XÁC LẬP CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ TÌM NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT
Ngày đăng: Thứ tư 04/07/2012 12:00:00 (GMT +7)
Tìm nguồn gốc dân tộc là khát vọng truyền đời của người dân Việt. Một nhu cầu đặc biệt bức thúc, nảy sinh trong hoàn cảnh bị áp lực nặng nề do ý niệm không biết có từ bao giờ lưu truyền rằng, dân tộc Việt bị người Hoa đồng hóa không những về văn hóa mà ngay cả huyết thống. Không chỉ nhằm đáp ứng đòi hỏi tâm linh “chim có tổ, người có tông” mà một cội nguồn đích thực còn có thể là bằng chứng về sự độc lập của dân tộc, một hy vọng vượt thoát khỏi cái bóng của người láng giềng khổng lồ phương bắc, giúp người Việt ngửng đầu…Vì vậy, từ thời Trần – Lê, các sử gia dựa trên truyền thuyết trong dân gian Việt kết hợp với cổ thư Trung Hoa đã đưa vào chính sử vị tổ Thần Nông Viêm đế và thời điểm năm Nhâm Tuất 2879 TCN lập nước Xích Quỷ.
Thời cận đại, các học giả người Pháp của Viễn Đông Bác cổ cho rằng “Người Việt có mặt ở Trung Quốc từ thế kỷ XI TCN mà di duệ là nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn. Năm 333 TCN, Sở diệt nước Việt. Hậu duệ của Câu Tiễn chạy xuống Việt Nam, thành tổ tiên người Việt.” (1) Các học giả tiên phong như Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh…tiếp thu ý tưởng này, biến nó trở thành tri thức chính thống của người Việt gần thế kỷ nay.
Những năm 80 thế kỷ trước, các sử gia Việt Nam dựa vào khám phá văn hóa Đông Sơn, khẳng định, lịch sử dân tộc ta bắt đầu 700 năm TCN và yêu cầu Quốc hội sửa hiến pháp theo “nghiên cứu” của họ. Nhưng có lẽ do nhiều người còn lưu luyến “nếp nghĩ thời phong kiến với 4000 năm lịch sử”, nên Hiến pháp 1992 chỉ ghi “Việt Nam có mấy nghìn năm lịch sử (!)”, một con số phiếm định, không thể nói là nghiêm túc khoa học. Vì vậy, thời Hùng Vương vẫn gây hoài nghi, như nhận xét có phần mỉa mai của nhà sử học người Mỹ gốc Việt Tạ Chí Đại Trường:
“Các biến động mới cùng sự thất bại không thú nhận của việc nối kết thành quả khảo cổ học với thời Hùng Vương ở miền Bắc, khiến cho vấn đề lại buông thả cho cảm tính, cho những khẩu hiệu chính trị cấp thời của sử học…” (2) Trong thực tế nhiều người vẫn bướng bỉnh níu giữ quan điểm “4000 năm” thậm chí “gần 5000 năm” lịch sử!
Sự nhận thức khác nhau như vậy là điều dễ hiểu bởi lẽ, cho tới cuối thế kỷ XX, khoa học chưa thống nhất về nguồn gốc người hiện đại. Vì vậy việc xác định nguồn gốc của bất cứ dân tộc nào cũng chưa đủ cơ sở! Thực tế chứng tỏ rằng, mặc dù có lịch sử thành văn khá sớm với 24 cuốn sử (nhị thập tứ sử), người Trung Hoa cũng chưa biết gốc gác họ! Điều này không phải lỗi của ai mà do hạn chế của tri thức nhân loại ở thế kỷ trước: khoa học chưa phát minh ra phương pháp luận đủ sức giải quyết nhiệm vụ lớn lao này!
Sự việc càng trở nên phức tạp hơn, khi quá nhiều giả thuyết khác nhau được đặt ra, rồi vì nhiều lý do, người ta níu giữ những “sáng kiến” của mình, từ chối đối thoại với những phát hiện mới, biến những nhà nghiên cứu thành dân Babel, càng nói nhiều càng không hiểu nhau!
Muốn thoát khỏi tình trạng trên, “lập lại trật tự” trong việc tìm hiểu thời tiền sử dân tộc, thiết nghĩ trước hết phải thiết kế một mặt bằng khoa học, tạo sự đồng thuận, để trên cơ sở đó các nhà nghiên cứu phát huy sáng tạo, tránh sa lầy, lạc hướng phí hoài nguồn năng lượng trí tuệ Việt.
Bài viết này thử đưa ra một “mặt bằng” như thế.
1. 1. Về nguồn gốc loài người.
