Monday, January 13, 2014

Giếng cổ vùng Kinh Bắc

Thứ sáu, 20/12/2013 - 09:19
 
Giếng cổ vùng Kinh Bắc
 
Làng quê Việt xưa luôn gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình. Trong đó thì giếng nước gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân hơn cả. Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, những chiếc giếng cổ vẫn đang góp cho đời những dòng nước mát ngọt và là bộ phận không thể thiếu tạo nên những giá trị độc đáo rất riêng trong đời sống văn hóa vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc.
 
Những mạch nguồn trong mát 
  
Chưa có ai thống kê tại các làng quê Bắc Ninh hiện còn bao nhiêu giếng cổ, giếng nào là cổ nhất, độc đáo nhất... nhưng trong số đó nổi tiếng hơn cả có lẽ là giếng Ngọc tại thôn Viêm Xá, xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh). Giếng đã có tuổi đời hàng trăm năm gắn liền với di tích đền Cùng thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Thủy Tiên - con vua Lý Thánh Tông.
 
Giếng cổ ở chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) gắn với sự tích bà Tấm.
 
Miệng giếng Ngọc hình bán nguyệt nhưng lòng giếng hình vuông. Kiến trúc giếng khá độc đáo gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép nước. Dưới lòng giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu chừng 10m. Do nước giếng được hình thành từ những mạch nước ngầm chảy ra từ núi đá Kim Lĩnh lại được lắng qua hàng chục lớp đá ong tự nhiên nên rất trong. Người làng Diềm luôn tâm niệm nhờ uống nước giếng Ngọc mới có được giọng hát Quan họ “vang, rền, nền, nảy” trứ danh bậc nhất xứ Kinh Bắc. Đa số các hộ ngày nay vẫn giữ thói quen múc nước giếng để pha trà vì cho rằng trà pha xong bao giờ cũng thơm, xanh, ngọt hơn hẳn khi pha với thứ nước khác. Bởi thế mà dân làng vẫn truyền nhau câu ca:
 
“Nước giếng Ngọc, trà Tân Cương
Như chàng Kim Trọng đẹp duyên Thúy Kiều”. 
  
Một giếng cổ nổi tiếng khác của Bắc Ninh là giếng Gióng ở thôn Đại Bái, xã Đại Bái (huyện Gia Bình). Tương truyền khi thánh Gióng đánh giặc Ân đi qua đây đã dừng lại để uống nước. Xung quanh giếng có một vết lõm vừa bàn chân người được cho là bàn chân của Thánh Gióng để lại. Ngoài ra còn nhiều vết lỗ chỗ nhỏ ly ty khác vẫn được truyền tụng là vết nước trầu bắn do Thánh Gióng ăn trầu, nhả bã xuống. Đặc biệt, nguồn nước ở đây lúc nào cũng có màu đỏ như màu bã trầu nên người dân thường gọi là nước trầu. Vào dịp lễ hội (mùng 8-4 âm lịch), dân làng lại trang trọng tổ chức lễ rước nước. Sáng sớm, người ta múc đầy một chóe nước từ giếng lên đặt vào kiệu khiêng rước về đình làng, thờ cúng liên tục trong ba ngày rồi ban cho người dân. Không chỉ đơn giản là nguồn nước sinh hoạt, giếng Gióng đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, gửi gắm niềm tin và tấm lòng hướng về tổ tiên, cội nguồn. 
 
Giữ hồn giếng cổ 
  
Các giếng cổ ở Bắc Ninh nằm rải rác tại các làng quê. Về cơ bản giếng có 3 kiểu dáng: Hình tròn (chiếm đa số), hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Một số giếng có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Đặc biệt, nước ở các giếng này hầu hết đều rất trong và mát dù đã tồn tại qua hàng trăm năm.
 
Giếng Ngọc (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) nước vẫn trong xanh dù đã hàng trăm năm tuổi.

Ngày nay, có lẽ hình ảnh người dân múc từng gầu nước giếng làng gánh về nhà dùng thật hiếm gặp bởi nước máy, nước giếng khoan phổ biến. Nhiều giếng cổ vì thế bị xuống cấp, bị lãng quên. Nhưng giếng Ngọc và một số giếng cổ khác ở Bắc Ninh vẫn đang tồn tại như một mạch nguồn nhắc nhở người dân về bề dày lịch sử, văn hóa quê hương. Ông Nguyễn Văn Thư, một  bậc cao niên ở làng Viêm Xá cho biết: “Khi tôi sinh ra, giếng Ngọc đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ đời cụ kỵ. Tôi nhớ lúc còn bé vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về nhà dùng hàng ngày. Cả làng cùng tề tựu trò chuyện, ca hát, trẻ con đùa nghịch, trai gái hò hẹn… Giờ đã có nước máy nhưng dân làng vẫn lấy nước ở đây về pha trà, nấu cơm như một thói quen”. 
 
Những chiếc giếng cổ đã đi vào tiềm thức của biết bao người dân mỗi làng quê. Trong đó có những sự tích, những câu chuyện kể và cả niềm tin vào những điều thiêng liêng. Chẳng thế mà nhiều nơi người ta lập cả một ngôi miếu nhỏ gần giếng để thờ thần giếng hay coi giếng như một vật phong thủy mang lại điềm lành cho làng… Du khách thập phương đến những nơi này cũng không ngần ngại múc một cốc nước ngọt lành từ giếng lên uống với ước mong về những điều tốt đẹp. 
 
Những chiếc giếng cổ đã và đang song hành cùng lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân xứ Kinh Bắc. Cuộc sống có hiện đại, tiện dụng đến đâu thì giếng làng luôn là một mảnh ghép không thể thiếu của hồn quê và sẽ trường tồn mãi với thời gian.
 
Thương Huyền
 

No comments:

Post a Comment