Saturday, January 19, 2013

XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)

Phía Bắc của làng là cả một cánh đồng màu mỡ hàng năm 2 vụ chiêm + mùa cung ứng lương thực cho cả làng. Ngòi Cầu Ve tính từ cổng làng phía Tây (gọi là cổng Cầu Ve) chảy thẳng lên phía Bắc, gặp nhánh sông từ Tây Bắc (Đồng Xép) chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy (còn gọi là Nghè Tam Giang) rồi ôm lấy cánh đồng làng chảy thẳng về Đông. Trên cánh đồng bao la, biết bao di tích, nào là Nghè Mậy, Cửa Ngõ, Đường Làng, Lò Ngói, Cầu Bạc, Đường Giồ, Đường Ông Soi, Bờ Cừ, Mả Chúa... nhiều quá không thể nói hết lai lịch. Chỉ xin nói về Nghè Mậy. Tại sao lại là Nghè Mậy ? Chữ Nghè ở đây, theo từ nguyên, được hiểu là một ngôi đền (chứ không phải quan Nghè - một chức danh của Tiến Sĩ thuở xưa) thờ một vị thần nào đó (Nghè Mậy thờ Thần Sông). Đền này thường là lớn hơn Miếu và nhỏ hơn Chùa, cách kiến trúc gần giống như Tam quan ở các Đình, Chùa. Chung quanh Nghè, những gốc si sù sì tỏa bóng xuống mặt nước. Tam giang là nơi nghỉ mát lý tưởng cho nông phu vào những buổi trưa oi nồng. Theo truyền khẩu, Nghè Mậy thờ một nữ thần. Một hôm ông tổ của ông Đinh Văn Khiên (Trùm Sừ) vốn là một phù thủy có hạng (hồi đó Dũng Vy chưa tòng giáo), ghé Nghè Mậy nghỉ mát. Chẳng biết nổi hứng sao đó, lấy hết chuối cúng xuống ăn, úp hết bát nhang xuống đất (ý hẳn muốn ghẹo chơi... nữ thần !). Một trận chiến nổ ra ào ào như bão tố, lá si chung quanh đều rụng bằng sạch. Biết là gặp phải tay chẳng vừa, lại chiến đấu tại phòng tuyến của đối phương rất bất lợi, ngài Phù Thủy đành một tay bắt ấn, một tay chèo thuyền, rồi lên bờ lui về Cửa Ngõ - cứ điểm của mình. Về tới Cửa Ngõ, tính đã chắc ăn, định bụng phản công mãnh liệt giành chiến thắng (lòng vẫn nghĩ: đối phương dù sao cũng chỉ là... đàn bà !). Ai dè một cành tre ở Cửa Ngõ từ trên cao quất thẳng xuống mặt, hất tung chiếc nón dứa quai thao trên đầu (nữ thần tác quái đó !). Theo phản xạ tự nhiên, ngài Phù Thủy đưa ngay bàn tay đang giữ ấn ra chụp lấy cái nón. Ấn đã buông, hết hiệu lực, âm binh tan tác, thầy bị quật chỏng gọng, mồm ứa máu. Thảm bại ! Sau này, đành đem âm binh ra ký gởi tại Lã Vôi và không truyền nghề cho con cháu nữa.

