Đình làng trong đời sống đương đại
08/06/2018 09:30
Nếu như chùa làng là nơi để người ta đến tụng kinh niệm phật cho tâm thanh tịnh, bình an và giác ngộ thì đình làng là nơi để người dân đến vui chơi, hội họp, ăn uống, giải trí. Đó chính là đặc tính cộng đồng, dân dã của đình làng.
Đình Đồng Kỵ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mái đình vẫn gắn bó vẹn nguyên, bất di bất dịch, tồn tại đồng hành trong đời sống người dân qua các thế hệ. Đình làng không chỉ là nơi thờ Thành hoàng của làng, nơi tế tự và hội họp mà còn là nơi mở hội làng. Mọi tinh hoa vật chất và tinh thần của cộng đồng làng xã luôn tập trung, thể hiện, phản ánh ở ngôi đình làng.
“Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói em thương mình bấy nhiêu”.
Dưới mái đình làng, người ta còn trao gửi yêu thương, chia sẻ, bộc lộ tình cảm, hò hẹn và tình tự… Đình làng được coi là biểu tượng “hồn cốt” của làng xã, quê hương. Đó là niềm tự hào của cộng đồng dân cư trong làng và là hình ảnh luôn lắng sâu trong tâm thức của những người xa quê khi nhớ về cội nguồn.
Bắc Ninh-Kinh Bắc nổi tiếng với những ngôi đình bề thế, các lớp ngói đao cong uốn lượn duyên dáng, được chạm trổ phong phú các kiến trúc rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư… tinh xảo. Nhiều ngôi đình đẹp nổi tiếng được ca ngợi trong tiềm thức dân gian
“Thứ Nhất là đình Đông Khang
Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”…
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn tính đến năm 2013, toàn tỉnh có tổng số 1558 di tích, trong đó có tới 513 ngôi đình làng.
Qua các tài liệu thư tịch cổ kết hợp quá trình khảo sát điền dã thực tế tại hầu hết làng xã ở Bắc Ninh, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi đình được khởi dựng sớm nhất ở Bắc Ninh hiện nay là đình Mão Điền Đoài, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành. Đình Mão Điền được khởi dựng trước năm 1584 (thời Mạc) và đến năm 1584 thì được trùng tu tôn tạo. Một trong những ngôi đình ở Bắc Ninh còn bảo lưu được dấu ấn điêu khắc thời Mạc là đình Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh). Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), Bắc Ninh phát triển làng nghề, làng buôn bán giàu có nổi tiếng nên có điều kiện xây dựng, trùng tu và mở rộng đình làng với quy mô lớn, chạm khắc trang trí lộng lẫy, tinh xảo… Sang thời Nguyễn, nhiều ngôi đình tiếp tục được trùng tu mở rộng đến ngày nay, tiêu biểu như: Đình Đình Bảng, đình Phù Lưu, đình Hồi Quan, đình Đồng Kỵ (Từ Sơn); đình Thọ Đức, đình Quan Đình (Yên Phong); đình Diềm, đình Cổ Mễ, đình Đáp Cầu, đình Châm Khê, đình Xuân Ổ (thành phố Bắc Ninh); đình Bùi Xá (Thuận Thành); đình Bảo Tháp, đình Yên Việt, đình An Quang, đình Môn Quảng (Gia Bình)...
Mỗi đình làng ở Bắc Ninh là một thiết chế văn hoá truyền thống, nơi lưu giữ tinh hoa của các thế hệ người dân ở từng thời kỳ lịch sử. Nghệ thuật kiến trúc, các bức chạm khắc, trang trí trên những cấu kiện gỗ ở đình làng với đa dạng đề tài tứ linh, tứ quý và cuộc sống con người… đều là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc sắc mà các nghệ nhân xưa đã dày công tạo tác, gửi gắm những thông điệp của lịch sử đương thời. Đình làng Bắc Ninh còn lưu giữ hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú như thần tích, thần phả, sắc phong, bia đá, đồ thờ tự, hoành phi, câu đối, đồ tế khí, hương ước, khoán ước…
Cửa võng đình Diềm (Hoà Long, thành phố Bắc Ninh).
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn công lao của các vị Thành hoàng, hàng năm nhân dân các làng xã tổ chức lễ hội tại đình với nhiều nghi thức tín ngưỡng được tổ chức long trọng, trang nghiêm gồm cả phần lễ và phần hội. Bởi vậy, tại không gian đình làng diễn ra cả hoạt động tế Thần, rước Thần cùng với các hoạt động văn hoá nghệ thuật, trò chơi dân gian.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế với sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng Nông thôn mới hiện nay, đình làng tuy bớt đi một phần chức năng hành chính nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng, là thiết chế văn hoá trung tâm thờ Thành hoàng làng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, văn hoá tâm linh, gìn giữ thuần phong mỹ tục và giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Hoạt động trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đình làng được chú trọng với sự đầu tư đáng kể của Nhà nước cùng nguồn vốn xã hội hoá. Công tác kiểm kê di tích, di sản được tiến hành thường xuyên. Nhiều việc làm thiết thực nhằm truyền tải ý nghĩa, vai trò và bảo tồn các giá trị văn hoá của đình làng trong cuộc sống đương đại vẫn được các thế hệ dân nối tiếp duy trì… để bảo vệ, giữ gìn “mái nhà chung” của cộng đồng làng xã, quê hương.
No comments:
Post a Comment