Thursday, December 12, 2019

Bắc Ninh nay đã mê say bao người…

03/08/2018 10:00
 
Miền đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đẹp “như một khúc dân ca”, nơi đây có con sông Cầu lơ thơ nước chảy lại có dòng sông Đuống nghiêng nghiêng cuộn đỏ phù sa, có những liền chị cầu Lim, liền anh Khúc Toại đẹp nết, đẹp người, đẹp cả lời ăn tiếng nói… Đến với miền Quan họ, mỗi người đều có cảm xúc, ấn tượng riêng về một chiều sâu tâm thức văn hoá.
 
Quan họ mời trầu du khách quốc tế.
 
Một miền cổ tích

 Kinh Bắc xưa là một vùng đất nổi tiếng với phong cảnh đẹp, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng trù phú thẳng cánh cò bay. Lịch sử ghi nhận đây là một vùng đất trung tâm của đất nước với Cổ Loa - Kinh đô của nhà nước Âu Lạc, trung tâm Luy Lâu - Long Biên thời Bắc Thuộc, là phên giậu che chắn mặt Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt. Lịch sử, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc, độc đáo, hấp dẫn và riêng có mà hiếm vùng miền nào có được. Ở miền đất này, mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hoá và lịch sử. Nếu Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng truyền thuyết về Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ là Thuỷ tổ dân tộc, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt.

 Kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do cộng đồng nhân dân Bắc Ninh sáng tạo ra trong lịch sử vô cùng to lớn và phong phú. Hiện nay, miền Quan họ đang sở hữu hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng, các đình đền chùa nổi tiếng, nơi lưu giữ hồn gốc Việt lâu đời nhất. Đó là chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp-trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa Phật Tích, chùa Dạm là những Đại danh lam cổ tự thời Lý. Đền Đô nơi tôn thờ Bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt. Chùa Bút Tháp-công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê. Lăng Kinh Dương Vương thờ phụng Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ Tổ sư ngành quân khí; đền Lê Văn Thịnh thờ “Trạng nguyên” khai khoa đầu tiên; đền Xà với bài thơ thần Nam quốc sơn hà là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Đại Việt...

 Thực không dễ gì để một vùng đất được định danh là đất văn hiến. Lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Ninh được kết tinh, hun đúc và phản ánh sâu sắc, đa diện, nhiều chiều. Là cái nôi của Nho giáo, nơi Sĩ Vương mở trường dạy chữ nho đầu tiên, Bắc Ninh-Kinh Bắc còn nổi tiếng là đất học với gần 700 vị đỗ đại khoa, hàng nghìn cử nhân, tú tài, được sử sách và dân gian ca ngợi và để lại dấu ấn là những di tích nho học như: Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Chỉ ở các huyện, xã có nhiều đỗ đạt; đền, từ đường, nhà thờ của các dòng họ thờ các bậc khoa bảng... Với Bắc Ninh, nhân kiệt không chỉ sinh ra bởi “địa linh” mà còn được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hóa, trưởng thành từ nỗ lực và sự vun trồng. Giới nghiên cứu lịch sử đương đại đánh giá, các bậc hiền tài đất Bắc Ninh-Kinh Bắc không tách rời mà gắn bó mật thiết với văn hóa dân gian, trở thành rường cột nước nhà trên mọi lĩnh vực để làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước. Chính điều ấy giúp cho bản sắc văn hóa vùng đất này luôn vững bền, phát triển theo năm tháng.

 Ngoài chiều sâu và những trầm tích văn hoá ngàn năm, Bắc Ninh còn là xứ sở của thi ca và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống đặc sắc mà tiêu biểu nhất là Quan họ-một đặc sản vô cùng quý báu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bắc Ninh đã và đang toả sáng khắp 5 châu…
 
Chiếc nôi ngàn câu Quan họ

Xa xưa, khi nói về đời sống sinh hoạt văn hoá của người Bắc Ninh-Kinh Bắc, dân gian đã ngợi ca:

Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ dịp khoa
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa...

