Monday, January 27, 2014

XUÂN NHẬT MẠN ĐÀM - JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm

XUÂN NHẬT MẠN ĐÀM
春 日 慢 譚


Nhân ngày Xuân nhàn rỗi, xin mạn đàm về 3 vấn đề: Tập KỶ YẾU DŨNG VY, cuốn ĐINH TỘC THẾ PHỔ và Blog KỶ YẾU DŨNG VY:

1/- Tập KỶ YẾU DŨNG VY: Trước hết, cần nói rõ về từ KỶ YẾU (紀 要): Đó là từ ghép vắn tắt của KỶ NIỆM (紀 念  nỗi nhớ, hoài niệm) và CHỦ YẾU (主 要 quan trọng nhất). Trước 1975, ở miền Nam Việt Nam đã có rất nhiều hội đồng hương, hội tương tế viết những cảm nghĩ, thơ văn, nhật ký về hoạt động của hội rồi in thành tập và gọi là Kỷ yếu. Vd : Tập Kỷ Yếu Hội Thánh Minh Tương Tế, Tập Kỷ Yếu Phú Nhai (Bùi Chu), Tập Kỷ Yếu Kinh Bắc v.v…

Như vậy, KỶ YẾU DŨNG VY (紀 要 勇 為) là những kỷ niệm sâu sắc, quan trọng về Dũng Vy. Tập Kỷ Yếu Dũng Vy do tôi khởi xướng với sự cộng tác của các ông: ĐINH QUANG TÒNG, ĐINH VĂN ĐƯỜNG, ĐINH VĂN SỬU và ĐINH VĂN ĐÍCH. Ngay ở Lời Nói Đầu (Khai Từ) cuốn KỶ YẾU DŨNG VY (số 1 – ngày 19/6/2000), tôi đã viết: “Cách đây trên một năm nhân một cuộc họp bầu Ban Cố Vấn Công trình Trùng tu Thánh Đường Dũng Vy vào cuối tháng 3/1999, có một ý kiến đưa ra trong lúc mạn đàm: Thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy. Tuy là một ý kiến bên lề, nhưng lại được đa số đồng tình. Thời gian qua đi, công trình trùng tu Thánh đường xứ Dũng tuy có gặp một vài trở ngại, nhưng cũng được hoàn tất một cách tốt đẹp, đúng với mong ước của những người con xứ Dũng tha phương (cả ở miền Nam VN và nước ngoài).”

Từ lý do đó, nhóm 5 anh em chúng tôi (như nêu trên) quyết định viết KỶ YẾU DŨNG VY. Tôi hay gọi đùa nhóm 5 anh em chúng tôi là Ngũ Quái (lấy ý của ban nhạc Tứ quái Beatles bên Anh quốc – xc bài “Ngũ Quái Đăng Trình” ở KYDV số 1 có trích đăng trên blogs KYDV). Cũng vì khả năng viết không được đồng đều, nên tôi phải bao biện hơi nhiều (với những bút hiệu: Lam Thy, Tiên Du Tử, Du Ninh Vy, Thu Lan, Muỗi Cầu Ve, Diễm Thu). Xuất phát từ những ý niệm hướng về nguồn cội, về quê cha đất tổ, lại trong không khí Thánh ân của Năm Thánh 2000, chúng tôi đã thực hiện được sở nguyện. Sở nguyện ấy gói ghém trong đôi câu đối ở bài Khai Từ cuốn KYDV (số 1):

* Hoài niệm dĩ vãng ghi công đức tiền nhân, trách nhiệm nặng nề sao (!), gắng sức thì CỦA TIN vẫn để.
* Hướng tới tương lai cho hành trình hậu duệ, ước mơ cao đẹp thế (!), kiên tâm nên KỶ YẾU tất thành.

