Thursday, January 31, 2013

KÝ ỨC VỀ MẸ

KÝ ỨC VỀ MẸ

Kính dâng hương hồn Mẹ

Cha khuất bóng khi con chưa biết nhớ
Không bỏ con bơ vơ,
Mẹ chấp nhận đời chăn đơn gối chiếc
Dẫu bao đêm phải vật lộn với lòng mình
Hầu đứng vững giữa bủa vây cám dỗ

Làm sao quên những ngày đông buốt giá.
Mẹ lon ton, tất tả ngược xuôi
Chợ Ve, chợ Húc... chợ đời.
Lấy nhọc nhằn đổi miếng cơm manh áo
Nuôi con khôn lớn, nên người.

Công ơn Mẹ đất trời khôn chứa
Tình Mẹ con cao vời núi Thái Sơn
Trải bao dâu bể, nguồn cơn
Đắng cay Mẹ chịu, nhường con ngọt bùi

Tạ ơn Mẹ suốt đời chẳng đủ
Con thắp nén nhang dâng Mẹ thay lời

15/3/2000
Đinh Bằng

(Trích KYDV Số 1, trang 33)

LÀNG GÒ ĐỒNG ĐẠI BÁI - GIA BÌNH - BẮC NINH



Published on Mar 28, 2012
vanhoaviettv

Sunday, January 27, 2013

NHẮN VỀ XỨ DŨNG


NHẮN VỀ XỨ DŨNG

Ai về biển lúa mênh mông
Xứ Dũng Vy – lũy tre đông tiếng cười
Cho ta gởi chút bồi hồi
Vũng tâm tư của con người phiêu linh
(“Ai Về” - Lam Thy)

Ơi xứ Dũng năm mươi năm cách trở
Nhớ về ngươi – Ta vẫn nhớ vô cùng
Hướng về ngươi trong cả từng hơi thở
Thương về ngươi dù cách núi ngăn sông

Nghè Mậy – Bờ Cừ – Ông Soi – Đường Bưởi
Cầu Bạc – Cầu Ve – Cầu Giỏ – Cầu Cung
Cửa Ngõ – Đường Làng – Đường Giồ – Lò Ngói
Chỉ nghe tên đã đủ ấm trong lòng
Và còn nữa... biết bao nhiêu di tích
Đình Thần – Văn Chỉ – Chùa Ngoài – Chùa Trong
Đền Vua – Mả Ngụ – Ngưu Giang – Mả Chúa
Thắm đượm tình yêu: Nhà Thờ – Nhà Chung
Bãi Cò ấy, đáng yêu thay: Xóm Gạ
Gạ bên ngòi cho nước chảy xuôi dòng
Cánh Đồng Thần – nghe sao mà thấy lạ
Đồng của Thần nhân ? Ấn tượng vô song
Còn nhiều nữa... còn thật nhiều dấu ấn
Tuổi thơ xưa từng đã được ươm nồng
Lời mẹ ru âm vang trong xóm nhỏ
Tiếng học bài vang vọng những chiều không
Giọng cầu kinh màn đêm vương vấn mãi
Chuông Thánh Đường hòa lẫn Đại Hồng Chung
Men kỷ niệm trào dâng nồng ấm quá
Sưởi tâm hồn trải suốt kiếp long đong

Năm nao nhỉ, gió Đông tràn gốc rạ
Áo đụp nhiều mà người vẫn rung rung
Rồi bóng Xuân về ửng hồng đôi má
Đường làng quanh co đầy xác pháo hồng
Mùa Hè tới cho tuổi thơ vùng vẫy
Tay vung tay tung tóe nước trên sông
Rồi năm nao nữa mùa Thu vàng võ
Tiếng súng chen nhau khói lửa oi nồng
Bao trai tráng trong làng cùng vắng bóng
Đã lên đường theo tiếng gọi non sông
Một... hai... ba... bốn... Xuân qua Hè tới
Chiến tranh về cây cỏ cũng lao lung
Còn đâu nữa dưới bóng đa mát rượi
Bác nông phu thường nghỉ giấc trưa nồng

Năm nao nữa... lại mùa Thu ủ rũ
Cho Bắc Nam đôi ngã những hoài mong
Có còn không những đêm trăng rộn rã
Tiếng chày khua tiếng hát Dặm ươm nồng
Điệu Cò Lả vươn cao mùa Hát Ví
Buông điệu trầm Quan Họ tỏa không trung
Ồ lạ nhỉ hát Trống Quân dồn dập
Ruổi Cà kheo người xếp Tháp xoay vòng
Có còn không... có còn không...ước vọng
Lấy hành VI ươm DŨNG khí oai phong

Làng tôi đó – bao thăng trầm lịch sử
Bao sao dời vật đổi vẫn ung dung
Ngạo nghễ một Dũng Vy tràn sức sống
Luôn hiên ngang đối mặt với vô cùng
Ơi xứ Dũng muôn năm đầy thắm thiết
Những người con dù lưu lạc Tây Đông
Vẫn nặng mang tình quê hương bất diệt
Ghi lại đây gọi một nén hương lòng
Nhìn dĩ vãng – mơ tương lai rạng rỡ
Hỡi hồn linh xứ Dũng có nghe không ?

Hạ chí 2000
(Trích KYDV Số 1, trang 30)

Wednesday, January 23, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)

Trở lại trên, phần lớn những chuyện kể đều mang tính huyền sử, để kết thúc bài này, tôi xin kể câu chuyện có thật 100% nhưng lại rất khó tin đối với những người chưa có hoặc chưa vững đức tin Kitô Giáo. Vào cuối năm 1952 (tôi quên mất ngày tháng), chú em Phan Tự Phiêu - con cô ruột tôi - đang làm Hương Dũng ở làng tôi. Một hôm đang gác ở cổng Cầu Ve thì có một anh khoảng trên 30 tuổi, ăn mặc luộm thuộm, người gầy gò hốc hác đi từ Đại Vy xuống hỏi em:
    - Chú làm ơn cho hỏi thăm, ở làng ta có miếu nào thờ ông Thần to lớn, râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu, tay trái bế em bé đẹp như Tây lai, tay phải cầm cành huệ - không, hả chú ?
Phiêu thấy lạ, vả còn ít tuổi (em mới 18 tuổi) nên trả lời:
    - Để tôi dẫn anh vào bác tôi, ông ấy biết rõ hơn tôi.
Rồi dẫn người khách Đại Vy (Phiêu quên hỏi tên họ) vào gặp Cụ Xếp - thân phụ tôi. Cũng câu hỏi lúc trước được lặp lại. Cụ Xếp vui vẻ:
    - Có, để tôi dẫn chú em đến gặp coi đúng không.
Lúc đó có mặt tôi, óc tò mò thúc đẩy, tôi liền đi theo cha tôi xem Ngài dẫn ông khách lạ mặt đi đâu. Cả em Phiêu nhờ người gác thay và cùng đi. Bốn người chúng tôi đi dọc theo con đường giữa làng, đến ngã ba rẽ vào chợ (tôi quên không nói rõ là lúc đó mới vào khoảng 8 giờ sáng, chợ Ve đang họp). Ông khách hỏi cụ Xếp:
    - Thưa cụ, con muốn cúng tạ ơn ông thần ấy, cụ vui lòng cho con biết là nên mua hoa trái bánh quả nhang đèn như thế nào ?
Cụ Xếp cười:
    - Không biết ông thần tôi dẫn chú em đến có đúng như chú em muốn tìm không, vội gì mà mua đồ cúng. Thôi thì tạt qua chợ xem còn hoa huệ, chú em mua mấy bông cúng là đủ.
Cũng may là còn sớm nên hoa cũng còn (chợ làng tôi hồi đó cũng có bán hoa nhưng chỉ lèo tèo vài bông huệ, bông cúc hoặc bông sen thôi). Thân phụ tôi dẫn ông khách lạ tới nhà thờ. Mới bước qua ngưỡng cửa cuối, đã thấy ông khách nhìn chăm chăm lên bàn thờ chính, tay run run như muốn đánh rơi cả mấy bông huệ. Cụ Xếp chỉ vừa kịp hỏi: “Có phải ông thần này không ?” thì đã thấy ông khách Đại Vy không trả lời - miệng lẩm bẩm những gì nghe không rõ - khụy chân quỳ ngay xuống nền đất nhà thờ. Rồi cứ thế đi quỳ - không, phải nói là nửa quỳ nửa bò mới đúng - tiến lên Cung Thánh, tay vẫn lạy lia lịa. Đến bậc thềm cung Thánh - nơi có hàng lan can gỗ cho giáo dân quỳ rước lễ - khách dừng lại, chúng tôi vẫn theo đi sát sau lưng. Khách lại tiếp tục lạy như tế sao, miệng lẩm bẩm lớn hơn, tôi nghe câu được câu mất: “Lạy Ngài mớ bái. Con lạy tạ ơn Ngài. Con đội ơn Ngài...”. Hai tay khách vẫn nắm chặt mấy bông huệ mà lạy tưởng đến rụng hết cả bông. Một lúc khá lâu, cụ Xếp lên tiếng:
    - Vậy thì đúng ông thần này rồi phải không ? Để tôi cho chú em biết tên ông ấy: Đó là ông Thánh Giuse, quan thầy của làng tôi đó. Sao, chuyện như thế nào mà chú em cứ lạy ông Thánh ghê thế ?
Khách bừng tỉnh:
    - Thưa, để lát nữa xin phép cụ cho con về nhà cụ, con sẽ kể.
Rồi lại tiếp tục lạy. Sau đó, khách có vẻ muốn tìm bình cắm hoa, cụ Xếp bảo cứ để hoa lên lan can, sẽ có cậu giúp lễ ra nhận và cắm vào bình. Xong xuôi, khách mới dám đứng lên và đi... giật lùi tới hết bậc thang cuối nhà thờ mới dám quay lưng. Về nhà tôi, sau một tách trà nóng, khách kể:

