Sunday, January 20, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)

Tôi đã có hơi dài dòng - mà nói về quê hương thì ngại chi dài dòng - nhưng vẫn chỉ một mục đích: để con cháu đời sau có thể hình dung nơi quê cha đất tổ với một niềm tự hào trên thực tế, chứ không chỉ bằng huyễn hoặc.

Bây giờ thì xin nói thẳng vào Dũng Vy, vào trong làng với cả hình thức lẫn nội dung: Xét về đại thể và theo đúng phương pháp họa đồ quốc tế (phương Bắc ở trên, Nam ở dưới, Đông phải, Tây trái) thì Dũng Vy giống như một cỗ xe: đầu xe là Xóm Đông và Cầu Giỏ, thùng xe là Thôn Ngoài, thân xe là Thôn Trong, bánh xe là Thôn Đinh, bánh xe dự phòng (secours) là xóm Gạ. Cỗ xe đang chạy trên con đường thiên lý là dải đê sông Đuống. Đang oai Dũng tiến thẳng về phía Đông (hướng Mặt Trời mọc - hướng đại cát trong Dịch số - Kinh Dịch). Chi tiết hơn, Dũng Vy có 3 thôn (nhất xã tam thôn): thôn Giáo (Ngoài), thôn Lương (Trong) và thôn Đinh. Trước kia vẫn gọi theo hệ thống hành chính phong kiến là: Làng Dũng Vy - xã Dũng Vy - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh. Sau CMT8/1945 đổi xã thành Tri Phương. Sau 1954, đổi tỉnh thành Hà Bắc và huyện sáp nhập với huyện Từ Sơn đổi thành huyện Tiên Sơn. Nhưng đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX lại gọi lại như cũ = Dũng Vy - Tiên Du - Bắc Ninh. Vậy là Dũng Vy vẫn là Dũng Vy, mãi mãi vẫn là Dũng Vy, dù trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, biết bao dâu biển sao dời vật đổi. Làng được bao bọc bởi một lũy tre rất kiên cố (theo truyền ngôn thì lũy tre này rất dày và rất lớn, có 2 lớp tre đan kín thành vòm che con đường giữa lũy rộng khoảng gần 2m để tuần đinh đi tuần quanh làng phòng trộm cướp), sau này (khoảng thập kỷ 10 - thế kỷ XX), lũy tre chỉ còn lớp ngoài và con đường đi tuần nằm vào phía trong lũy (chứ không nằm giữa lũy như xưa). Làng có 2 con đường lớn: một đường Đông Tây chạy thẳng từ cổng Cầu Giỏ tới cổng Cầu Ve, một đường Bắc Nam nối với đường Đông Tây ở ngã ba chợ giữa làng chạy thẳng tới cổng Cầu Cung, qua Đinh thôn tới tận đê sông Đuống. Nếu nhìn từ trên xuống theo đúng họa đồ vị trí, thì 2 con đường này họp thành chữ Đinh (). Phải chăng vì thế mà thôn nằm kề chân của chữ () gọi là thôn Đinh ? Quả thực, càng tìm hiểu, càng suy nghĩ, càng thấy kỳ thú. Ngoài 3 cổng làng đã nói ở trên, còn 3 cổng nữa: một ở góc Đông Nam gọi là Cửa Đông, một ở góc Tây Nam gọi là Cửa Đồng Thần và một ở góc Tây Bắc gọi là Cửa Ngõ.

Làng có một ngôi Đình rất lớn sát lũy tre phía Nam gần cổng Cầu Cung với hai tảo mạc rất khang trang. Đình hướng Nam, cổng xây theo lối Tam Quan (3 cửa), trước cổng xây một cái giếng thả sen có đủ Tam Cấp và Thủy Tạ. Phía sau Đình là một ngôi Chùa (có lối đi riêng) gọi là Chùa Trong, và một ngôi Chùa nữa nằm giữa cánh đồng ngăn cách thôn Trong và thôn Đinh gọi là Chùa Ngoài. Ngay giữa làng, chỗ tiếp giáp ngã ba giữa hai con đường Đông Tây và Nam Bắc, có một Văn Chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ. Xin dừng ở đây để nói rõ hơn về Đình - Chùa - Văn Chỉ, mà nhiều người vẫn ngộ nhận đó là của Phật Giáo. Thực ra, chỉ có Chùa là của Phật Giáo thôi. Còn Đình, là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đình không phải là nơi thờ Phật mà là nơi thờ các vị tiền bối có công lớn với làng (cụ thể là Thành Hoàng: những người có công lớn trong làng đã quá cố, được Triều đình sắc phong làm thần bảo hộ làng, và làng có bổn phận phải thờ cúng quanh năm). Vì thế mỗi ngôi Đình của mỗi làng thờ một vị thần riêng của làng, chứ không như tất cả các ngôi Chùa đều thờ Phật.