Cuối Lời KHAI TỪ, tôi viết: “Tập KYDV thành hình là như vậy đó. Tất nhiên cũng còn nhiều hạn chế, nhưng tôn chỉ vẫn là một: Thắp lên một ngọn đèn (lấy ý của ngạn ngữ Tây phương: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”). Tưởng cũng cần nói thêm là lúc đầu nhóm Biên tập cũng định mời tất cả mọi người cùng chung tâm niệm hoài hương ở hải ngoại cùng tham gia, nhưng vì điều kiện liên lạc và thời gian tính, nên chưa thực hiện được. Và nếu quả thực ngọn đèn đã được thắp lên – dù còn leo lét – như hai câu thơ của Muỗi Cầu Ve “Những đêm ươm DŨNG khí – Chuyển mộng thành hành VI” – thì cũng xin thắp lên ở đây một nén hương lòng – đón nhận tất cả mọi ý kiến và bài vở của những người con xứ Dũng từ khắp mọi nơi trên trái đất này cho một Tập KYDV số 2 (cùng với việc thành lập Hội Đồng hương Dũng Vy) nhằm vào dịp đại cát: Ngày kỷ niệm mừng kính Thánh Cả Giu-se, bổn mạng Giáo họ Dũng Vy – 19/3/2001. Mong lắm thay!”.
 
Sang đến KYDV số 2 thì có thêm được một số người cộng tác: Cụ Lễ (Đinh Văn Nhạc), cụ Cam (Nguyễn Đình Liên), Đinh Văn Bảo (ở Mỹ), Đinh Văn Đường (bút hiệu Lưu Ly, ở Mỹ), Đinh Văn Thắng (ở Mỹ), Phan Trọng Xuyên (ở Úc), Nguyễn Văn Ất, Đinh Văn Đỗ, Đinh Văn Hoạt, Đinh Tất Cuông, Đinh Quang Tòng (Tương Giang), Đinh Văn Chi, Đinh Văn Huy, Đinh Văn Sửu, LM Đinh Quốc Trụ (con ông Đinh Văn Túy), Đinh Quốc Thể (con ông Diệm), Nguyễn Văn Thanh (con ông Ất), Nguyễn Tuyển Vinh & Nguyễn Tuyển Hùng (con ông Phổ), Nguyễn Văn Đảng (con ông Ngành), Nguyễn Văn Đương (con ông Đơn), Soeur Nguyễn Thị Hùy (con ông Nguyễn Khắc Thiện, tức Thìn), Thầy Trần Duy Nhiên (không thuộc Dũng Vy, do Sr Hùy giới thiệu), và tôi (Đinh Văn Diệm).

2/- Cuốn ĐINH TỘC THẾ PHỔ: Về cuốn ĐINH TỘC THẾ PHỔ (GIA PHẢ HỌ ĐINH) có lai lịch như sau:  Lúc đầu, cụ Thơ Thành (Đinh Văn Đan) và cụ Xếp (Đinh Văn Khúc) có ý định triệu tập và thành lập Hội Đồng Hương Dũng Vy, mà muốn hoạt động thì Hội phải có nội quy (các cụ gọi là Hương Ước). Hương ước là những quy ước, điều lệ về sinh hoạt nơi làng xóm. Rộng ra đến quốc gia thì gọi là Ước pháp (như kiểu Hán Cao Tổ Lưu Bang khi thống nhất Trung Quốc có thiết lập Ước Pháp Tam Chương – Ba Chương quy định về pháp luật). Sau này gọi là Hiến Pháp.

Song song với việc đó, hai cụ muốn kêu gọi bà con đồng hương Dũng Vy lập một Gia phả chung cho tất cả mọi tộc họ của Dũng Vy nhất xã tam thôn (thôn Giáo, thôn Lương, thôn Đinh) như: Đinh, Nguyễn, Phan, Trần, Đào, Vũ, Cao v.v…). Để như một gợi ý, các cụ làm Đinh Tộc Thế Phổ (trong đó cũng có các họ khác nhưng chỉ sơ lược, vì các cụ không nắm được hết). Kể từ cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 (thế kỷ XX) bắt tay vào thực hiện. Công đầu phải kể là cụ Thơ Thành, cứ như con thoi đi khắp các miền (từ Bến Hải trở vào miền Nam) thu thập tư liệu, về họp bàn với cụ Xếp và cụ Quản Vụ (Đinh Văn Tam), rồi giao cho Đinh Văn Diệm và Đinh Văn Đích biên tập lại (nhưng ông Đích bận dạy học ở xa – huyện Bình Chánh, Saigon – nên ông Diệm phải làm hết). Cuốn Đinh Tộc Thế Phổ hoàn tất vào đầu năm 1974. Ông Diệm hệ thống lại theo cách làm Phả Ký của người xưa và biên tập xong ngày 01/8/1974 với tên gọi ĐINH TỘC THẾ PHỔ. 

