Wednesday, December 18, 2019

Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

Khai quật khảo cổ học tại di tích Luy Lâu năm 2017-2018: Nhiều kết quả quan trọng

01/02/2018 23:10
 
Từ cuối tháng 12-2017 đến cuối tháng 1-2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á phối hợp với Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ tư. Đợt khai quật này tiếp tục được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác 5 năm (2014 - 2019) giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản). Phụ trách nhóm khai quật là GS.Hoàng Hiểu Phấn, Đại học Đông Á (Nhật Bản).
 
Tiếp nối kết quả đạt được trong các đợt khai quật năm 2014, 2015 và 2016 cũng như dựa trên kết quả khảo sát từ năm 2012, lần khai quật  này, đoàn nghiên cứu mở 1 hố khai quật có diện tích 20m2  với mục đích tìm hiểu những dấu vết văn hoá của thời kỳ hình thành Luy Lâu và xác định cấu tạo, hình dáng ngoại hào phía đông của thành Nội.
 
 
Các nhà khoa học nghe báo cáo kết quả sơ bộ tại hiện trường.
 
Kết quả, trong địa tầng lớp trên xuất lộ dấu vết hào bị lấp của thế kỷ 18, trong lớp đắp ken dày phát hiện nhiều mảnh hiện vật liên quan đến việc luyện đúc. Ở lớp thời Đường, phát hiện nhiều gạch, trong đó có viên gạch khắc chữ “Châu” – có thể cho đây là chứng cứ vật chất quan trọng đưa ra chứng minh di chỉ thành Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ, rồi tiếp đó là trị sở của Giao Châu.
 
Qua so sánh, nghiên cứu đối chiếu với kết quả những năm trước, Đoàn khai quật định hình được phần hào phía Đông của thành Nội thuộc hai thời kỳ: Thời kỳ II –III có độ rộng khoảng 10m, độ sâu khoảng 2,46m. Thời kỳ I có độ rộng khoảng 9m, độ sâu khoảng 1,6m (tính từ bề mặt hố là 3,8m). Hố khai quật còn xuất lộ nhiều loại hình di vật như than, đồ gỗ, đồ sắt, xương động vật, gạch ngói có hoa văn, trong đó chủ yếu là hiện vật thời Hán, bên cạnh đó là gạch ngói, mảnh gốm thời Ngô (Tam Quốc).
 
Tóm lại, kết quả của đợt khai quật này đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề còn tồn nghi của những đợt trước đó, từng bước khôi phục lại diện mạo của thành cổ Luy Lâu xưa. Sự phong phú và đa dạng về di tích và di vật cho thấy Luy Lâu là một trung tâm chính trị, văn hoá lớn, tiêu biểu trong nghiên cứu lịch sử giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên tại Việt Nam, của khu vực Đông Á và còn nắm giữ vai trò quan trọng trong lịch sử châu Á cổ đại.
 
Trước đó, tại khu vực di tích Luy Lâu diễn ra một đợt khai quật khác do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội) và Trường Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh nhằm đi sâu nghiên cứu khu vực nội thành với mong muốn góp phần đoán định niên đại, xác định đặc trưng di tích cũng như phục dựng lại đời sống dân cư trong thành. Qua đó góp thêm tư liệu cho quá trình nghiên cứu lịch sử thời đầu Bắc thuộc ở miền Bắc Việt Nam và trong việc xác định vị trí của Luy Lâu trong mối quan hệ với các khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam, Nam Trung Quốc, Chăm pa và Ấn Độ.
 
Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố khai quật trong khu vực thành Nội, một hố 16m2 và một hố 4m2. Kết quả thu được khối lượng hiện vật khá lớn, trong đó chủ yếu là mảnh vỡ của các loại hình vật liệu kiến trúc bằng đất nung, đồ gốm sứ gia dụng. Ngoài ra cũng phát hiện thêm một số di vật bằng kim loại, thuỷ tinh, đá và dấu tích xương. Qua đó thấy được phần nào sự phong phú, đông đúc, tập trung của đời sống dân cư nơi đây.
 
 
 

Hiện vật thu được trong cuộc khai quật di chỉ Luy Lâu năm 2017-2018
 
Các hiện vật phát hiện được như bát, âu, nồi, vò, nghiên mực… làm từ gốm men, gốm cứng, gốm sành cho thấy tính chất phức hợp của khu di tích Luy Lâu. Nhiều loại hình vật liệu gạch ngói phát hiện trong hố khai quật chứng tỏ có nhiều kiến trúc nhà cửa, dinh thự trong thành Luy Lâu, trong đó có cả những kiến trúc lớn. Với những loại đồ dùng sinh hoạt tìm thấy tại đây như chỉ lưới, dọi xe chỉ, đá có vết mài là những dụng cụ sản xuất tiêu biểu của cư dân vùng Dâu để trồng lúa, trồng dâu, dệt vải, đánh cá… cho thấy đây cũng là di chỉ cư trú của cả quan lại, tri thức và tầng lớp bình dân kéo dài trong nhiều thế kỷ, trong đó giai đoạn Lục Triều khá đậm nét. Kết quả khai quật còn cho thấy sự phát triển của những nghề truyền thống mà tiêu biểu là nghề làm gốm.
 
Tại khu vực mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu nằm trên cánh đồng Dâu thuộc địa phận thôn Khương Tự (xã Thanh Khương). Đoàn nghiên cứu đã mở hai hố thám sát cắt ngang mộ thành hình chữ thập. Một hố theo chiều Đông Tây rộng 3m, dài 15m và một hố theo chiều Bắc Nam rộng 2m, dài 15m. Mục đích khai quật mộ gạch nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa di vật tuỳ táng và gạch xây mộ với di vật tương tự tìm thấy trong thành Nội, đồng thời tìm hiểu cấu trúc và kỹ thuật xây đắp của một ngôi mộ gạch có niên đại cùng thời với thành Luy Lâu.
 

Hiện trường khai quật khu mộ gạch phía Đông Nam thành Luy Lâu.
 
Về quy mô và cấu trúc, ngôi mộ khai quật có hướng cửa phía Đông, dài 9,76m, cao nhất khoảng 2,5m. Đây là một ngôi mộ gạch có cấu trúc vừa phải, thuộc nhóm mộ đơn táng có tiền thất, chủ quan thất, hậu tàng thất, Đông nhĩ thất và Tây nhĩ thất. Căn cứ vào quy mô, cấu trúc tường đơn và đôi của hầm mộ, gạch kích thước lớn với nhiều loại hoa văn khác nhau cùng đồ tuỳ táng còn sót lại trong mộ có thể thấy, niên đại ngôi mộ thuộc thời kỳ Đông Hán, thế kỷ I-III. Do không còn dấu vết của quan tài và xương cốt người chết nên giới nghiên cứu chưa dám bàn luận cụ thể về chủ nhân của ngôi mộ này.
 
Kết quả điều tra và khai quật mộ gạch cung cấp thông tin khoa học cho việc nghiên cứu về cộng đồng dân cư ở đây trong những thế kỷ đầu Công Nguyên từ đời sống vật chất, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày, cho đến quan niệm về thế giới thứ 2 sau khi chết. Đặc biệt, tiếp tục khẳng định vị trí của Luy Lâu trên bản đồ những khu mộ địa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu Công Nguyên. Qua đó, các nhà nghiên cứu bước đầu vạch dựng được con đường di chuyển chính của những quan lại nhà Hán được điều sang Giao Chỉ nhậm chức cũng như hành trình của những thương nhân Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á vào miền Bắc nước ta.
 
Nguồn: Thuận Cẩm
 

No comments:

Post a Comment