Đình còn là nơi tụ hội mỗi khi làng có hội hè đình đám và ở mỗi ngôi Đình có một ông Đám trông coi, chứ không có Sư trụ trì. Còn nói về Văn Chỉ thì lại khác hẳn. Văn Chỉ xuất phát từ Khổng Giáo và hoàn toàn chú trọng vào Văn học (Khổng Tử chủ trương NHẬP THẾ chứ không XUẤT THẾ như Phật Thích Ca hoặc Lão Tử), Văn Chỉ không phải là nơi thờ thần (Khổng Tử đã từng nói: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” - Kính trọng quỉ thần từ xa xa - ý muốn nói: “Tôi không muốn bàn đến quỉ thần” hoặc “tôi không hẳn là không tin có quỉ thần mà cũng không hẳn là tin có quỉ thần - xin đừng bắt tôi phải nói về quỉ thần”). Văn Chỉ là nơi để tế lễ tưởng nhớ các vị Tiên Hiền Nho Giáo, có thể dùng làm nơi tụ họp các nho sinh bình văn đọc sách, vì thế trong Văn Chỉ có những bệ xây theo những hình khối nhất định - thường là những hình lập phương - và trên bệ không hề có để tượng thờ một vị thần (khi tế lễ mới rước tượng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử hoặc một danh nho VN như Chu Văn An ra để trên bệ mà tế lễ thôi). Văn Chỉ thường chỉ có ở những làng trọng văn học và có những bậc Đại Khoa (Cử nhân, Tiến sĩ hoặc ít ra cũng Tú tài). Dũng Vy tuy chưa có các bậc Đại Khoa, mới chỉ có các vị Khóa sinh (đỗ trong phạm vi Tỉnh) như cụ Thủ Hiệu (Thôn Ngoài), cụ Chánh Hội Niên (Thôn Trong) mà đã xây Văn Chỉ, chứng tỏ rằng Dũng Vy rất coi trọng Văn học. Và cả một vùng rộng lớn cũng mới chỉ có một Văn chỉ Dũng Vy, điều này đủ cho các thế hệ sau tự hào về cha ông của mình.

Câu nói ở trên của tôi về làng tôi (“nôi trong nôi” - cái “nôi văn hóa làng tôi” trong cái “nôi văn hóa Kinh Bắc”) tưởng cũng không ngoa lắm vậy ! Sau l954, Dũng Vy đã có các bậc Đại Khoa (không phải Đại Khoa Nho giáo vì Nho học đã bị bãi bỏ ở nước ta từ đầu thế kỷ XX theo trào lưu tiến hóa chung của Thế giới) hậu bối như: Đinh Văn Đích (ĐHSP khoa Sử - tương đương cử nhân Sử), Đinh Văn Bảo (Võ bị LQ. Đàlạt - tương đương cử nhân), Đinh Văn Diệm (Cử nhân giáo khoa Văn Chương Việt Hán), Đinh Công Luy (Cử nhân Sử), Nguyễn Văn Hùng (tức Duyến - con ông Hội Gioan - Kỹ sư Cầu đường) - Lớp hậu duệ sau nữa thì có rất nhiều kỹ sư, giáo sư, dược sĩ... Đó phải chăng là những thành quả tốt đẹp sinh sôi nảy nở từ cái nôi trọng Văn học của Văn Chỉ Dũng Vy ?

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)