Khi nhóm biên tập KYDV thực hiện công trình, giao cho ông Tòng phụ trách in, thì ông Tòng lại được ông Đinh Văn Huy trao cho một tập “Nhớ đến nguồn gốc Dũng Vy” (trong đó có đề cập đến họ Đinh và nhiều tộc họ khác). Cuốn này được hình thành do cuộc họp của các ông Đinh Văn Đỗ, Đinh Văn Huy, Đinh Văn Sầm, Đinh Văn Quảng…. tại Liên Khương, Đà Lạt. Nhưng cũng còn sơ lược và thiếu sót nhiều. Khi in, thì thợ đánh máy lại đánh sai nhiều, nhất là cách trình bày theo Phả Ký không ổn, mà ông Tòng không duyệt lại được, kể cả tên gọi cuốn ĐINH TỘC THẾ PHỔ cũng được ông Tòng cho in bằng tiếng thuần Việt: GIA PHẢ HỌ ĐINH.

Đó là sơ lược lai lịch về KỶ YẾU DŨNG VY và ĐINH TỘC THẾ PHỔ, còn Hội Đồng hương Dũng Vy cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tới tháng 6/2013, Ban Mục Vụ Giáo xứ Dũng Vy nhờ ông Diệm liên lạc với đồng hương tại miền Nam và hải ngoại chung tay giúp đỡ công trình quy tập Nghĩa trang và dựng tượng đài Thánh Cả Giu-se. Ông Diệm nhờ ông Đào Tiên Oánh giúp ở miền Nam VN, còn hải ngoại thì nhờ cháu Đinh Văn Thắng. Kết quả cuối cùng cháu Thắng đã quyên góp được tổng cộng 8500 USD (tính ra tiền Việt Nam được khoảng 180 triệu) – một con số vượt quá sự mong ước của mọi người! Cứ tưởng chuyện Kỷ Yếu đã chìm vào quên lãng, nhưng không ngờ nhân dịp quyên tiền cho Giáo xứ  Dũng Vy, phát hiện trang blog KỶ YẾU DŨNG VY.

3/- Blog KỶ YẾU DŨNG VY: Trong khi bàn bạc, trao đổi ý kiến về việc quyên tiền qua Internet, bất ngờ cùng lúc hai cậu cháu (ông Diệm và Thắng) phát hiện Blog KYDV. Có tên Dũng Vy là có sự hấp dẫn, mở ra thì mới biết đó là công trình của cháu Đinh Tất Thức (con ông Đinh Tất Cuông, cháu đích tôn cụ Thơ Thành). Với thế hệ đi trước như chúng tôi, quả thật tôi không thể ngờ được hàng hậu duệ Dũng Vy lại có được một Đinh Tất Thức đơn thương độc mã (không có ai cộng tác) làm được một công trình như vậy. Từ một tập Kỷ yếu lưu hành hạn chế trong một số thân hữu và người đồng hương Dũng Vy, giờ đây đã trở thành trang web được bà con đồng hương (kể cả nhiều người không cùng quê hương bản quán) từ khắp nơi trên thế giới biết tới. Đó phải chăng chính là sự sung sướng và hãnh diện không chỉ cho riêng ai, mà là cho cả Dũng Vy?

