Thursday, May 1, 2014

Thăm Họ Hàng ở Sài Gòn on the Last Minutes - Tony Thắng Đinh

Thăm Họ Hàng ở Sài Gòn on the Last Minutes. TTD.

Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi VN, tôi cảm thấy bùi ngùi và bắt đầu mang nhiều nỗi nhớ nhung. Một phần thì lo lắng cho chuyến về và những công việc còn đang dang dở ở Hoa Kỳ, một phần thì lại suy nghĩ mình không biết chuyến tới về VN vào dịp nào, đây là cơ hội tốt nhất để thăm Bà Con họ hàng, mình đã thăm những người lớn tuổi, bây giờ mình sẽ cố gắng thăm anh em ngang vai vế với mình, được người nào hay người nấy. Cho nên tôi đã cố gắng tận dụng cơ hội ở VN để thăm anh em trong họ tới giờ phút cuối cùng.

Tôi đã liên lạc anh Nguyễn Văn Đảng, anh ở Biên Hòa, không tiện cho tôi lên thăm anh, nhưng sau khi anh biết tin tôi đang ở Việt Nam, anh rất hân hoan hớn hở sắp xếp đến nhà, trước là thăm Bác, sau là anh em có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Khoảng 9:30 sáng, anh đã có mặt ở Ông Tạ, anh được anh Ất dẫn sang mừng tuổi Bác. Sau đó anh bắt tay tôi và nói liền: "Em phải gọi bằng anh Thắng mới đúng, mặc dù em lớn tuổi hơn anh, giấy rách phải giữ lấy lề, đây là văn hóa VN mà Cha Ông chúng ta đã truyền lại cho con cháu." Tôi vội đáp lại: "Không sao hết, gặp nhau là qúy rồi." Trước đó anh và tôi có email qua lại hỏi han nhau, tôi quen xưng hô là anh Đảng, cho nên cũng hơi khó sửa ngay lập tức. Dù sao đi nữa, anh em chúng tôi vẫn hiểu về sự liên hệ họ hàng trên dưới là được rồi.

Bà Phan Thị Yêm và Nguyễn Văn Đảng.

Tôi xin mạn phép nói riêng về anh Đảng một chút. Nguyễn Văn Đảng là tôi đã được nghe danh anh từ trước năm 1975. Lúc bấy giờ, chị Hiền nhà tôi học ở Đại Học Văn Khoa, sau này mới biết vợ anh Đảng là bạn học cùng lớp với chị Hiền, có mượn sách nhau. Chị Hiền có kể rất nhiều về "Cậu Nguyễn Văn Đảng" cho tôi nghe. Chị Hiền ca tụng anh Đảng và một số anh em họ hàng khác trong lứa tuổi của chị như anh Hiến chẳng hạn, anh Đảng có phần trội không kém những anh em khác. Chị Hiền ca tụng anh Đảng là nhà nghèo mà học tới nơi tới chốn, thi đâu đậu đó, còn anh Hiến là người đầu tiên trong họ hàng mà tốt nghiệp ngành Dược Khoa với văn bằng Dược Sỹ năm 1972. Còn anh Đảng là Giáo Sư Anh Văn ở quân trường Không Quân Nha Trang, sau này anh chuyển về dạy ở trường Quốc Gia Võ Bị Đà Lạt. Hai anh Hiến và Đảng rất nổi tiếng lúc bấy giờ, chị Hiền trầm trộ khen ngợi nhiều lắm. Hôm nay, tôi có dịp gặp anh lại, lần đầu tiên tôi gặp anh Đảng ở Đám Ma thân phụ tôi vào tháng 12-2007, không tiện nói chuyện nhiều với anh vì tang gia bối rối, cho nên hôm nay tôi tận dụng thời gian tối đa để tìm hiểu chi tiết hơn về cuộc đời của anh Đảng. Tôi có lập một cuộc phóng sự nho nhỏ để hỏi về tiểu sử của anh. Anh Đảng tính tình rất vui vẻ, cởi mở, và khiêm nhường.