Số là thế này: Cách đây hơn tháng, con bị đau bụng tháo dạ nặng lắm. Chiều tối hôm ấy, con hấp hối trên ổ rơm, tự nhiên nghe thấy tiếng rầm rập ngoài ngõ. Lạ một cái là con không những nghe rõ tiếng mà còn nhìn rõ - dù con đang nằm ở trong nhà - một đám quân vận đồ đen cầm giáo mác, có một ông tướng đội mũ cưỡi ngựa ô đi đầu. Tới cổng nhà con, ông tướng chỉ roi về phía con nói với đám quân lính: “Vào bắt thằng này”. Thế là tự nhiên con vùng đứng dậy đi ra cổng, còn nghe rõ tiếng vợ con của con khóc gọi theo: “Ới anh ơi, anh nỡ bỏ em bỏ con mà đi sao anh ơi !”. Tiếng khóc xa dần, con đã theo đám quân lính ra đường giữa làng và đi về phía Dũng Vy. Lạ lắm cụ ạ, thường ngày đi đường làng tới Đình Đại Vy xây chắn ngang đường, con phải đi đường vòng theo tường Đình mới tới đường đi xuống Cầu Ve, hôm ấy tự nhiên đám lính và con đi băng qua Đình mà chẳng thấy vướng víu gì. Đi tới Cầu Ve thì có tiếng quát dừng lại, chúng con dừng lại ở đầu cầu phía Tây. Ngẩng lên trông thấy ông Thánh lúc nãy cụ dẫn con đến gặp đang đứng trên nóc cổng Cầu Ve, con nghe rõ ông Thánh nói: “Trả thằng này về nhà nó. Cút đi !”. Vừa nói ông Thánh vừa cầm cành huệ chỉ vào con. Ông tướng mặt đen chẳng nói chẳng rằng quay đầu ngựa lại theo lối cũ. Đến đầu ngõ nhà con thì mấy tên quân đi cạnh con đẩy con một cái vào ngõ. Con đi đến gần cổng thấy trời đã sắp sáng, vợ con vẫn lăn lộn khóc gọi. Mở mắt ra, quay đầu nhìn lại vẫn thấy mình nằm trên ổ rơm. Bỗng nhiên thấy vợ con ngưng bặt tiếng khóc rồi vùng té chạy, gào to: “Ối chú ơi, anh chú bị quỷ nhập tràng rồi”. Con càng thấy lạ lắm, con có chết đâu mà bị quỷ nhập tràng. Em trai con nghe vợ con gọi, liền cầm con dao phay nhảy đứng dạng háng trên người con giơ cao con dao lên và hét: “Mày phải quỷ nhập tràng không ? Nói ngay, không tao chém”. Con muốn nói cho em nó biết nhưng không nói được vì cổ đã khô cứng. Con ngáp ngáp mồm chớp chớp mắt ra hiệu xin nước. Nó hiểu ra và lấy nước. Uống xong, con nói được và phều phào kể lại đầu đuôi cho cả nhà nghe. Đến lúc đó con mới biết là con đã chết từ chiều hôm trước và nếu nhà không nghèo quá thì đã được bó chiếu chôn ngay tối hôm qua rồi. Chiếu cũng không có chứ đừng nói là quan tài. Cũng may ! Và con biết được ông Thánh Giuse ở làng cụ đã cứu con, con đã hỏi cả xóm con ở nhưng không ai biết. Hôm nay mới quyết định xuống đây và được gặp cụ. Quý hóa quá ! Con cám ơn cụ.

Như đã nói ở trên, chuyện này có thật 100% vì chính tôi được chứng kiến, mặc dù hồi đó tôi còn nhỏ (14 tuổi). Sau này, tôi có được nghe thân phụ tôi kể lại mấy lần. Và một nhân chứng sống động nhất vẫn còn sống, đó là người em cô cậu của tôi: Phan Tự Phiêu hiện đang sinh sống ở Liên Khương - Đà Lạt. Kể lại chuyện này, tôi muốn nói với mọi người rằng sở dĩ tôi có được một đức tin rất mãnh liệt là cũng nhờ vào những chuyện tương tự củng cố, cho nên dù ở bất cứ thời điểm nào tôi luôn luôn khai rõ với chữ in hoa trong lý lịch, nơi mục tôn giáo: Thiên Chúa Giáo, một mục mà tôi đã thấy có nhiều người hay ghi: Không Tôn Giáo. Tôi lại nhớ đến lời Đức Kitô nói với Thomas: “Thomas, bởi vì con đã thấy nên con tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Bây giờ thì xin được thay vào tiếng “tôi” đơn lẻ bằng một đại từ xưng hô khác “chúng tôi”, bởi vì tôi và chúng tôi cũng chỉ là một: Đồng hương Dũng Vy. Vâng, chúng tôi - những người đã bước qua ngưỡng cửa “lục thập nhi nhĩ thuận” - xin được đặt ở đây một câu hỏi: Tiền nhân xứ Dũng là như thế đó, các lớp hậu duệ nghĩ sao ?

Hạ Chí 2000
19.06.2000

Giáo phận Bắc Ninh - Một chặng đường



Published on Sep 4, 2012

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)

Nói về hàng Mục tử thì từ ngày Thôn Ngoài tòng giáo, trên Tòa Giám Mục Bắc Ninh có các Đức Giám Mục: Đức cha Lễ, Đức cha Khâm, Đức cha Phúc, Đức cha Chỉnh (4 Đức cha gốc Y Pha Nho - Espagnã - Tây Ban Nha, lấy tên Việt Nam), Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, Đức Cha Khuất Văn Tạo, Đức Cha Phạm Đình Tụng, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến. Về các Linh mục thì có quí Cha: Cha già Khải, Cha già Đoán, Cha già Chấn, Cha Châu, Cha Liêm, Cha Nghĩa, Cha Mẫn, Cha Yên, Cha Tự... Đến quí Thầy thì có: Thầy già Tín, Thầy già Xuân, Thầy già Huệ, Thầy Ước, Thầy già Cửu, Thầy Trạch, Thầy Nhật, Thầy Xướng... Hàng giáo dân tham gia Mục vụ thì tiên khởi có cụ Phó Trương Cả già (Chánh Trương là người ở chính xứ Cẩm Giang, Dũng Vy là họ lẻ nên chỉ có đến Phó Trương là lớn nhất), tiếp theo là các cụ: Phó Trương Nghìn, P.Trương My, P.Trương Tể.

Trước 1949 và sau 1954, Dũng Vy chỉ là họ lẻ thuộc giáo xứ Cẩm Giang. Chỉ đến 1949, khi Cha Chính xứ Cẩm Giang là Ngô Văn Yên thì tòa Giám có cử Cha Phạm Quang Tự (sinh quán Cẩm Giang) về làm Chính xứ Dũng Vy. Từ 1952 đến 1954 thì Cha Tự về tòa Giám Mục Bắc Ninh, Cha Yên lại về thay Cha Tự làm Chính xứ Dũng Vy. Tuy phần lớn thời gian, Dũng Vy chỉ là họ lẻ, nhưng công việc duy trì và phát triển Đức tin Kitô Giáo vẫn rất tốt đẹp. Cứ thử tưởng tượng trước l949, hàng tuần giáo dân Dũng Vy vẫn lũ lượt kéo nhau đi dâng lễ rất đông tại Cẩm Giang (cách Dũng Vy khoảng 4 - 5 km), đến sau 1954 còn phải đi xa hơn nữa, lên tận Bắc Ninh mới có Thánh lễ (cách làng khoảng 15km). Sau biến cố 1954 có đến gần phân nửa giáo dân Dũng Vy di cư vào Miền Nam Việt Nam, vậy mà nhà Chung vẫn được trông coi tươm tất, nhà Thờ sớm tối vẫn vang lên lời kinh tiếng hát - đèn nến phụng thờ Thiên Chúa vẫn luôn được thắp sáng và hàng năm vẫn tổ chức lễ kính Thánh Cả Giuse Quan Thầy Giáo Họ một cách hết sức long trọng, có Cha Quản Hạt về dâng Thánh lễ, thậm chí có năm do chínnh Đức Cha Tuyến về Chủ tế. Và mỗi năm làng như mở hội lớn vào ngày lễ kính Thánh bổn mạng (Thánh Giuse Thợ 01/05). Sau ngày đất nước thống nhất, kẻ viết bài này đã hết sức sửng sốt và thật sự vui mừng khi được biết 21 năm qua, quê nhà vẫn giữ được nếp Sống Đạo như xưa - thậm chí còn hơn cả xưa nữa.

