Monday, June 15, 2015

Về đơn vị hành chính “Tổng” ở Việt Nam - Đinh Khắc Thuân

Về đơn vị hành chính “tổng” ở Việt Nam
[ 20/08/2014 05:45 AM | Lượt xem: 380 ]
Về đơn vị hành chính “tổng” ở Việt Nam
Đinh Khắc Thuân
 
Tổng là đơn vị trung gian giữa huyện và xã trong hệ thống hành chính được duy trì trong một thời gian dài dưới thời phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc, thời điểm xuất hiện và chức năng của tổng đến nay vẫn còn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng. Phần đông các nhà sử học đều cho rằng, tổng chỉ xuất hiện vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX trở đi). Song không ít người đưa ra một thời điểm xuất hiện sớm hơn của đơn vị hành chính này. Bài viết này đưa ra một số tư liệu mới cùng một vài kiến giải bước đầu, hy vọng góp thêm vào cuộc thảo luận cho vấn đề được nêu.
 
1. Sự xuất hiện đơn vị hành chính tổng
Nguồn tư liệu thư tịch cho biết đơn vị hành chính cấp tổng xuất hiện khá muộn. Kể cả Dư địa chí của Nguyễn Trãi biên soạn vào thế kỷ XV, đến các bộ dư địa chí, bản đồ thời Hồng Đức, cũng như Ô Châu cận lục của Dương Văn An thế kỷ XVI chưa hề chép về tổng. Trong các bộ sử đương thời cũng vậy, như Đại Việt sử ký toàn thư - cuốn biên niên sử ghi chép các sự kiện lịch sử Việt Nam từ buổi đầu lập nước đến năm cuối cùng đời vua Lê Gia Tông (Đức Nguyên 2 - 1675), cũng không có dòng nào chép về đơn vị hành chính tổng này. Nguồn tư liệu thư tịch sớm nhất ghi chép về tổng có lẽ là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, tác phẩm được biên doạn vào thế lỷ XVIII.
 
Tuy vậy, qua một số văn bia chúng ta thấy đơn vị hành chính tổng xuất hiện không những ở thời nhà Mạc thế kỷ XVI mà cả vào thời Lê Sơ (từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI).
 
Bia Tự điền bi ký, số kí hiệu thác bản 3382-3, khắc năm Hồng Đức 2 (1471) tại xã La Khê (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ghi: “Điền tại bản huyện, Nội Lãng tổng, Huyền Chân xã”, nghĩa là “Ruộng tại xã Huyền Chân, tổng Nội Lãng trong huyện”. Bia Công chúa tự điền, kí hiệu thác bản 3675, dựng năm Hồng Thuận 5 (1513) ở đền Vũ Bị (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) ghi: “Nhất sở tại Cổ Bị tổng, An Nội xã, tam mẫu ngũ cao”, nghĩa là “Ruộng 1 mảnh tại xã An Nội, tổng Cổ Bị, diện tích là 3 mẫu 5 sào”; hoặc “Bản tổng An Phú xã”, nghĩa là “xã An Phú trong tổng”…
 
Trong văn bia thời Mạc thế kỷ XVI, chúng ta thấy tổng xuất hiện phổ biến và đầy đủ hơn trong hệ thống đơn vị hành chính ở địa phương.
 
Chẳng hạn trên bia chùa Hồng Khánh (xã Đốc Hành, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) ghi: “Tín vãi các xã và các tổng của huyện Tân Minh cúng ruộng vào chùa năm Hưng Trị 2 (1589)”. Bia chùa Thiên Phúc, xã Đa Phúc, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây ghi: “Ninh Sơn huyện, x x tổng, Lật Sài xã”, nghĩa là “xã Lật Sài, tổng x x, huyện Ninh Sơn”. Hai chữ ghi tên tổng này bị mờ, nhưng rõ ràng là tên gọi của một tổng nào đó thuộc huyện Ninh Sơn. Căn cứ vào sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thì đây là tổng Lật Sài, nay phần lớn các xã của tổng này thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
 
Bia hội tư văn huyện Tân Minh đặt tại xã Ninh Duy (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) kê số người trong hội tư văn của 11 tổng trong huyện Tân Minh, phủ Kinh Môn năm Sùng Khang 10 (1574) là: “Tổng Xuân Cát gồm 33 người, tổng Động Hàm gồm 44 người, tổng Kim Đới gồm 26 người, tổng Văn Thị 22 người, tổng Lật Khê 2 người, tổng Kinh Thanh 13 người, tổng Yên Tử Hạ 1 người, tổng Tân Duy 23 người, tổng Cẩm Khê 3 người, tổng Tự Tân 2 người, tổng Xuân úc 1 người”.
 
Bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ xã Vĩnh Thệ, huyện Tiên Phong (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) dựng năm Hưng Trị 2 (1589) ghi: “Hai tổng Thanh Long và Tây Đằng được làm ba khu: các xã Thanh Long, Vị Nội, Kim Bình Lũng làm 1 khu, các xã Tây Đằng, Phấn Thượng, Lai Bồ, Phấn Phan, Nghệ Trai, Nghị Dũng làm 1 khu…”1. Trong một số văn bia khác còn thấy ghi tên gọi người đứng đầu của tổng là Tổng chính (bia chùa Hương Sơn, nay thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), hay Trùm tổng như trên bia chùa Hồng Phúc (nay tuộc xã Xuân ổ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)…
 
Như vậy, tổng không những xuất hiện từ thời Mạc mà đã xuất hiện từ trước bởi “từ hai tổng Thanh Long và Tây Đằng mà chia thành ba khu” như văn bia Phúc Lâm Hoằng Thệ ghi đã nêu ở trên.
 
Đây là những tư liệu sớm nhất hiện biết về tổng. Trước thời kì Lê Sơ, tuyệt nhiên chưa từng thấy dấu tích nào của đơn vị hành chính này. Tuy đã xuất hiện ở giai đoạn Lê Sơ, song tên gọi này cũng chỉ mới xuất hiện ở một vài địa phương. Sang thời Mạc, những đơn vị hành chính tổng này tiếp tục được duy trì và mở rộng hơn. Thực tế, sự xuất hiện của đơn vị hành chính ở tổng thời kỳ đầu này không phải là chủ ý của triều đình Lê hay Mạc mà do nhu cầu thực tại của từng địa phương trước sự mở rộng và phát triển làng xã từ nửa sau thời Lê trở đi. Cũng như phủ ở Trung Quốc, ban đầu do một số châu lớn mà lập thêm phủ, nên sau đó phủ trở thành đơn vị hành chính quản lý cấp châu và huyện; tổng ở thời Lê Sơ và Mạc xuất hiện gắn với nhu cầu các hoạt động tín ngưỡng khá sôi nổi dưới thời Lê - Mạc, nhất là ở triều Mạc với sự xuất hiện ngôi đình làng và việc thờ thành hoàng ở đình, đồng thời gắn với nhu cầu mở rộng phát triển làng xã, nhiều xã mới hình thành và đòi hỏi có một cấp trung gian để cai quản các xã đó, trước hết về sinh hoạt tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, làm thuỷ lợi…
 
Cũng chính vì tổng xuất hiện do sự mở rộng của làng xã, nên mỗi tổng thường gồm một số làng xã có chung một tên Nôm gốc, do vậy, ngoài tên Hán Việt, mỗi tổng còn có tên Nôm. Sau mỗi làng có một tên Nôm riêng, có yếu tố gốc đứng đầu. Phần lớn tên gọi của tổng được lấy theo tên gọi của một xã đứng đầu, như tổng Tây Đằng, nay thuộc địa phận huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây gồm các xã: Tây Đằng, Lai Bồ, Vình Thệ, Văn Trai, Kim Bí và Đằng Lũng; tổng Lập Bái nay thuộc địa phận huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có các xã Lập Bái, An Tiêm, Hương La, An Khê, Cổ Sách, Thượng Đạo1… Những làng xã có tên được dùng cho tên của tổng được gọi là dân đầu tổng, thường ở vị trí trung tâm, có những đặc điểm nổi hơn về dân cư, kinh tế và trong nhiều trường hợp, cả về tính cách.
 
