Viếng Thăm Bà Con ở Khu Ngã Ba Ông Tạ và chợ Vườn Xoài. (tiếp theo)
Sau khi chia tay dì Cuông và Thăng. Tôi và anh Ất đi qua thăm gia đình con gái ông Đinh Công Khảo (tên Nhan). Nhan thật bất ngờ khi gặp lại tôi, vội vàng hớn hở cất giọng: "Anh Thắng mới về, em mừng qúa, được anh qua đây thăm, em mừng lắm..!" Thật là may cho tôi, cả hai vợ chồng đều ở nhà. Đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh được gặp ông xã của Nhan, bao nhiêu lần trước qua nhà chú Khảo, chưa bao giờ gặp được ông xã của Nhan. Cô Nhan vẫn vui tươi như ngày nào, nụ cười vẫn còn đấy, Nhan giống chú Đinh Công Khảo lắm…!
Từ trái qua phải: Nhan, ông xã Nhan và anh Nguyễn Văn Ất.
Từ trái qua phải: Nhan, ông xã Nhan và Đinh Văn Thắng (Tony).
Ông Đinh Công Khảo là một trong những ân nhân của làng Dũng Vy, ông đã dâng cúng trọn gói công trình xây dựng tượng đài Đức Mẹ cho nhà thờ Dũng Vy vào nhiều năm trước đây (khoảng cuối thập niên 80). Anh em chuyện trò khá lâu, ông xã Nhan cứ nhắc chuyện nhà thờ Dũng Vy, tất cả mọi chuyện tôi và đồng hương ở hải ngoại làm giúp Giáo xứ Dũng Vy, anh đều biết rất rõ, anh kể vanh vách, rồi anh tự khai: "Sở dĩ em biết nhiều về những công trình của Dũng Vy, vì em là bạn thân của ông Trùm chánh Nguyễn Thế Nam, ông Nam sinh năm 1954, còn em sinh năm 1952." Anh có kể thêm, tiểu sử của anh hơi khác mọi người, anh là người thôn Lương, trong gia đình anh chỉ có một mình anh là tòng giáo từ khi lọt lòng mẹ, câu chuyện xin được vắn tắt: "Lúc anh mới sinh, bị bệnh nặng, thân phụ-mẫu anh đã nhờ bà Quản Chiu đem đi rửa tội và cầu nguyện cho anh được sống xót, thế là từ đó anh được tòng giáo và gia đình vẫn cho anh tiếp tục theo đạo cho đến nay, nguyên cả thôn Lương chỉ có anh qua bên thôn Giáo học giáo lý và tiếp tục lãnh nhận các bí tích khác như Rước lễ lần đầu, Thêm sức, vv... và anh chơi chung với những người bên thôn Giáo, người anh chơi thân nhất chính là ông Trùm đương thời Nguyễn Thế Nam". Sau này duyên số, anh đã gặp được người bên thôn Giáo, từ đó anh đã trở thành con rể ông Đinh Công Khảo. Anh chị có một người con rất giỏi về hội họa.