Lại nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ của tôi viết cho quê nhà:
 
Làng tôi đó - bao thăng trầm lịch sử
Bao sao dời vật đổi vẫn ung dung

Nối theo hai câu thơ là hình ảnh lớp học tiếng Pháp với Cha Tự, rồi những buổi học hát, những buổi hát lễ Mồ, thấy chúng tôi mệt, Cha thường khôi hài mời chúng tôi ăn sung và khế cùng lúc và thay vì chấm muối như bình thường thì Cha tự tay rót tương cho chúng tôi chấm - có lẽ để bớt vị chua của cây khế nhà Chung vốn dĩ rất chua và bớt đi vị chát của sung xanh - cũng thấy hay hay, nhưng kỷ niệm thì không sao quên được. Đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh, trời rét ngọt, chúng tôi co ro trong những chiếc áo len đan bằng tay, miệng run lập cập - hai hàm răng đánh đàn - vẫn cố hát theo cái náo nức trong tim trên con đường dẫn đến Thánh Đường: “Đi mau! Vào chầu! Đi đi mau! Vào lậy chầu! Vào hang cung chúc Chúa ta ra đời, để tạ ơn Người đoái thương ta...”.
 
Nói đến nhà Thờ, dòng liên tưởng của tôi lại chuyển qua sự kiện mới xẩy ra cách đây một năm: Công việc trùng tu Thánh Đường Dũng Vy sau 60 năm xây dựng. Tôi cũng vinh dự được góp chút tâm huyết vào Ban Cố Vấn vì thấy được rằng những người con xứ Dũng dù ở bất cứ nơi đâu - trong bất cứ hoàn cảnh nào - dù chính kiến có thể bất đồng - nhưng luôn vẫn một lòng nhớ về nơi quê cha đất tổ, luôn vẫn thể hiện tình đồng hương gắn bó trong tình yêu Đức Kitô và duy trì đức tin, sống đạo một cách vững vàng. Xin đọc thêm bài “Lời cảm nhận” của Tương Giang ĐQT vì trong bài viết này tôi chỉ sơ lược vài dòng về vấn đề này để còn dành chỗ cho các sự kiện khác. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là kể từ Cụ Tổ của làng đến cắm đất ở Đồng Vĩnh (thuộc Vĩnh Phú gần núi Cổ Miễu) rồi dần dần chuyển cư xuống địa giới hiện nay, trải nhiều thế hệ làng tôi vẫn luôn duy trì và phát triển được đức tính kiên nhẫn để tồn tại và tự hào.

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • Vào Chùa - Dân ca Quan Họ - Thúy Hường



    Uploaded on Jul 2, 2010
    Vào Chùa do liền chị Thúy Hường trình bày

    XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)

    Thu hẹp phạm vi bài viết này, xin nói về Thôn Ngoài - Thôn Giáo với Ngôi Thánh Đường 60 tuổi vừa được trùng tu năm 1999 - cũng chính là cái nôi kẻ viết bài này chào đời và được nuôi dưỡng, ấp ủ cả quãng đời niên thiếu. Một ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là năm khánh thành Ngôi Thánh Đường Dũng Vy cũng là năm tôi cất tiếng khóc chào đời (1939 - Kỷ Mão). Đó cũng chính là năm chú ruột của tôi (ông Đinh Văn Sách) về làng mở tiệc khao mừng chức chánh quản (một chức vụ tương đương với Quan Tứ phẩm trong Triều đình Phong kiến). Biết bao nhiêu cảm xúc, biết bao nhiêu hồi ức, hoài tưởng, kỷ niệm dồn dập xô tới như những ngọn triều cứ càng lúc càng lớn, càng lúc càng trào dâng. Ký ức thì thật nhiều nhưng không hiểu tôi còn đủ khả năng ghi lại đầy đủ và có trình tự được như một cuốn phim không ? Vẫn tràn đầy những màu hồng của tuổi ngọc và màu xanh lớp lớp của hy vọng thanh xuân.

    Nói về Thôn Ngoài, xin khởi từ ngày tòng giáo. Nguyên cả cánh đồng màu mỡ ôm lấy lũy tre làng phía Bắc và một phần phía Đông, là đất canh tác của cả 2 thôn: Thôn Ngoài và Thôn Trong. Còn Thôn Đinh thì có cánh đồng phía Nam của làng trải dài đến sát bờ đê sông Đuống. Tất nhiên cánh đồng nào cũng có tư điền và công thổ. Tư điền là của riêng từng nhà dân. Còn công điền công thổ là ruộng đất chung của làng. Công điền của 2 Thôn Ngoài và Thôn Trong nằm ở Đường Giồ, nơi những thửa ruộng được xếp vào loại Thượng đẳng điền. Do có chia thôn nên cũng phải chia công điền theo tỷ lệ dân số. Dân Thôn Ngoài ít nên nhận được phần công điền nhỏ hơn, đó cũng là lẽ thường. Nhưng càng về sau càng bị chèn ép theo cái thế “cả vú lấp miệng em”, “cá lớn nuốt cá bé” của Thôn Trong. Tức nước vỡ bờ - việc lên quan mà quan thì cứ “nắm kẻ có tóc”, chứ ai lại “nắm kẻ trọc đầu”. Cho nên việc kiện tụng cứ mãi là “kiện củ khoai”. Mà thời gian càng kéo dài thì “kẻ có tóc” càng có lợi thế. Thôn Ngoài càng lúc càng bị lép vế, đành dùng mưu trí, bám lấy các vị Cố Đạo vì ở thời điểm này, các vị ấy có rất nhiều uy thế với Chính quyền. Một thỏa thuận được giao kết: Dân Thôn Ngoài thắng kiện thì sẽ tòng giáo. Đó là thời gian Đức Giám Mục Chỉnh đang đảm nhiệm Tông Tòa Bắc Ninh. Thôn Ngoài tòng giáo từ đó (vào khoảng thập niên 80 thế kỷ XVIII). Người Thầy tiên khởi được cử về dạy kinh hạt giáo lý cùng các nghi thức tế lễ Kitô Giáo là Thầy già Tín. Vì thế, sau này khi Thầy già Tín qua đời thì cả thôn đều chọn ngày 20-11 âm lịch (ngày tạ thế của Thầy) làm ngày giỗ chung, coi như giỗ Tổ vậy. Ngôi Thánh Đường đầu tiên năm gian lợp tranh được dựng lên trên khu đất rộng khoảng nửa hécta nằm gần phía Đông Thôn Ngoài, phía Bắc giáp lũy tre làng, phía Nam giáp con đường Đông Tây giữa làng. Nhà thờ làm dọc theo hướng Đông Tây, gần với đường giữa làng, hai đầu hồi trát vách đất kín, hai hướng Nam và Bắc trổ nhiều cửa phần lớn đều bằng phên tre. Về sau cũng trên nền cũ, nhà thờ được xây bằng gạch lợp ngói cũng năm gian, làm cửa gỗ suốt hai hướng Nam Bắc (cửa bức bàn), hai đầu hồi xây kín có tô những hình cửa giả. Còn làm thêm hai tảo mạc Đông Tây thành hình chữ U hướng về Nam, sát đường làng có xây tường và trổ cổng, đối diện với cổng - bên kia đường làng - xây một cái giếng khá lớn, đường kính lòng giếng khoảng 2m. Giếng sau này không dùng được vì liền với ao làng, nước bị ô nhiễm nặng. Lối kiến trúc này vẫn dựa trên nền kiến trúc cổ Đông Phương và mang phong cách VN (kiến trúc Đình) khá rõ nét. Tuy nhiên, nét hoành tráng thanh thoát của phong cách kiến trúc Tây Phương cũng đã được manh nha (nhà thờ và hai tảo mạc đều dùng tường đứng, mái phẳng và thẳng góc, chứ không dùng kiểu mái cong, tường trạm trỗ...). Đến thời Cha J.M Nguyễn Khắc Mẫn về làm chính xứ, hai tảo mạc được rỡ đi (bán cho 2 người: Ô. Trùm Đụng Nguyễn Đình Sính - và ông Xếp - Đinh Văn Khúc). Tới khoảng năm 1938, cha chính Mẫn hợp cùng dân họ xây dựng ngôi Thánh Đường theo hướng Bắc (đầu nhà thờ) Nam (cuối nhà thờ) ở chính giữa khuôn viên đất. Ngôi nhà thờ 5 gian cũ vẫn để lại làm trường học (đến đầu năm 1952 thì bị phá bỏ do chính biến, các cụ gom góp lại đem vào trùng tu ngôi nhà xứ cũng đã xuống cấp nặng nề. Ngôi nhà xứ được xây lại có ghi trên bậu cửa chính hướng Nam: “Trọng Thu Nhâm Thìn - 1952” tồn tại đến ngày nay). Thánh Đường mới được khánh thành năm 1939 mang phong cách Thánh Đường Phương Tây (La Mã), với thời điểm đó phải nói là rất uy nghi tráng lệ nổi tiếng khắp vùng. Nếu đem so với nhà thờ Cẩm Giang thì nhà thờ Dũng Vy đã cách tân hoàn toàn. Nhà thờ Cẩm Giang còn mang đậm dấu ấn cổ Đông Phương, cả bên ngoài lẫn bên trong (như bàn thờ vẫn còn sơn son thiếp vàng) thì ở Dũng Vy từ bàn thờ đến tượng Thánh đều được xây đắp, tô đúc rất đẹp. Phía Bắc, đầu nhà thờ là nhà Chung với ngôi nhà chính cũng 5 gian xây hướng Nam. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngôi nhà này xây theo lối cổ, chạy hiên đủ 4 mặt, trong nhà thì làm trần bằng cót và hoa văn trang trí được tượng hình bằng Dịch Số (ở giữa trần là hình âm dương, tứ phía là các chữ Càn ☰, Khảm ☵, Cấn ☶, Chấn ☳, Tốn ☴, Ly ☲, Khôn ☷, Đoài ☱ đủ bát quái tự viết đúng theo lối chữ triện của Dịch số) nhìn tổng thể thì nhà Chung + Nhà thờ + Trường học (Nhà thờ cũ) hợp thành chữ Công rất có ý nghĩa (xin mở ngoặc nói thêm về Cha Chính Mẫn: Ngài có bốn nghĩa tử là Công, Minh, Chính, Trực)

