Thursday, February 27, 2014

Tục Kết Chạ giữa các làng Quan họ cổ bên dòng sông Cầu

( 08:33 | 29/07/2013 )
 
Bắc Giang nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc, đi khắp các miền quê trong tỉnh ở đâu cũng có những làn điệu dân ca trữ tình. Đó là vốn di sản văn hoá phi vật thể quý giá góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca của dân tộc. Mỗi làn điệu dân ca ngân vang suốt chiều dài lịch sử phản ánh đời sống tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, con người Bắc Giang.
 
Đất Kinh Bắc xưa nơi có 49 làng Quan họ, duy chỉ có làng Diềm tên chữ là “Viêm Xá” có đền thờ thuỷ tổ quan họ gọi đền Vua Bà hay đền Bà Chúa. Gần đây khi nghiên cứu, điều tra quan họ bên bờ Bắc sông Cầu, tại làng Việt cổ Trung Đồng thuộc huyện Việt Yên, chúng tôi cũng thấy có đền Vua Bà, nhân dân địa phương còn gọi đền Bà Chúa. Nghiên cứu các thư tịch cổ, tư liệu Hán-Nôm từ văn bia, sắc phong thời Lê và thời Nguyễn ở đình, đền, chùa Trung Đồng cho hay làng Trung Đồng xưa thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Từ lâu đời làng này đã có tục kết chạ với làng Thượng Đồng và Hạ Đồng (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Đó là mối tình huynh đệ gắn bó ngàn đời giữa các làng quan họ cổ bên dòng sông Cầu. Tương truyền tục kết chạ bắt nguồn từ xa xưa khi Bà Chúa đưa dân về khai phá lập làng trong đó có các làng Trung Đồng, Thượng Đồng và Hạ Đồng, cả ba làng đều thờ Bà Chúa và có mối tình huynh đệ kết nghĩa với nhau. Nơi thờ chính vị chúa Bà là ở Thượng Đồng, Hạ Đồng, vùng Diềm (Bắc Ninh) và được coi là thuỷ tổ quan họ.
Liền chị Quan họ thôn Trung Đồng, xã Vân Chung, huyện Việt Yên - Ảnh: Ngọc Dưỡng
 
Đền thờ Bà Chúa làng Trung Đồng hiện nay toạ lạc ở trung tâm làng. Ngôi đền cổ kính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhị, bên trong hậu cung đặt tượng Bà Chúa tôn thờ. Đền còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị trong đó có tấm bia đá thời Nguyễn khắc chữ Hán có giá trị nghiên cứu khoa học. Tại chùa Trung Đồng cũng có ban thờ Bà Chúa, lại có đôi câu đối, nội dung ghi rằng: “Đại Việt lưu truyền tiếng tăm của bậc mẫu nghi thiên hạ, dấu tích linh thiêng còn mãi. Đạo cao đức trọng được triều Trần phong là bậc triều trung nữ Chúa có phẩm hạnh được tôn vinh”. Đặc biệt làng Trung Đồng còn lưu giữ được bản thần tích ghi lại sự tích và công trạng của Bà Chúa đại thể như sau: Bà Chúa là người Quả Cảm, Yên Phong, Bắc Ninh được vua Trần Anh Tông tuyển làm Hoàng phi, bà có nhiều công lao với dân với nước, đề xuất nhiều chủ trương về phát triển nông nghiệp, khai khẩn đất hoang, dạy dân cách ươm tơ dệt lụa. Là người đề xuất giữ gìn văn hoá dân tộc, phát triển dân ca, dân vũ vùng Kinh Bắc. Khi bà mất được nhà vua truy phong làm Hoàng hậu và cho dân thờ làm phúc thần ở Thượng Đồng, Trung Đồng và Hạ Đồng. Công lao của bà được các triều đại sau này ghi nhận phong tặng nhiều danh hiệu mĩ tự cao quý. Đời vua Lê Cảnh Hưng phong là đức Vua Bà. Các đời vua Nguyễn sau này đều có sắc phong với danh hiệu và mỹ tự cao quý.
 
Hàng năm, vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch, là ngày giỗ Bà Chúa nhân dân làng Trung Đồng lại sửa lễ sang chạ anh tức làng Thượng Đồng và Hạ Đồng thuộc tỉnh Bắc Ninh góp lễ tôn thờ Bà Chúa. Ngược lại ngày mười năm tháng Tám, ngày sinh Bà Chúa, hai làng Thượng Đồng và Hạ Đồng lại sửa lễ sang làng Trung Đồng thuộc tỉnh Bắc Giang dự lễ. Các ngày sự lệ ở hai bên đều có sinh hoạt hát quan họ giữa các chạ với nhau. Như vậy ở làng Trung Đồng bên bờ Bắc sông Cầu cũng có một ngôi đền nữa thờ Bà Chúa hay còn gọi đền thờ đức Vua Bà. Khảo sát và sưu tầm các bài dân ca quan họ ở làng Trung Đồng cho thấy các anh hai, chị hai ở đây hát những bài quan họ gốc rất cổ xưa mà ít thấy ở đâu có được ví như bài:
 
Trung Đồng - Hà Nội đâu xa,
đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Em là con gái Trung Đồng,
Hát bài thung dung,
Anh hai tài tử,
Ai lên Xứ Lạng,
Đi tìm bạn,
Lên chùa tìm cảnh mà chơi....,
 
Ông Hoắc Công Chờ đã ngoài 70 tuổi, một anh hai quan họ làng Trung Đồng kể: Trước kia trong làng có bọn chơi quan họ, vào các dịp lễ tết, hội hè, giêng hai, bọn quan họ trong làng thường đi hát giao lưu khắp các hội làng trong vùng Xứ Bắc, đặc biệt là thường hát trong các đám hội ở bờ Nam Sông Cầu cùng các chạ anh ở Quả Cảm, vùng Diềm, vùng Vát và vùng Lim (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bên bờ Bắc sông Cầu có vùng Nếnh, vùng phủ Lạng Thương… Do điều kiện kháng chiến đến những năm 1948-1954, sinh hoạt hát quan họ ở làng Trung Đồng cũng như nhiều làng khác bị gián đoạn. Tuy nhiên trong làng vẫn có những người yêu và chơi quan họ, hát quan họ khi điều kiện cho phép. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước nên việc sinh hoạt quan họ ở Trung Đồng được duy trì đều đặn hơn. Làng hiện có một đội quan họ là các anh hai, chị hai đã từng đi hát nhiều năm. Các thế hệ trẻ cũng đang được lớp đàn anh đi trước truyền dạy kinh nghiệm nhằm bảo tồn và duy trì vốn di sản văn hoá dân tộc.
 
Đồng Ngọc Dưỡng
 

No comments:

Post a Comment