Cho tới cuối thế kỷ trước, nhiều ngành khoa học mà chủ công là khảo cổ đã xác nhận, con người xuất hiện năm triệu năm trước tại châu Phi. Khoảng hai triệu năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus, loài tiền nhiệm của chúng ta, ra đời tại châu Phi. Khoảng 1,8 triệu năm trước, họ từ châu Phi di cư sang châu Á. Khoảng 250.000 năm trước, người Đứng thẳng rời bỏ châu Á, sang châu Âu mà hậu duệ cuối cùng của họ là người Neanderthals, bị tuyệt diệt khoảng 24.000 năm trước.
Như vậy, một thời gian rất dài, châu Á là vùng đất trắng, không có người sinh sống. Người Java, người Bắc Kinh, người Núi Đọ… là người Đứng thẳng, không có liên hệ di truyền với người hiện đại chúng ta. Những kiến thức vững chắc một thời ghi trong sách Trung Quốc dân tộc sử của Vương Đồng Linh: “Khoảng 500.000 năm trước, sống sót sau bốn lần băng giá, loài người tập trung ở phía nam dải Thiên Sơn rối tiến vào Trung Quốc” là không xác thực.
2. Nguồn gốc người hiện đại (Homo sapiens)
Ở thế kỷ trước, có hai thuyết đối nghịch nhau về nguốn gốc loài người.
Thuyết Một trung tâm cho rằng, con người được sinh ra từ quê hương duy nhất là Đông Phi. Địch thủ của nó làThuyết Nhiều vùng tuyên bố: con người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau: châu Phi sinh ra người da đen, châu Âu sinh ra người da trắng, châu Á là quê hương người da vàng… Gần suốt thế kỷ, hai thuyết tranh chấp căng thẳng mà không phân thắng bại. Tới thập niên 70, do phát hiện di cốt người Neanderthals có những nét giống người châu Âu nên phần lớn giới khoa học chấp nhận người Neanderthals là tổ tiên người châu Âu. Do sự kiện này, Thuyết Đa vùng thắng thế, trở thành áp đảo trong khoa học nhân loại.
- 3. Về nguồn gốc người châu Á.
Viễn Đông Bác cổ là trường phái khoa học có uy tín lớn trong thế kỷ XX nên đã chi phối giới khoa học quốc tế. Trên thực tế, quan điểm của trường phái Viễn Đông Bác cổ chi phối toàn bộ khoa học nhân văn Việt Nam cho tới hôm nay.
- Phát hiện mới về nguồn gốc loài người.
“Người hiện đại Homo sapiens được sinh ra từ quê hương duy nhất là Đông Phi, khoảng 160 tới 200.000 năm trước. Họ từ châu Phi, vượt qua cửa Hồng Hải tới bán đảo A rập. Từ đây, một bộ phận theo ven biển Ấn Độ, Pakistan tới Mã Lai, Indonesia. Rồi từ phía tây Borneo, tới Việt Nam khoảng 60 – 70.000 năm trước. Tại đây họ gặp gỡ nhau, hòa huyết, tăng nhân số và khoảng 50.000 năm trước, di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, châu Úc; đi về phía tây chiếm đất Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước do khí hậu phía bắc được cải thiện, họ đi lên chiếm lĩnh đất Trung Hoa và 30.000 năm trước, vượt eo Berinh sang chinh phục châu Mỹ.” (3)
Đây có thể được coi là phát kiến lớn nhất của khoa học nhân văn thế kỷ XX. Nó làm Thuyết Nhiều vùng sụp đổ. Do thuyết này thống trị thời gian dài nên khi sụp đổ, gây đảo lộn không tránh khỏi cho khoa học nhân văn thế giới.
Công bố của nhóm Giáo sư Y. Chu không phải chuyện “trên trời rơi xuống” bởi lẽ khảo cổ học trước đó đã phát hiện sọ người Australoid có tuổi 50.000 năm tại vùng hồ Mungo châu Úc và bộ xương người Mongoloid 68.000 năm tuổi tại Quảng Tây Trung Quốc. Trước đây những hiện tượng này không thể giải thích được nhưng nay lại là bằng chứng cho thấy cuộc di cư mà di truyền học phát hiện là có thật.
Làm khảo sát truy ngược gen Homo sapiens, khoa học phát hiện rằng: tất cả đàn ông trên thế giới được sinh ra từ người đàn ông duy nhất 160.000 năm trước. Trong khi đó, giới nữ được sinh từ 3 bà tổ khác nhau. Như vậy là thoạt kỳ thủy, từ châu Phi, một ông tổ và ba bà tổ sinh ra ba dòng con, về sau hình thành ba đại chủng người Mongoloid (da vàng), Australoid (da đen) và Europid (da trắng).
- 5. Về sự hình thành người Việt theo phát hiện của giới khoa học quốc tế.