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • ĐẤT CỔ VIỆT YÊN XỨ KINH BẮC



    Published on May 2, 2012
    Việt Yên là một huyện đồng bằng, nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang. Đây là huyện có nhiều làng quan họ nhất ở vùng văn hóa Kinh Bắc với 19 làng quan họ đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại .Việt Yên là huyện nằm ven sông Cầu, có địa giới hành chính như sau:
    Phía nam giáp tỉnh Bắc Ninh,
    Phía tây giáp huyện Hiệp Hòa,
    Phía đông giáp huyện Yên Dũng,
    Phía bắc giáp huyện Tân Yên và thành phố Bắc Giang.
    Các đơn vị hành chính gồm
    Hai thị trấn là: Thị trấn Bích Động (huyện lị), thị trấn Nếnh,
    Các xã: Quang Châu, Ninh Sơn, Tiên Sơn, Trung Sơn, Bích Sơn, Nghĩa Trung, Hồng Thái, Tăng Tiến, Quảng Minh, Vân Hà, Vân Trung, Việt Tiến, Thượng Lan, Minh Đức, Tự Lan, Hương Mai, Hoàng Ninh, Nếnh.
    Di tích lịch sử
    Việt Yên có nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như đình Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên) xây dựng năm 1686; đình Đông (Bích Động - Việt Yên). Nhiều ngôi chùa ở Việt Yên cũng đã được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn - Việt Yên), chùa Vĩnh Hưng Tự (thôn Khả Lý thượng, xã Quảng Minh, Việt Yên), chùa Sùng Nghiêm Tự và đìng làng (thôn Vân Cốc, xã Vân Trung, Việt Yên) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Đặc biệt vào ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch tại 2 chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn) và Sùng Nghiêm Tự (thôn Vân Cốc, xã Vân Trung) có ngày hội lớn, tại thôn Vân Cốc, xã Vân Trung có lễ rước thánh rất trang nghiêm.
    Các làng quan họ Bắc Giang
    Việt Yên là huyện có nhiều làng quan họ nhất ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 23 làng quan họ, thì Việt Yên có tới 19 làng quan họ cổ (Toàn vùng Kinh Bắc hiện có 67 làng, trong đó: Yên Phong có 16 làng, Từ Sơn có 3 làng, Tiên Du có 11 làng, thành phố Bắc Ninh có 14 làng, Yên Dũng có 2 làng, Hiệp Hòa có 2 làng).
    19 làng quan họ Bắc Giang ở Việt Yên gồm: Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ, Mật Ninh, Quang Biểu, Núi Hiểu, Tam Tầng, Thổ Hà, Tiên Lát Thượng, Tiên Lát Hạ, Thần Chúc, Yên Ninh, Trung Đồng, Vân Cốc, Đình Cả, Đông Long, Khả Lý Thượng.
    Kinh tế và giáo dục
    Hiện nay Việt Yên đang trên đà phát triển. Điển hình là khu công nghiệp Đình Trám (Nhà máy ô tô Hyundai lớn nhất Việt Nam), Khu công nghiệp Hoàng Mai. Khu công nghiệp Quang Châu đã đưa vào sử dụng, với số lượng công nhân làm việc lên tới hơn 10.000 lao động (số liệu tháng 11/2011). Ngoài ra còn có Quảng Minh với những làng rau xanh lớn vào loại nhất khu vực miền bắc: Đông Long, Mật Ninh, Khả lý Thượng, Hạ... cung cấp ra cho cho hầu hết miền bắc và xuất khẩu. Nơi phát lưu truyền những làn điệu quan họ của Kinh Bắc xưa ven dòng sông Cầu huyền thoại và lịch sử. Giáo dục có tất cả 4 trường THPT: Việt Yên Số 1, 2, Lý Thường Kiệt, Tư Thục, và một trường Cao đẳng Nông Lâm, chất lượng giáo dục của trường THPT Việt Yên số 1 được xếp vào tốp đầu của tỉnh!
    Danh nhân
    Thân Nhân Trung.
    Anh hùng Nguyễn Văn Cốc.
    Quận công Dương Quốc Cơ (người làng Vân Cốc, xã Vân Trung - sinh trưởng trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học. Quận công Dương Quốc Cơ là đời thứ 8 của họ Ngô chuyển từ Hưng Yên đến, do các đời trước các cụ tổ làm trung thần cho vua Mạc Đăng Dung nên phải đổi họ sang Dương)
    Nhà văn Đỗ Chu

    Sunday, January 20, 2013

    XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)

    Tôi đã có hơi dài dòng - mà nói về quê hương thì ngại chi dài dòng - nhưng vẫn chỉ một mục đích: để con cháu đời sau có thể hình dung nơi quê cha đất tổ với một niềm tự hào trên thực tế, chứ không chỉ bằng huyễn hoặc.

    Bây giờ thì xin nói thẳng vào Dũng Vy, vào trong làng với cả hình thức lẫn nội dung: Xét về đại thể và theo đúng phương pháp họa đồ quốc tế (phương Bắc ở trên, Nam ở dưới, Đông phải, Tây trái) thì Dũng Vy giống như một cỗ xe: đầu xe là Xóm Đông và Cầu Giỏ, thùng xe là Thôn Ngoài, thân xe là Thôn Trong, bánh xe là Thôn Đinh, bánh xe dự phòng (secours) là xóm Gạ. Cỗ xe đang chạy trên con đường thiên lý là dải đê sông Đuống. Đang oai Dũng tiến thẳng về phía Đông (hướng Mặt Trời mọc - hướng đại cát trong Dịch số - Kinh Dịch). Chi tiết hơn, Dũng Vy có 3 thôn (nhất xã tam thôn): thôn Giáo (Ngoài), thôn Lương (Trong) và thôn Đinh. Trước kia vẫn gọi theo hệ thống hành chính phong kiến là: Làng Dũng Vy - xã Dũng Vy - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh. Sau CMT8/1945 đổi xã thành Tri Phương. Sau 1954, đổi tỉnh thành Hà Bắc và huyện sáp nhập với huyện Từ Sơn đổi thành huyện Tiên Sơn. Nhưng đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX lại gọi lại như cũ = Dũng Vy - Tiên Du - Bắc Ninh. Vậy là Dũng Vy vẫn là Dũng Vy, mãi mãi vẫn là Dũng Vy, dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, biết bao dâu biển sao dời vật đổi. Làng được bao bọc bởi một lũy tre rất kiên cố (theo truyền ngôn thì lũy tre này rất dày và rất lớn, có 2 lớp tre đan kín thành vòm che con đường giữa lũy rộng khoảng gần 2m để tuần đinh đi tuần quanh làng phòng trộm cướp), sau này (khoảng thập kỷ 10 - thế kỷ XX), lũy tre chỉ còn lớp ngoài và con đường đi tuần nằm vào phía trong lũy (chứ không nằm giữa lũy như xưa). Làng có 2 con đường lớn: một đường Đông Tây chạy thẳng từ cổng Cầu Giỏ tới cổng Cầu Ve, một đường Bắc Nam nối với đường Đông Tây ở ngã ba chợ giữa làng chạy thẳng tới cổng Cầu Cung, qua Đinh thôn tới tận đê sông Đuống. Nếu nhìn từ trên xuống theo đúng họa đồ vị trí, thì 2 con đường này họp thành chữ Đinh (). Phải chăng vì thế mà thôn nằm kề chân của chữ () gọi là thôn Đinh ? Quả thực, càng tìm hiểu, càng suy nghĩ, càng thấy kỳ thú. Ngoài 3 cổng làng đã nói ở trên, còn 3 cổng nữa: một ở góc Đông Nam gọi là Cửa Đông, một ở góc Tây Nam gọi là Cửa Đồng Thần và một ở góc Tây Bắc gọi là Cửa Ngõ.

    Làng có một ngôi Đình rất lớn sát lũy tre phía Nam gần cổng Cầu Cung với hai tảo mạc rất khang trang. Đình hướng Nam, cổng xây theo lối Tam Quan (3 cửa), trước cổng xây một cái giếng thả sen có đủ Tam Cấp và Thủy Tạ. Phía sau Đình là một ngôi Chùa (có lối đi riêng) gọi là Chùa Trong, và một ngôi Chùa nữa nằm giữa cánh đồng ngăn cách thôn Trong và thôn Đinh gọi là Chùa Ngoài. Ngay giữa làng, chỗ tiếp giáp ngã ba giữa hai con đường Đông Tây và Nam Bắc, có một Văn Chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ. Xin dừng ở đây để nói rõ hơn về Đình - Chùa - Văn Chỉ, mà nhiều người vẫn ngộ nhận đó là của Phật Giáo. Thực ra, chỉ có Chùa là của Phật Giáo thôi. Còn Đình, là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đình không phải là nơi thờ Phật mà là nơi thờ các vị tiền bối có công lớn với làng (cụ thể là Thành Hoàng: những người có công lớn trong làng đã quá cố, được Triều đình sắc phong làm thần bảo hộ làng, và làng có bổn phận phải thờ cúng quanh năm). Vì thế mỗi ngôi Đình của mỗi làng thờ một vị thần riêng của làng, chứ không như tất cả các ngôi Chùa đều thờ Phật.