Từ Nghè Mậy tới Bờ Cừ (cống thoát nước khi đồng bị úng thủy, lại ngăn được nước khi đồng bị khô hạn, rất khoa học), con Ngòi Cầu Ve ở quãng này được gọi là Tào Khê. Bên bờ Bắc của Tào Khê là Đồng Lạng (cũng là do một chi họ của Dũng Vy tách ra). Tiến thêm về hướng Bắc một chút, có cả một dãy núi vòng cung chắn ngang (gồm các ngọn núi Chè, Cổ Miễu, Bát Vạn, Phật Tích, Long Khám). Ở núi Chè (Trà Sơn), ngoài tích chùa Ba Cóc, còn một sự tích có trong chính sử: Bà Chúa Chè (chính là Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, vợ Chúa Trịnh Khải - đời Lê). Bát Vạn có Chùa Bách Môn (có đủ 100 cửa - làm theo kiểu bức bàn và mở ra đủ 4 hướng). Phật Tích có một bàn cờ bằng đá trên đỉnh núi (tục truyền có tiên về đánh cờ - vì thế mới gọi quả núi này là Phật Tích). Bên cạnh bàn cờ là một hồ nước trong vắt mà vào thập kỷ 30-40 (thế kỷ XX). Bảo Đại - Vua cuối cùng Triều Nguyễn - thường hay cùng Nam Phương Hoàng Hậu về tắm ở đây. Đến Long Khám lại có chùa Long Giáng được miêu tả rất tỉ mỉ và nên thơ do ngòi bút trữ tình tài hoa Khái Hưng Trần Khánh Giư ở tác phẩm đầu tay (cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn): Hồn Bướm Mơ Tiên. Phía Tây Nam qua làng Đại Trung, tới sát bờ đê sông Đuống, là làng Phù Đổng. Học sử Việt Nam, không ai quên được cậu bé Phù Đổng (Thánh Gióng) lớn nhanh như thổi khi nghe Sứ giả Triều đình tuyển quân tướng phá giặc Ân đang xâm chiếm nước ta. Cậu cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt phá giặc. Giặc nếu không chết vì roi sắt thì cũng chết vì lửa do ngựa sắt phun. Đánh giặc đến gẫy cả roi sắt giặc vẫn chưa yên, Thánh Gióng liền nhổ cả tre đằng ngà (một loại tre rất cứng và dẻo dai) mà đánh giặc. Đến khi toàn thắng thì cũng vừa lúc Thánh Gióng phi ngựa tới chân núi Sóc Sơn. Ngài phóng thẳng lên đỉnh núi rồi cả người lẫn ngựa thăng thiên ! Trong chính sử chỉ ghi khi giặc Ân bên Tầu xâm chiếm nước ta thì có vị tướng tài giỏi là Phù Đổng Thiên Vương nổi lên đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, giữ yên non sông gấm vóc. Câu chuyện kể trên thuộc dã sử, mang tính huyền hoặc, thần thánh hóa vị anh hùng cứu nước. Nhưng lạ một điều là suốt dọc cánh đồng từ làng Phù Đổng, qua Đại Trung, Phù Chẩn, Đồng Xép tới Lim (địa danh nổi tiếng của Kinh Bắc: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế - Gái Nội Duệ, Cầu Lim”, đồng thời cũng là nơi hàng năm mở hội hát Quan Họ Bắc Ninh), có những vũng nước khá lớn (chưa đủ lớn để gọi là ao) cách nhau khoảng vài chục mét chạy chữ chi giống như dấu chân của một động vật khổng lồ để lại trên đường đi của nó. Theo truyền ngôn thì đó là dấu chân ngựa Thánh Gióng. Chẳng hiểu vì sao mà trải qua hàng ngàn năm, các vũng nước lớn đó không ai lấp kín được (các cụ thường nói đến mùa cấy, nông dân lấp đất trồng lúa, nhưng khi gặt xong, trâu bò lại cứ nhè đúng những chỗ đó mà đằm mình xuống, rồi thì những chỗ đó lại thành vũng nước cho chúng tắm rửa, ngâm mình, cho tới năm sau, nông dân lại lấp, và cứ vậy luân chuyển hết năm này qua năm khác, các vũng nước chữ chi vẫn tồn tại cùng thiên nhiên cẩm tú). Có một đặc điểm là ở làng Phù Chẩn, nơi ngựa Thánh Gióng đi qua, tre một nửa làng có thuần một màu vàng cả cây lẫn lá (tre vẫn sống, vẫn phát triển, chứ không phải vàng úa mà chết đi). Đã có người đem tre ở nửa làng xanh tươi sang trồng bên nửa làng vàng úa, đến khi tre phát triển lại vẫn cứ đặc điểm của cả lá lẫn cây đều vàng. Làm ngược lại, đem tre bên vàng trồng sang bên xanh, thì tre lại xanh. Thật là lạ lùng và thú vị với một huyền sử: Tại ngựa Thánh Gióng trên đường đánh giặc, đã phun lửa cháy mất nửa làng Phù Chẩn nên sau này tre của nửa làng cháy cứ có màu vàng. Chúng ta có quyền hoài nghi về tính huyền hoặc của truyền thuyết, nhưng thực tế thì Phù Chẩn lại có một tên gọi rất ấn tượng: làng Cháy. Xin kể thêm một chuyện vui có thật. Có 2 toán thợ gặt - một của Đại Vy, một của Phù Chẩn - cùng đi gặt thuê cho một chủ ở Dũng Vy. Đến bữa cơm trưa, một thợ gặt Đại Vy muốn ăn cơm cháy (cho thơm miệng) liền nói với người ngồi ngoài xới cơm (chắc cũng chỉ chủ ý nói cho vui): “Đào Phù Chẩn lên mà quật” (đào cháy lên mà ăn), thế là cháy chưa kịp đào lên đã thấy liềm hái dựng lên tua tủa: “Nào, Phù Chẩn đây, có ngon thì cứ đào lên mà quật !). Cũng may là chủ nhà Dũng Vy khéo can, không thì lại bị ngựa Thánh Gióng phun cháy cả chủ lẫn thợ.