- Công trình The Journey of Man: A Genetic Odyssey của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận: “Loài người Homo sapiens xuất hiện đầu tiên ở vùng Ethiopia, khoảng 160.000 năm trước. Người tiền sử từ châu Phi, vượt Hồng Hải tới đất Syria và từ đây qua Ấn Độ, Pakistan tới Viễn Đông.” (4)
- Công trình Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh thế giới của Stephen Oppenheimer, Đại học Oxford nước Anh cho thấy: Người Khôn ngoan Homo sapiens sinh ra đầu tiên tại Đông Phi 160.000 năm trước. Khoảng 132.000 năm trước họ vượt cửa Hồng Hải tới bán đảo A rập rối tiến về phia tây. Khoảng 90.000 năm trước, hậu duệ của nhóm này bị tuyệt diệt trên đất Israel vì băng giá. Khoảng 85.000 năm trước, cuộc di cư lần thừ hai được thực hiện. Lần này, vượt cửa Hồng Hải, họ tới bán đảo A rập rối từ đây, một bộ phận theo bờ biển Nam Á tiến vào Đông Nam Á. Khoảng 70.000 năm trước, từ phía tây Borneo, họ xâm nhập Việt Nam. Tại Việt Nam, họ tăng nhân số rồi di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, đi về phía tây tới Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước, chiếm lĩnh đất Trung Hoa và 30.000 năm trước, vượt eo Berinh sang châu Mỹ. (5)
- Công trình của Ballinger xác nhận, người Mông Cổ cũng từ Đông Nam Á lên. (6)
- Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha, Ý, Georgia phân tích 5.000 chiếc răng hóa thạch phát hiện ở châu Âu cho thấy: khoảng 40.000 năm trước, người tiền sử từ Trung Đông qua eo Bosphorus vào châu Âu. Ở đây họ gặp những người từ Đông Á sang qua đường Trung Á. Hai dòng người hòa huyết cho ra người Eurasian, tổ tiên người châu Âu hiện nay. (7)
- Nhiều nghiên cứu về nguồn gốc những tộc người nói tiếng Nam Đảo Austronesian ở các đảo Nam Thái Bình Dương cho thấy họ đều từ vùng cửa sông Dương Tử hay Việt Nam di cư tới. (8)
- Những nghiên cứu về DNA của lợn ở Thái Bình Dương cho thấy, loài vật nuôi này được đưa từ Việt Nam tới. (9)
- Nhiều nghiên cứu khẳng định: người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất trong dân cư Đông Á, có nghĩa là người Việt Nam cổ nhất Đông Á. (12)
- Ứng dụng thành tựu khoa học mới vào tìm hiểu nguồn gốc người Việt.
Là người sớm tiếp cận thành tựu khoa học mới có liên quan tới dân tộc Việt, chúng tôi đã chú tâm theo dõi, tích lũy những tài liệu cần thiết.
Tuy nhiên, do không có nghiên cứu nào riêng cho người Việt Nam vì vậy, chúng ta chưa có được những kết luận có thẩm quyền khoa học về vấn đề này. Mặt khác, trong những tài liệu di truyền học lại có sự mâu thuẫn, trái ngược nhau nên cần đối chiếu với những tư liệu liên ngành khác để đưa ra những kiến giải sát hợp với hoàn cảnh Việt Nam
Từ thực tế đó, chúng tôi thấy cần có phương pháp luận riêng áp dụng cho khảo cứu:
Dùng tài liệu di truyền học như một thứ kim chỉ nam để tìm hiểu nguồn gốc cùng sự di cư của người Việt đồng thời dùng những tri thức khảo cố học, cổ nhân chủng học, văn hóa, ngôn ngữ học để kiểm chứng và soi sáng kiến thức di truyền.
Từ phương pháp luận đó, chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu những vấn đề mấu chốt sau:
6.a. Người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam 70.000 năm trước là ai?
Việc này có ý nghĩa như một tiên đề. Nếu không sẽ không giải quyết rốt ráo những vấn đề rất phức tạp về nhân chủng học Việt Nam và Đông Á. Đáng tiếc là trong các tài liệu di truyền học đã công bố, không có tài liệu nào đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, có thể tìm theo con đường khác.
Từ khảo sát 76 sọ cổ được phát hiện tại Việt Nam, nhà nhân học hàng đầu của Việt Nam Nguyễn Đình Khoa, cho thấy:
“Thoạt kỳ thủy, trên đất Việt Nam có mặt hai đại chủng người tiền sử là Australoid và Mongoloid. Họ lai giống với nhau và các thế hệ con cái lai giống tiếp cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid.” (11)
Như vậy, có thể khẳng định, người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid, trong đó người Australoid chiếm đa số tuyệt đối. Chính đây là kim chỉ nam giúp tìm hiểu về sự hình thành dân cư Đông Á.