Tất cả những điều trên cho thấy: Những bài viết, những suy nghĩ về quê hương Dũng Vy khởi đi từ một cá nhân hay một nhóm thân hữu đều quy về một tâm tình hướng về cội nguồn, đồng thời mong mỏi được nhiều người đồng hương đóng góp ý kiến, chia sẻ cảm xúc. Mong muốn vậy, nhưng chẳng thấy ai hưởng ứng. Nhóm biên tập hoàn toàn không ai muốn độc quyền hay chỉ thích đề cao một tộc họ, một cá nhân nào. Khổ một nỗi, những công trình trên (từ ĐINH TỘC THẾ PHÔ tới KỶ YẾU DŨNG VY, Blog KYDV) đều do những người họ Đinh khởi xướng và thực hiện, nên mới có sự ngộ nhận cho là chỉ đề cao cụ Thơ Thành, cụ Xếp, ông Diệm. 

Bản thân chúng tôi còn không đủ sức nói về họ Đinh (chớ đừng nói đến các họ khác), thì cháu Thức (xa quê, xa họ hàng từ nhỏ) làm sao có thể thực hiện? Về điểm này, phải thấy cháu Thức đã xử sự rất đàng hoàng (kêu mời các tộc họ gửi bài vở hay gia phả cho Blog KYDV). Thêm một điểm son chứng minh rằng Blog KYDV chỉ hướng về quê hương, đó là cháu Thức đã cất công tìm hiểu địa danh, bản đồ, còn tìm được cả Thần Sắc (Sắc lệnh của Vua) từ đời Vua Quang Trung truy phong Dũng Vy xã, Tiên Du huyện, Bắc Ninh tỉnh (xc Blogs KYDV October 29, 2013). Ngoài ra, trong trang blog thì những bài viết về Dũng Vy chỉ chiếm một phần, phần lớn còn lại dành cho cả Kinh Bắc (gồm cả tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang…) quê hương Quan Họ. Ngoài Quan Họ ra, còn tìm hiểu cả những sinh hoạt, ngành nghề khác (như: Gốm sứ, dệt may, nấu ăn v.v…).

Kết luận:

Như đã nói từ phần Dẫn Nhập, nhân ngày Xuân nhàn rỗi, mạn đàm về Dũng Vy qua các công trình truyền thông đã thực hiện, chỉ với một mong ước tránh sự hiểu lầm không đáng có; đồng thời tha thiết mời gọi tất cả mọi người đồng hương (ở Việt Nam cũng như hải ngoại) chung tay góp sức (tinh thần cũng như vật chất) xây dựng quê cha đất tổ ngày một tốt đẹp hơn. Blog KYDV rất hân hạnh được tiếp nhận tất cả mọi ý kiến đóng góp xây dựng, mọi bài vở hay Phả ký các tộc họ thuộc Dũng Vy.

Cuối cùng, xin mượn mấy câu thơ trong bài “Nhắn về xứ Dũng” (KYDV, số 1) để kết thúc bài viết này:

Ai về biển lúa mênh mông,
Xứ Dũng Vy – lũy tre đông tiếng cười.
Cho ta gửi chút bồi hồi,
Vũng tâm tư của con người phiêu linh. (phần đề từ)
Ơi xứ Dũng! Muôn năm đầy thắm thiết,
Những người con dù lưu lạc Tây Đông, 
Vẫn nặng mang tình quê hương bất diệt,
Ghi lại đây, gọi một chút hương lòng,
Nhìn DĨ VÃNG – mơ TƯƠNG LAI rạng rỡ,
Hỡi hồn linh xứ Dũng, có nghe không? (phần kết)

Saigon, áp Tết Giáp Ngọ 
(27 tháng Chạp Quý Tỵ – 27/01/2014)
JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm
-----------

Ghi chú của Blog KYDV:

Tác giả JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm mới gởi cho Blog KYDV 2 bài viết mới 1-XUÂN NHẬT MẠN ĐÀM và 2- MỪNG XUÂN, HÃY DÂNG TẤT CẢ CHO CHÚA.

Chúng tôi trích đăng bài "XUÂN NHẬT MẠN ĐÀM" để đồng hương và bạn đọc cùng xem. Quý vị có thể đọc tiếp những bài viết khác của tác giả JM. Lam Thy Đinh Văn Diệm tại Hình ảnh Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm.

No comments:

Post a Comment