    Xa về phía Tây chút nữa là Đình Bảng - quê hương vua Thái Tổ nhà Lý: Lý Công Uẩn. Dã sử kể: Hồi nhỏ Lý Công Uẩn là một chú tiểu nhỏ ở Chùa Hộ Pháp thuộc Đình Bảng (Pháp Tăng là sư trụ trì). Lý Công Uẩn rất thích ăn oản, mà lại chỉ thích ăn... trộm. Cứ tối tối Lý tiểu ta có nhiệm vụ thắp nhang đèn trên đại điện, thế nào cũng mò tới mấy miếng oản cúng Hộ Pháp và để thay vào đó bằng mấy miếng... đất sét. Không ai phát giác được. Tức vì oản thực chẳng được ăn, chỉ ăn toàn oản đất sét, Hộ Pháp báo mộng cho Pháp Tăng: “Nhà ngươi có làm thế nào, nếu không thì ta đến chết đói mất. Bao nhiêu oản nhà ngươi cúng cho ta đều bị Hoàng Đế lấy ăn hết sạch". Pháp Tăng lấy làm lạ, trong chùa thì ngoài sư ra, có một vãi già nấu cơm, bác Mộc lực điền lo việc ruộng nương và một chú tiểu oắt, đào đâu ra Hoàng Đế ? Bèn để tâm rình và bắt được tại trận tên trộm oản, đè ra nện cho một trận thẳng tay. Lý tiểu ta cay lắm, sáng hôm sau lên chùa thắp nhang định tâm tát cho Hộ Pháp mấy tát, nhưng Hộ Pháp to cao quá, tát không tới đành ra sau lưng đạp cho 3 đạp, rồi lấy ngón tay thấm nước bọt viết lên lưng Phật 4 chữ: “Đầy tam thiên lý” (đầy đi 3000 dặm), mồm lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, mi là đất sét thì ăn đất sét là đúng quá rồi, còn kêu ca nỗi gì khiến sư phụ đánh ta một trận tơi bời. Ta lưu đày mi ra ngoài 3000 dặm cho bõ ghét !”. Đêm sau sư Pháp Hoa lại được báo mộng: “ Ta bị Hoàng Đế đạp 3 đạp chỉ vì không chịu ăn oản đất sét, lại còn bị lưu đầy 3000 dặm. Thôi, vĩnh biệt !”. Sau đó, nhà sư có lên coi tượng và đọc được 4 chữ Lý Công Uẩn viết sau lưng. Nhà sư hơi nhột, lấy khăn lau hoài mà chữ vẫn rõ mồn một, không sao sạch được. Dần dần, tượng Hộ Pháp rệu rã như đất sét gặp mưa thành một đống. Đến khi ấy, sư mới thật sự sợ hãi và tin rằng chú tiểu có khí mệnh Đế Vương. Tới khi Lý Công Uẩn trở thành Đại Tướng Triều Lê cầm quân đánh Chiêm Thành, rồi về lật đổ Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) chính thức lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lý Thái Tổ (Vua đầu tiên Triều Lý), lập triều đình ở Đình Bảng, nhưng sau đó thác mộng thấy rồng bay lên ở thành Đại La, liền xuống chiếu dời đô về Đại La. Đổi tên Thành Đại La là Thăng Long Thành (cho ứng với điềm mộng). Kinh đô nước ta từ đó có tên Thăng Long.

    Như vậy thì phải nói Dũng Vy nằm giữa một cái nôi văn hóa (“nôi trong nôi” vậy !). Sợ bài viết quá dài nên tôi còn chưa đào sâu thêm vào cái tên “nôi văn hóa”. Chỉ biết rằng Kinh Bắc cũng chính là quê ngoại của Nguyễn Du - một đại thi hào Việt Nam không tiền khoáng hậu. Kinh Bắc cũng là quê hương của ca trù, của dân ca quan họ. Không những thế, dựa vào dãy núi hình cánh cung phía Bắc của Dũng Vy (núi Chè, Cổ Miễu...), trên có sông Cầu, dưới có sông Đuống, Lý Thường Kiệt đã lập nên “phòng tuyến sông Cầu” để ngăn chống giặc Tống xâm chiếm nước ta. Lý Thường Kiệt là một danh tướng văn võ toàn tài, đã từng cầm quân đánh cả sang Tàu chiếm được Châu Ung, Châu Liêm, với câu nói bất hủ “Muốn phòng thủ chắc chắn, hãy tấn công vào hang ổ địch” và một bài thơ tuyệt tác:

    Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !”

    Tạm dịch:
    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Phận định tất nhiên tại sách trời
    Giả thử giặc thù xâm phạm mãi
    Tụi bay sẽ bị đánh tơi bời !

