Wednesday, August 28, 2019

Văn Chỉ làng Dũng Vi

Làng Dũng Vi hiện nay (2019) là xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào những thế kỷ trước là xã Dũng Vi thuộc tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Những sử liệu đã ghi chép. Bắc Ninh nằm trong cái nôi của lịch sử, văn hóa và tôn giáo... Lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa đã để lại rất nhiều di tích cho đến ngày nay. Một trong những loại hình di tích đó là Văn MiếuVăn Chỉ. Đây là những dấu ấn của Nho Giáo du nhập vào nước ta từ xa xưa. Văn Miếu được xây dựng trên phạm vi tỉnh như Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, Văn Miếu Bắc Ninh ở Bắc Ninh và nhiều những Văn Miếu khác trên cả nước. Trong Văn Miếu có dựng những Bia Tiến sĩ. Đề cao và coi trọng việc giáo dục đào tạo hiền tài cho đất nước được ghi khắc trên bia ký.

Nhưng có lẽ di tích có giá trị bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ hình con rùa bằng đá xanh dùng để vinh danh và khích lệ những người đỗ đạt...

Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung thảo bài văn cho các bia đầu tiên. Trong bài ký viết trên bia tiến sĩ đầu tiên, nói về khoa thi năm 1442 có đoạn viết:

 "... Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...[6][7]...". (Trích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).


Bia Tiến sĩ - Photo Wikipedia

Văn Chỉ cũng với mục đích và nội dung trên nhưng nhỏ hơn được xây dựng trên phạm vi làng xã...

Theo tác giả Vũ Hiệp trong bài "Văn Chỉ là gì ?"

"... Việc thờ Khổng Tử, Hiền Triết, Tiên Nho ở Văn Chỉ làng xã đã có từ thời Trần (1225 – 1400). Nhưng quốc sử chép: “Năm canh Tuất (1070) tháng tám, mùa thu, Vua Lý Thánh Tông sai lập văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử Chu Công và Tứ Phối. Vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền (72 Hiền Nho). Bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái Tử đến đấy học” (Đại Việt Sử Ký T.T/ Ngô Sĩ Liên/ Bản dịch, tập I, trang 234 NXB – KHXH/ Hà Nội 1967). Phải đến đời Trần, từ triều Anh Tông (1293 – 1314) nước ta đã đánh thắng đuổi xong giặc Nguyên Mông. Triều đình có nhiều Nho gia giúp Vua trị nước, bớt chịu ảnh hưởng Phật học và các Tăng Sĩ như thời Lý và 4 Vua đầu nhà Trần. Có lẽ, ở 1 số làng có người Nho học đỗ đạt như làng Mộ Trạch đã có 2 anh em ông Vũ Nghêu Tá và Vũ Nông và nhiều làng khác ở quanh Thăng Long, ở Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam trọng Nho học, đã bắt đầu lập Văn Chỉ thờ Thánh Khổng và Tiên Nho để tỏ lòng kính mộ Đạo Nho

Nhưng sự phổ biến lập Văn Chỉ ở các làng xã có học thức Nho giáo phải là giai đoạn 38 năm làm Vua của Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và các Vua kế tiếp (Hiến Tông, Túc tông, Uy Mục, Tương Dực) mới thịnh hành. Vì lúc đó nước ta phát triển cực thịnh về giáo dục Nho học và mở nhiều khoa thi nhất. từ phủ, huyện cho đến thôn xã đều có trường dạy học. Sĩ tử đua nhau đi học, đi thi. Làng Mộ Trạch phải có Văn Chỉ muộn nhất là thời Hồng Đức (1470 – 1497)? Nhưng có thể sớm hơn là triều Nhà Trần?

Trước tiên, phải mở Tự Điển Hán Việt xem 2 chữ Văn Chỉ nghĩa là gì? Văn là người có học vấn, văn vẻ, lời văn”, “Chỉ là cái nền đất, nơi quê quán” (Xem HV Tự Điển/ Đào Duy Anh, trang 162 và 536). “Văn Chỉ là nền Tế Thánh Khổng ở các hương thôn lập nên. Còn của nhà Vua lập ra gọi là Văn Miếu” (trang 536) ở Kinh Đô..."

Như nhiều làng xã khác, làng Dũng Vi cũng có Văn Chỉ và những di tích Đình, Chùa... Đình làng Dũng Vi hay là đình Thôn Lương hiện nay (08-2019) đã được những tác giả đề cập đến trong nhiều bài viết đã đăng. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về những di tích khác trong "Cụm di tích" của làng như Chùa Trong, Chùa Ngoài....

