Wednesday, February 19, 2014

Sách cổ miền Kinh Bắc

Thứ Hai, 26/11/2012, 15:50'

Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến...
  
Bia 25 Tiến sĩ làng Kim Đôi.
 
Hệ thống thư tịch cổ Kinh Bắc đều làm bằng những chất liệu có độ bền vững cao với thiên nhiên và tác động của con người.
 
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét Kinh Bắc ở vào trung tâm của văn minh Đại Việt, với sự phát triển nghề làm lúa nước sớm, với những kinh đô Cổ Loa, Luy Lâu, với chữ viết và phật giáo đứng chân và phổ biến... Quả vậy, hệ thống thư tịch cổ miền Kinh Bắc còn lại đến nay khá phong phú, đa dạng, tương đối lâu bền giúp hậu thế hiểu được cuộc sống xa xưa của cha ông, qua đó là những tinh hoa văn hoá truyền lại. Hệ thống thư tịch cổ chưa được thống kê và khai thác đầy đủ, thậm chí có nơi còn làm thất thoát, nhưng chỉ với số ít lượng thư tịch cổ này được khai thác sử dụng cũng đã làm sáng danh miền quê văn hiến.
 
Ngoài những thư tịch trên chất liệu giấy thông thường như gia phả, sắc phong, thần tích, ta còn thấy có những chất liệu bền vững khác là sách đá, sách đồng và sách gỗ.
 
Sách đá là khắc chữ trên chất liệu đá, còn lại phổ biến hơn cả do sự bền vững của đá, do trị giá vật chất không cao và do sự thiêng hoá trong quan niệm dân gian. Được biết riêng ở huyện Yên Phong đã tổ chức khai thác tương đối toàn diện hệ thống sách đá trong huyện qua công trình đã in Văn bia Yên Phong. Một số địa phương cũng tự tổ chức dịch hoặc bỏ tiền thuê dịch một số bia. Còn lại hầu như chưa được khai thác.
 
Trong địa giới Bắc Ninh hiện nay ta thấy có những bia đá rất lớn như bia trùng tu Văn Miếu tỉnh, bia đền Lũng, bia chùa Bút Tháp. Lại có loại sách đá lớn hơn là cuốn kinh khắc trên tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp, tháp mộ sư Minh Hành, người có công chỉ đạo xây chùa Bút Tháp thế kỉ 17 và mang kinh phật thiền tông từ Trung Quốc về chùa. Ngoài ra ta còn thấy sách đá ở cây hương, cầu quán, khánh hoặc trên những viên đá làm vật liệu xây dựng.
 
Một trong những cuốn sách đá có niên đại sớm là bia trùng tu đình xã Mão Điền, Thuận Thành, dựng năm 1587 thời Mạc. Qua bia này ta đọc được thông tin về quy định mức góp tiền tu sửa đình, 38 quan sẽ được bầu làm hậu thần, thu tô ruộng công điền 4,8 thăng thóc 1 mẫu, tên hậu thần và cách lập khoán ước bầu hậu thần...
 
Bia trùng tu đền Đô dựng năm 1604 khi nhà Lê mới trung hưng cho biết lịch sử nhà Lý, những người có công trùng tu đền, những quy định bảo vệ đền và các lăng mộ nhà Lý. Ý nghĩa lịch sử của vương triều Lý đã được khẳng định từ thời đó như sau: Thế nước thật vững vàng, chủ trương giữ nước chu đáo, vun đắp tình đoàn kết dân tộc. Dẫu thời vận đã hết, công đức ấy phải duy trì để người nước Nam đời đời ghi nhớ, phải dựng đền thờ cúng để toàn dân tôn kính báo đền công đức Lý triều. Bia chùa Bút Tháp khá phong phú để lại rất nhiều thông tin về ngôi chùa và quá trình xây dựng. Riêng bia Phụng lệnh chỉ do thiền sư Minh Hành soạn văn ở chùa Bút Tháp viết rằng: Than ôi! Ta vốn là kẻ nghèo hèn ở đất Hu Giang, biết bao giờ gửi tinh chất vào toà sen thượng phẩm. Ngoảnh mặt vào tường, đứng trong tuyết lạnh, ấn tổ theo đó thêm sáng; lưng đeo đá nặng giã gạo đêm khuya. Y bát từ đây kế truyền. Một niệm Di Đà sáng soi thế giới ba ngàn đại thiên; Luận bàn Phật điển phô bày nghĩa lí sáu đời lục tổ. Qua lời văn này khẳng định chùa đây là một nhánh của thiền tông Thiếu Lâm mà thiền sư Minh Hành chính là một vị tổ. Bia cầu Bái Giang dựng năm 1644 có những lời luận sâu sắc về công việc dựng cầu và lời văn rất bay bổng: Cầu cao to vắt ngang sông, người xem có cảm giác như trụ cầu ở giữa dòng mà thân cầu lại bắc tận mây. Những trụ những xà của cầu trông như ngọc, trăng soi gió thổi, nắng không đến mà đất cũng không nhuốm tới được. Làng xa mã, khách công khanh cho đến người buôn bán, khách lữ hành, kẻ làm ruộng qua qua lại lại trên cầu như đi vào cõi nhân thọ. Chiếc cầu đã điểm vào chỗ thiếu của tạo hoá góp vào chỗ không đủ của trời đất.
 