6. b. Về người Mongoloid phương Bắc.
Chủng Mongoloid phương Bắc có mặt trên đất Mông Cổ là bằng chứng nặng ký ủng hộ Thuyết Nhiều vùng. Tuy nhiên vai trò của họ khá phức tạp trong sự hình thành dân cư Đông Á:
“Người Mongoloid có mặt trong bước đầu hình thành dân cư Việt Nam. Tuy nhiên suốt thời Đồ Đá, họ biến mất, nhường chỗ cho người Australoid. Nhưng tới thời Đồ Đồng, họ xuất hiện trở lại và thay thế người Australoid giữ vai trò chủ thể không chỉ trên đất Việt Nam mà toàn bộ Đông Á.” (11)
Suốt nửa cuối thế kỷ XX, giải thích hiện tượng này là thách thức lớn với giới khoa học. Sẽ là không thể trả lời, nếu chỉ có khảo cổ và cổ nhân học. Ngay cả các nghiên cứu di truyền của của Y. Chu, S. Wells, S. Oppenheimer… cũng không giúp làm sáng tỏ điều bí ẩn lớn này.
Rất may là nghiên cứu của Ballinger phát hiện sự kiện quan trọng:
“Người Mongoloid cũng từ Đông Nam Á đi lên.” Nói Đông Nam Á là nói chung, theo thống kê học, từ quan điểm của nhà di truyền. Chính xác phải nói là từ Việt Nam vì đây là địa bàn tập kết đầu tiên của người tiền sử trên lục địa Đông Á.
Đó chính là chìa khóa của vấn đề dân cư Đông Á.
Kết hợp phát hiện của Ballinger với kết quả khảo cổ học, chúng tôi đưa ra nhận định:
- Người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước gồm đại chủng Mongoloid và Australoid. Họ đi thành những nhóm nhỏ riêng biệt. Tới Việt Nam, phần lớn họ tập trung tại thềm Biển Đông để hòa huyết sinh ra người Việt cổ. Trong khi đó có những nhóm Mongoloid riêng lẻ đi tới tây bắc Đông Dương. Khoảng 40.000 năm trước, do thời tiết bớt lạnh, họ theo hành lang Ba Thục lên định cư tại tây bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ, bảo tồn nguồn gen, sau này hình thành chủng Mongoloid phương Bắc. Việc khảo cổ tìm ra di cốt người Mongoloid 68.000 năm tuổi ở Quảng Tây và người Mông Cổ phương Bắc trên đất Mông Cổ 40.000 năm trước xác nhận điều này. (12)
6. c. Về người Mongoloid phương Nam.
Người Mongoloid phương Nam là chủng lớn nhất trong dân cư Đông Á ngày nay. Nhưng khảo cổ học xác nhận, suốt trong thời Đồ Đá, trên đất Đông Nam Á không có chủng này. Vậy vấn đề đặt ra là họ có nguồn gốc từ đâu và xuất hiện vào thời gian nào?
Nhờ khảo cổ học, ta biết, khoảng 5.000 năm TCN, trên đất Trung Quốc xuất hiện văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều phía nam Hoàng Hà và văn hóa lúa nước Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Chiết Giang mà chủ nhân là chủng Mongoloid phương Nam. Di truyền học cho thấy, vào thời điểm này, người Mongoloid phương Nam là sản phẩm hòa huyết giữa người Mongoloid phương Bắc và người Việt cổ chủng Australoid. Từ thông tin này, chúng tôi đưa ra cách giải thích như sau:
6. d. Về nguồn gốc người Ngưỡng Thiều:
Từ lâu, người Mông cổ phương Bắc sống du mục ở phía bắc Hoàng Hà. Mùa đông họ lùa mục súc về bên sông để tránh rét và có nguồn nước. Việc mua bán trao đổi giữa hai cộng đồng đã nảy sinh những mối tình tự nhiên và cả sự hiếp tróc diễn ra trong những lần cướp phá, dẫn tới những lớp con lai ra đời, mang bộ gen Mongoloid phương Nam. Về mặt di truyền, người Việt cổ sống ở nam Hoàng Hà có sẵn trong huyết quản nguồn gen Mongoloid. Nay được bổ sung gen Mongoloid từ người Mông Cổ phương Bắc, yếu tố Mongoloid trở nên ưu thế, chuyển hóa một bộ phận người Việt cổ trong vùng trở thành Mongoloid phương Nam. Sau hàng nghìn năm như vậy, người Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể của dân cư văn hóa Ngưỡng Thiều. (12)
6. e. Sự hình thành dân cư Hà Mẫu Độ
Có thể người Hà Mẫu Độ được ra đời như sau:
Theo nghiên cứu của Stephen Oppenheimer thì khoảng 40.000 năm trước, người tiền sử từ Việt Nam đã theo bờ biển lên cư trú ở vùng cửa sông Dương Tử. Trong số họ, có những nhóm Mongoloid nhỏ lẻ sống riêng rẽ tại đây. Họ sinh sống bằng săn bắt hái lượm mà đánh cá là nghề quan trọng. Khoảng 5.000 năm TCN, người Việt chủng Australoid làm nông nghiệp từ bên trong lục địa mở rộng vùng cư trú tới đây. Họ gặp nhau và sự hòa huyết diễn ra. Với thời gian, người Mongoloid phương Nam trở nên đa số trong dân cư duyên hải phía đông Trung Quốc. (12)
6. g. Sự hình thành người Việt Nam hiện đại
Khoảng 5.000 trước, vùng Sơn Đông và Ngũ Lĩnh trở thành hai trung tâm lớn của người Việt mà chủng Mogoloid phương Nam là thành phần đa số. Cũng thời điểm này bắt đầu cuộc di cư tự nhiên của dân cư trong vùng xuống Việt Nam và các hải đảo Đông Nam Á. Đế Nghi chia đất, phong vương cho Đế Lai và Lạc Long Quân lập nước Xích Quỷ. Cũng lúc này, cuộc xâm lăng của người du mục Mông Cổ trở nên khốc liệt hơn, dẫn tới trận Trác Lộc, liên quân Việt bại trận. Trước tình thế khó khăn, Lạc Long Quân dẫn quân dân Việt dùng thuyền theo Hoàng Hà vượt biển xuống Việt Nam, đổ bộ vào Nghệ Tĩnh, như được ghi trong Ngọc phả Đền Hùng.
Dòng người Việt chủng Mogoloid phương Nam trong đoàn di tản của Lạc Long Quân cùng người Việt bản địa chủng Australoid chung tay xây dựng nhà nước Văn Lang. Hai dòng người hòa huyết cho ra người Việt Nam hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Cuộc thiên di của người Mogoloid từ duyên hải nam Trung Hoa xuống Việt Nam còn được tiếp tục trong thời gian dài, khiến số lượng người Mongoloid phương Nam tăng lên, cho tới 2.000 năm TCN trở thành đại đa số trong dân cư Việt Nam.
Với nhiều chứng cứ được phát hiện, tiêu biểu là di chỉ Mán Bạc Ninh Bình 2.000 năm TCN, với 30 di hài người Australoid và Mongoloid được chôn chung, khoa học đưa ra nhận định: trên đất Việt Nam đã có sự chung sống lâu dài giữa người Australoid và người Mongoloid. Tới 2.000 năm TCN, việc hòa huyết giữa họ hoàn tất, hầu hết dân cư là Mongoloid phương nam.
Như vậy có thể rút ra kết luận: người Việt Nam hiện đại được hình thành từ đầu thiên niên kỷ III TCN do sự hòa huyết giữa người Australoid tại Việt Nam và người Mongoloid phương Nam từ vùng Sơn Đông và Ngũ Lĩnh di cư xuống. Cho tới 2.000 năm TCN, chủng Mongoloid phương Nam là chủ thể của dân cư Việt Nam. (13)
6. h. Về hiện tượng Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á
Từ giữa thế kỷ trước, căn cứ vào khảo sát sưu tập sọ người cổ được phát hiện ở Đông Nam Á, giới nhân chủng học nhận định: suốt trong thời Đồ Đá, chủng Australoid giữ vai trò độc tôn trong dân cư khu vực. Nhưng sang thời đại Kim khí, người Mongoloid xuất hiện và sau đó thay thế người Australoid, trở nên thành phần chủ đạo của dân cư khu vực. Hiện tượng này được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á, hoàn tất vào khoảng 2.000 năm TCN.
Như vậy là, quá trình Mongolid hóa dân cư không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà chung cho toàn khu vực. Đến cuối thế kỷ trước, khoa học chưa giải thích được hiện tượng này.
Ngày nay, nhờ những nghiên cứu di truyền học, ta có thể giải thích như sau:
Khoảng thiên niên kỷ thứ III TCN, người Mogoloid phương Nam tại duyên hải Đông Nam Trung Hoa tăng nhân số, trở thành đa số trong dân cư. Do áp lực dân số, họ di cư sang Đài Loan, Việt Nam và các hải đảo Đông Nam Á. Khoảng 2.600 năm TCN, cuộc xâm lăng của người du mục Mông Cổ chiếm nam Hoàng Hà thúc đẩy cuộc di cư này.