    Đình còn là nơi tụ hội mỗi khi làng có hội hè đình đám và ở mỗi ngôi Đình có một ông Đám trông coi, chứ không có Sư trụ trì. Còn nói về Văn Chỉ thì lại khác hẳn. Văn Chỉ xuất phát từ Khổng Giáo và hoàn toàn chú trọng vào Văn học (Khổng Tử chủ trương NHẬP THẾ chứ không XUẤT THẾ như Phật Thích Ca hoặc Lão Tử), Văn Chỉ không phải là nơi thờ thần (Khổng Tử đã từng nói: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” - Kính trọng quỉ thần từ xa xa - ý muốn nói: “Tôi không muốn bàn đến quỉ thần” hoặc “tôi không hẳn là không tin có quỉ thần mà cũng không hẳn là tin có quỉ thần - xin đừng bắt tôi phải nói về quỉ thần”). Văn Chỉ là nơi để tế lễ tưởng nhớ các vị Tiên Hiền Nho Giáo, có thể dùng làm nơi tụ họp các nho sinh bình văn đọc sách, vì thế trong Văn Chỉ có những bệ xây theo những hình khối nhất định - thường là những hình lập phương - và trên bệ không hề có để tượng thờ một vị thần (khi tế lễ mới rước tượng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử hoặc một danh nho VN như Chu Văn An ra để trên bệ mà tế lễ thôi). Văn Chỉ thường chỉ có ở những làng trọng văn học và có những bậc Đại Khoa (Cử nhân, Tiến sĩ hoặc ít ra cũng Tú tài). Dũng Vy tuy chưa có các bậc Đại Khoa, mới chỉ có các vị Khóa sinh (đỗ trong phạm vi Tỉnh) như cụ Thủ Hiệu (Thôn Ngoài), cụ Chánh Hội Niên (Thôn Trong) mà đã xây Văn Chỉ, chứng tỏ rằng Dũng Vy rất coi trọng Văn học. Và cả một vùng rộng lớn cũng mới chỉ có một Văn chỉ Dũng Vy, điều này đủ cho các thế hệ sau tự hào về cha ông của mình.

    Câu nói ở trên của tôi về làng tôi (“nôi trong nôi” - cái “nôi văn hóa làng tôi” trong cái “nôi văn hóa Kinh Bắc”) tưởng cũng không ngoa lắm vậy ! Sau l954, Dũng Vy đã có các bậc Đại Khoa (không phải Đại Khoa Nho giáo vì Nho học đã bị bãi bỏ ở nước ta từ đầu thế kỷ XX theo trào lưu tiến hóa chung của Thế giới) hậu bối như: Đinh Văn Đích (ĐHSP khoa Sử - tương đương cử nhân Sử), Đinh Văn Bảo (Võ bị LQ. Đàlạt - tương đương cử nhân), Đinh Văn Diệm (Cử nhân giáo khoa Văn Chương Việt Hán), Đinh Công Luy (Cử nhân Sử), Nguyễn Văn Hùng (tức Duyến - con ông Hội Gioan - Kỹ sư Cầu đường) - Lớp hậu duệ sau nữa thì có rất nhiều kỹ sư, giáo sư, dược sĩ... Đó phải chăng là những thành quả tốt đẹp sinh sôi nảy nở từ cái nôi trọng Văn học của Văn Chỉ Dũng Vy ?

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)

    Xa về phía Tây chút nữa là Đình Bảng - quê hương vua Thái Tổ nhà Lý: Lý Công Uẩn. Dã sử kể: Hồi nhỏ Lý Công Uẩn là một chú tiểu nhỏ ở Chùa Hộ Pháp thuộc Đình Bảng (Pháp Tăng là sư trụ trì). Lý Công Uẩn rất thích ăn oản, mà lại chỉ thích ăn... trộm. Cứ tối tối Lý tiểu ta có nhiệm vụ thắp nhang đèn trên đại điện, thế nào cũng mò tới mấy miếng oản cúng Hộ Pháp và để thay vào đó bằng mấy miếng... đất sét. Không ai phát giác được. Tức vì oản thực chẳng được ăn, chỉ ăn toàn oản đất sét, Hộ Pháp báo mộng cho Pháp Tăng: “Nhà ngươi có làm thế nào, nếu không thì ta đến chết đói mất. Bao nhiêu oản nhà ngươi cúng cho ta đều bị Hoàng Đế lấy ăn hết sạch". Pháp Tăng lấy làm lạ, trong chùa thì ngoài sư ra, có một vãi già nấu cơm, bác Mộc lực điền lo việc ruộng nương và một chú tiểu oắt, đào đâu ra Hoàng Đế ? Bèn để tâm rình và bắt được tại trận tên trộm oản, đè ra nện cho một trận thẳng tay. Lý tiểu ta cay lắm, sáng hôm sau lên chùa thắp nhang định tâm tát cho Hộ Pháp mấy tát, nhưng Hộ Pháp to cao quá, tát không tới đành ra sau lưng đạp cho 3 đạp, rồi lấy ngón tay thấm nước bọt viết lên lưng Phật 4 chữ: “Đầy tam thiên lý” (đầy đi 3000 dặm), mồm lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, mi là đất sét thì ăn đất sét là đúng quá rồi, còn kêu ca nỗi gì khiến sư phụ đánh ta một trận tơi bời. Ta lưu đày mi ra ngoài 3000 dặm cho bõ ghét !”. Đêm sau sư Pháp Hoa lại được báo mộng: “ Ta bị Hoàng Đế đạp 3 đạp chỉ vì không chịu ăn oản đất sét, lại còn bị lưu đầy 3000 dặm. Thôi, vĩnh biệt !”. Sau đó, nhà sư có lên coi tượng và đọc được 4 chữ Lý Công Uẩn viết sau lưng. Nhà sư hơi nhột, lấy khăn lau hoài mà chữ vẫn rõ mồn một, không sao sạch được. Dần dần, tượng Hộ Pháp rệu rã như đất sét gặp mưa thành một đống. Đến khi ấy, sư mới thật sự sợ hãi và tin rằng chú tiểu có khí mệnh Đế Vương. Tới khi Lý Công Uẩn trở thành Đại Tướng Triều Lê cầm quân đánh Chiêm Thành, rồi về lật đổ Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) chính thức lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lý Thái Tổ (Vua đầu tiên Triều Lý), lập triều đình ở Đình Bảng, nhưng sau đó thác mộng thấy rồng bay lên ở thành Đại La, liền xuống chiếu dời đô về Đại La. Đổi tên Thành Đại La là Thăng Long Thành (cho ứng với điềm mộng). Kinh đô nước ta từ đó có tên Thăng Long.

    Như vậy thì phải nói Dũng Vy nằm giữa một cái nôi văn hóa (“nôi trong nôi” vậy !). Sợ bài viết quá dài nên tôi còn chưa đào sâu thêm vào cái tên “nôi văn hóa”. Chỉ biết rằng Kinh Bắc cũng chính là quê ngoại của Nguyễn Du - một đại thi hào Việt Nam không tiền khoáng hậu. Kinh Bắc cũng là quê hương của ca trù, của dân ca quan họ. Không những thế, dựa vào dãy núi hình cánh cung phía Bắc của Dũng Vy (núi Chè, Cổ Miễu...), trên có sông Cầu, dưới có sông Đuống, Lý Thường Kiệt đã lập nên “phòng tuyến sông Cầu” để ngăn chống giặc Tống xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt là một danh tướng văn võ toàn tài, đã từng cầm quân đánh cả sang Tàu chiếm được Châu Ung, Châu Liêm, với câu nói bất hủ “Muốn phòng thủ chắc chắn, hãy tấn công vào hang ổ địch” và một bài thơ tuyệt tác:

    Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !”

    Tạm dịch:
    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Phận định tất nhiên tại sách trời
    Giả thử giặc thù xâm phạm mãi
    Tụi bay sẽ bị đánh tơi bời !

