Tuesday, September 24, 2013

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ - JM. Lam Thy ĐVD

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
JM. Lam Thy ĐVD.

Nhân dịp Giáo xứ Dũng Vy tổ chức trùng tu Thánh Đường (dựng Tượng đài Thánh Cả Giu-se Quan Thầy) và quy tập Nghĩa trang Giáo xứ, xin gửi đến toàn thể Giáo dân Dũng Vy trong và ngoài nước đôi dòng tâm sự:

Như tôi đã viết trong Kỷ Yếu Dũng Vy (vào những năm đầu thế kỷ XXI – năm 2000-2001), với tâm tình của người con xa quê hương luôn hướng về Quê Mẹ, đong đầy kỷ niệm ăm ắp Tình Quê, tôi luôn ao ước cho Giáo họ Dũng Vy (thuộc Giáo xứ Cẩm Giang – Địa phận Bắc Ninh) đã kiên cường trường tồn qua hơn một thế kỷ, sẽ ngày một thăng tiến trên hành trình loan báo Tin Mừng, mở mang Nước Chúa. Quả thực lòng khao khát của chúng tôi đã được đáp ứng, Giáo họ Dũng Vy nay đã trở thành Giáo xứ. Đó là một niềm vinh dự cho tất cả chúng ta.

Thánh Au-gus-ti-nô đã dạy: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người”. Một lời nói mới thoạt nghe thì thấy có vẻ không ổn, nhưng suy xét cho thấu đáo, thì quả thực đó là một chân lý. Ngay từ khi Đức Giê-su thiết lập Giáo Hội tiên khởi, với 12 Tông đồ nòng cốt (“Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê – Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi –, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.” – xem “Mac-cô 3, 16-19”). Đặt giả thử nếu cả 12 môn đệ đó đều như Giu-đa It-ca-ri-ốt thì liệu công trình cứu độ của Thiên Chúa có thực hiện được không? Chắc chắn là không. Và vì chỉ có một Giu-đa It-ca-ri-ôt phản bội (không cộng tác), còn lại 11 môn đệ một lòng trung thành cộng tác mật thiết với Đức Giê-su Ki-tô, nên trải qua hơn 20 thế kỷ mới có một Giáo Hội Công Giáo với hàng tỉ tín hữu hiện diện trên khắp địa cầu như hiện nay.

Có thể nói được rằng Giáo dân Dũng Vy từ ngày tòng giáo vào cuối thế kỷ XIX (khoảng từ 1883 đến 1890), đã hết lòng tin tưởng và cộng tác với Thiên Chúa, với Giáo Hội, nên mới có một Giáo xứ Dũng Vy như ngày hôm nay. Không những thế, đời sống đạo của Giáo dân Dũng Vy cũng hết sức sốt sắng trong đời sống cầu nguyện (dâng lễ, đọc kinh sớm tối), trung kiên trong đời sống hoạt động nơi cộng đồng xã hội (từ bản quán đến nhiều tỉnh thành trong cả nước Việt Nam lẫn ở hải ngoại). Một minh chứng hùng hồn cho tinh thần sống đạo tốt đẹp đó là cho đến ngày nay, Giáo xứ Dũng Vy đã có được 4 Linh mục và một Phó tế. Đó là:

* Cha Giu-se Đinh Quốc Trụ, con ông bà Đinh Văn Túy (thuộc gia đình ô Lý Canh).
* Cha Giu-se Đinh Tấn Hoài + Cha Giuse Đinh Minh Hoàng, con ông bà Đinh Văn Hòa (thuộc gia đình ông Đinh Văn Đạo – ô Đường).
* Cha Giu-se Đinh Tuấn Việt, con ông bà Đinh Văn Goòng (gđ ô Đinh Văn Quỳnh). 
* Phó tế Phao-lô Bùi Ngọc Linh, con ông Bùi Bằng Đổng và Nguyễn Thị Ren (Ren là con ông Trùm Hiểm – Nguyễn Ích Niết). 

Ấy là chưa kể một số nữ tu: Sæur Đinh Thị Tuẩn (con cụ Chánh hội Tề – Đinh Văn Đẩu), Sæur Nguyễn Thị Riêng, em ông Nhận (con cụ Ngữ), Sæur Nguyễn Thị Tiên (quen gọi là cô Mầu, con cụ Khóa Hà), Sæur Nguyễn Thị Hùy (con ông bà Nguyễn Khắc Thiện), và còn một số nữa..., nhưng không nhớ được hết.

Nhờ đâu mà có sự cộng tác tốt đẹp đó? Chính là nhờ một nền tảng Đức Tin vững mạnh. Vâng, “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (Thánh Au-gus-ti-nô). Nền tảng đức tin vững mạnh ấy có được phải chăng là do ân sủng Thiên Chúa trao ban? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong bài giảng ngày thứ tư 24-10-2012 tại quảng trường thánh Phê-rô, đã trả lời cho câu hỏi đó: “Đức tin là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng là một hành động tự do sâu xa của con người, tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng yêu thương nó.” Vậy thì phải nói chính Thiên Chúa đã ban Đức Tin cho chúng ta thông qua những cộng tác viên đắc lực của Người như Đức Maria, Thánh cả Giu-se, các Thánh Tông đồ. 

