Friday, August 9, 2019

Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi

Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi.



Trên những bài viết đã đăng trước đây. Người viết đã trình bày về tên gọi của những thôn, làng Dũng Vi xưa và nay, đồng thời cũng đã thử phỏng đoán về thời gian tính của những tên gọi này qua những tài liệu và ý kiến của những tác giả đồng hương. Trong đó cũng tổng kết những Thần Sắc và Thần Tích liên quan hiện có... (Xem những bài đã đăng qua đường dẫn dưới đây).

- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Những bài viết trên đã trích dẫn một vài tài liệu của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ghi chép về những Thần sắc của 2 thôn là Thôn ĐINH và Thôn KHÊ LƯƠNG, thuộc xã Dũng Vi, tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được triều đình phong cấp vào các năm Quang Trung (1753 – 1792) và Cảnh Thịnh (1783 – 1802). (Xem trích dẫn nguyên văn ở phần dưới).

Bài viết này thử tìm hiểu chi tiết hơn về 3 vị Cao Gia... Đại Vương và vị Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu được sắc phong và thờ phượng trong đình làng.


Thần sắc 2 thôn - Photo Đinh Thức 2013

"5086/ 48. BẮC NINH TỈNH TIÊN DU HUYỆN DŨNG VI TỔNG CÁC XÃ THẦN SẮC 北 寧 省 仙 遊 縣 勇 為 總 各 社 神 敕 - 1 bản viết, 14 tr., 32 x 22, chữ Hán.

AD. A7/ 27.
Thần sắc 2 thôn, thuộc xã Dũng Vi, tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

1. Thôn Đinh , xã Dũng Vi 勇 為: 6 tr., phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo).* Phong cho Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương 第 一 高 家...大 王; Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu 第 一 高 家... 隍 太 后.
2. Thôn Khê Lương 溪 良, xã Dũng Vi: 6 tr., phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo), Cảnh Thịnh (1 đạo).* Phong cho Đệ Nhất Cao Gia, Đệ Nhị Cao Gia, Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương 第 一 高 家, 第 二 高 家, 第 三 高 家...大 王".

Source Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Thần sắc này tất cả gồm có 4 đạo sắc phong, thôn Đinh 2 đạo và thôn Khê Lương 2 đạo.

1. Thôn Đinh, xã Dũng Vi: Phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo) và Cảnh Thịnh (1 đạo).
Phong cho Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương và Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu

2. Thôn Khê Lương, xã Dũng Vi: Phong cấp vào các năm Quang Trung (1 đạo) và Cảnh Thịnh (1 đạo).
Phong cho Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương, Đệ Nhị Cao Gia... Đại Vương và Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương.

Đọc Thần sắc trên chúng ta có thể suy luận, phỏng đoán và diễn giải được những điều sau:

- 4 vị được sắc phong (3 nam và 1 nữ) gồm: 3 anh em họ CAO, Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương và 1 nữ là Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu.

- Thôn Đinh có 2 đạo phong cho 2 vị là Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương và Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu. Chúng ta có thể nhận ra được Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu chính là phu nhân của Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương.

- Thôn Khê Lương có 2 đạo phong cho 3 vị là Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương, Đệ Nhị Cao Gia... Đại Vương và Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương.

- 4 vị này cùng sống ở một địa phương và cùng thời gian, được thờ tại cả ở 2 thôn (Thôn ĐINH và thôn KHÊ LƯƠNG) và được sắc phong cùng năm Quang Trung và Cảnh Thịnh.

- Cả 4 vị đều có những cống hiến rất lớn lao cho dân làng, đem lại đời sống tốt đẹp và được dân làng thờ kính như thần linh phù trợ cho làng... Những vị này có lẽ đã sống trước đó rất lâu, dân làng đời này tiếp nối đời kia thờ phượng nhưng không còn ai biết rõ về gia thế, lai lịch, tên tuổi và sự nghiệp nữa, chỉ còn truyền tụng tên họ và đại danh là Cao Gia... Đại Vương,  ... 3 dấu chấm ở đây có thể là tượng trưng cho tên gọi (Thí dụ: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Cũng có thể vì những người dân xưa kia không biết chữ hoặc không có phương tiện ghi chép mà chỉ truyền miệng về các vị này, hoặc những tài liệu đã thất thoát, mai một cùng thời gian... Cũng rất có thể được ghi chép chi tiết trong những bản Sắc Phong được lưu giữ trong đình làng hiện nay... Đến nay, chưa tìm thấy tài liệu nào được công bố ghi chép chi tiết về 4 vị Cao Gia... Đại Vương này.

- Riêng công đức của bà Nguyên Phi Ỷ Lan thì đã được ghi chép từ thế kỷ thứ XI...

Công lao của 4 vị này đã được triều đình công nhận và sắc phong lên bậc Trung Đẳng Thần. Xem phần trích dẫn trong bài viết "Đình thôn Lương cần sớm được tu bổ, tôn tạo - 22/07/2019 08:15" của tác giả Minh Hường đăng trên BacNinhOnline dưới đây:

"... Đình thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan vợ vua Lý Thánh Tông sinh ra vua Lý Nhân Tông. Bà có nhiều công lớn cùng với chồng con giữ gìn đất nước, củng cố, xây dựng vương triều Lý vào những giai đoạn rực rỡ nhất của thế kỉ XI. Đình còn thờ 3 anh em họ Cao: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, có nhiều công lao giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước, được các triều vua phong lên bậc “Trung đẳng thần” hộ quốc an dân, còn ghi rõ trong sắc phong lưu lại ở đình Lương. Tại đây dân làng vẫn quanh năm đèn nhang, hương khói, “xuân thu nhị kỳ” có hai tiết lệ chính trong một năm đó là ngày 1 tháng 2 âm lịch và ngày 15 tháng 8 âm lịch, là ngày kỷ niệm và tưởng nhớ tới ngày sinh và ngày hóa của các nhân hiền được thờ ở đình làng. Những ngày này dân làng quy tụ đông nhất thể hiện lòng tôn kính đối với các vị tiên hiền...."