Anh Đảng sinh năm 1948 ở làng Dũng Vy Bắc Ninh, anh di cư vô Nam với Mẹ mà thôi. Anh đã sinh sống ở Phước Lý, nhà rất nghèo, các Cha thương hoàn cảnh gia đình anh và đem anh vào ở chung với Cha và Thầy ở Phước Lý. Vì được ở gần Cha, anh Đảng đã học hỏi được rất nhiều về mọi mặt, nhất là môn ngoại ngữ Pháp Văn. Cha và các thầy đã truyền đạt cho anh một vốn liếng khá lớn về ngoại ngữ Pháp, anh có học kèm theo Anh Ngữ nữa. Khi thi Tú Tài xong, anh thấy tình hình Anh Ngữ càng ngày càng gia tăng và nhiều người sử dụng trong thời gian cuối thập niên 60 và đầu thập niên 1970, anh đã nhanh chóng đổi thế cờ để luyện Anh Ngữ, anh đã trúng tuyển vô dạy Anh Văn trong trung tâm sinh ngữ Quân Đội. Anh được đi Mỹ huấn luyện vào cuối thập niên 60 ở Texas. Anh trở về VN dạy Anh Văn ở quân trường Nha Trang cho binh chủng Không Quân. Đến năm 1972, anh được chuyển qua dạy Anh Văn ở Trường Quốc Gia Võ Bị Đà Lạt, anh có nói thêm là anh Đinh Công Luy dạy môn Sử Địa cùng với anh ở Võ Bị Đà Lạt.

Nguyễn Văn Đảng và Tony Thắng Đinh.

Sau khi Sài Gòn bị thất thủ năm 1975, anh bị đi cải tạo vài năm, nhà anh đã dọn đi làm ruộng ít năm để tránh đi Kinh Tế Mới, làm ruộng rãy thấy không xong, con cái lại bị thất học, anh đi học tập cải tạo về, anh đem gia đình về lại Thành Phố Biên Hòa và làm lại từ đầu. Anh thuật lại: “Vào giữa thập niên 1990, không biết từ đâu mà họ tìm ra anh Đảng là Giáo Sư Anh Văn trước năm 1975”, anh bất ngờ nhận được rất nhiều học sinh từ tứ phía nhờ anh dạy kèm Anh ngữ, những học sinh đủ mọi tầng lớp trong xã hội: cán bộ (cỡ thượng cấp), người dân sắp đi đoàn tụ ở Mỹ, Canada, Úc Châu, các tu sỹ nam nữ, các em học sinh sửa soạn đi Du Học, vv... Từ đó anh đã mở lớp dạy Anh Văn, đến bây giờ anh và người con trai của anh đang dạy Anh Văn tại gia. Anh tâm sự rằng: Chúa ban cho anh và gia đình đủ ăn, có nhà cửa như mọi nhà khác, cho nên anh dạy Anh Văn chỉ lấy học phí tượng trưng, chứ không chủ trương làm giầu. Chủ yếu của anh bây giờ là dạy cho các tu sỹ nam nữ và dạy luyện thi cho các em trước khi vào Đại Học ở Hải Ngoại và những Đại Học quốc nội. Anh nói rằng số học sinh của anh gần như 99 phần trăm là có kết quả rất mỹ mãn.
  
 Thắng, Bà Phan Thị Yêm, Nguyễn Văn Đảng, Nguyễn Văn Ất.

Bố Mẹ tôi rất qúy mến anh từ lâu, cho nên cũng hay kể chuyện về gia đình anh cho anh em chúng tôi nghe, nhất là chuyện của Bố anh Đảng bị bom nổ ở sân nhà (ở Dũng Vy trước năm 1954) làm mù mắt, và nói là anh Đảng giống Bố anh ấy như đúc. Thật là may mắn cho tôi mới có dịp tâm sự với anh Đảng. Anh em nói chuyện về họ hàng, chuyện nhà thờ, anh Đảng cũng hoạt động giúp nhà thờ rất nhiều. Đặc biệt anh cũng thích làm thơ, anh có tặng cho tôi một bài thơ chúc Tết cho vui (thơ do anh Đảng sáng tác):

Ngựa hí chào Xuân sang Giáp Ngọ
Năm mới huy hoàng rước lộc to
Mã đáo thành công, thời vận đỏ
Gia đình hạnh phúc quẳng âu lo.