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • Saturday, January 19, 2013

    XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)

    Phía Bắc của làng là cả một cánh đồng màu mỡ hàng năm 2 vụ chiêm + mùa cung ứng lương thực cho cả làng. Ngòi Cầu Ve tính từ cổng làng phía Tây (gọi là cổng Cầu Ve) chảy thẳng lên phía Bắc, gặp nhánh sông từ Tây Bắc (Đồng Xép) chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy (còn gọi là Nghè Tam Giang) rồi ôm lấy cánh đồng làng chảy thẳng về Đông. Trên cánh đồng bao la, biết bao di tích, nào là Nghè Mậy, Cửa Ngõ, Đường Làng, Lò Ngói, Cầu Bạc, Đường Giồ, Đường Ông Soi, Bờ Cừ, Mả Chúa... nhiều quá không thể nói hết lai lịch. Chỉ xin nói về Nghè Mậy. Tại sao lại là Nghè Mậy ? Chữ Nghè ở đây, theo từ nguyên, được hiểu là một ngôi đền (chứ không phải quan Nghè - một chức danh của Tiến Sĩ thuở xưa) thờ một vị thần nào đó (Nghè Mậy thờ Thần Sông). Đền này thường là lớn hơn Miếu và nhỏ hơn Chùa, cách kiến trúc gần giống như Tam quan ở các Đình, Chùa. Chung quanh Nghè, những gốc si sù sì tỏa bóng xuống mặt nước. Tam giang là nơi nghỉ mát lý tưởng cho nông phu vào những buổi trưa oi nồng. Theo truyền khẩu, Nghè Mậy thờ một nữ thần. Một hôm ông tổ của ông Đinh Văn Khiên (Trùm Sừ) vốn là một phù thủy có hạng (hồi đó Dũng Vy chưa tòng giáo), ghé Nghè Mậy nghỉ mát. Chẳng biết nổi hứng sao đó, lấy hết chuối cúng xuống ăn, úp hết bát nhang xuống đất (ý hẳn muốn ghẹo chơi... nữ thần !). Một trận chiến nổ ra ào ào như bão tố, lá si chung quanh đều rụng bằng sạch. Biết là gặp phải tay chẳng vừa, lại chiến đấu tại phòng tuyến của đối phương rất bất lợi, ngài Phù Thủy đành một tay bắt ấn, một tay chèo thuyền, rồi lên bờ lui về Cửa Ngõ - cứ điểm của mình. Về tới Cửa Ngõ, tính đã chắc ăn, định bụng phản công mãnh liệt giành chiến thắng (lòng vẫn nghĩ: đối phương dù sao cũng chỉ là... đàn bà !). Ai dè một cành tre ở Cửa Ngõ từ trên cao quất thẳng xuống mặt, hất tung chiếc nón dứa quai thao trên đầu (nữ thần tác quái đó !). Theo phản xạ tự nhiên, ngài Phù Thủy đưa ngay bàn tay đang giữ ấn ra chụp lấy cái nón. Ấn đã buông, hết hiệu lực, âm binh tan tác, thầy bị quật chỏng gọng, mồm ứa máu. Thảm bại ! Sau này, đành đem âm binh ra ký gởi tại Lã Vôi và không truyền nghề cho con cháu nữa.