Sách đồng là văn bản khắc trên chất liệu đồng, như chuông, khánh, đồ thờ và sách bằng giấy đồng. Văn bản chuông chùa Long Châu ngoài cho biết niên đại đúc chuông còn cho biết các địa phương và cá nhân hàng phủ cúng tiền cho địa phương sở tại làm chuông. Như vậy ý nghĩa của việc đúc chuông có tính xã hội rộng lớn. Cuốn sách đồng chép kinh Lăng Hoa Nghiêm cất ở tháp Tôn Đức chùa Bút Tháp lại là một cuốn sách hoàn chỉnh bằng giấy đồng. Do đồng là loại vật chất có giá trị cao nên việc bảo quản loại sách này khá khó khăn và còn lại đến nay không nhiều.
 
Sách gỗ là loại thể hiện văn bản trên chất liệu gỗ, có thể viết chữ lên gỗ, có thể khắc chữ lên gỗ. Gỗ thường được xử lí công nghệ cao là sơn then hoặc sơn son thếp vàng. Kiểu dáng gỗ cũng làm hình thức đẹp, như các bức hoành phi, câu đối, cuốn thư. Cũng có khi chữ khắc kèm tranh và trở thành một bộ phận của tranh, như các bức tranh làng Hồ. Ở Bắc Ninh hiện còn lưu giữ được một số bộ sách gỗ nguyên vẹn, đó là các bản khắc sách Cổ Châu phật bản hạnh thế kỉ 18 ở chùa Dâu. Do chất liệu gỗ có thể bị mối mọt, bị cháy, bị chuyển mục đích sử dụng nên độ bền vững không cao, tuy nhiên gỗ dễ kiếm, nghề mộc sơn ta khá thịnh nên sách gỗ hiện còn vẫn nhiều, tới tận gia đình riêng. Lượng thông tin sách gỗ đem lại khá phong phú. Đáng chú ý là dòng chữ khắc ở bệ pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt chùa Bút Tháp cho biết tác giả pho tượng là Giao Thọ nam Trương tiên sinh, làm xong năm 1656. Chùa Tùng Lâm, chùa Đại Bi, chùa Khánh Lâm đều có sách gỗ chép thơ vịnh cảnh. Nhiều câu đối có nội dung ca ngợi danh nhân sâu sắc, tiêu biểu như câu đối đình Đình Tổ ca ngợi Lê Văn Thịnh:
 
Đông nhạc giáng thần, vi lương sứ, vi sư, vi tướng, quán cổ nguy khoa truyền Lý sử
Nam triều hiển thánh, như tường vân, như tinh, như nhật, ức niên linh tích trấn liên đàm
 
Hay câu đối miếu Âm Hồn ca ngợi bà ba Cai Vàng:
 
Tiểu cát phục nhung y kị mã huy kì danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc
Xuất gia quy thiền phái chiêu kinh tịch kệ giác chân đức độ phật Như Lai.
 
Tạm dịch:

Thân gái yếu đuối mà làm tướng giỏi, nổi tiếng là anh hùng của đất Kinh Bắc
Khi tu hành theo đạo Phật chăm đọc kinh kệ, thông hiểu hết đức độ của phật tổ Như Lai.
 
Ngoài ba loại sách kể trên, miền quê Kinh Bắc còn loại sách cổ bằng nguyên liệu vữa tốt đắp ở các cột đồng trụ, ở cổng, ở tường, có khi là vữa nguyên, có khi được dán mảnh gốm nhiều màu. Loại sách này thay cho sách gỗ vì trưng ở ngoài trời, chịu được mưa nắng gió bão của thời gian. Loại hình này gần đây được các nghệ nhân gốm Bát Tràng vận dụng làm sách gốm tráng men, vừa đẹp vừa bền. Sách gốm đã được trưng ở đền Đô với bản Chiếu dời đô và một số câu đối ở cột đồng trụ.
 
Sách cổ mặc dù chưa được khai thác sử dụng hết, nhưng chỉ sự tồn tại rất phong phú của nó đã nói lên nhiều điều về một miền quê giàu truyền thống văn hoá, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
 
theo Phạm Thuận Thành-BBN
 

No comments:

Post a Comment