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)

    Tại sao lại không thể nghĩ rằng có 3 cậu ông trời (con cóc là cậu ông trời mà !) vân du qua đây thấy cảnh chùa u tịch liền dừng lại coi và cảnh trước mắt đã hấp dẫn họ: một tiên lang và một tiên nữ đang kề vai sát cánh kẻ đàn người họa, kẻ ngâm thơ người thêu thùa, kẻ hát người múa, kẻ tụng kinh người niệm hương hoặc đang châu đầu chung một ván cờ bên tách trà và lư trầm thơm ngát hương tình. Và rồi thì ngây ngất trước cảnh, xúc động trước tình, 3 cậu ông trời ngồi chầu cho đến khi hóa thành đá. Đấy, Dũng Vy nằm giữa một cái nôi đẹp đến như thế, thơ mộng đến như thế, đáng yêu đến như thế, bảo sao tôi không bồi hồi nhớ lại và muốn ghi chép để lưu truyền cho con cháu đời sau.

    Phía Đông làng tôi giáp với xóm Sen (thuộc làng Cao Đường). Nghe đồn các vị sư trụ trì ở Chùa Trong - Chùa Ngoài thuộc làng tôi, rồi cả các vị ở Chùa Ba Cóc, Chùa Bách Môn, Chùa Phật Tích (phía Bắc làng), đến cả các vị trụ trì Chùa Hộ Pháp ngoài Đình Bảng - Từ Sơn (phía Tây của làng), cứ đến mùa Hè có lễ hội muốn dâng hương sen, lại tấp nập về làng tôi rồi qua xóm Sen lựa hoa. Phía Tây của làng có con sông nhỏ (quen gọi là Ngòi Cầu Ve) tên là Ngưu Giang ôm lấy lũy tre làng chảy lên phía Bắc, gặp nhánh sông phía Tây Bắc (làng Đồng Xép) chảy xuống hợp lưu tại Nghè Mậy và tiếp tục ôm lấy cánh đồng màu mỡ của làng mà chảy mãi về Đông, cho tới nơi hội tụ của 6 dòng sông gần biển Đông (Thái Bình Dương), gọi Lục Đầu Giang. Bên kia Ngòi Cầu Ve, cách một quãng đồng là làng Đại Vy (nhưng Đại Vy lại có một xóm nhỏ nằm sát bờ Tây Ngòi Cầu Ve, ngay liền bên làng tôi. Hai bên có thể tán gẫu qua lại với nhau, tên xóm nhỏ rất gợi hình: xóm Gạ. Đáng yêu quá, muốn gạ gì mà chẳng được !). Không hiểu sao xóm nhỏ đó lại không thuộc làng tôi (mà chỉ Gạ gẫm thôi !), lại thuộc Đại Vy cách xa hơn ? Có lẽ do phong thổ (thổ âm xóm Gạ giống hệt Đại Vy mà khác hẳn Dũng Vy). Tiến thêm về phía Tây nữa là Đại Thượng, Dương Húc, Phù Chẩn, Lã Vôi, Đình Bảng, Cẩm Giang, Từ Sơn. Phía Tây Nam còn có làng Đại Trung và xa hơn nữa, giáp bờ đê sông Đuống là làng Phù Đổng - quê hương Thánh Gióng.

