Thứ tư, 5/2/14, 08:18 GMT+7
Du khách có thể thăm những mái đình cổ kính, lênh đênh trên dòng sông Cầu, sông Đuống thơ mộng và nghe làn điệu dân ca mượt mà, say đắm lòng người trên đất Bắc Ninh.
Đường đến và phương tiện đi lại
Cách Hà Nội khoảng hơn 30 km, du khách có thể đến thăm Bắc Ninh, nơi nổi tiếng với làn dân ca Quan họ luôn làm say đắm lòng người. Du khách có thể đến đây bất kỳ mùa nào trong năm, nhưng vào mùa Xuân là thời điểm đẹp nhất, khi tiết trời ấm áp và khắp nơi mọi người đều nô nức đi trẩy hội. Để thăm hết các điểm đến ở Bắc Ninh, bạn nên lưu lại đây ít nhất 2 ngày.
Từ Hà Nội về Bắc Ninh bạn có thể đi xe bus hoặc xe khách ở các bến xe Hà Nội, sẽ có lần lượt các điểm đến theo lịch trình tại các bến xe khách như Long Biên, bến xe Lương Yên...
Nếu du khách muốn chủ động lịch trình điểm đến, cũng có thể "phượt" bằng xe máy cũng rất thú vị.
Những điểm du lịch
Đền Đô cổ kính và uy nghiêm. Ảnh: A. Phương
|
Đền Đô tọa lạc ở ngay làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý, do Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019. Năm 1030, Thái miếu được Lý Thái Tông nâng cấp, mở rộng thành đền thờ Lý Thái Tổ. Nơi đây thờ 8 vị vua triều Lý. Trải qua gần 900 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Đô đã trở thành một trong những địa chỉ tiêu biểu nhất của quê hương Kinh Bắc.
Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Vào ngày lễ này, người dân ở khắp nơi tụ họp, tham gia lễ hội có từ lâu đời để tưởng nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ những vị vua đã có công xây dựng đất nước.
Ngoài thăm đền Đô, du khách cũng nên ghé thăm làng Đình Bảng đã đi vào thơ ca, nơi có đình Đình Bảng với kiến trúc độc đáo vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Làng Tranh Đông Hồ chỉ cách Hà Nội khoảng 35 km, là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian. Nét dân gian của tranh Đông Hồ nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được làm từ vỏ con điệp trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc của tranh cũng sử dụng các màu tự nhiên từ cây cỏ. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Tranh Đông Hồ được làm trên chất liệu giấy dó đặc sắc. Ảnh: A.Phương
|
Làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang tấp nập người qua lại. Với phong cảnh hữu tình, nơi đây có rất nhiều những ngọn núi đẹp và những dòng sông thơ mộng, hiền hòa.
Không tấp nập ồn ã, làng gốm Phù Lãng mộc mạc với những nếp nhà gạch trần bình dị, mái ngói rêu phong cổ kính ẩn hiện bên con đường làng quanh co. Khắp nơi, du khách có thể thấy những dãy dài chum vại, chậu nồi, ấm đất được xếp hàng dài ven đường với đủ hình hài, màu sắc. Gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.
Làng du lịch Tam Tảo, nơi bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khung cảnh cổ kính xưa cũ như mái đình với tuổi đời hàng trăm năm, đắm chìm trong làn điệu dân ca quan họ trữ tình hay hình ảnh những cụ cao niên trong làng chăm chú bên bàn cờ tướng. Khung cảnh ở đây dường như rất thanh bình khiến du khách như quên đi những chộn rộn của cuộc sống thường nhật.
Bạn đừng quên dừg chân ở đình làng được xây dựng năm thứ 14 thời vua Gia Long triều Nguyễn (1815). Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Phía trước ngôi đình là hồ bán nguyệt, có thủy đình là nơi liền anh, liền chị thường hát quan họ trong những ngày lễ hội.
Gốm Phù Lãng nổi tiếng. Ảnh: Vũ Văn Long
|
Làng cỗ chay Đào Xá nổi tiếng khắp vùng bởi sự độc đáo. Mâm cỗ chay làng Đào được sắp xếp, bày đặt trên mâm đan, bát đàn. Tất cả các món ăn đều làm từ sản phẩm của nhà nông. Trong đó, món bánh cắp và cháo cái không thể tìm thấy nơi nào khác ngoài làng Đào Xá.
Du thuyền trên sông ở Cổ Mễ, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thơ mộng, trên những con thuyền xuôi theo dòng sông Cầu. Ở mỗi bến sông, du khách sẽ được tiếp đón rất nồng nhiệt, sẽ được du ngoạn thăm bãi nhãn, những rặng tre hay những miền sông nước vùng quê trù phú.
Về hội Lim nghe hát quan họ vào hai ngày 12 - 13 tháng Giêng hàng năm. Sức hấp dẫn của những điệu dân ca ngọt ngào cùng nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc khiến hội Lim đã trở thành một điểm hẹn mỗi độ xuân về, để rồi mỗi du khách ra về ai ai cũng vấn vương câu hát “Người ở đừng về”.
Anh Phương
Source VnExpress
No comments:
Post a Comment