    Từ Nghè Mậy tới Bờ Cừ (cống thoát nước khi đồng bị úng thủy, lại ngăn được nước khi đồng bị khô hạn, rất khoa học), con Ngòi Cầu Ve ở quãng này được gọi là Tào Khê. Bên bờ Bắc của Tào Khê là Đồng Lạng (cũng là do một chi họ của Dũng Vy tách ra). Tiến thêm về hướng Bắc một chút, có cả một dãy núi vòng cung chắn ngang (gồm các ngọn núi Chè, Cổ Miễu, Bát Vạn, Phật Tích, Long Khám). Ở núi Chè (Trà Sơn), ngoài tích chùa Ba Cóc, còn một sự tích có trong chính sử: Bà Chúa Chè (chính là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, vợ Chúa Trịnh Khải - đời Lê). Bát Vạn có Chùa Bách Môn (có đủ 100 cửa - làm theo kiểu bức bàn và mở ra đủ 4 hướng). Phật Tích có một bàn cờ bằng đá trên đỉnh núi (tục truyền có tiên về đánh cờ - vì thế mới gọi quả núi này là Phật Tích). Bên cạnh bàn cờ là một hồ nước trong vắt mà vào thập kỷ 30-40 (thế kỷ XX). Bảo Đại - Vua cuối cùng Triều Nguyễn - thường hay cùng Nam Phương Hoàng Hậu về tắm ở đây. Đến Long Khám lại có chùa Long Giáng được miêu tả rất tỉ mỉ và nên thơ do ngòi bút trữ tình tài hoa Khái Hưng Trần Khánh Giư ở tác phẩm đầu tay (cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn): Hồn Bướm Mơ Tiên. Phía Tây Nam qua làng Đại Trung, tới sát bờ đê sông Đuống, là làng Phù Đổng. Học sử Việt Nam, không ai quên được cậu bé Phù Đổng (Thánh Gióng) lớn nhanh như thổi khi nghe Sứ giả Triều đình tuyển quân tướng phá giặc Ân đang xâm chiếm nước ta. Cậu cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt phá giặc. Giặc nếu không chết vì roi sắt thì cũng chết vì lửa do ngựa sắt phun. Đánh giặc đến gẫy cả roi sắt giặc vẫn chưa yên, Thánh Gióng liền nhổ cả tre đằng ngà (một loại tre rất cứng và dẻo dai) mà đánh giặc. Đến khi toàn thắng thì cũng vừa lúc Thánh Gióng phi ngựa tới chân núi Sóc Sơn. Ngài phóng thẳng lên đỉnh núi rồi cả người lẫn ngựa thăng thiên ! Trong chính sử chỉ ghi khi giặc Ân bên Tầu xâm chiếm nước ta thì có vị tướng tài giỏi là Phù Đổng Thiên Vương nổi lên đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, giữ yên non sông gấm vóc. Câu chuyện kể trên thuộc dã sử, mang tính huyền hoặc, thần thánh hóa vị anh hùng cứu nước. Nhưng lạ một điều là suốt dọc cánh đồng từ làng Phù Đổng, qua Đại Trung, Phù Chẩn, Đồng Xép tới Lim (địa danh nổi tiếng của Kinh Bắc: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế - Gái Nội Duệ, Cầu Lim”, đồng thời cũng là nơi hàng năm mở hội hát Quan Họ Bắc Ninh), có những vũng nước khá lớn (chưa đủ lớn để gọi là ao) cách nhau khoảng vài chục mét chạy chữ chi giống như dấu chân của một động vật khổng lồ để lại trên đường đi của nó. Theo truyền ngôn thì đó là dấu chân ngựa Thánh Gióng. Chẳng hiểu vì sao mà trải qua hàng ngàn năm, các vũng nước lớn đó không ai lấp kín được (các cụ thường nói đến mùa cấy, nông dân lấp đất trồng lúa, nhưng khi gặt xong, trâu bò lại cứ nhè đúng những chỗ đó mà đằm mình xuống, rồi thì những chỗ đó lại thành vũng nước cho chúng tắm rửa, ngâm mình, cho tới năm sau, nông dân lại lấp, và cứ vậy luân chuyển hết năm này qua năm khác, các vũng nước chữ chi vẫn tồn tại cùng thiên nhiên cẩm tú). Có một đặc điểm là ở làng Phù Chẩn, nơi ngựa Thánh Gióng đi qua, tre một nửa làng có thuần một màu vàng cả cây lẫn lá (tre vẫn sống, vẫn phát triển, chứ không phải vàng úa mà chết đi). Đã có người đem tre ở nửa làng xanh tươi sang trồng bên nửa làng vàng úa, đến khi tre phát triển lại vẫn cứ đặc điểm của cả lá lẫn cây đều vàng. Làm ngược lại, đem tre bên vàng trồng sang bên xanh, thì tre lại xanh. Thật là lạ lùng và thú vị với một huyền sử: Tại ngựa Thánh Gióng trên đường đánh giặc, đã phun lửa cháy mất nửa làng Phù Chẩn nên sau này tre của nửa làng cháy cứ có màu vàng. Chúng ta có quyền hoài nghi về tính huyền hoặc của truyền thuyết, nhưng thực tế thì Phù Chẩn lại có một tên gọi rất ấn tượng: làng Cháy. Xin kể thêm một chuyện vui có thật. Có 2 toán thợ gặt - một của Đại Vy, một của Phù Chẩn - cùng đi gặt thuê cho một chủ ở Dũng Vy. Đến bữa cơm trưa, một thợ gặt Đại Vy muốn ăn cơm cháy (cho thơm miệng) liền nói với người ngồi ngoài xới cơm (chắc cũng chỉ chủ ý nói cho vui): “Đào Phù Chẩn lên mà quật” (đào cháy lên mà ăn), thế là cháy chưa kịp đào lên đã thấy liềm hái dựng lên tua tủa: “Nào, Phù Chẩn đây, có ngon thì cứ đào lên mà quật !). Cũng may là chủ nhà Dũng Vy khéo can, không thì lại bị ngựa Thánh Gióng phun cháy cả chủ lẫn thợ.

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)