Nhắc tới chú Khảo, gia đình tôi đã gắn bó với chú Khảo trong nhiều năm trước năm 1975 và cho tới khi chú Khảo qua đời. Nhờ chú Khảo mà tôi mới biết đến nhà hàng nổi tiếng trong Sài Gòn trước năm 1975: "Nhà hàng Ánh Hồng - Bò Bảy Món" ở gần cổng xe lửa (lâu qúa quên mất cổng số mấy rồi). Chú Khảo mời Bố tôi và tôi được đi ăn ké, sung sướng lắm và về nhà khoe với anh em lung tung hết. Tôi là út trai, Hương là út gái trong gia đình tôi, cho nên chú Khảo có phần đặc biệt cho hai anh em tôi (Hương và Thắng), chú thường dẫn Hương hay là tôi đi ăn hàng vặt. Chú ở một mình từ năm 1954 tới 1975, không có con nít, cho nên rất thích chơi và "nô đùa" chuyện trò với anh em tôi. Năm 1991 là lần đầu tiên tôi về VN chơi, cũng là năm ấy tôi gặp Chú lần cuối cùng, cũng như ông Thơ Thành. Tôi nhớ rất rõ, một hôm ăn bên chú Khảo, một hôm ăn với gia đình chú Cuông cùng chú Khảo và bác Bốt trai nữa. Bữa cơm thân mật tháng 12 năm 1991 đó đã in sâu trong tiềm thức của tôi. Ông Thơ Thành còn dặn dò tôi khá nhiều chuyện về Dũng Vy, ông đã nói: "Ông đã già rồi con ạ! Ông không còn làm gì cho Dũng Vy được nhiều nữa, các cháu là lớp trẻ, Chúa ban cho đủ ăn rồi, các cháu cố gắng giúp được gì thì giúp nhé, nhà thờ mình và dân làng còn nghèo lắm, ăn không đủ thì lấy đâu mà đóng góp được." Tôi cứ nhớ mãi những lời ông dặn, mãi tới tháng 12 năm 1998, tôi về Dũng Vy thăm quê Cha Đất Tổ, tôi mới cố gắng thực hiện những lời dặn năm xưa của ông Thơ Thành. Chuyện này có chú-dì Cuông, ông Bốt, và ông Khảo là những chứng nhân. Chú Cuông còn thêm một câu nữa: "Thôi để cháu nó ăn cơm, ông cứ lo chuyện của Nhà thờ Dũng Vy không vậy, ông nói ít cháu nó hiểu nhiều." Tôi nhớ lại chuyện thâu tiền đầu năm 1999, Bố Mẹ tôi có qua Mỹ đi du lịch, và đã ghé thăm một số gia đình đồng hương họ hàng xa gần, có ghé vào dùng cơm nhà anh Đinh Văn Hiếu ở bên Santa Anna - California (con ông Chung hay là ông Tín), anh ấy còn nói với Bố tôi là: "Em Thắng này đúng ra phải là cháu ông Thơ Thành, lúc nào cũng lo cho nhà thờ Dũng Vy." Đây là thân phụ tôi đã kể lại như vậy. Thôi chuyện dài lắm, tôi không nói nhiều về ông Thơ Thành hay ông Quản Sủng nữa, kẻo có nhiều sự hiểu lầm không đáng. Nhưng những lời nói trên đây là sự thật, bản thân tôi chẳng muốn nâng bốc bất cứ ai, chỉ muốn kể lại sự thật về những người có công với Dũng Vy mà tôi đã cất giữ trong lòng bao nhiêu năm nay. Ông Thơ Thành là nguồn động lực cực mạnh thúc đẩy tôi vào những việc giúp cho Giáo xứ Dũng Vy. Bà Phan Thị Xin là nhân chứng cuối cùng mà biết câu chuyện này.
Tôi vội vàng chia tay với vợ chồng Nhan, và tiếp đó qua nhà con ông Nguyễn Văn Sở (tên gọi là ông Bốt). Anh Ất và tôi đã đi lạc, may quá gặp lại chú Đinh Tất Thăng đi ngang qua, và dẫn hai anh em tôi đến tận nhà. Chị Uyên và chị Thúy ra đón và nói: "Hai chị đợi cậu Thắng từ nãy đến giờ, sao lâu thế…!"
Anh Ất cùng ba chị em kể lại chuyện xưa từ thời trước năm 1975, nhà bác gói tất cả các loại bánh mà dùng tới lá, chẳng hạn như bánh chưng, bánh tét, bánh chuối, bánh gai, bánh mật, bánh giò vv… Sau đến chuyện thời bao cấp, cả gia đình chị ấy và gia đình tôi dọn về Long Giao - Long Khánh từ năm 1975 tới năm 1982, cả hai gia đình và một số gia đình khác dọn về lại Sài Gòn cho đến nay. Chuyện dọn nhà, tôi sẽ thuật lại vào bài khác để khỏi lạc đề. Chị Uyên và tôi có nhắc tới gia đình chị Ren, tức là mẹ của thầy phó tế Phao-Lô Bùi Ngọc Linh, sắp thụ phong linh mục vào tháng 6 năm 2014 ở thành phố Oklahoma tiểu bang Oklahoma. Xin bật mí với qúy vị chị Ren là một trong những học trò cũ của thầy JM Lam Thy ĐVD. Chị Ren và chị Uyên (Bốt) là hai chị em con cô - cậu. Bà Trùm Hiểm với ông Bốt là hai anh em.