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • Saturday, January 19, 2013

    XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)

    Phía Bắc của làng là cả một cánh đồng màu mỡ hàng năm 2 vụ chiêm + mùa cung ứng lương thực cho cả làng. Ngòi Cầu Ve tính từ cổng làng phía Tây (gọi là cổng Cầu Ve) chảy thẳng lên phía Bắc, gặp nhánh sông từ Tây Bắc (Đồng Xép) chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy (còn gọi là Nghè Tam Giang) rồi ôm lấy cánh đồng làng chảy thẳng về Đông. Trên cánh đồng bao la, biết bao di tích, nào là Nghè Mậy, Cửa Ngõ, Đường Làng, Lò Ngói, Cầu Bạc, Đường Giồ, Đường Ông Soi, Bờ Cừ, Mả Chúa... nhiều quá không thể nói hết lai lịch. Chỉ xin nói về Nghè Mậy. Tại sao lại là Nghè Mậy ? Chữ Nghè ở đây, theo từ nguyên, được hiểu là một ngôi đền (chứ không phải quan Nghè - một chức danh của Tiến Sĩ thuở xưa) thờ một vị thần nào đó (Nghè Mậy thờ Thần Sông). Đền này thường là lớn hơn Miếu và nhỏ hơn Chùa, cách kiến trúc gần giống như Tam quan ở các Đình, Chùa. Chung quanh Nghè, những gốc si sù sì tỏa bóng xuống mặt nước. Tam giang là nơi nghỉ mát lý tưởng cho nông phu vào những buổi trưa oi nồng. Theo truyền khẩu, Nghè Mậy thờ một nữ thần. Một hôm ông tổ của ông Đinh Văn Khiên (Trùm Sừ) vốn là một phù thủy có hạng (hồi đó Dũng Vy chưa tòng giáo), ghé Nghè Mậy nghỉ mát. Chẳng biết nổi hứng sao đó, lấy hết chuối cúng xuống ăn, úp hết bát nhang xuống đất (ý hẳn muốn ghẹo chơi... nữ thần !). Một trận chiến nổ ra ào ào như bão tố, lá si chung quanh đều rụng bằng sạch. Biết là gặp phải tay chẳng vừa, lại chiến đấu tại phòng tuyến của đối phương rất bất lợi, ngài Phù Thủy đành một tay bắt ấn, một tay chèo thuyền, rồi lên bờ lui về Cửa Ngõ - cứ điểm của mình. Về tới Cửa Ngõ, tính đã chắc ăn, định bụng phản công mãnh liệt giành chiến thắng (lòng vẫn nghĩ: đối phương dù sao cũng chỉ là... đàn bà !). Ai dè một cành tre ở Cửa Ngõ từ trên cao quất thẳng xuống mặt, hất tung chiếc nón dứa quai thao trên đầu (nữ thần tác quái đó !). Theo phản xạ tự nhiên, ngài Phù Thủy đưa ngay bàn tay đang giữ ấn ra chụp lấy cái nón. Ấn đã buông, hết hiệu lực, âm binh tan tác, thầy bị quật chỏng gọng, mồm ứa máu. Thảm bại ! Sau này, đành đem âm binh ra ký gởi tại Lã Vôi và không truyền nghề cho con cháu nữa.

    Từ Nghè Mậy tới Bờ Cừ (cống thoát nước khi đồng bị úng thủy, lại ngăn được nước khi đồng bị khô hạn, rất khoa học), con Ngòi Cầu Ve ở quãng này được gọi là Tào Khê. Bên bờ Bắc của Tào Khê là Đồng Lạng (cũng là do một chi họ của Dũng Vy tách ra). Tiến thêm về hướng Bắc một chút, có cả một dãy núi vòng cung chắn ngang (gồm các ngọn núi Chè, Cổ Miễu, Bát Vạn, Phật Tích, Long Khám). Ở núi Chè (Trà Sơn), ngoài tích chùa Ba Cóc, còn một sự tích có trong chính sử: Bà Chúa Chè (chính là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, vợ Chúa Trịnh Khải - đời Lê). Bát Vạn có Chùa Bách Môn (có đủ 100 cửa - làm theo kiểu bức bàn và mở ra đủ 4 hướng). Phật Tích có một bàn cờ bằng đá trên đỉnh núi (tục truyền có tiên về đánh cờ - vì thế mới gọi quả núi này là Phật Tích). Bên cạnh bàn cờ là một hồ nước trong vắt mà vào thập kỷ 30-40 (thế kỷ XX). Bảo Đại - Vua cuối cùng Triều Nguyễn - thường hay cùng Nam Phương Hoàng Hậu về tắm ở đây. Đến Long Khám lại có chùa Long Giáng được miêu tả rất tỉ mỉ và nên thơ do ngòi bút trữ tình tài hoa Khái Hưng Trần Khánh Giư ở tác phẩm đầu tay (cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn): Hồn Bướm Mơ Tiên. Phía Tây Nam qua làng Đại Trung, tới sát bờ đê sông Đuống, là làng Phù Đổng. Học sử Việt Nam, không ai quên được cậu bé Phù Đổng (Thánh Gióng) lớn nhanh như thổi khi nghe Sứ giả Triều đình tuyển quân tướng phá giặc Ân đang xâm chiếm nước ta. Cậu cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt phá giặc. Giặc nếu không chết vì roi sắt thì cũng chết vì lửa do ngựa sắt phun. Đánh giặc đến gẫy cả roi sắt giặc vẫn chưa yên, Thánh Gióng liền nhổ cả tre đằng ngà (một loại tre rất cứng và dẻo dai) mà đánh giặc. Đến khi toàn thắng thì cũng vừa lúc Thánh Gióng phi ngựa tới chân núi Sóc Sơn. Ngài phóng thẳng lên đỉnh núi rồi cả người lẫn ngựa thăng thiên ! Trong chính sử chỉ ghi khi giặc Ân bên Tầu xâm chiếm nước ta thì có vị tướng tài giỏi là Phù Đổng Thiên Vương nổi lên đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, giữ yên non sông gấm vóc. Câu chuyện kể trên thuộc dã sử, mang tính huyền hoặc, thần thánh hóa vị anh hùng cứu nước. Nhưng lạ một điều là suốt dọc cánh đồng từ làng Phù Đổng, qua Đại Trung, Phù Chẩn, Đồng Xép tới Lim (địa danh nổi tiếng của Kinh Bắc: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế - Gái Nội Duệ, Cầu Lim”, đồng thời cũng là nơi hàng năm mở hội hát Quan Họ Bắc Ninh), có những vũng nước khá lớn (chưa đủ lớn để gọi là ao) cách nhau khoảng vài chục mét chạy chữ chi giống như dấu chân của một động vật khổng lồ để lại trên đường đi của nó. Theo truyền ngôn thì đó là dấu chân ngựa Thánh Gióng. Chẳng hiểu vì sao mà trải qua hàng ngàn năm, các vũng nước lớn đó không ai lấp kín được (các cụ thường nói đến mùa cấy, nông dân lấp đất trồng lúa, nhưng khi gặt xong, trâu bò lại cứ nhè đúng những chỗ đó mà đằm mình xuống, rồi thì những chỗ đó lại thành vũng nước cho chúng tắm rửa, ngâm mình, cho tới năm sau, nông dân lại lấp, và cứ vậy luân chuyển hết năm này qua năm khác, các vũng nước chữ chi vẫn tồn tại cùng thiên nhiên cẩm tú). Có một đặc điểm là ở làng Phù Chẩn, nơi ngựa Thánh Gióng đi qua, tre một nửa làng có thuần một màu vàng cả cây lẫn lá (tre vẫn sống, vẫn phát triển, chứ không phải vàng úa mà chết đi). Đã có người đem tre ở nửa làng xanh tươi sang trồng bên nửa làng vàng úa, đến khi tre phát triển lại vẫn cứ đặc điểm của cả lá lẫn cây đều vàng. Làm ngược lại, đem tre bên vàng trồng sang bên xanh, thì tre lại xanh. Thật là lạ lùng và thú vị với một huyền sử: Tại ngựa Thánh Gióng trên đường đánh giặc, đã phun lửa cháy mất nửa làng Phù Chẩn nên sau này tre của nửa làng cháy cứ có màu vàng. Chúng ta có quyền hoài nghi về tính huyền hoặc của truyền thuyết, nhưng thực tế thì Phù Chẩn lại có một tên gọi rất ấn tượng: làng Cháy. Xin kể thêm một chuyện vui có thật. Có 2 toán thợ gặt - một của Đại Vy, một của Phù Chẩn - cùng đi gặt thuê cho một chủ ở Dũng Vy. Đến bữa cơm trưa, một thợ gặt Đại Vy muốn ăn cơm cháy (cho thơm miệng) liền nói với người ngồi ngoài xới cơm (chắc cũng chỉ chủ ý nói cho vui): “Đào Phù Chẩn lên mà quật” (đào cháy lên mà ăn), thế là cháy chưa kịp đào lên đã thấy liềm hái dựng lên tua tủa: “Nào, Phù Chẩn đây, có ngon thì cứ đào lên mà quật !). Cũng may là chủ nhà Dũng Vy khéo can, không thì lại bị ngựa Thánh Gióng phun cháy cả chủ lẫn thợ.

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)

    Tại sao lại không thể nghĩ rằng có 3 cậu ông trời (con cóc là cậu ông trời mà !) vân du qua đây thấy cảnh chùa u tịch liền dừng lại coi và cảnh trước mắt đã hấp dẫn họ: một tiên lang và một tiên nữ đang kề vai sát cánh kẻ đàn người họa, kẻ ngâm thơ người thêu thùa, kẻ hát người múa, kẻ tụng kinh người niệm hương hoặc đang châu đầu chung một ván cờ bên tách trà và lư trầm thơm ngát hương tình. Và rồi thì ngây ngất trước cảnh, xúc động trước tình, 3 cậu ông trời ngồi chầu cho đến khi hóa thành đá. Đấy, Dũng Vy nằm giữa một cái nôi đẹp đến như thế, thơ mộng đến như thế, đáng yêu đến như thế, bảo sao tôi không bồi hồi nhớ lại và muốn ghi chép để lưu truyền cho con cháu đời sau.

