ Đinh, theo truyền thuyết là hậu duệ của Kim ngô Đại tướng quân Đinh Điền, em của Đinh Tiên Hoàng (tức Đinh Bộ Lĩnh). Ngược về nguồn gốc xa hơn nữa, họ Đinh có thể vốn bắt đầu từ con thứ của Khương Tử Nha đời nhà Chu là Lã Cấp, tên thụy là Đinh Công. Con cháu đời sau mới lấy tên thụy của tổ tiên làm họ. Con của Tứ Nhạc (bề tôi của Vua Nghiêu) phò tá vua Vũ. Ông nối nghiệp cha tiến hành trị thủy thành công chín dòng sông ở Trung Hoa, được tập phong làm hầu quốc đời nhà Hạ. Khi nhà Hạ mất, họ này bị giáng xuống làm thứ dân, trải suốt đời nhà Thương, cho đến khi Khương Tử Nha. Khương Tử Nha họ Lã, tên Vọng, thường câu cá ở bờ sông Vị, sau được vua Văn Vương nhà Chu vời về triều làm thày dạy cho Vũ Vương. Ông có công phò giúp Vũ Vương đánh thắng nhà Ân, được phong nước Tề (tức Tề Thái Công) phò tá Chu Vũ Vương, được phong cho nước Tề. Con của ngài là Lã Cấp giữ chức hổ bí (còn đọc là hổ bôn, chức quan nhà Chu, chuyên cai quản các nghi thức bảo vệ vua chúa khi đi ra ngoài kinh thành), đổi hiệu là Đinh công (Đây là trường hợp lấy tên thụy của tổ tiên làm họ. Theo Thiên thị tộc lược sách thông chí chép, vào thời Tây Chu (thế kỷ thứ XI trước Công nguyên) cắt đất phong cho chư hầu, Khương Thái công (tức Khương Tử Nha) được phong đất Tề. Con của ông là Lã Cấp nối nghiệp, sau khi mất có tên thụy là Đinh Công, hậu duệ về sau lấy tên thụy của ông làm họ Đinh. Sách Tính thị khảo lược cũng chép: Họ Đinh xuất phát từ Lã Vọng, phân bố ở Tề Am, Tề Dương. Tề Dương là tên quận đặt ra thời Tấn Huệ đế (ở ngôi năm 290-306) do cắt đất quận Trần Lưu, nay thuộc vùng đất huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tề Âm là tên nước được lập ra năm Trung Nguyên thứ 6 (năm 144) đời vua Hán Cảnh Đế, nay thuộc vùng huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Từ đấy họ này chia ra ngành trưởng lấy họ Lã, ngành thứ lấy họ Đinh. Nguồn gốc họ Đinh bắt nguồn như thế. Thời Tây Chu phát triển thịnh vượng, các thế hệ dòng họ sau này kế tiếp nhau giữ chức hổ bí. Khi nhà Chu chuyển dời về phía đông, họ tộc này cũng dời đi theo. Thời Xuân thu - Chiến quốc, họ này chạy loạn về đất Giang Nam. Trải suốt từ thời nhà Hán cho đến nhà Đường, họ này sống yên ổn bằng nghề nông. Đến khi có loạn Hoàng Sào (người Tào Châu, Sơn Đông) đời Đường, năm Càn Phù thứ 2 (874), người họ này tham gia cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi. Sau khi Vương Tiên Chi chết, lên thay làm thủ lĩnh, hiệu là Xung Thiên Quân Bình Đại Tướng quân, đem quân đánh phá Quảng Châu, rồi tiến lên phía bắc đánh Lạc Dương, vào Trường An, lập ra chính quyền Thiên Tề, đặt niên hiệu Kim Thống. Sau bị Lý Khắc Dụng đánh bại, cuối cùng phải tự vẫn năm Trung Hòa thứ 4 (884), người họ Đinh phải rời đất liền ra biển, ngồi thuyền lênh đênh trôi nổi theo sông nước, không gặp được gió thuận, nên phiêu bạt xuống phương nam, một mình đơn độc gửi thân ở Gia Viễn, Ninh Bình. Mãi sau này, người họ này sinh được hai người con trai. Hai người con trưởng và con thứ mỗi người lại sinh được một con trai. Người anh cả mất sớm. con của ông anh cả rất có tài bơi lặn dưới nước, năm 12 tuổi chuyên nghề lặn sông bắt cá nuôi mẹ, họ cùng sống nương tựa vào ông chú. Con trai của ông chú tên là Đinh Điền, mới 4 tuổi thường chăn trâu chơi đùa với cánh trẻ con trong làng. Thời bấy giờ ở Bắc quốc có một