Chị Uyên cứ hỏi đi hỏi lại về chuyện tôi tìm được chị Len và chị Ren bằng cách nào? Trái đất thật nhỏ, có duyên sẽ gặp lại nhau và sẽ tìm thấy nhau. Chuyện tìm được chị Len và Ren là nhờ vào việc xin tiền trùng tu Thánh Đường Dũng Vy 2013. Tôi đã tìm đủ mọi cách đi xin tiền, qua một người bạn thân tên Hoàng Cao Hảo đã ủng hộ $500 dollars, sau đó nhờ Hảo đi vận động thêm những bà con khác, Hảo là người sống cùng làng với dân di cư Dũng Vy ở Liên Khương, cho nên giới thiệu lá thư của cậu Diệm viết thư thỉnh cầu cho Thanh (con của chị Len), đồng thời cũng gửi cho chị Ren. Thế là Thanh liên lạc với tôi rồi tìm hiểu xem có họ hàng không? Lúc bấy giờ chị Len đang đi du lịch ở Mỹ, và chị Len nói chuyện với tôi, hai chị em nhận ra nhau ngay lập tức. Chẳng mất nhiều thời gian để hỏi. Chị ấy nói chị là con bác Trùm Hiểm, còn tôi là con ông Đinh Văn Đột, hai chị em hiểu rất rõ sự liên hệ họ hàng, cho nên không mất giờ nhiều. Đấy là câu chuyện của tôi và chị Len và Ren tìm thấy nhau như vậy.
Nhìn vào đồng hồ, lúc bấy giờ mới biết là gần đến giờ ăn trưa, tôi vội vàng chia tay với hai chị và về lại nhà để dùng cơm với mẹ Già. Họ hàng ở Xứ Bùi Phát có nhiêu đó thôi, tôi đã tranh thủ thăm ba gia đình này, còn mấy gia đình khác bên em chú Cuông, tôi không tiện đi thăm, tôi đành phải hẹn vào dịp khác vậy.
Từ trái qua phải: Chị Lệ Uyên, chị Thúy và Đinh Văn Thắng (Tony).
Trở lại khu Ông Tạ, tôi có ghé thăm chị Đức (vợ của anh Đức (hay anh Lê) con ông Nguyễn Văn Hoài, tên gọi là ông Ngân ở Phước Lý, chị Đức này là em của ông Hôn và Đích). Lần trước thiếu xót kể chuyện viếng thăm gia đình chị, gia đình chị Đức đã ở cùng xóm ở Ông Tạ với gia đình tôi từ lúc năm 1954. Theo họ hàng thì tôi gọi chị ấy bằng Chị, nhưng con chị ấy là Bác Sỹ Nguyễn Văn Tuấn, Tuấn là cùng tuổi với tôi và chơi với nhau rất thân từ nhỏ tới bây giờ.
Chị Đức.
Tôi tạm biệt qúy đồng hương nơi đây và xin gặp lại qúy vị vào bài kế tiếp để giới thiệu đến qúy đồng hương gia đình chị Đức và một vài gia đình khác ở Sài Gòn như bác Tòng, chú Hoàn vv…
Kính chúc qúy đồng hương và họ hàng nội ngoại xa gần sức khỏe dồi dào và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Thân ái.
Đinh Văn Thắng.
Dallas, Texas ngày 7 tháng 3, năm 2014.
----------
No comments:
Post a Comment