    Phía Đông làng tôi giáp với xóm Sen (thuộc làng Cao Đường). Nghe đồn các vị sư trụ trì ở Chùa Trong - Chùa Ngoài thuộc làng tôi, rồi cả các vị ở Chùa Ba Cóc, Chùa Bách Môn, Chùa Phật Tích (phía Bắc làng), đến cả các vị trụ trì Chùa Hộ Pháp ngoài Đình Bảng - Từ Sơn (phía Tây của làng), cứ đến mùa Hè có lễ hội muốn dâng hương sen, lại tấp nập về làng tôi rồi qua xóm Sen lựa hoa. Phía Tây của làng có con sông nhỏ (quen gọi là Ngòi Cầu Ve) tên là Ngưu Giang ôm lấy lũy tre làng chảy lên phía Bắc, gặp nhánh sông phía Tây Bắc (làng Đồng Xép) chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy và tiếp tục ôm lấy cánh đồng màu mỡ của làng mà chảy mãi về Đông, cho tới nơi hội tụ của 6 dòng sông gần biển Đông (Thái Bình Dương), gọi Lục Đầu Giang. Bên kia Ngòi Cầu Ve, cách một quãng đồng là làng Đại Vy (nhưng Đại Vy lại có một xóm nhỏ nằm sát bờ Tây Ngòi Cầu Ve, ngay liền bên làng tôi. Hai bên có thể tán gẫu qua lại với nhau, tên xóm nhỏ rất gợi hình: xóm Gạ. Đáng yêu quá, muốn gạ gì mà chẳng được !). Không hiểu sao xóm nhỏ đó lại không thuộc làng tôi (mà chỉ Gạ gẫm thôi !), lại thuộc Đại Vy cách xa hơn ? Có lẽ do phong thổ (thổ âm xóm Gạ giống hệt Đại Vy mà khác hẳn Dũng Vy). Tiến thêm về phía Tây nữa là Đại Thượng, Dương Húc, Phù Chẩn, Lã Vôi, Đình Bảng, Cẩm Giang, Từ Sơn. Phía Tây Nam còn có làng Đại Trung và xa hơn nữa, giáp bờ đê sông Đuống là làng Phù Đổng - quê hương Thánh Gióng.

    Phía Nam làng cũng có một nhánh sông ôm sát lũy tre làng, gọi Ngòi Cầu Cung, hợp lưu với Ngưu Giang ngay tại xóm Gạ. Qua Ngòi Cầu Cung thì tới Đền Vua và Mả Ngụ. Nghe đồn từ xa xưa, Triều đình phong kiến có lập tại đây một trường tập bắn cung gọi là Mả Ngụ và xây dựng một ngôi đền (Đền Vua) để nếu nhà vua có về ngự thi xạ tiễn thì có nơi để nghỉ ngơi. Theo suy nghĩ của tôi thì có lẽ trường tập bắn tên là Mã Ngự (ngựa của vua hoặc có thể hiểu theo nghĩa: Mã là ngựa, Ngự là vua ngự lãm - Mã Ngự là vua cỡi ngựa bắn cung hoặc xem bắn cung - ở đây tôi giải thích chữ Mã Ngự theo cách giải thích những chữ sau: Ngự thiện = Vua ăn cơm - Ngự triều = Vua họp triều đình - Ngự xạ = Vua bắn cung - Ngự tiễn = mũi tên vàng của vua v.v...), rồi theo dòng thời gian, dân chúng đọc trại đi (luật biến âm của từ nguyên) thành Mả Ngụ chăng ? Tôi đã hỏi các vị cao niên, nhưng không ai rõ nguồn gốc chữ Mả Ngụ và cũng chẳng thấy có ngôi mộ nào tại trường tập bắn cả. Còn một điểm nữa, cổng làng phía Nam của làng tôi gọi là cổng Cầu Cung (nơi ghi dấu một cái Cung đường để nhà vua cầu phúc, hoặc có thể hiểu là nơi cầu cho cung tên được bách phát bách trúng). Trên cổng Cầu Cung còn có 3 đại tự: PHÚC LAI VI (phúc lại vi hành đến hoặc phúc đến với làng Dũng Vy). Tổng hợp cả 3 địa danh CẦU CUNG - ĐỀN VUA - MẢ NGỤ, chứng tỏ có ghi dấu ấn các Hoàng đế phong kiến ở nơi đây mà 3 đại tự PHÚC LAI VI có thể là do vua ban hoặc sắc phong cho làng. Như vậy thì Mả Ngụ có thể hiểu là Mã Ngự cũng có lý lắm chứ ! Tiếc một điều thời gian dâu biển, ngày nay hỏi đến thật ít người lưu tâm. Con đường từ cổng Cầu Cung đi thẳng hướng Nam thì gặp bờ đê sông Đuống (tên chữ là Thiên Đức Giang - con sông đào từ đời Thiên Đức để chia bớt áp lực nước từ sông Hồng và cũng là cách dẫn thủy nhập điền của tổ tiên xưa), bên cạnh đường này về phía Tây là Đền Vua và Mả Ngụ đã nói ở trên, còn cạnh đường về phía Đông là thôn Đinh cũng thuộc làng tôi (làng có 3 thôn - nhất xã tam thôn: Thôn Ngoài - Thôn Trong và Thôn Đinh, sau này khi Thôn Ngoài tòng Giáo thì được gọi là: Thôn Giáo, Thôn Lương và Thôn Đinh).

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)

    Bút ký Lam Thy Đinh Văn Diệm

    Làng tôi phong cảnh hữu tình
    Dân cư giang khúc như hình con long

    Tôi mở đầu bài viết này bằng hai câu Ca dao Việt Nam. Tại sao lại thế ? Tôi vẫn có thói quen khi đặt bút viết (thơ, truyện, ký...), tôi sẽ ghi lại bất cứ một hình ảnh, một câu thơ, câu văn nào đó (có thể là của tôi, của ai đó hoặc của chung quê hương đất nước - thành ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao - nữa, không chừng) hiện lên đầu tiên trong óc tôi. Giây phút đầu tiên rất đáng trân trọng và cũng rất quan trọng đối với những người ưa bôi nhọ giấy trắng - nó sẽ thoáng qua rất nhanh, nếu không chụp được thì sau này không bao giờ còn cơ hội chụp được nó nữa. Rồi sẽ coi nó như một cái mốc - một cái cớ (cause) - để cho cơn hứng lang thang vào các ngõ ngách của tư duy sáng tạo. Hai câu ca dao trên đến với tôi như vậy đó, và thật sự đúng lúc - vào chính lúc tôi có ý định viết về LÀNG TÔI: DŨNG VY yêu dấu của tôi. Và loáng thoáng sau đó là hình ảnh làng tôi quyện lẫn trong giọng ca Thái Thanh một thời:

    “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh...”

    Tự nhiên trong cái cảm xúc dâng trào ấy, tôi muốn thay vào 2 tiếng làng tôi bằng 2 tiếng thân thương Dũng Vy. Vâng:

    Dũng Vy phong cảnh hữu tình...

    Có thật thế không ? Hoặc giả cái lăng kính tuổi thơ đã làm cho tôi nhìn quê hương mình - nhất là nhìn qua ký ức - thấy toàn một màu hồng chăng ? Nhưng dù là lăng kính màu gì đi nữa cũng không quan trọng, bởi vì điều mà tôi muốn đạt tới ở đây - trong bài viết này - là muốn gởi gấm cho những thế hệ về sau một chút tâm sự của tôi - của chúng tôi, những người biên tập - cộng thêm một chút tự hào về dòng tộc, quê hương mình. Cái hào quang ký ức tất nhiên phải có ấy chỉ soi sáng thêm cho những ghi nhận, chắc chắn không thể làm sai lệch được những yếu tố cấu thành một Dũng Vy phong cảnh hữu tình... Và vẫn còn đó những địa danh, những di chỉ văn hóa mà thời gian không thể xóa mờ.

    Dũng Vy nằm ở trung tâm cái nôi Kinh Bắc - với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Đó là ở phạm vi rộng (tỉnh), còn ở phạm vi hẹp hơn một chút thì Dũng Vy lại thuộc huyện Tiên Du - mà mới chỉ nghe tên đã thấy rất đẹp, rất thơ mộng. Câu chuyện Giáng Hương tiên nữ từ trong tranh bước ra cuộc sống trần tục với anh chàng thư sinh Từ Thức, rồi vân du suốt một dải núi cánh cung: Trà Sơn (núi Chè) - Cổ Miễu - Bát Vạn - Phật Tích - Long Khám (Long Giáng) cuối cùng thì vào chùa Ba Cóc (núi Chè) đọc sách, ngâm thơ, quay tơ, sấy trà... cho đến khi cả đôi uyên ương thành tiên, chắp cánh bay về tiên cảnh bồng lai - phải chăng chỉ là huyền hoặc ? Ô, nhưng mà ba con cóc ngồi chầu văn vẫn còn đó. Sau này thì nói là ba con cóc ngồi chầu kinh (nghe sư trụ trì tụng kinh).