    Phía Nam làng cũng có một nhánh sông ôm sát lũy tre làng, gọi Ngòi Cầu Cung, hợp lưu với Ngưu Giang ngay tại xóm Gạ. Qua Ngòi Cầu Cung thì tới Đền Vua và Mả Ngụ. Nghe đồn từ xa xưa, Triều đình phong kiến có lập tại đây một trường tập bắn cung gọi là Mả Ngụ và xây dựng một ngôi đền (Đền Vua) để nếu nhà vua có về ngự thi xạ tiễn thì có nơi để nghỉ ngơi. Theo suy nghĩ của tôi thì có lẽ trường tập bắn tên là Mã Ngự (ngựa của vua hoặc có thể hiểu theo nghĩa: Mã là ngựa, Ngự là vua ngự lãm - Mã Ngự là vua cỡi ngựa bắn cung hoặc xem bắn cung - ở đây tôi giải thích chữ Mã Ngự theo cách giải thích những chữ sau: Ngự thiện = Vua ăn cơm - Ngự triều = Vua họp triều đình - Ngự xạ = Vua bắn cung - Ngự tiễn = mũi tên vàng của vua v.v...), rồi theo dòng thời gian, dân chúng đọc trại đi (luật biến âm của từ nguyên) thành Mả Ngụ chăng ? Tôi đã hỏi các vị cao niên, nhưng không ai rõ nguồn gốc chữ Mả Ngụ và cũng chẳng thấy có ngôi mộ nào tại trường tập bắn cả. Còn một điểm nữa, cổng làng phía Nam của làng tôi gọi là cổng Cầu Cung (nơi ghi dấu một cái Cung đường để nhà vua cầu phúc, hoặc có thể hiểu là nơi cầu cho cung tên được bách phát bách trúng). Trên cổng Cầu Cung còn có 3 đại tự: PHÚC LAI VI (phúc lại vi hành đến hoặc phúc đến với làng Dũng Vy). Tổng hợp cả 3 địa danh CẦU CUNG - ĐỀN VUA - MẢ NGỤ, chứng tỏ có ghi dấu ấn các Hoàng đế phong kiến ở nơi đây mà 3 đại tự PHÚC LAI VI có thể là do vua ban hoặc sắc phong cho làng. Như vậy thì Mả Ngụ có thể hiểu là Mã Ngự cũng có lý lắm chứ ! Tiếc một điều thời gian dâu biển, ngày nay hỏi đến thật ít người lưu tâm. Con đường từ cổng Cầu Cung đi thẳng hướng Nam thì gặp bờ đê sông Đuống (tên chữ là Thiên Đức Giang - con sông đào từ đời Thiên Đức để chia bớt áp lực nước từ sông Hồng và cũng là cách dẫn thủy nhập điền của tổ tiên xưa), bên cạnh đường này về phía Tây là Đền Vua và Mả Ngụ đã nói ở trên, còn cạnh đường về phía Đông là thôn Đinh cũng thuộc làng tôi (làng có 3 thôn - nhất xã tam thôn: Thôn Ngoài - Thôn Trong và Thôn Đinh, sau này khi Thôn Ngoài tòng Giáo thì được gọi là: Thôn Giáo, Thôn Lương và Thôn Đinh).