Trong khi hầu hết các đơn vị hành chính khác được sử dụng trong các triều đại phong kiến Việt Nam như đạo, lộ, phủ, huyện, xã đều có nguồn gốc từ Trung Hoa thì tổng hoàn toàn không mang yếu tố ngoại lai. Tuy nhiên, tổng không phải là do nhà nước phong kiến thời Lê hay thời Mạc đưa xuống mà chính là sản phẩm của các yếu tố sau:
 
- Yếu tố địa lý: mỗi tổng thường gồm một số làng nằm chung một thế đất, thế nước, do vậy có chung nguồn nước tưới tiêu. Điều này ở các vùng trung du, vùng chiêm trũng càng rõ nét hơn. Mỗi tổng thường gắn với một ô trũng có thế đất, thế nước riêng.
 
- Yếu tố lịch sử - văn hoá: các làng xã thuộc một tổng thường có chung một quá trình lịch sử hình thành và phát triển. Do vậy, thường cùng thờ chung thành hoàng, lúc đầu chung đình chùa, sau mới tách ra dùng đình chùa riêng.
 
Có thể thấy tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc là một ví dụ điển hình. Tổng này lúc đầu có tên Nôm là Cói, do ở đây có một vệt ao hồ có nhiều cói mọc, sau phiên âm ra tên Hán - Việt là Cối Giang. Sau khi Trịnh Tùng lên nắm quyền, vì ghét em là Trịnh Cối làm phản (năm 1570) nên cho đổi làm Hội Giang, đến khi Trịnh Giang lên ngôi chúa (năm 1730) lại cho đổi làm Hội Phụ. Tổng này gồm 8 làng Cói, trong đó có các làng Cói ao dài (3 làng Du Nội, Du Ngoại và Du Bi, nằm trong xã Du Lâm), Cói Thái Đường, Cói Chợ… Các làng đều thờ Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, cùng tổ chức hội lệ vào đầu tháng 2. Các cụm làng lúc đầu thường chung đình chùa, sau dựng đình chùa riêng1.
 
Trường hợp tổng Dương Lễ, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây là một ví dụ khác. Tổng này lúc đầu gồm 3 làng Sấu, gọi là Sấu Chợ (Dương Liễu, do làng có một chợ to), Sấu Vật (Quế Dương, do làng có truyền thống đấu vật) và Sấu Mậu (Mậu Hoà) nên gọi là tổng Sấu. Ba làng cùng nằm ven sông Đáy, chung dải đất bãi và đồng ruộng ở thế cao (đông mùa). Văn bia Bản tổng tạo đình bi ký dựng năm Chính Hoà 10 (1689) hiện dựng ở vệ đê sát đình Dương Liễu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cho biết 3 xã Dương Liễu, Quế Dương và Mậu Hoà trong tổng vốn có ngôi đình chung lợp lá, nay làm lại đình mới 3 gian 2 chái, sau đó định lệ tu bổ và tế lễ tại đình. Định lệ rằng, đình chia làm 5 phần, xã Dương Liễu, Quế Dương mỗi xã 2 phần, xã Mậu Hoà 1 phần lo tu bổ hàng năm và được chia ngồi nơi đình trung mỗi kỳ lễ hội. Hội vùng Sấu xưa kia tổ chức vào 12/3 là hội lớn, được phân công tổ chức rất chu đáo giữa 3 làng cùng thờ vọng Lý Phục Man - nhân vật lịch sử thế kỷ VI (nơi thờ chính là Quán Giá, xã Yên Sở). Về sau, hai làng Quế Dương và Mậu Hoà dựng đình riêng.
 
Từ chỗ xuất hiện rải rác ở một vài nơi rồi trở nên phổ biến ở nhiều địa phương và cuối cùng Nhà nước ở các triều đại sau đó mới thừa nhận và đặt nó trong hệ thống các bộ địa chí hành chính của quốc gia. Vì lẽ đó mà trong các bộ quốc sử hay trong các bộ địa chí của các triều đại phong kiến Việt nam, tổng chỉ mới được ghi từ những năm cuối thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVIII) và trong các niên hiệu triều Nguyễn mà thôi.
 
