Monday, April 13, 2015

Những sản vật tiến vua của Bắc Ninh

Thứ sáu, 09/01/2015 - 09:56
 
Những sản vật tiến vua của Bắc Ninh
 
Vùng đất Bắc Ninh trù phú nguồn sản vật. Người Bắc Ninh khéo léo, tài hoa trong việc nuôi trồng và chế biến những sản vật, món ăn ngon nức tiếng, từng là vật phẩm tiến vua.
 
Bánh phu thê Đình Bảng
Bánh phu thê là đặc sản của làng Đình Bảng. Dân gian truyền rằng, vào thời vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn bánh thấy ngon, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên là bánh phu thê (sau này còn có tên gọi là bánh Su Suê - chữ Nôm cổ có nghĩa là vui vẻ). Từ đó, ngoài việc sử dụng là vật phẩm tế Thành hoàng và thưởng thức trong dịp Tết Nguyên đán, hội làng, bánh phu thê còn được người dân trong vùng sử dụng làm lễ vật trong dịp ăn hỏi, ăn cưới của các cặp vợ chồng.
Công thức làm bánh khá đơn giản nhưng không phải nơi nào làm cũng ngon như người dân Đình Bảng. Để làm bánh, nguyên liệu cần có là gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo này vo sạch, để ráo nước, giã bằng cối rồi lọc lấy tinh bột gạo. Bột lọc đó đem xay thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Màu vàng của bánh được lấy từ tinh chất của quả dành dành. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi sạch vỏ, kho với đường trộn với sợi dừa cạo nhỏ. Khi ăn, bánh được cắt làm 4 nên trong nhân còn có 4 hạt sen để ở 4 góc bánh.
Gà Hồ
Có một giống gà được coi là quý hiếm, đẹp như một bức tranh, có nhiều người còn nhìn nhận đánh giá nó như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Đó chính là giống gà Hồ ở làng Lạc Thổ (Thuận Thành). Khi con gà trống Hồ trưởng thành hội tụ đủ năm phẩm chất của bậc quân tử: Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín, nó vừa đẹp mã lại có dáng vẻ của một dũng tướng. Trọng lượng của nó có thể đạt tới 6 đến 6,5 kg. Thịt gà Hồ hồng mà thơm ngon, chắc mà ngọt. Ngày xưa người làng còn đem gà Hồ tiến vua, được coi là giống gà có gia phả hiển hách.
Từ xưa tới nay người dân làng Hồ coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng mùng 10-2 (âm lịch) hàng năm. Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con. Khi con gà trống Hồ trưởng thành có cái đầu rất to, vẫn là mình cốc cánh trai, thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh.
Nếu ai đã được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ thì nhớ mãi không quên. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, giống gà quý hiếm này vẫn được người dân gìn giữ, bảo tồn đến ngày nay.
Rau muống Ngang Nội
Làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, Tiên Du) nổi tiếng về đặc sản rau muống “tấn cung”. Người dân Ngang Nội còn truyền kể: Xưa có cô gái ở Hiên Đường (gồm Ngang Nội và Hiên Vân ngày nay) chuyên đi bắt cua. Một hôm, cô gái bắt được đầy giỏ cua trở về làng thì đã giữa trưa. Bấy giờ, cô gái thấy có những bè rau muống ngon liền hái một nắm mang về nấu với cua, ăn thấy rất ngon, vị lạ. Cô gái bắt cua trưởng thành được tuyển vào cung làm Hoàng hậu. Một hôm, vua hỏi Hoàng hậu “Trẫm ăn gì cũng không thấy ngon miệng, chẳng hay ái khanh có món gì cho trẫm ăn ngon được không?” Hoàng hậu đáp: “Khi nhỏ thiếp được ăn một bữa rau muống làng Ngang, đó là món ngon nhất”. Vua nghe vậy liền truyền lệnh cho dân làng Ngang mang nộp rau muống vào cung để vua thưởng thức và thấy vị đậm đà vừa ngon vừa lạ. Rau muống Ngang Nội nổi tiếng từ đó và được người dân gọi là “Rau muống tiến vua”.
Người dân làng Ngang Nội ngày nay vẫn tự hào với loại “rau muống tiến vua” có cuộng dài như dải áo, lá nhỏ, trắng xanh, ăn giòn ngọt. Loại rau này còn có tên là rau dải bởi vì ngọn rau mọc dài như dải áo, nhỏ như chiếc đũa con, rất ít lá. Phía dưới gốc có màu đỏ tía, càng lên ngọn càng trắng và điều đặc biệt là không mọc rễ tua tủa trên thân như rau muống thông thường. Nhưng giống rau muống dải này bây giờ không còn được người dân trồng nữa.
V.Thanh (tổng hợp)
 

No comments:

Post a Comment