người tinh thông thuật số, đêm chiêm tinh trên trời thấy có sao Thiên Mã chiếu xuống vùng sông Mã nước Nam, bèn cất công dò theo dấu vết lần tìm đến nơi, nhận biết dưới đáy nước có ngôi huyệt hình Thiên Mã. Người ấy bèn lân la hỏi đám trẻ mục đồng có ai tài giỏi dám lặn xuống đáy nước thì sẽ trọng thưởng. Người anh nhận lời, theo lời thầy thuật số lặn xuống đáy sông xem xét, thấy quả đúng có huyệt như lời ông ta nói. Thầy thuật số dặn hôm sau lại tới phiền lần nữa và hứa cũng sẽ thưởng hậu. Người anh hiểu ra ngay ý định của thầy, ông bèn trở về thu xếp ngầm đem hài cốt của ông nội và của cha mình gói ghém gọn thành một bọc. Hôm sau, thầy thuật số Bắc quốc tới nơi, giao cho ông một bọc bao mang xuống đáy nước, rồi cứ theo cách thức như thế mà làm. Ông liền đem cái bọc quấn bằng giẻ áo quấn vào mình quanh chỗ bụng rốn, thác cớ là gần đây hay bị đau bụng. Người Bắc quốc cũng tin lời. Ông liền lặn xuống nước, đem bọc hài cốt nhà mình đặt vào miệng ngựa, còn bọc của người kia đem treo vào cổ ngựa. Nguyên do là người kia có có phép thuật, nên chỉ khi ông ta niệm chú thì miệng ngựa mới há ra, nhờ thế mới làm xong việc. Sau đó, ông thầy Tàu trở về bản quốc, đêm ra xem tượng ngựa sao, vẫn thấy chiếu xuống nước Nam, lấy làm lạ nhẩm tính một hồi thì biết là mình đã mắc lừa, lòng tức tối lắm, nghĩ cách báo thù. Ông ta bèn lấy cái gậy làm thành thanh gươm thần, nhờ một người khác sang ta nói phao lên rằng: Đã có được huyệt đất rồi, nhưng có ngựa mà không có gươm thì làm được việc gì? Ông nghe thấy cũng có lý, tin ngay, cầm cái gươm lặn xuống nước treo vào đầu ngựa. Không ngờ vừa đeo gươm vào cổ ngựa thì bổng thấy sát khí ùn ùn bốc lên. Sau này ông lên ngôi, hưởng nước không được lâu dài chính là vì cái cớ đó. Nhưng, đấy là chuyện xảy ra sau này. Còn từ bấy giờ trở đi, ông biết mình đã được đắc địa, nên không hề hé lộ chuyện ra ngoài, chỉ kể cho người em họ là Đinh Điền biết mà thôi. Một bữa đi chăn trâu ngoài đồng, ông giết ngay con trâu đem mổ thịt rồi hội các bạn lại làm lễ tế khao quân. Lúc ấy, ông đàng hoàng ngồi chĩnh chiện, mặt ngoảnh về hướng nam, có Đinh Điền và Nguyễn Bặc đứng hầu hai bên, bọn trẻ còn lại đứng phân thành hai bên đứng theo thứ bậc cùng đồng thanh tung hô. Tế xong liền mở tiệc, nghi thức theo y như phép tắc ở chốn triều đình. Người chú ở nhà hay tin đùng đùng nổi giận, vác ngay con dao phát bờ đuổi đánh. Ông vội nhảy đại xuống sông, miệng hô: “Giang thần mau cứu ta!” Trên sông bỗng hiện ra một con rồng đất cúi đầu đỡ lấy bàn chân ông. Người chú nom vậy thì kinh sợ, cắm vội con dao xuống đất, chắp tay hướng về lòng sông cầu khấn thần minh cùng trời đất phù hộ cho dòng họ nhà mình. Từ đấy lòng người suy tôn ngưỡng mộ, dân chúng hướng cả về theo Đinh Điền và Đinh Bộ Lĩnh. Đến sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan được mười hai Sứ quân, bắt đầu mở ra nền chính thống cho non sông nước Việt ta. Ông trở thành vị vua đầu tiên trong các bậc đế vương nước mình. Dòng họ Đinh cũng bắt đầu vẻ vang từ đó! Cố nhiên, câu chuyện chúng tôi vừa kể về nguồn gốc họ Đinh còn nhuốm màu huyền thoại. Rất mong các nhà nghiên cứu về lịch sử các dòng họ Việt Nam cũng như các bậc thức giả góp thêm ý kiến khảo đính. Hàn Mai Source Bao Moi ----------- Tài liệu tham khảo thêm Họ Đinh Việt Nam |
No comments:
Post a Comment