TÂM TÌNH CUỐI THU
(Trích tập thơ TÚY HƯƠNG – Lam Thy ĐVD. – xuất bản 2005)
Sáng nay, hồi 10g10 ngày 10/10/01, tôi cầm bất chợt một tờ báo trên bàn lên đọc (tờ “Thông Tin & Văn Hóa” số 81/1275 ngày 09/10/2001). Tôi lật lật từng trang giống như người đếm tiền (không phải người đọc báo!), mắt thì lơ đãng ngó lên bức tranh do người bạn vẽ chân dung của tôi. Tự nhiên thấy khuôn mặt trong tranh nghệt ra thật vô duyên. Rất nản! Lại ngó xuống tờ báo. Tờ báo đã được mở tới trang 34 lúc nào mà không hay! Ngay đầu trang – mục “Tản mạn” – có 2 dòng chữ in màu đỏ “TẤT CẢ ĐÃ BỎ TÔI MÀ ĐI HAY CHÍNH TÔI ĐÃ BỎ TẤT CẢ MÀ ĐI?”. Chếch xuống mấy hàng dưới, thoáng thấy chữ “Khánh Ly”. Thế là tôi chăm chú đọc:
Một tâm sự buồn của những kẻ tha hương. Khánh Ly tâm sự: “Mùa Xuân rực rỡ quá. Mùa hè trần trụi quá. Rực rỡ hay trơ trẽn đến làm tôi khó chịu. Tôi vốn yêu những gì thầm kín dịu dàng, dù có mong manh dễ vỡ…”. Khánh Ly nhắc đến mùa Thu với tâm trạng buồn hiu hắt: “… và tôi luôn chờ đợi mùa Thu để sống lại đời mình trong những tháng ngày ngắn ngủi…”. Rồi nào là “Cốm lá Sen” của Thu Hà Nội, “Café Tùng” (Đalat), “Café Hân” – Đinh Tiên Hoàng (Đa-kao Saigon)… để “… rất mơ hồ nhưng với cái hơi Thu vừa chớm hay lúc Đông về, lòng tôi không khỏi xao xuyến, tiếc nhớ bồi hồi. Rõ ràng đời tôi chỉ có một mùa để đi về, thương nhớ…”. Nỗi nhớ da diết kéo lê thê trong đời đã khiến Khánh Ly quay lại tự vấn, mà câu tự vấn ấy đã được đặt thành tên bài viết: “TẤT CẢ ĐỀU NHƯ BỎ TÔI MÀ ĐI…”.
Khánh Ly ray rứt: “Tất cả đều như bỏ tôi mà đi hay chính tôi đã bỏ tất cả mà đi?”. Điều đó là tất nhiên nơi tâm sự những kẻ tha hương. Khánh Ly khắc khoải với cái tình hoài hương chan chứa, nhưng vẫn tiềm ẩn trong đó tình cảm về một con người “ở lại”: Trịnh Công Sơn, cố nhiên! Song những kẻ còn ở lại chính nhà mình, nơi quê hương mình, mà cũng bất chợt bật lên câu tự vấn tương tự “TẤT CẢ ĐỀU NHƯ KHÁCH TRỌ SAO?” thật não lòng, thật ê chề, tủi hận! Lam Thy đã chua chát diễn tả bằng 4 câu tứ tuyệt cảnh ấy:
Nhà mình – mình khách trọ.
Nước mình – mình tù nhân.
Đối bóng nhìn mây chó. (*)
Nơi nào mới có Xuân?
(Xin mở ngoặc nói thêm cho rõ: Các sĩ quan VNCH bị cầm tù tại VN, khi mãn hạn tù về nhà thì phải đăng ký “tạm trú” – không được thường trú – hóa cho nên chủ nhà biến thành khách trọ. Thế đó!).