Do dân nhập cư và do chuyển hóa di truyền từ hòa huyết với người di cư mà trong thiên niên kỷ III TCN diễn ra quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Tới cuối thiên niên kỷ III TCN, quá trình này hoàn tất, tạo ra diện mạo dân cư Đông Nam Á như ngày nay. (12)
6. g. Sự hình thành dân cư Trung Hoa
Trung Hoa là quốc gia trung tâm của châu Á, với số dân khổng lồ. Cho đến nay, nguồn gốc và quá trình hình thành khối người đông đúc này chưa được làm rõ. Vì vậy, nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử và văn hóa phương Đông còn bị khuất lấp.
Người Trung Quốc cho rằng, tổ tiên họ là người Hoa Hạ. Nhưng họ cũng chưa biết nguồn gốc người Hoa Hạ từ đâu. Vì vậy, vấn đề then chốt là xác định người Hoa Hạ là ai, xuất hiện ở Trung Quốc khi nào và trong hoàn cảnh nào?
Trong thế kỷ XX, theo Thuyết Đa vùng, phổ biến quan niệm cho rằng, các sắc dân châu Á như Hoa, Việt, Mông, Mãn… xuất hiện từ xa xưa ở phía nam dải Thiên Sơn. Người Việt theo nguồn sông Dương Tử vào chiếm đất Trung Quốc. Khoảng 2.600 năm TCN, người Hoa vượt Hoàng Hà xâm chiếm đất đai, đẩy người Việt chạy dần về phương nam.
Sang thế kỷ XXI, Thuyết Đa vùng phá sản, người ta đi tìm những cách lý giải khác về nguồn gốc người Hoa Hạ. Trong tài liệu Sự hình thành văn minh nông nghiệp ở Trung Hoa (14), Giáo sư Zhou jixu, dựa trên so sánh ngôn ngữ học, cho rằng, người Hoa Hạ thuộc dòng Arian từ phía tây tới.
Chúng tôi thấy thuyết này không phù hợp thực tế. Nếu là người Arian thì mã di truyền (genome) của người Trung Quốc phải mang gen Á – Âu (Eurasian). Trong khi đó, chính Zhou Jixu thừa nhận, người Hán chiếm 93% dân số Trung Quốc thuộc chủng Mongoloid phương Nam.
Từ tài liệu di truyền học mới nhất, kết hợp với những tư liệu khảo cổ học, cổ nhân học, văn hóa học hiện có, chúng tôi thấy như sau:
- Mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, như vậy người Hoa Hạ phải là kết quả hòa huyết giữa người Mongoloid và người Australoid.
- Là con cháu của Hoàng Đế, người Hoa Hạ phải ra đời sau Hoàng Đế, tức là sau năm 2698 TCN và cố nhiên, phải được sinh ra trên đất Việt, phía nam Hoàng Hà.
- Điều này có nghĩa, người Hoa Hạ không phải từ ngoài xâm nhập và cũng không thuộc hai nhóm Ngưỡng Thiều và Hà Mẫu Độ.
- Từ đó có thể kết luận: người Hoa Hạ ra đời sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, chiếm phía nam Hoàng Hà, là kết quả của sự hòa thuyết giữa người Mongoloid phương Bắc và người Việt bản địa (Australoid).
Như vậy, sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, trên đất Việt cổ, từ lưu vực Hoàng Hà tới Dương Tử có ba nguồn sinh tạo người Mongoloid phương Nam: người Việt Ngưỡng Thiều, người Việt Hà Mẫu Độ và người Hoa Hạ trong vùng quân Mông Cổ chiếm đóng. Vừa tự sinh vừa chuyển hóa di truyền người Việt cổ, tới cuối thiên niên kỷ III TCN, người Môngoloid phương Nam đã thay người Việt cổ (Australoid) trở thành đa số trong dân cư trên phần đất Việt cổ mà sau này thuộc về Trung Hoa.
Trong một hai bài viết trước đây, chúng tôi cho rằng, sau thời Hoàng Đế, người Hoa Hạ kế tục vai trò của cha ông Mông Cổ, cai trị vương triều do Hoàng Đế tạo dựng. Nhưng có thể không phải vậy. Theo sử Trung Hoa, Hoàng Đế cai trị khoảng 100 năm (2698 – 2598 TCN), tiếp theo là Thiếu Hạo và Chuyên Húc. Nhưng sau đó, vương quyền chuyển về người Việt với Đế Cốc, Đế Chí, Đế Du Võng rồi Đế Nghiêu (2337 –2258 TCN), Đế Thuấn, Đế Vũ (2205–2198 TCN), Đế Ất (Thành Thang 1766-1122 TCN). Chỉ sau khi diệt nhà Ân, Vũ vương lập nhà Chu, người Hoa Hạ mới nắm vương quyền (1046 TCN).