Các thánh Giáo phụ đã cho rằng “De Mariam nunquam satis” (nói về Đức Maria thì không bao giờ cùng). Quả thực con cái Mẹ trên khắp địa cầu muôn đời sẽ không đủ ngôn từ để có thể diễn tả cho hết được những đức tính cao vời khôn ví của Mẹ, mà qua đó Mẹ được hưởng những ân sủng đặc biệt Thiên Chúa đã dành cho Mẹ. Chỉ với đức tin mới có thể cảm nghiệm được Mẹ Maria đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể), là Mẹ Giáo Hội (mầu nhiệm phó thác dưới chân Thập giá, khi Đức Giê-su trao Thánh Gio-an cho Đức Mẹ, Người nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà” – Ga 19, 26). Đức Mẹ còn là Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương Hoàn vũ, Nữ Vương mỗi gia đình Ki-tô Giáo. 

Còn Thánh cả Giu-se là Đấng Công Chính, là Đấng Bảo Trợ Giáo Hội, Bảo Trợ giới Lao động, Bảo Trợ các Gia đình Ki-tô Hữu. Giáo xứ Dũng Vy đã nhận Thánh Cả Giu-se làm Quan Thầy Bầu Cử thật vô cùng vinh dự. Thêm một đặc điểm là kể từ khi tòng giáo, toàn thể Giáo dân Dũng Vy đều lấy tên thánh là Maria (cho phụ nữ) và Giu-se (cho nam giới). Mãi cho tới sau thời điểm 1975, mới có một số trường hợp lấy tên thánh bổn mạng khác với truyền thống tốt đẹp đó, nhưng phần lớn vẫn giữ theo truyền thống.

Đó là tất cả những lý do khiến tôi gửi đến quý vị một truyện ngắn (“ĐIỆU RU NGÚT NGÀN”); 2 ký sự (“BẮC HÀNH KÝ THUẬT” và “BẮC HÀNH TẠP KÝ”) về công tác giảng dạy khóa Chân Lý IX (Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam) tại Giáo phận Bắc Ninh và Gp Bùi Chu, Thái Bình (có về thăm Dũng Vy 3 năm liền 2006-2007-2008); cùng với những bài chia sẻ về Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Cả Giu-se Quan Thầy (xc. 2 file đính kèm). Và cũng để minh họa thêm cho tâm tình của tôi, tôi xin kể lại hai phép lạ trong rất nhiều phép lạ mà Đức Mẹ và Thánh cả Giu-se đã ban cho Giáo xứ Dũng Vy:

+ Phép lạ thứ nhất do Đức Mẹ ban: Như đã kể trong Kỷ Yếu Dũng Vy số 1, năm 1949 quân Pháp chiếm đóng Dũng Vy. Tới đầu năm 1952, thì rút lên đóng ở núi Phật Tích (cách Dũng Vy khoảng vài cây số về phía đông nam). Khi rút, Đồn trưởng (sĩ quan Pháp) có chỉ thị cho ông Đinh Văn Loát (Trưởng ban Hương dũng) làm một cây đình liệu (cây cột bằng tre quấn rơm cao khoảng 10 mét) chôn ở cuối nhà thờ, tại khu đất nhà ông Câu, phía đông lô cốt quân sự (lô cốt xây ở gian giữa nhà quan cư), cách khoảng 7-8 mét. Khi có sự cố (bị địch tấn công), thì lấy dầu hôi (dầu hỏa) tưới vào cây đình liệu rồi đốt cháy, báo hiệu cho quân Pháp cứu viện. 

Ông Loát và đội Hương dũng mê tổ tôm, chắn cạ, có bao nhiêu dầu hôi dự trữ đem đốt đèn chơi bài hết. Tới 26 tháng chạp năm Tân Mão (22/01/1952 dl), VM tấn công, tìm dầu hỏa không có, không đốt được cây đình liệu báo động. Đội Hương dũng chỉ có khoảng 10 người do ông Loát chỉ huy, đành liều chết ra chống cự ở ngã ba đường làng (Cầu Giếng) phía đầu chợ Ve bên cạnh nhà ông Lý Súy và ông Thơ Thành. Ruộng rau cần nhà ông Đám Hà (đối diện nhà ô. Thơ Thành) bị cày nát vì trận chiến này. Cuối cùng thì cũng đẩy lui được VM. Sau Tết Nhâm Thìn (1952), anh Chẩm con bà Đám Tẹo (bà Đám Tẹo và ông Xếp là chị em đôi con dì ruột) kể lại như sau:

Biết được quân Pháp rút khỏi làng Dũng Vy, VM quyết định tấn công tiến chiếm. Tối hôm đó (22/01/1952), họ chia quân làm hai mũi: Một mũi tập trung ở nhà ông Đám Hiện (nội công) sẽ đánh theo đường làng từ cổng Cầu Cung tiến vào chợ Ve. Vừa tới chợ “thì bị một đoàn quân Pháp đông ơi là đông phản công kịch liệt, súng bắn như mưa bão, anh em đành rút lui, ngã lên ngã xuống ở ruộng rau cần nhà ông Đám Hà” (nguyên văn lời kể của anh Chẩm).

