Thứ sáu, 16/01/2015 - 09:33
Nhiều bất ngờ từ kết quả khảo cổ học tại thành cổ Luy Lâu
Mới đây, đoàn chuyên gia của Đại học Đông Á (Nhật Bản) và Bảo tàng lịch sử Quốc gia cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh hợp tác khai quật khảo cổ học tại Thành cổ Luy Lâu (Thanh Khương, Thuận Thành). Trong thời gian hơn một tháng, từ ngày 27-11-2014 đến 3-1-2015, đoàn nghiên cứu đã phát hiện nhiều kết quả bất ngờ mà từ trước đến nay chưa được đề cập đến.
Chiếc cầu đá ở đền thờ Sĩ Nhiếp trong thành Luy Lâu.
Lần đầu tiên xác định vị trí, quy mô thành Nội
Thành cổ Luy Lâu là trị sở quận Giao Chỉ thời Hán. Hai nghìn năm trước, Luy Lâu là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Lĩnh Nam - Bắc Việt Nam . Trải các thời kỳ từ Tam Quốc đến Lục Triều và Tùy Đường, Luy Lâu phát triển rất phồn thịnh và là tòa thành nổi danh với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời trong khu vực Đông Á cổ đại.
Thành cổ được xây dựng bên bờ sông Dâu cổ là khu đô hội của quận Giao Chỉ với hai khu “dân cư, cảng thị vệ tinh” phía Đông phát hiện thấy di tích bãi phà Hồ và phía Tây là khu Sen Hồ - một cửa nhánh của dòng sông Dâu cổ trước kia (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Các nhà nghiên cứu dùng ảnh chụp vệ tinh Corona từ năm 1964 nhận thấy rõ dấu vết khúc uốn của sông Dâu để lại và xác định địa tầng văn hóa Luy Lâu chỉ cao hơn so với mặt nước biển khoảng 5-7m. So sánh thấy khá giống với địa hình một khu đô thị văn minh Ai Cập cổ đại gần sông Nin.
Thành cổ Luy Lâu gồm hai vòng thành Ngoại và Nội. Thành Ngoại có kết cấu bình đồ hình chữ Nhật, lệch Tây 9 độ, tường phía Tây dài 290m, tường phía Đông dài 268m, tường phía Bắc dài 603m, tường phía Nam dài 512m. Chứng tỏ, kết cấu chỉnh thể của thành Luy Lâu được xây với hướng chính Bắc, giống với cách thức xây đắp các khu đô thành và đô thị ở quận huyện Trường An, Lạc Dương thời Hán.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trước đây mới chỉ đề cập đến thành Ngoại mà hầu như chưa nói đến thành Nội. Vì vậy, để tìm hiểu quy mô, xác định kết cấu của thành Nội, đoàn nghiên cứu mở 3 hố thám sát trong khu vực thành Nội. Kết quả tìm thấy vết tích của tường thành phía Đông thành Nội với nhiều lớp đất đắp thành, độ cao của tường là 1,8m, chân tường rộng 5m, mặt trên rộng 2,5m. Tại hố khai quật phía sau đền Sĩ Nhiếp phát hiện giới hạn phía Nam thành Nội và dấu vết cung điện thời Tùy Đường. Đáng chú ý là di tích tường thành phía Bắc và cổng thành phía Bắc của thành Nội cũng được xác định.
Theo NCS Trương Đắc Chiến, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quốc gia - người phụ trách khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu đợt này cho biết: Những kết quả khảo cổ học đợt này cho phép đoàn nghiên cứu đoán định vị trí, quy mô của thành Nội không phải là lệch về phía Tây như bản vẽ năm 1969 và năm 1986 của Viện Khảo cổ mà thành Nội được mở rộng về phía Đông và thiên về phía Bắc. Cấu tạo của thành Nội có chiều dài Đông - Tây là 170m, chiều rộng Nam - Bắc là 110m. Tuy nhiên, vị trí tường thành phía Tây mới chỉ được xác định qua việc khôi phục địa hình và phải chờ đến lần khai quật tiếp theo. Từ các tầng văn hóa khảo cổ có thể chứng minh khu đô thị Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ xưa được xây dựng trải qua các thời kỳ từ Hán đến Lục Triều, Tùy Đường đều được xây dựng tại chính địa điểm thành cổ Luy Lâu.
Đoàn nghiên cứu tại một hố khai quật khảo cổ học ở Luy Lâu (Thuận Thành).
Tìm thấy hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng
Một phát hiện mới quan trọng mang đến nhiều bất ngờ nhất là đã tìm được khoảng hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng bằng đất nung ở độ sâu từ 1,8-2m bao gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng tròn hoa văn điển hình của trống đồng Đông Sơn như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, vân bông lúa… Trong khi các mảnh khuôn ngoài thường có màu đỏ nhạt thì mảnh khuôn trong thường có màu trắng xám và đặc. Mảnh khuôn lớn nhất tìm được dài khoảng 18cm, rộng 9cm, dày 6,5cm và có lẽ là phần chân trống, không trang trí hoa văn.
Cùng với những mảnh khuôn đúc là các bộ phận khác không kém phần quan trọng như phễu rót đồng hay chốt định vị trục xoay. Những hiện vậy này góp phần khẳng định cho giả thuyết đúc trống trên bàn xoay theo 5 bước: Chế tạo ruột trên trục bàn xoay; Làm hai mang thân và vẽ hoa văn; Làm mặt và tạo hoa văn; Làm quai ; cuối cùng là ráp khuôn.
Đáng nói là các mảnh khuôn đúc trống được tìm thấy lần này cách đền Lũng khoảng 80m về phía Bắc và cách nơi cố TS. Nishimura đã phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên vào năm 1999 khoảng 20m về phía Nam . Nói như PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán là: Trước đây cố TS.Nishimura mới chỉ phát hiện được một mảnh đầu tiên và duy nhất thì nay “một rổ” mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy.
Dựa trên các hiện vật khác tìm thấy trong cùng địa tầng như mảnh gốm in ô vuông hay đầu ngói ống, các nhà khoa học xác định niên đại của mảnh khuôn đúc trống khoảng thế kỷ 4 sau công nguyên. Mặc dù còn khá thận trọng, chưa khẳng định Luy Lâu là nơi đúc trống đồng nhưng giới chuyên môn đều đánh giá những kết quả này có giá trị và ý nghĩa lớn cung cấp khối lượng tư liệu bằng hiện vật để tìm hiểu về kỹ thuật đúc trống đồng và là tiêu chuẩn quan trọng cho việc nghiên cứu niên đại trống đồng Đông Sơn nói riêng và văn hóa Đông Sơn nói chung.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Source BacNinhOnline
No comments:
Post a Comment