Tâm sự tôi lúc đọc những dòng chữ này cũng tương tự Khánh Ly: Tôi đã trở thành kẻ tha hương trên chính quê hương mình. Lại muốn làm thơ. Thế đó! Ồ! Nhưng mà … chưa hết đâu. Cái ngày hôm nay – ngày ngẫu nhiên đọc “Tản mạn” của Khánh Ly – cũng để lại cho tôi một dấu ấn thật lạ lùng, Ờ! 10/10/01 ! Tại sao lại không thể là 09/10, 11/10 hay 12/10? Rồi lại còn 10g10 nữa chứ! Chỉ nói về con số thì cái ngày giờ “ngẫu nhiên đến lạ lùng này – cả giờ, ngày, tháng và năm (2010) viết tắt (01) chỉ dùng đến có 2 con số: số 0 và số 1. Còn nói về mặt phong tục Việt Nam, thì đó lại là ngày “trùng thập” (“mùng mười tháng mười” – ngày đầu mùa “ăn cơm nấu bằng gạo mới” – mà gạo mới được xay từ lúa mới được gặt về. Sự liên tưởng dẫn tôi nhớ tới bài thơ chiết tự chữ Hán mang tên “ THU 秋 ” : THU VI HÒA HỎA ( 秋 為 禾 火 ) – Chữ THU ( 秋 ) được lập thành bởi 2 chữ HÒA ( 禾 ) và HỎA ( 火 ). Để riêng từng chữ thì HÒA có nghĩa là lúa gạo, HỎA có nghĩa là lửa. Như vậy THU là Lúa + Lửa. (hàm chứa ý nghĩa: Muốn có cơm ăn thì cần có gạo và lửa. Vậy đó! Bảo sao tôi lại chẳng muốn làm thơ để trả nợ kiếp tằm? Và bài thơ đó chính là bài THU :
THU
Cuối Thu nhìn lại đời thừa,
Thấy đời mình cũng đã vừa cuối thu
Tự trong ngăn kéo sa mù,
Chuỗi ngày dĩ vãng ngục tù chân dung.
Nhạc thì đàn lẻ dây chùng,
Thanh âm lạc lõng, ngang cung, lững lờ.
Thơ thì thơ chẳng ra thơ,
Tháng năm chìm đắm bến bờ đau thương.
Văn thì khó hiểu bất tường,
Lửng lơ giữa cõi vô thường, vô tri.
Bạn cùng thuốc lá, cà phê,
Đem đổi lấy nghề chữ nghĩa ẩm ương.
Đắm mình trong bước phong sương,
Đánh đu danh phận, khôn lường rủi may.
Ngu ngơ say tỉnh – tỉnh say,
Vào đời tay trắng – trắng tay lui về.
Biết bao cay đắng ê chề,
Đầy những “vô nghì” nơi cuộc tình duyên.
Dõi trong cõi mộng ảo huyền,
Đêm ngày đốt đuốc con thuyền vô minh.
Cắn răng vì tiếng bẩm sinh,
Soi gương tiền kiếp giật mình xót xa.
Ngó quanh chỉ những người ta,
… những là hạnh phúc … những là trăm năm
… những là vẹn nghĩa sắt cầm
… những là loan phượng hòa âm trọn đời.
Cô đơn chỉ có mình thôi,
Hoài đi về chốn lẻ loi lạnh lùng.
Hỡi ôi! Ước vọng khôn cùng,
Mãi là giấc mộng mịt mùng, thâm u.
Để rồi cuộc sống sa mù,
Sẽ là nấm mộ thiên thu lấp đầy.
Đêm chong bóng nguyệt canh chày,
Liễu đan hiên vắng, gió lay lắt buồn.
Dế chân rêu nấc đòi cơn,
Gà hoang xao xác tiếng hờn lũng xa.
Đàn ai bối rối âm ba,
Dư âm nghẹn tắc bài ca não nùng.
Vèo trông dĩ vãng mịt mùng,
Tương lai dành hận, ngại ngùng bước đi.
Sao rơi từng giọt rèm mi,
Lênh đênh ấy – Thế thân gì? Hỡi ôi!
Chừng khuya vạc khóc lưng đồi,
Phòng không lạnh lẽo cắn môi căm hờn.
Đời nghiêng góc chiếu cô đơn,
Gối xơ nếp chỉ - chăn sờn mép hoa.
Lòng riêng thẹn với gương nga,
Còn gì đâu để mặn mà với trăng?!
------------------------
Chú thích:
(*) Chữ “mây chó” được lấy ý từ 2 câu thơ chữ Hán:
“Thiên thượng phù vân như bạch y,
Tu du hốt biến vi thương cẩu.”
(Mây nổi trên trời như áo trắng,
Bất chợt biến thành hình chó xanh).
Đây là 2 câu đầu trong bài thơ “Khả thán” (Đáng than) của Đỗ Phủ (thi sĩ nổi danh đời Đường – Trung Quốc) làm để tỏ lòng đồng cảm với Vương Quý Hữu, cũng là một nhà thơ đời Đường. Vương nhà nghèo từ tấm bé, sống bằng nghề bán guốc dép. Tuy đọc rộng hiểu nhiều và giỏi làm thơ, nhưng lận đận về đường công danh, mà gia cảnh lại nghèo túng, nên bị vợ là nàng họ Liễu chê bỏ!!! Ôi chao! Vợ chê! Lam Thy cũng bị vợ chê từ 5/2/1999! Thế đó!
----------
Ghi chú của Blog KYDV:
Quý vị cũng có thể xem nguyên bản tại: Hình ảnh, Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm - TÂM TÌNH CUỐI THU