Những chi tiết về những vị Thành hoàng này có thể được ghi rõ trong sắc phong lưu lại ở đình Lương, như tác giả cho biết: "Đình còn giữ được 5 đạo sắc phong thời Nguyễn".


Photo KYDV 2000

Một tài liệu nghiên cứu khác của tác giả Nguyễn Hưng có tựa "Khóa luận tốt nghiệp: Tìm hiểu di tích đình Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Hưng" cũng cho biết Đình thờ 4 vị nhân thần và lưu giữ 10 đạo sắc phong:

"... Đình Lương đã có một số tài liệu, văn bản đề cập tới một số giá trị của di tích. Tuy nhiên việc nghiên cứu, tìm hiểu toàn diện, sâu sắc thì chưa có một công trình nào.

Năm 1938, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành công cuộc thống kê, kiểm kê các loại hình di tích trên cả nước, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) có nhiệm vụ quản lí, thì đình Lương cũng được thống kê là có thờ phụng 4 vị nhân thần 10 đạo sắc phong. Trong làng Lương có quy định một số hương ước, tục lệ thành văn và bất thành văn về chăm lo bảo vệ đình làng. ..."

Trên trang mạng Thần Tiên Việt Nam. Blog KYDV trích đăng ngày Thứ Hai 30, Tháng 11, năm 2015 cũng có liệt kê những vị Thần Hoàng này của làng Dũng Vi. Đặc biệt, có đề cập thêm về vị phu nhân Đệ Nhị Cao Gia... Hoàng Thái Hậu nhưng không thấy ghi chép trên tài liệu mang mã số (AD.a7/27) lưu giữ tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ?. Xem trích dẫn nguyên văn dưới đây:


Hóa Mã Đình làng Lương 2019 - Photo YouTube

"... Các vị đều là những vị Thần, Thánh, Tiên nhân của Việt Nam, là nguyên khí tinh túy của các vì sao trên trời đầu thai xuống nhân gian. Là những người trần do tu luyện mà thành. Có công với đất nước, với dân tộc Việt Nam, lập nên những chiến công hiển hách và được phong vương, phong thánh, phong thần. Đã từng nghiên cứu ra những văn minh, tri thức bất hủ để lại cho đời mà chỉ có những bậc tối cao, thần thánh cao nhân mới có được. Nên được người đời lưu truyền sử sách, nơi nơi lập điện thờ, là tấm gương sáng để lại cho các thế hệ sau noi theo. Con cháu muôn đời hương hỏa...

130   Đệ Nhất Cao Gia... Đại Vương            
1. Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc (AD.a7/27)


145   Đệ Nhị Cao Gia... Đại Vương               
1. Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc (AD.a7/27)


146   Đệ Nhị Cao Gia... Hoàng Thái Hậu              
1. Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc (AD.a7/27)

163   Đệ Tam Cao Gia... Đại Vương             
1. Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Dũng Vi tổng các xã thần sắc (AD.a7/27)


..."

Trung Đẳng Thần là ai?

"... Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần. Có những trung đẳng thần được thờ rất phổ biến như anh em Cao Lịch, Cao Khiển là tướng nhà Đinh, thuộc tướng của Đinh Điền. Ở các đền thờ vùng Ninh Bình thì Cao Lịch được sắc phong Lịch Lộ Đại vương trung đẳng thần, Cao Khiển được phong Hành Khiển Đại vương trung đẳng thần..." . Source Thành hoàng - Wikipedia




Tóm tắt

Đình làng Dũng Vi (Đình thôn Lương hiện nay) thờ 5 vị Thành Hoàng là: 3 anh em Cao Gia... Đại Vương, bà Đệ Nhất Cao Gia... Hoàng Thái Hậu và bà Nguyên Phi Ỷ Lan (1044 - 1117).

Những vị Thành Hoàng của làng Dũng Vi đã được Triều đình sắc phong vào Thế kỷ thứ 17 và góp tên vào danh sách "Bảng Phong Thần" cùng những vị Thần Hoàng ở nhiều địa phương khác của cả nước. Được lưu truyền sử sách đến muôn đời sau...

Mới đây nhất, Đình Làng LƯƠNG "Cụm di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa Thôn Lương, xã Tri Phương" cũng đã được nhà nước công nhận là DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA. Số 34/QĐ-BVH, Ngày 9/01/1990. (Xem Tiên Du - Wikipedia, phần Di Tích).

Trên đây là những tham khảo, trích dẫn, phỏng đoán và diễn giải của người viết. Mong đón nhận những ý kiến của quý đồng hương và bạn đọc.

Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ
Tháng 08-2019
Đinh Tất Thức

(Xem phim: "Lễ hội đình làng Lương 2019 - Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh")
----------

Bài viết liên quan:
- Tên Làng: Dũng Vi hay Dũng Vy ?
- Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 8 Con Chuột - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bánh Bèo - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: Bán Rượu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức
- Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức
- Đình Dũng Vi - Blog KYDV
- Những tên gọi của làng Dũng Vi
- Những tên gọi của làng Dũng Vi (Tiếp theo)
- Thần Sắc và Thần Tích xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Thần Sắc và những vị Thành Hoàng làng Dũng Vi
- Văn Chỉ làng Dũng Vi
- Quê hương qua Ca dao: Cái Bống - Nhạc: Đinh Thức

No comments:

Post a Comment