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)

  • Wednesday, January 16, 2013

    CỔNG LÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT



    Published on Jun 16, 2012

    Cổng làng - hồn Việt xưa nay vương vấn...
    Dân Việt - Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước...
    Cổng làng là một loại hình kiến trúc văn hoá rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ngày xưa, hầu như làng nào cũng có cổng làng. Nhiều làng có tới 2, 3 cổng trên các lối đi chính vào làng.
    Tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm dải đất từ phía Sơn Tây xứ Đoài về phía nam - mạn Hà Đông, còn khá nhiều làng cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa với các quần thể kiến trúc độc nhất vô nhị.
    Đường đi qua cổng làng phải là đường trục chính, rộng rãi, thường được lát gạch nghiêng. Dọc hai bên đường trục là các lối xóm, ngõ đổ ra theo kiểu chân rết (hay xương cá). Đầu các ngõ xóm cũng có cổng. Nhà dân trong xóm ở liền kề nhau như bát úp và từng hộ gia đình lại có cổng riêng cùng với tường bao quanh, tạo nên một hình thái đặc trưng của nông thôn xưa là "kín cổng cao tường":
    Làng ta phong cảnh hữu tình
    Dân cư đông đúc như hình con Long...
    (Ca dao)
    Có thể ban đầu cổng làng chỉ là những cái cổng sơ khai làm bằng tre, cửa chắn bằng phên, dong nhiều gai nhọn để ngăn cản thú dữ vào làng phá phách. Về sau, cổng làng mới được xây dựng ngày càng bền vững bề thế hơn, mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến ở nông thôn ta như đá ong, gạch ngói, vôi vữa...
    Qua tìm hiểu, phần lớn cổng làng truyền thống ở vùng Hà Tây được xây dựng ở thời Nguyễn thế kỷ XIX đến 1945. Song cũng có nhiều cổng được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII, như cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm-Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai.
    Về kiến trúc, cổng làng truyền thống là những công trình kiến trúc cổ, có sự đan xen giữa kiến trúc đình, chùa. Thông thường, cổng làng có 4 mảng kiến trúc nhưng không rời rẽ mà cấu kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa.
    Vòm cổng thường xây cuốn hình vòm parapol. Tuỳ theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi làng mà vòm cổng có quy mô bề thế khác nhau, nhưng đều phải hài hòa đảm bảo đi lại thuận tiện cho cả làng.
    Liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu. Trên hai trụ thường đắp nổi câu đối. Liên kết với vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng, trang trí đắp nổi những chữ đại tự là tên của làng, hoặc các cụm chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế và mang cốt cách của làng.
    Phần trên cùng là mái lợp. Mái cổng xưa thường lợp ngói che chắn cho cổng và che mưa cho người qua cổng. Nhiều nơi có cổng làng lớn như Ước Lễ (Thanh Oai), Thượng Hội (Đan Phượng), Tảo Khê (Ứng Hoà)... trên cổng còn có Vọng lâu với 2, 3 lớp mái, mỗi góc mái đều có đầu đao, dáng dấp như những ngôi đình chùa cổ.
    Có thể nói cổng làng truyền thống rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đã tồn tại hàng trăm năm, là những công trình kiến trúc cổ ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nó còn thể hiện được hồn quê, cốt cách của mỗi làng xã Việt Nam, cần được bảo tồn và lưu giữ.
    Làng quê xưa khi nước có giặc, cổng làng, luỹ tre xanh trở thành những chiến luỹ. Khi thanh bình, cổng làng mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền địa giới của địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá riêng như gương mặt của làng. Mỗi người con xa quê khi nhớ về quê hương là nhớ về hình ảnh cổng làng thân thương bên gốc đa, giếng nước:
    "Chiều hôm đón mát cổng làng
    Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi..."
    (Bàng Bá Lân)
    Hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ "phong trào" phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Đó là một nét đáng mừng. Nhưng có lẽ, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu sau mỗi cổng làng ấy là cuộc sống người dân luôn no ấm, yên bình và đậm đà bản sắc "Mỹ tục khả phong" (Phong tục tốt đẹp) riêng.

    Cố Hương Ký - Lam Thy Đinh Văn Diệm

    (Trích KYDV 1 - Trang 6)

    Hướng Về Quê Mẹ - Tương Giang Đinh Quang Tòng

    Hướng về quê Mẹ Bắc Ninh
    Bao năm xa cách nặng tình cố hương
    Anh em mỗi ngã mỗi phương
    Cần cù lao động trên đường mưu sinh
    Gian nan lữ khách hành trình
    Nhưng lòng vẫn nhớ Bắc Ninh Chính Tòa
    Thời gian mấy chục năm qua
    Chia tay tản mác nhập hòa khó khăn
    Năm nay Kỷ Mão đầu xuân
    Dũng Vy họp mặt: Thập phần được bao?
    Ước gì đến những xuân sau
    Anh em đoàn tụ năm Châu về nguồn.
     
    (Trích KYDV 1 - Trang 5) 
    

    KHAI TỪ

    Cách đây trên một năm, nhân một cuộc họp bầu Ban Cố Vấn Công trình Trùng tu Thánh Đường Dũng Vy vào cuối tháng 03-1999, có một ý kiến được đưa ra trong lúc mạn đàm: Thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy. Tuy là một ý kiến bên lề, nhưng lại được đa số đồng tình. Thời gian qua đi, Công trình Trùng tu Thánh Đường xứ Dũng tuy có gặp một vài trở ngại, nhưng cũng được hoàn tất một cách tốt đẹp đúng với mong ước của mọi người con xứ Dũng tha phương (cả ở miền Nam VN và nước ngoài).

    Tới 05.02.2000, cuộc họp mặt nhân ngày giỗ đầu bà xã Lam Thy quy tụ hầu hết những thành viên của cuộc họp 28.03.1999. Trong bầu không khí hoài niệm (tưởng nhớ người quá cố – hoài nhớ dĩ vãng - tưởng niệm tiền nhân), Tương Giang đưa ra ý kiến làm một tập ảnh lưu niệm về quê hương nhân sự kiện Công trình Trùng tu Thánh Đường Dũng Vy đã hoàn tất. Lam Thy - tính vốn bốc đồng - đưa ra ý kiến: Thay vì làm một tập ảnh như phóng sự ảnh, tại sao không thể làm một TẬP KỶ YẾU? Lại được sự đồng tình tuyệt đại đa số. Thì cũng vẫn những NGƯỜI CŨ trong cái Ban Cố Vấn hữu danh vô thực năm trước - Trong cái nhóm Biên tập ĐINH TỘC THẾ PHỔ - trong cái gọi là Ngũ Quái: Đồng hương - đồng tuế - đồng môn – đồng liêu - đồng tâm còn sót lại ở miền Nam VN: ĐINH QUANG TÒNG - ĐINH VĂN DIỆM - ĐINH VĂN ĐƯỜNG - ĐINH VĂN ĐÍCH - ĐINH VĂN SỬU) nhưng VIỆC MỚI: Làm một cái gì đó cho thỏa cơn khát văn nghệ văn gừng - cho nó vui - tại sao không?

    Tất cả cũng đều chỉ nằm trong cái ý kiến bốc đồng được nhen nhóm từ một đốm lửa tưởng đã tắt lịm qua một năm dồn dập sự kiện cuối Thiên Niên Kỷ II. “Hãy thắp lên một ngọn đèn còn hơn là...". Thế là muối trong men - men trong rượu... và thật cảm động, khi có những người chưa hề đặt bút viết văn làm thơ lại có được những bài dồi dào cảm hứng đến như vậy. Phải chăng, ngoài những cảm hứng tự thân muốn ký thác như đã nói, còn một HỒNG ÂN NĂM THÁNH 2000 bao trùm và thúc đẩy? Tiên Du Tử chắp hai tay tạ ơn Đức Thánh Linh đã thắp sáng ngọn Lửa Mến trong tim mọi người và đọc đôi câu đối:

    - Hoài niệm dĩ vãng, ghi công đức tiền nhân, trách nhiệm nặng nề sao, gắng sức thì CỦA TIN vẫn để.
    - Hướng tới tương lai cho hành trình hậu duệ, ước mơ cao đẹp thế, kiên tâm nên KỶ YẾU tất thành.

    TẬP KỶ YẾU DŨNG VY thành hình là như vậy đó. Tất nhiên cũng còn nhiều hạn chế, nhưng tôn chỉ vẫn là một: Thắp lên một ngọn đèn. Tưởng cũng cần nói thêm là lúc đầu nhóm Biên tập cũng định mời tất cả mọi người cùng chung tâm niệm ở hải ngoại cùng tham gia, nhưng vì điều kiện liên lạc và thời gian tính nên chưa thực hiện được. Và nếu quả thực ngọn đèn đã được thắp lên ở cuối đường hầm - dù còn leo lét - như hai câu thơ của Muỗi Cầu Ve:

    Những đêm ươm DŨNG khí
    Chuyển mộng thành hành VI

    thì cũng xin được thắp lên ở đây một nén hương lòng - đón nhận tất cả mọi ý kiến và bài vở của những người con xứ Dũng từ khắp mọi nơi trên trái đất này cho một TẬP KỶ YẾU DŨNG VY số 2 (cùng với việc thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy) nhằm vào dịp Đại Cát: Ngày kỷ niệm Thánh Cả Giuse bổn mạng Giáo họ Dũng Vy 19.03.2001.

    Mong rằng những kỳ vọng đặt ra cho TKYDV số 1 này sẽ như một đóa lan Nhất Điểm hàm tiếu “kết tụ tinh anh giữa gió sương”. Và một vườn lan mãn khai “muôn màu muôn vẻ thoảng muôn hương” cho mùa Xuân đầu tiên của Thiên Niên Kỷ III.

    Mong lắm thay!

    Sài Gòn ngày Hạ Chí 19.06.2000
    Nhóm Biên tập

    (Trích KYDV Số 1, trang 3,4)