Wednesday, April 1, 2015

Những lễ hội đặc biệt ở Bắc Ninh

Thứ sáu, 23/01/2015 - 09:23
 
Những lễ hội đặc biệt ở Bắc Ninh
 
Vùng quê Bắc Ninh có địa hình phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp, sớm trở thành trung tâm của văn hóa Việt. Đầu thế kỉ thứ 2, thái thú Sĩ Nhiếp đã kết hợp các yếu tố văn hóa Hán, văn hóa Ấn và văn hóa bản địa sáng lập ra hệ thống lễ hội Tứ Pháp cầu nước cầu mưa và trở thành mẫu mực cho các lễ hội ở các làng quê cả nước.
 
Hội xuân bừng nở ở khắp các làng quê Bắc Ninh với nhiều nét sinh hoạt văn hóa khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn là cầu cho người vật sinh sôi phồn thịnh. Hội xuân đầy đặn hơn ở một số làng quê lấy ngay biểu tượng nam nữ quan hệ làm yếu tố cầu đảo hàng đầu. 
 
Một hội xuân tiêu biểu như vậy là hội đánh chen Nga Hoàng (nay thuộc xã Yên Giả - huyện Quế Võ). Theo sách “Bắc Ninh tỉnh khảo dị” (bản dịch của Nguyễn Thị Hường - Nguyễn Tố Lan) viết về lễ hội này như sau: “Xã ấy, vào ngày 11 tháng 2 (âm lịch) có lệ nhập tịch tế thần. Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái; thân người con trai sát với thân người con gái, tay người con trai bóp vào ngực người con gái”. 
  
“Đêm đó thuê ca kỹ đến hát thờ thần từ 7-8 giờ tối đến 4-5 giờ sáng mới thôi. Từ lúc ca kỹ bắt đầu hát cho đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở xa ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình vì sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình”. 
  
Cũng theo sách “Bắc Ninh tỉnh khảo dị” thì hội xuân làng Niệm Thượng (xã Khắc Niệm thành phố Bắc Ninh) có lệ giống như ở hội xuân Nga Hoàng: 
 
“Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần. Việc khấn bái xong thì người già ngồi vào gian bên trong đình, xem hát. Người kỳ mục ngồi ở gian giữa, chỗ có hương án, đánh trống thưởng phạt, xem hát. Đào nương đứng ở trên chiếu phía ngoài hương án mà hát. Đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ đều tụ tập trong đình xem hát. 
  
“Ca hát từ lúc bắt đầu đến khoảng 8-9 giờ tối thì thắp đèn lên cho sáng. Hát đến chừng 2 giờ đêm, một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, người khác lấy một cái chõ úp lên trên đèn. (Tục cổ thì tắt đèn đi, nay thì lấy chõ úp lên, nồi chõ có nhiều lỗ ở đáy nên đèn vẫn cháy). Trong đình, trong cung lúc ấy tối om om. Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới bước xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà, con trai sờ ngực con gái. 
  
“Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người thôi không sờ ngực nhau nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để xem hát... 
 
“Nếu năm nào nhập tịch tế thần mà không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người không được yên. Nếu có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở, lúa má, tằm tang tươi tốt”. 
  
Khát vọng no ấm, phồn thịnh còn được thể hiện trong nghệ thuật vùng Bắc Ninh. Cột đá chùa Dạm là điển hình của tục thờ nõn nường ở rải rác trong nhiều làng quê. Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ có nhiều mẫu thể hiện khát vọng này. Tranh “Hứng dừa” vẽ người cha hái trọn đôi quả dừa mẩy căng trên ngọn, dưới gốc hai đứa con trai cũng đang leo học đòi nối dòng. Đôi quả dừa là hình tượng của đôi gò bồng đảo của người vợ mà người cha đã được hưởng thụ qua động tác hái rồi. Tranh “Đánh ghen” vẽ cảnh người chồng đang yêu vợ bé nhưng vẫn không dám ra mặt với vợ cả đang giơ kéo đòi cắt dây oan tình. Chất phồn thực biểu lộ đầy đặn trong từng nét tranh. Tranh “Đu đôi - bắt trạch” thể hiện tục cũ nhưng là mẫu tranh mới đầu thế kỉ 20 cũng cho thấy rõ khát vọng qua việc người con trai điểm ngực người con gái chỉ mặc yếm trong khi người này đang mải mê bắt trạch kiếm giải. Giải của làng dù trượt thì giải tình yêu của hai người lại quá tròn đầy. 
 
Ngày nay hội đánh chen Nga Hoàng hay hội điểm ngực Niệm Thượng đã mai một, thậm chí người ta hiểu về hội xuân này với nhiều cách khác nhau nhưng dù sao vẫn được mọi người ngưỡng vọng, thích thú.
   
Phạm Tiểu Thư
 

No comments:

Post a Comment