Thursday, January 16, 2014

Tản mạn về “ngôi nhà chung” của làng

Thứ sáu, 27/12/2013 - 09:32
 
Tản mạn về “ngôi nhà chung” của làng
 
Đình làng giống như “ngôi nhà chung” của một cộng đồng làng xã mà ở đó lòng dân luôn được quy tụ, gắn kết. Bắc Ninh không chỉ tự hào vì được mệnh danh là “xứ sở của đình, đền, chùa, miếu” mà còn có những ngôi đình đẹp nổi tiếng, được dân gian ngợi ca, truyền tụng qua những câu ca dao:
 
Thứ Nhất là đình Đông Khang,
Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm.…
 
Đình Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) là một trong những ngôi đình đẹp nổi tiếng xứ Bắc.

Những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng hẳn khắc sâu hai âm thanh đặc biệt xúc động là tiếng chuông chùa và tiếng trống đình. Đình làng và chùa làng là biểu tượng của văn hóa làng xã gắn bó với người nông dân Việt. Nếu như vị trí tọa lạc của chùa làng không cần quá câu nệ, thường được xây dựng ở nơi thanh vắng, tĩnh mịch có thể là góc làng, ven làng hoặc giữa làng thì vị trí của đình làng nhất định phải được cất dựng trên thế đất phong thủy, nơi cao ráo, phong quang nhất làng. Bởi, trong tâm thức dân gian, ngôi đình là phúc phận của cả làng nên mới  có câu “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Còn theo như nhà nghiên cứu văn hóa Lý Khắc Cung từng phân tích: “Đình làng là một tập hợp kiến trúc mở chứ không khép kín như chùa. Ở đình làng diễn ra mọi hoạt động chung của làng: từ hội họp, bàn bạc công việc, tổ chức hội hè, lễ tết, diễn xướng nghệ thuật cho đến thực thi lệ làng như: khao thọ, thu thuế, xét xử, phạt vạ… Tất cả công việc lớn nhỏ của làng đều được quyết định tại đình. Chính vì vậy, đình thường không có tường bao quanh. Từ bốn phương, tám hướng đều có thể đến với đình. Nội thất, ngoại thất của đình đều được trang trí nguy nga, độc đáo”.
 
Bộ cửa võng được chạm khắc tinh xảo làm nên sự vẻ vang của đình Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.)

Tìm hiểu lịch sử đình làng được biết, vốn xưa đình làng chỉ là đình trạm-nơi dừng chân của khách bộ hành, trong đó có cả vua, quan đi vi hành, tuần du và mọi người dân thường khác. Nhưng đến thời Lê Sơ (khoảng thế kỷ XV), nhân dân bắt đầu đưa các vị thần của làng vào thờ trong đình. Kể từ đó, đình làng vừa là nơi “hội sở thần thánh”, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Đó là một ngôi nhà chung của cả làng, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng dân cư. Đình làng đã trở thành bản sắc văn hóa và là di sản vô giá của dân tộc. Có một nhà nghiên cứu về Mỹ học người nước ngoài đã nói: “Đến Việt Nam mà chưa thăm những ngôi đình làng là chưa biết gì về Việt Nam”. Như vậy, đình làng Việt không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian mà còn là nơi lưu dấu, chứa đựng hồn cốt dân tộc với những giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thuyết, huyền thoại, thần tích, sắc phong… 
  
Bắc Ninh vốn là trung tâm văn hóa của người Việt cổ, là vùng đất có bề dày văn hiến nên hầu hết các làng đều có đình. Ở Bắc Ninh, đình làng phát triển rực rỡ nhất vào thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII-XVIII). Về tổng thể, đình làng ở Bắc Ninh cũng giống như bao ngôi đình làng Việt khác, vừa là nơi thờ các vị thần thánh là những người có công khai khẩn, mở đất lập làng, giữ nước, giúp dân trong mọi lĩnh vực, các anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề… vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân trong làng. Trong số hàng trăm ngôi đình trên địa bàn tỉnh thì đã có 237 ngôi đình được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 67 di tích cấp Quốc gia và 170 di tích cấp tỉnh (tính đến ngày 1-9-2013). Đặc biệt, ở Bắc Ninh còn có những ngôi đình đẹp nổi tiếng, được dân gian ngợi ca: “Thứ Nhất là đình Đông Khang, thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm…”. Bà Đỗ Thị Thủy, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết thêm, đình làng ở Bắc Ninh còn mang đặc điểm nổi bật về sự dung hội nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Nghĩa là, một ngôi đình không chỉ thờ một vị thần mà có thể thờ 5, 7 vị thần của làng. Hoặc cũng có những ngôi đình lớn với kiến trúc “tiền Thần hậu Phật”, bởi người được thờ vừa là Thần vừa là Phật mà Tứ Pháp ở vùng Dâu (Thuận Thành) là một minh chứng. Dấu tích vẫn còn ghi rõ trong những sắc phong là: “Đại Thánh Pháp Vân Phật/Đại Thánh Pháp Vũ Phật/Đại Thánh Pháp Lôi Phật/ Đại Thánh Pháp Điện Phật…” 
  
Giá trị, vai trò của ngôi đình làng Việt không thể phủ định và chắc chắn nó sẽ còn tồn tại mãi mãi với tư cách là một yếu tố văn hóa, lịch sử. Nhưng trước xu hướng đô thị hóa, trong đó có cả tác động của con người từ những công cuộc trùng tu, tôn tạo khiến không gian văn hóa đình làng đang dần bị biến dạng, mai một. Nói như vậy vì bây giờ ở nhiều địa phương, đình làng thường chỉ được xem như một di tích với vai trò là một nơi thờ tự các vị Thành Hoàng làng, còn chức năng quy tụ, gắn kết thành viên trong cộng đồng lại chưa được chú ý đến nhiều. Vì lẽ đó, muốn bảo tồn và phát huy giá trị đình làng mà chỉ tập trung vào việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo về mặt kiến trúc vật chất thì chưa đủ, cần phải để cho ngôi đình thực sự sống trong không gian văn hóa làng xã, vừa là nơi thờ tự tôn nghiêm nhưng cũng là nơi sinh hoạt chung của người dân. Có như thế, đình làng mới được bảo tồn đúng nghĩa là ngôi nhà chung của làng. 
  
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 

No comments:

Post a Comment