Monday, December 16, 2019

Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

Nơi tưởng nhớ cội nguồn dân tộc

05/04/2017 16:11
 
Bắc Ninh, vùng đất có lịch sử lâu đời, cái nôi hình thành nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Qua hàng nghìn năm, vùng đất này lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng trong đó tiêu biểu có khu lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) nơi tưởng nhớ về cội nguồn của dân tộc.
 
Trong tâm thức mỗi người dân, Kinh Dương Vương là vị vua khởi thủy tạo lập nên đất nước Việt Nam. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư đã có những dòng ghi chép: “Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị. Vua là bậc thánh trí thông minh được cha là Đế Minh phong cho là Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên húy là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.”
Tự hào tỉnh Bắc Ninh là địa phương duy nhất trên cả nước hiện có di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương để tưởng nhớ ơn đức tiền nhân có công mở cõi. Theo các bậc cao niên ở địa phương cho biết, đền thờ Kinh Dương Vương vốn xưa được xây dựng ở phía Tây thuộc xóm Bi làng Á Lữ. Đền thờ Kinh Dương Vương gọi là đền Thượng, gồm hai gian tiền tế và hậu đường. Gần đền thượng là đền Hạ nơi thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ có quy mô nhỏ hơn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hai ngôi đình Thượng và Hạ đều bị phá hủy. Hòa bình lập lại, nhân dân di chuyển đồ thờ tự về vị trí hiện nay để thờ cúng. Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo di tích có kiến trúc quy mô gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ tứ thiết với nhiều mảng chạm khắc hết sức tinh xảo. Đề tài trang trí tại di tích là tứ linh, tứ quý, hệ thống cột được vẽ rồng mây tạo sự tôn nghiêm của ngôi đền. Giá trị của di tích còn thể hiện ở việc lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật như: Thần tích ghi chép về Kinh Dương Vương, 15 đạo sắc phong do các triều nhà Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Khải Định ban tặng ghi nhận công trạng của Kinh Dương Vương với đất nước. Tại chính tiền đường có bức đại tự Nam tổ miếu, “Nam bang thủy tổ”. Trung tâm của Hậu cung là Ngai thờ Kinh Dương Vương, hai bên là Lạc Long Quân và Âu Cơ uy nghiêm đó là những hiện vật minh chứng về một di tích đặc biệt thờ các bậc đế vương của con dân đất Việt.
Cách đền thờ không xa là lăng Kinh Dương Vương được đặt ở nơi địa thế tốt, trên một dải đất cao, bên hữu ngạn sông Đuống. Mặt lăng quay hướng Bắc, xung quanh là bãi bồi với tổng diện tích trên 4000 m2. Trải qua trường kỳ lịch sử, khu di tích lăng được các triều đại phong kiến quan tâm chú ý tôn tạo. Khu lăng mộ gồm quần thể các công trình kiến trúc: Lăng mộ, nhà thờ Văn, nhà thờ Võ và nhà Khách và Nghi môn. Trung tâm khu lăng là đài lăng được xây dựng bằng đá theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, trung tâm lăng mộ đặt tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” khắc vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) qua đó cho biết thời gian trùng tu tôn tạo công trình. Khu di tích lăng mộ với nhiều cây cổ thụ tạo thành quần thể di tích thâm nghiêm cổ kính.
 Về dâng hương Thủy tổ chúng ta hòa mình vào lễ hội hết sức đặc sắc phản ánh truyền thống văn hóa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Lễ hội Kinh Dương Vương là một hội vùng với sự tham gia của nhân dân nhiều làng trong huyện. Xưa kia lễ hội được tổ chức trong thời gian từ 16 đến ngày 24 tháng Giêng hàng năm. Mở đầu lễ hội là nghi lễ tế nhập tịch trang nghiêm do các bậc cao niên thực hiện tại đền Thượng và đền Hạ. Sáng 18 tháng Giêng, sau tiếng trống khai hội đoàn rước bài vị của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ đền ra lăng và ngược lại được bắt đầu. Lực lượng tham gia rước hội được chia cho ba giáp trong làng là giáp Nam, giáp Bắc, giáp Đoài. Người tham gia rước là nam thanh niên từ 18 đến 45 tuổi mặc quần bó cạp, áo lửng hai thân sắc màu rực rỡ, tiếp theo là 10 người rước gươm trường bát bửu có biển tĩnh túc và hồi y để báo lệnh. Đi sau bát bửu là trống cái và chiêng đại, mỗi thứ có hai người khiêng, một người đánh, một người che lọng, đội nhạc tế. Tiếp theo là hai kiệu long đình mỗi kiệu có 8 người khiêng, kiệu đi trước rước sắc phong, kiệu đi sau rước chóe cùng với toàn thể nhân dân tham dự. Đoàn rước về lăng, nhân dân tổ chức tế lễ nghiêm cẩn ca tụng công lao đức Vua, tỏ lòng biết ơn ngưỡng mộ của lớp lớp con dân đất Việt đối với vị vua thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, cầu mong dân làng bình an, quốc thái dân an mưa hòa gió thuận, thiên hạ thái bình.
Một nghi lễ đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Kinh Dương Vương là lễ “Rước nước”. Rước nước là một tục lệ thể hiện rõ nhất với quan niệm “rước nước năm trước hưởng lộc năm sau” của nhân dân địa phương, mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ông chủ tế là người được vinh dự đại diện cho dân làng lên thuyền ra dòng sông Đuống lấy nước tinh khiết về để thờ. Chóe nước thờ sẽ được sử dụng làm nước cúng trong suốt một năm. Cùng với nghi lễ trang nghiêm, lễ hội Kinh Dương Vương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: hát Trống quân, múa rối nước, tổ tôm điếm, hát Quan họ, các trò chơi dân gian như vật, chọi gà thu hút hàng vạn nhân dân tham dự.
Với giá trị đặc sắc trong những năm qua khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm đầu tư quy hoạch, trùng tu tôn tạo; đẩy mạnh công tác quảng bá tuyên truyền giá trị di tích; tập trung nghiên cứu sưu tầm các tài liệu; phối hợp mở các tour du lịch tâm linh đưa du khách về tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về di tích.
Nguồn: Nguyễn Hữu Mạo (Ban Quản lý di tích tỉnh)
 

No comments:

Post a Comment