2. Chức năng và tổ chức đơn vị cấp tổng
Từ những tư liệu trên có thể thấy rằng tổng chỉ là tập hợp của một cụm làng xã có mối quan hệ thân thuộc về địa lý, lịch sử, văn hoá và nhất là tín ngưỡng. Quy mô một tổng lúc đầu thường nhỏ, có chức năng chủ yếu là:
 
- Liên kết trong việc làm thuỷ lợi, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
- Bảo trì và cúng tế tại một ngôi đình chung của tổng. Điều này hoàn toàn tương ứng với tên gọi dân gian của người đứng đầu của các tổ chức tín ngưỡng khác như lão vãi, sãi vãi… thường gặp trên văn bia thế kỷ XVII -XVIII.
- Liên kết chống trộm cướp.
Tuy nhiên, tổng chưa có chức năng thực thụ của một cấp hành chính ở địa phương.
 
Điều này hoàn toàn tương tự sự xuất hiện tổ chức “đô” (du) ở thời Minh Trung Quốc nhằm liên kết các động ở biên giới để tăng cường khả năng tự vệ1.
 
Chúng ta cũng đã gặp tên gọi đô này liên quan đến mấy động biên giới mà sử sách ghi là nhà Mạc trả lại cho nhà Minh vào năm Đại Chính 11 (1540), trong một đoạn văn sau: “Quảng Đông Khâm Châu thủ thần tấu xưng: Như Tích, Chiêm Lãng nhị đô Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát đẳng tứ động nguyên hệ Khâm Châu cố địa”, nghĩa là “Thủ thần Khâm Châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu”2. Chính vì không rõ đơn vị đô này nên không ít sách sử đã có sự nhầm lẫn về số lượng các động trên, chỗ thì ghi là 4 động, chỗ thì ghi là 5, thậm chí là 6 động. Thực tế chỉ có 4 động thuộc hai đô (tương tự tổng của người Việt) mà sau khi nhà Mạc thay thế nhà Lê.
 
Xuất hiện từ thời Lê - Mạc và tiếp tục được duy trì ở thời Lê - Trịnh thế kỷ XVII, XVIII, song tổ chức này vẫn chủ yếu tồn tại với chức năng liên kết tự nguyện một cụm làng xã với nhau trong các hoạt động thuỷ lợi, tín ngưỡng. Vì thế trong thời kỳ này xuất hiện một số ngôi chùa và ngôi đình chung của một vùng được gọi là chùa Tổng, đình Tổng.
 
Từ đầu thế kỷ XIX, khi mà cấp tổng được thành lập phổ biến trong phạm vi cả nước, thì tổng mới có chức năng của một đơn vị hành chính trong bộ máy chính quyền địa phương. Khi này mỗi tổng bao gồm trên dưới 10 xã thôn. Đứng đầu tổng là viên cai tổng và phó cai tổng, song từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), nhà Nguyễn định cho các địa phương chỉ đặt mỗi tổng một viên cai tổng. Sau đó được quy định cụ thể hơn là: tổng nào có số đinh dưới 5000 người, ruộng dưới 1000 mẫu, lại nhiều việc, ở cách xa huyện lỵ từ hai ngày đường trở lên thì ngoài viên cai tổng, còn cho đặt thêm một viên phó cai tổng. Đầu thời Nguyễn, chức cai tổng mang hàm bát phẩm, về sau giảm xuống hàm tòng cửu phẩm. Chức cai tổng thường là do các viên tri phủ, tri huyện kén chọn người rồi làm tờ đề đạt lên. Cai tổng là người có trách nhiệm trông coi một tổng, có nhiệm vụ: “Đến kỳ binh lương thì thu thuế đúng hạn, có trộm giặc lén lút thì nã bắt, hay có cường hào gàn dở thì vạch rõ để trị tội, có kẻ điêu toa gian dối thì trừng trị để cho thuế khoá xong đủ, địa phương yên ổn, dân không bị tổn hại và không bị phiền nhiễu”3.

Tóm lại, tổng xuất hiện từ thời Lê - Mạc và được duy trì trong thời Lê -Trịnh, song thực sự trở thành đơn vị hành chính cấp trung gian giữa huyện và xã mới từ đầu thời Nguyễn. Sự xuất hiện đơn vị cấp tổng này là hệ quả của sự mở rộng và phát triển của làng xã cả về quy mô không gian và dân cư, đến các hoạt động tín ngưỡng, văn hoá ngày càng phong phú nơi làng xã.
 
Source LichSu

No comments:

Post a Comment