Để khẳng định vai trò tộc Hoa Hạ, nhà Chu nhận thủy tổ Hoàng Đế và tôn Hậu Tắc, vị quan coi nghề nông thời vua Thuấn làm tổ trực tiếp của mình. Không những thế, họ chủ trương bỏ qua các triều đại người Việt trước đó để chỉ ghi sử Trung Hoa từ thời Chu. Thậm chí, như Zhou Jixu cho thấy, lịch sử nông nghiệp Trung Hoa cũng chỉ được tính từ khi ông Hậu Tắc học trồng kê (khoảng 2.300 năm TCN). Trong khi đó khảo cổ phát hiện di chỉ trồng lúa từ 12.000 năm trước ở phía nam Dương Tử!
Tuy xưng bá nhưng nhà Chu chỉ chiếm diện tích và dân số nhỏ ở Trung Nguyên, trong mối liên kết lỏng lẻo với hàng trăm quốc gia khác. Không những thế, vương triều Chu còn bị kẹp giữa các quốc gia của người Việt ở xung quanh: Ba, Thục phía Tây Nam; Ngô, Sở, Việt phía đông; Văn Lang phía nam.
Vì vậy, quan niệm cho rằng nhà Chu là quốc gia lớn bao trùm Trung Nguyên chỉ là sự ngộ nhận. Thực tế cho thấy, chỉ từ khi Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, sáp nhập Ba, Thục, Sở vào vương triều Tần, Trung Quốc mới có diện mạo như hiện nay. Như vậy, Trung Quốc hình thành chủ yếu từ sự sáp nhập đất đai, dân cư và văn hóa của các quốc gia Việt. Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của học giả Trung Quốc Trương Quang Trực: “Điểm gốc cùa văn minh Trung Hoa chỉ bao gồm vài ba bộ lạc ở ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, lưu vực sông Hoài” (15). Và cũng đúng với ý kiến của học giả Bỉnh Thế Hà khi kết thúc tác phẩm “The Craddle of the East”: “Nước Tàu làm nên do những người không phải là Tàu.” (16)
Do Tần Thủy hoàng là người Việt nên người Hoa Hạ không còn vị trí ưu thế mà hòa tan với cộng đồng Việt. Từ đây, danh xưng Hoa Hạ dùng chỉ chung khối người chủng Mongoloid phương Nam trên lưu vực Hoàng Hà.
Hơn 2.000 năm nay, do chưa phân định rõ việc này dẫn tới ngộ nhận rằng Hoa Hạ là tộc người hình thành từ xa xưa, vượt Hoàng Hà, chiếm Trung Nguyên, dựng nước Trung Quốc, xua đuổi người Việt “chạy có cờ” về phía nam. Sự lầm lẫn lớn của lịch sừ!
Có một sự thực mà it người để ý, là thời Tam Quốc, Tào Tháo muốn diệt Ngô và Thục nên dùng gián điệp điều tra hai nước này. Được giao việc, Hứa Tịnh báo cáo: “Trong suốt mười năm, tôi đi vạn dặm đường, từ Hội Kế (Cối Kê) tới Giao Chỉ mà bất kiến Hán địa.” Sở dĩ nói vậy là do Hứa Tịnh, như mọi người phương bắc, quan niệm khung cảnh văn hóa lưu vực Hoàng Hà mới là đất Hán. Trong khi đó, vùng nam Dương Tử có quang cảnh khác hẳn, từ con người tới nếp sống nên không phải là đất Hán vì vậy, không thấy đất Hán. [(許靖):“南至交州,经历东瓯、闽越之国,行经万里,不见汉地 / Nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa”. 三國志。蜀書].Đi trong vương quốc Hán mà không thấy đất Hán! Thực tế này là chứng cứ cho thấy, không hề có chuyện người Hán đồng hóa người Việt.