Là đất văn hiến với tinh hoa hội tụ cùng đội ngũ trí thức đại khoa tài năng xuất chúng cộng với những người thợ thủ công cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã sản sinh ra hàng trăm làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh độc đáo và đặc sắc. Có người nhận định: “Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình âm nhạc hội tụ khí chất của rất nhiều làn điệu dân ca, sự trong sáng, rộn ràng của Chèo; tính thổn thức, mặn mà của hát Dặm; nét khoan nhịp sâu lắng của Ca trù hay chất thênh thang, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ”. Song trên hết, Dân ca Quan họ dễ hát, dễ gần như một lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người, mọi nơi. Không chỉ ngoài sân đình hay trên thuyền rồng, cứ ở đâu người ta thấy lòng tươi vui hoặc thoảng nỗi nhớ thương thì lại ngân nga một đôi câu Quan họ…” .

Sau gần một thập niên được công nhận là di sản thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang phơi phới sức sống, toả ngát hương sắc đặc biệt của mình, ngày càng thể hiện rõ chân giá trị với những tinh tuý lấp lánh, được cộng đồng trong nước và quốc tế ngưỡng mộ. Bây giờ, Quan họ phổ biến khắp trong Nam ngoài Bắc và lan rộng sang nhiều quốc gia nhưng chỉ khi về Bắc Ninh người ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh tuý, sâu sắc của một “nghề chơi” lắm công phu. Bởi, Quan họ không đơn giản chỉ có hoạt động ca hát mà bao chứa trong đó nhiều phong tục, tập quán, lối ứng xử và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Nếu ở những loại hình dân ca khác, việc ca hát là chính thì với Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, những lời ca, câu hát chỉ là phương tiện để người Quan họ thực hành “nghề chơi”, trao gửi nghĩa tình.

 Trong quan điểm thẩm mỹ của người Quan họ, muốn gắn bó lâu dài, toàn diện thì phải lấy chữ “Nhân” làm đầu. Việc đề cao chữ “Nhân” của người Quan họ biểu hiện ngay trong cách đội khăn mỏ quạ và khăn xếp. Liền chị khi chít khăn mỏ quạ phải nắn chỉnh thật vừa, thật khít thành hình chữ “Nhân” và tạo cho khuôn mặt có hình chiếc búp sen. Còn với khăn xếp của các liền anh xưa là một dải lụa màu đen hoặc thâm được gấp khâu theo chiều dài của vải. Mỗi lần đội khăn, liền anh tự vấn lên đầu sao cho 2 nếp đầu tiên cũng phải tạo thành chữ “Nhân”. Những người chơi Quan họ lão luyện trong nghề không chỉ giỏi ca hát, thuộc nhiều làn điệu mà còn tinh tế trong cách phục sức, ứng xử và nghiêm cẩn trong từng lời ăn, tiếng nói… Chính sự chuẩn mực ấy đã mang lại cho khách thập phương cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất văn hiến, với những con người và điệu dân ca đằm thắm mà sang trọng, đầy chất trí tuệ mà vẫn trữ tình, đoan trang mà vẫn gợi cảm…

Tự hào khi Dân ca Quan họ được vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện bài bản, khoa học chuỗi chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng trong và ngoài tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đáng chú ý như: Thực hiện chính sách tôn vinh và đãi ngộ Nghệ nhân Dân ca Quan họ; đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường phổ thông; từ 44 làng Quan họ gốc đã phát triển thêm 329 làng Quan họ thực hành; hoạt động quảng bá, giới thiệu Di sản Dân ca Quan họ đến bạn bè trong nước và quốc tế được tổ chức đa dạng, phong phú. Trong đó, nổi bật là các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” hàng năm, Festival Bắc Ninh, Hội thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân… Đặc biệt, từ tháng 8-2017, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền để phục vụ nhân dân và du khách khi đến thành phố Bắc Ninh…

Về Bắc Ninh, miền đất đẹp như trong cổ tích “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” với chất men say Quan họ đã khiến bao người “phải lòng”, thương nhớ… Chính bề dày, chiều sâu văn hoá lịch sử cùng những trầm tích của miền đất cổ đã kiến tạo nên một Bắc Ninh văn hiến nghìn năm, giàu bản sắc; một miền đất Anh hùng, trẻ trung, năng động, căng tràn sinh lực và đầy khát vọng vươn xa hội nhập hôm nay.
 
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 
 

No comments:

Post a Comment