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)

    Bút ký Lam Thy Đinh Văn Diệm

    Làng tôi phong cảnh hữu tình
    Dân cư giang khúc như hình con long

    Tôi mở đầu bài viết này bằng hai câu Ca dao Việt Nam. Tại sao lại thế ? Tôi vẫn có thói quen khi đặt bút viết (thơ, truyện, ký...), tôi sẽ ghi lại bất cứ một hình ảnh, một câu thơ, câu văn nào đó (có thể là của tôi, của ai đó hoặc của chung quê hương đất nước - thành ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao - nữa, không chừng) hiện lên đầu tiên trong óc tôi. Giây phút đầu tiên rất đáng trân trọng và cũng rất quan trọng đối với những người ưa bôi nhọ giấy trắng - nó sẽ thoáng qua rất nhanh, nếu không chụp được thì sau này không bao giờ còn cơ hội chụp được nó nữa. Rồi sẽ coi nó như một cái mốc - một cái cớ (cause) - để cho cơn hứng lang thang vào các ngõ ngách của tư duy sáng tạo. Hai câu ca dao trên đến với tôi như vậy đó, và thật sự đúng lúc - vào chính lúc tôi có ý định viết về LÀNG TÔI: DŨNG VY yêu dấu của tôi. Và loáng thoáng sau đó là hình ảnh làng tôi quyện lẫn trong giọng ca Thái Thanh một thời:

    “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh...”

    Tự nhiên trong cái cảm xúc dâng trào ấy, tôi muốn thay vào 2 tiếng làng tôi bằng 2 tiếng thân thương Dũng Vy. Vâng:

    Dũng Vy phong cảnh hữu tình...

    Có thật thế không ? Hoặc giả cái lăng kính tuổi thơ đã làm cho tôi nhìn quê hương mình - nhất là nhìn qua ký ức - thấy toàn một màu hồng chăng ? Nhưng dù là lăng kính màu gì đi nữa cũng không quan trọng, bởi vì điều mà tôi muốn đạt tới ở đây - trong bài viết này - là muốn gởi gấm cho những thế hệ về sau một chút tâm sự của tôi - của chúng tôi, những người biên tập - cộng thêm một chút tự hào về dòng tộc, quê hương mình. Cái hào quang ký ức tất nhiên phải có ấy chỉ soi sáng thêm cho những ghi nhận, chắc chắn không thể làm sai lệch được những yếu tố cấu thành một Dũng Vy phong cảnh hữu tình... Và vẫn còn đó những địa danh, những di chỉ văn hóa mà thời gian không thể xóa mờ.

    Dũng Vy nằm ở trung tâm cái nôi Kinh Bắc - với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Đó là ở phạm vi rộng (tỉnh), còn ở phạm vi hẹp hơn một chút thì Dũng Vy lại thuộc huyện Tiên Du - mà mới chỉ nghe tên đã thấy rất đẹp, rất thơ mộng. Câu chuyện Giáng Hương tiên nữ từ trong tranh bước ra cuộc sống trần tục với anh chàng thư sinh Từ Thức, rồi vân du suốt một dải núi cánh cung: Trà Sơn (núi Chè) - Cổ Miễu - Bát Vạn - Phật Tích - Long Khám (Long Giáng) cuối cùng thì vào chùa Ba Cóc (núi Chè) đọc sách, ngâm thơ, quay tơ, sấy trà... cho đến khi cả đôi uyên ương thành tiên, chắp cánh bay về tiên cảnh bồng lai - phải chăng chỉ là huyền hoặc ? Ô, nhưng mà ba con cóc ngồi chầu văn vẫn còn đó. Sau này thì nói là ba con cóc ngồi chầu kinh (nghe sư trụ trì tụng kinh).

  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 1)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 2)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 3)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 4)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 6)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 7)
  • XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 8)