Bài viết này người viết chỉ muốn tìm hiểu thêm về vị trí, kiến trúc và hình ảnh của Văn Chỉ làng nhà.

Văn chỉ được xây dựng từ bao giờ, tọa lạc ở đâu và kiến trúc như thế nào?

"...Ngay giữa làng, chỗ tiếp giáp ngã ba giữa hai con đường Đông Tây và Nam Bắc, có một Văn Chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ..."


(Họa đồ Làng Dũng Vi do Ông Đinh Văn Đỗ vẽ tay năm 1998 - KYDV 2, trang 98, 99)
Xem GOOGLE MAPS 08-2019

Đọc qua đoạn mô tả trên của tác giả Lam Thy Đinh Văn Diệm. Chúng ta đã có thể hình dung được khái quát về Văn Chỉ của làng. 

Phóng lớn và quan sát kỹ trên họa đồ làng vẽ tay của ông Đinh Văn Đỗ năm 1998. Ngay khoảng giữa của họa đồ có một ô nhỏ hình chữ nhật ghi VĂN CHỈ. Như thế, chúng ta có thêm một chỉ dẫn cụ thể khác về Văn Chỉ của làng nhà.

Văn Chỉ làng nhà được kiến trúc khi nào ?

Không có tài liệu nào cho biết rõ Văn Chỉ làng nhà được xây dựng vào năm nào. Theo như phỏng đoán của người viết bài này thì Văn Chỉ làng nhà được xây dựng vào giai đoạn cực thịnh của Nho học từ khoảng Thế kỷ 14,15 cho đến khoảng Thế kỷ 18, cùng thời với những kiến trúc Đình làng ?

Văn Chỉ làng nhà được kiến trúc như thế nào ?

"...Văn chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ...".

"...Văn Chỉ có những bệ xây theo những hình khối nhất định - thường là những hình lập phương - và trên bệ không hề có để tượng thờ một vị thần (khi tế lễ mới rước tượng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử hoặc một danh nho VN như Chu Văn An ra để trên bệ mà tế lễ thôi)..."

Cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu hoặc hình ảnh nào mô tả chi tiết về kiến trúc của Văn Chỉ làng nhà. Vẫn theo tác giả Vũ Hiệp trong bài "Văn Chỉ là gì ?":

"...Mỗi làng có một văn từ hoặc văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là văn chỉ, có lợp mái gọi là văn từ. Văn từ, văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.

Các nơi thờ riêng những bực khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng:

Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa;

Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu;

Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (Tú tài) và những người làm đến bát, cửu phẩm, thờ ban tả.

Đến khi tế tự thì đem cả hào mục tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng.

Nhưng nhiều nơi chỉ trong riêng về đường khoa mục, hẽ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.

Mỗi năm tháng hai, tháng tám tế hai kỳ, gọi là xuân thu nhị định. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế.

Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng, hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt.

Khi đi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ văn chỉ để tạ ơn tiên hiền..."


Văn Chỉ cũng đã được tác giả đồng hương Lam Thy Đinh Văn Diệm, Giáo sư Cử nhân Hán-Việt giải thích trong đoạn bài viết về những di tích của làng Dũng Vi trích đăng dưới đây.

"... Làng có một ngôi Đình rất lớn sát lũy tre phía Nam gần cổng Cầu Cung với hai tảo mạc rất khang trang. Đình hướng Nam, cổng xây theo lối Tam Quan (3 cửa), trước cổng xây một cái giếng thả sen có đủ Tam Cấp và Thủy Tạ.

Phía sau Đình là một ngôi Chùa (có lối đi riêng) gọi là Chùa Trong, và một ngôi Chùa nữa nằm giữa cánh đồng ngăn cách thôn Trong và thôn Đinh gọi là Chùa Ngoài.

Ngay giữa làng, chỗ tiếp giáp ngã ba giữa hai con đường Đông Tây và Nam Bắc, có một Văn Chỉ khá lớn dưới bóng những cây si cổ thụ.