Con đường đi tìm sự thật quá gian nan, nhưng bản thân sự thật thì đơn giản. Điều này hoàn toàn đúng khi nói về nguồn gốc người Việt. Nhờ khoa học tìm ra nguồn gốc cùng sự di cư của loài người, sự thật hiện ra rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật: người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam trở thành tổ tiên người Việt…
Do lạc trong mê lộ quá lâu mà cho tới nay không ít người chưa ra khỏi tình trạng đa thuyết loạn ngôn. Có người vẫn cho rằng, người châu Á cổ hơn người châu Phi. Có người hồ nghi hỏi: chuyện lục địa chìm Atlantic giài thích sao đây? Cho tới nay, đó vẫn chỉ là huyền thoại bởi khoa học chưa tìm ra bất cứ bằng chứng nào về chuyện này. Xin cứ để nó trong truyền thuyết, bởi lẽ, dù có hay không Atlantic cũng không ảnh hưởng gì tới nguồn gốc loài người. Bản đồ gen cho thấy, từ 160.000 năm xuất hiện cho tới nay, sự phát triển của con người là liên tục! Hiện cũng có một số người bàn tán về thuyết Loài người phát xuất từ Tây Tạng do bác sĩ nhãn khoa người Nga Munđasep đề xuất. Dựa trên sự giống nhau về hình dạng con mắt của cư dân Tây Tạng với nhiều sắc dân khác, tác giả cho rằng, Tây Tạng chính là quê hương của loài người. Trước hết, cách lập luận như vậy là không hợp logic. Nếu hình dạng cặp mắt của người Tây Tạng giống với nhiều sắc dân khác là có thật thì điều này còn là kết quả của sự giao thoa gặp gỡ của những dòng người đi qua Tây Tạng. Di truyền học và lịch sử đã xác nhận: 40.000 năm trước, người Việt cổ từ Đông Á qua đây, rồi vượt Trung Á, vào châu Âu, góp máu sinh ra tổ tiên người châu Âu. Khoảng 15.000 năm trước, người châu Âu theo con đường ngược lại, qua Tây Tạng, sang phương Đông. Lúc này tại vùng biên giới phía tây Trung Hoa, người Việt đã đông nên người di cư khó thâm nhập. Họ dạt xuống tây nam, trở thành các tộc Eurasian thiểu số ở đây. Một bộ phận vượt lên phía bắc, tới Đông Bắc Trung Quốc, thành người Altaic ở Siberi, người Ainu thiểu số trên đất Nhật Bản. Không chỉ thế, người Mông Cổ, người Trung Á… nhiều lần qua Tây Tạng trong những cuộc chinh chiến ở châu Âu, Trung Đông… Chính sự di chuyển đan xen như vậy của nhiều dòng người trong quá trình lịch sử dài đã làm nên sự đa đạng trong bộ gen người Tây Tạng hôm nay. Thuyết Nguồn gốc Tây Tạng có lẽ là thất bại cuối cùng trong cuộc đi tìm nguồn gốc con người. Nó cũng thể hiện sự tụt hậu của khoa di truyền học của nước Nga, một nền khoa học lớn bị suy sụp từ thời Xtalin-Lưxencô.
Thiết nghĩ, trên đây là một mặt bằng khoa học tối thiểu để có thể từ đó nhìn nhận thời tiền sử Việt Nam và Đông Á. Nếu không đứng trên ngưỡng tri thức như vậy, sự thảo luận sẽ rất dễ lạc đường.
Tháng Năm 2012
HVT
----------- Trần trọng Kim. Việt nam sử lược.
- Tạ Chí Đại Trường. Về “huyền sử gia” Kim Định “huyền sử học” Việt Nam. (377) và Ảnh hưởng của Kim Định đối với các học giả trước kia và hiện nay (378) tạp chí Xưa&nay, tháng 4 năm 2011
- Chu, J. Y. et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768 (1998)
- Spencer Wells. The Journey of Man: A Genetic Odyssey. Princeton University Press. 2002.
- Stephen Oppenheimer – Out of Eden Peopling on the Worldhttp://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html
- S. W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45
- Tổ tiên người châu Âu là ai? http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science- Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref= rss
- G. Solheim II, The Nusantao hypothesis: The origins and spread of Austronesia speakers, Asian Perspective XXVI, 1984-1985, pp. 77-78.
- Wilhelm G. Solheim II, Taiwan, Coastal South China, and Northern Vietnam and The Nusantao Maritime Trading Network, Journal of East Asian Archeology, JEAA, Vol. 2, No. 1-2, 2000, pp. 273-284.
- Stephen Oppenheimer, The ‘Express Train from Taiwan to Polynesia’: on the congruence of proxy lines of evidence, World Archaeology Vol. 36(4): 591 – 600 Debates in World Archaeology, 2004.
- Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á, Hà Nội, 12. 1983.
- Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. Văn học, 2008.
- Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. Văn học, 2011.
- Zhou Jixu: The Rise of Agricultural Civilization in China. Sino-platonic papers. Number 175 December, 2006
- K.C. Chang, The Archaeology of Ancient China, New Haven, Conn. 1968. Theo Cung Đình Thanh, “Tìm Về Nguồn Gốc Văn Minh Việt Nam”, nxb Tư Tưởng, Sydney, 2003, tr.62.
- Kim Định. Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc. H.T. Kelton, USA, 1984
----------
No comments:
Post a Comment