Mũi tiến công thứ hai từ Đồng Lạng tiến qua ngòi Cầu Ve (phía gần Bờ Cừ), đi thẳng lên Cầu Bạc, Đường Giồ, Lò Ngói, Cửa Ngõ. Khi tiến tới gần bờ tre làng (cách khoảng 100 mét) thì thấy một người đàn bà đội khăn trắng, mặc váy đầm (soirée) trắng thắt đai xanh. Bà đi lướt trên ngọn tre suốt dọc lũy tre làng, mỗi lần bà phất tay một cái thì có một luồng gió rất mạnh đẩy anh em ngã sấp mặt xuống ruộng. Nhiều lần như vậy, cứ lồm cồm bò dậy thì lại bị quật ngã bằng những luồng gió lạnh thấu xương từ tay bà phất ra. Sợ quá, đành rút êm, may là không ai bị thương hay chết.

+ Phép lạ thứ hai do Thánh Cả Giu-se ban: Chuyện này cũng đã kể trong tập Kỷ Yếu Dũng Vy số 1. Xin xem nguyên văn trong bút ký “XỨ DŨNG, QUÊ TÔI” có đăng trên blog “Kỷ Yếu Dũng Vy” mục “Bài đã đăng 2013 – January”. Chuyện khá dài, xin tóm tắt lại: 

Vào cuối năm 1952, chú em Phan Tự Phiêu (con bà Phiêu, cô ruột của tôi) là Hương dũng (lính làng) đang gác ở cổng Cầu Ve thì có một người khoảng trên 30 tuổi từ làng Đại Vy xuống, hỏi thăm “miếu thờ ông Thần to lớn, râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu, tay trái bế em bé đẹp như Tây lai, tay phải cầm cành huệ” (nguyên văn lời nói của anh ta). Nhờ ông Xếp dẫn anh ta đến nhà thờ, nhìn lên tượng Thánh cả Giu-se thì anh ta quỳ gối, sấp mặt xuống và cứ thế đi bằng hai đầu gối lên tận Cung Thánh, miệng thì không ngớt kêu khấn: “Lạy Ngài mớ bái. Con lạy tạ ơn Ngài. Con đội ơn Ngài...”. Sau đó anh ta kể lại cho ông Xếp và tôi nghe câu chuyện hết sức cảm động: Anh ta bị dịch tả, khi hấp hối (sắp chết) thì thấy có âm binh vào bắt đi, bắt hết ở Đại Vy thì xuống Dũng Vy. Đến đầu cầu bắc qua ngòi Cầu Ve thì thấy ông Thần (như anh ta nói ở trên) đứng trên nóc cổng Cầu Ve quát: “Trả thằng này về nhà nó. Cút đi!”. Thế là anh ta khỏi bệnh và tìm xuống Dũng Vy để tạ ơn.

Những nhân vật chính trong 2 truyện này đều là người ngoại đạo, chưa hề biết tới hình ảnh Thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Maria, vậy mà miêu tả rất rõ và đúng hệt. Điều này cho thấy phép lạ là có thật 100%. Tôi chỉ là người thuật lại câu chuyện, không hề thêm bớt một chi tiết nhỏ nào.

Saigon, cuối Thu Quý Tỵ (9/2013)


ĐÍNH KÈM MỘT SỐ HÌNH ẢNH LIÊN QUAN:

Riêng về tấm hình Ban Biên tập KỶ YẾU DŨNG VY, trên trang blog KYDV có ghi tên sai một nhân vật (thay vì ô Sửu lại ghi là ô Bảo – ô Đinh Văn Bảo hồi làm KYDV năm 2000-2001, đã định cư ở Mỹ). Nay xin đính chính theo thứ tự từ trái qua: ô Diệm – ô Tòng – ô Sửu – ô Đường – ô Đích).

-----------
Ghi chú của KYDV: Bài viết của tác giả JM Lam Thy Đinh Văn Diệm gồm: BỨC TÂM THƯ, ĐÔI DÒNG TÂM SỰ, BẮC HÀNH KÝ THUẬT, BẮC HÀNH TẠP KÝ cùng những hình ảnh đính kèm. Qúy vị có thể xem hoặc tải xuống tại Hình Ảnh - Văn Bản KYDV - Đinh Văn Diệm

KYDV xin được trích đăng thành từng bài liên tiếp.

1. BỨC TÂM THƯ
2. ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
3. BẮC HÀNH KÝ THUẬT
4. BẮC HÀNH TẠP KÝ

No comments:

Post a Comment