Xin dừng ở đây để nói rõ hơn về Đình - Chùa - Văn Chỉ, mà nhiều người vẫn ngộ nhận đó là của Phật Giáo. Thực ra, chỉ có Chùa là của Phật Giáo thôi. Còn Đình, là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đình không phải là nơi thờ Phật mà là nơi thờ các vị tiền bối có công lớn với làng (cụ thể là Thành Hoàng: những người có công lớn trong làng đã quá cố, được Triều đình sắc phong làm thần bảo hộ làng, và làng có bổn phận phải thờ cúng quanh năm). Vì thế mỗi ngôi Đình của mỗi làng thờ một vị thần riêng của làng, chứ không như tất cả các ngôi Chùa đều thờ Phật. Đình còn là nơi tụ hội mỗi khi làng có hội hè đình đám và ở mỗi ngôi Đình có một ông Đám trông coi, chứ không có Sư trụ trì.

Còn nói về Văn Chỉ thì lại khác hẳn. Văn Chỉ xuất phát từ Khổng Giáo và hoàn toàn chú trọng vào Văn học (Khổng Tử chủ trương NHẬP THẾ chứ không XUẤT THẾ như Phật Thích Ca hoặc Lão Tử), Văn Chỉ không phải là nơi thờ thần (Khổng Tử đã từng nói: “Kính quỉ thần nhi viễn chi” - Kính trọng quỉ thần từ xa xa - ý muốn nói: “Tôi không muốn bàn đến quỉ thần” hoặc “tôi không hẳn là không tin có quỉ thần mà cũng không hẳn là tin có quỉ thần - xin đừng bắt tôi phải nói về quỉ thần”).

Văn Chỉ là nơi để tế lễ tưởng nhớ các vị Tiên Hiền Nho Giáo, có thể dùng làm nơi tụ họp các nho sinh bình văn đọc sách, vì thế trong Văn Chỉ có những bệ xây theo những hình khối nhất định - thường là những hình lập phương - và trên bệ không hề có để tượng thờ một vị thần (khi tế lễ mới rước tượng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử hoặc một danh nho VN như Chu Văn An ra để trên bệ mà tế lễ thôi).

Văn Chỉ thường chỉ có ở những làng trọng văn học và có những bậc Đại Khoa (Cử nhân, Tiến sĩ hoặc ít ra cũng Tú tài). Dũng Vy tuy chưa có các bậc Đại Khoa, mới chỉ có các vị Khóa sinh (đỗ trong phạm vi Tỉnh) như cụ Thủ Hiệu (Thôn Ngoài), cụ Chánh Hội Niên (Thôn Trong) mà đã xây Văn Chỉ, chứng tỏ rằng Dũng Vy rất coi trọng Văn học. Và cả một vùng rộng lớn cũng mới chỉ có một Văn chỉ Dũng Vy, điều này đủ cho các thế hệ sau tự hào về cha ông của mình

Câu nói ở trên của tôi về làng tôi (“nôi trong nôi” - cái “nôi văn hóa làng tôi” trong cái “nôi văn hóa Kinh Bắc”) tưởng cũng không ngoa lắm vậy ! Sau l954, Dũng Vy đã có các bậc Đại Khoa (không phải Đại Khoa Nho giáo vì Nho học đã bị bãi bỏ ở nước ta từ đầu thế kỷ XX theo trào lưu tiến hóa chung của Thế giới) hậu bối như: Đinh Văn Đích (ĐHSP khoa Sử - tương đương cử nhân Sử), Đinh Văn Bảo (Võ bị LQ. Đàlạt - tương đương cử nhân), Đinh Văn Diệm (Cử nhân giáo khoa Văn Chương Việt Hán), Đinh Công Luy (Cử nhân Sử), Nguyễn Văn Hùng (tức Duyến - con ông Hội Gioan - Kỹ sư Cầu đường) - Lớp hậu duệ sau nữa thì có rất nhiều kỹ sư, giáo sư, dược sĩ... Đó phải chăng là những thành quả tốt đẹp sinh sôi nảy nở từ cái nôi trọng Văn học của Văn Chỉ Dũng Vy ?"

Hạ Chí 2000

19.06.2000

(Trích KYDV Số 1, trang 7...)

Xem XỨ DŨNG QUÊ TÔI (Đoạn 5) - Bút ký Lam Thy Đinh Văn Diệm

Ngày nay, không biết Văn Chỉ của làng còn tồn tại hay đã bị hủy hoại, tàn phá theo thời gian và chiến tranh ? Duy có một điều, Văn Chỉ của làng vẫn còn tồn tại trong ký ức của những người làng Dũng Vi.

Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ
Ngày 16/08/2019
Đinh Tất Thức

----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức

No comments:

Post a Comment