Anh hỏi thăm họ hàng và kể cho tôi nghe những anh cùng lứa tuổi với anh là anh Hồng (anh Bốt nhà Bác Vui), và anh Hiến. Anh nói: "Anh rất thân với hai anh này, anh chuyển lời hỏi thăm tới anh Hồng và anh Hiến, anh luôn mong có dịp gặp lại Bà Con Họ Hàng lắm". Tôi xin mượn nơi đây để kính chuyển lời của anh Đảng hỏi thăm các Bác, Cô-Cậu, Chú-Dì và tất cả anh em trong họ. Nhà tôi có mời anh lại dùng cơm, nhưng anh từ chối vì đã có hẹn với người con trai của anh. Anh em từ giã nhau, lần tới có dịp về VN, tôi nhất định ghé thăm gia đình anh Đảng ở Biên Hòa.  
  
Tôi đã cố gắng thăm họ hàng ở trong Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng, tôi đã nhờ Hải em rể đưa tới nhà một người mà tôi luôn kính trọng từ nhỏ, tôi muốn nhắc tới Thầy JM Lam Thy ĐVD.

Thắng, JM Lam Thy ĐVD.

Cổ nhân có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cho nên tôi luôn coi Cậu Diệm mãi là Thầy của tôi. Tôi rất ngại khi viết về Thầy mình, sợ rằng nhiều sự hiểu lầm không đáng, hơn nữa sợ rằng thiên hạ cho mình đang lau bóng tên tuổi của Thầy mình. Như qúy đồng hương cũng biết tên tuổi JM Lam Thy ĐVD đã và đang có tiếng vang rất xa trong thập niên vừa rồi ở phương diện truyền thông báo điện tử toàn cầu. Qúy vị cứ vô lướt web ở Google, rồi gõ “JM Lam Thy”, kết quả sẽ có rất nhiều bài vở của Lam Thy trên nhiều trang mạng khác nhau ở trong và ngoài nước VN, có những trang mạng tên tuổi như VietCatholic News ở Hoa Kỳ. Bài vở của JM Lam Thy rất có giá trị, nhiều nơi đã lấy làm tài liệu để tham khảo và giảng dạy, chẳng hạn như “Nhân Bản Học Kitô Giáo”, như nhà dòng dùng làm tài liệu để đưa vào đề tài giảng dạy theo chương trình. Hơn nữa, có những nơi đã ngộ nhận JM Lam Thy là Linh Mục. Có một lần chính tác giả JM Lam Thy đã phải đính chính cho một tòa báo Lam Hồng thuộc Giáo Phận Vinh để khỏi lầm lẫn. Tôi cũng thấy tếu là chính JM Lam Thy không biết gì hết, thiên hạ cứ âm thầm lấy bài vở đăng lên báo của họ tỉnh bơ, tôi là người đã thông báo cho Cậu Diệm biết về nhiều tòa báo điện tử (Electronic News) đã đăng bài của Cậu, lúc đó Cậu mới lần là tìm ra. Đây là một bất ngờ rất được trân trọng và qúy mến. Đây cũng chính là món quà tinh thần và là động lực cực mạnh để Thầy có nhiều nghị lực cầm bút tiếp tục nghiên cứu phúc âm để phục vụ cho giáo hội và xã hội.

JM Lam Thy ĐVD

Qua những thành công mỹ mãn làm giảng viên cho Dòng Ba Đa Minh Bắc, Trung, Nam Việt Nam hơn một thập niên vừa qua... Thầy cũng có nhiều chiến công oanh liệt, và mang nhiều thành quả, cho nên có rất nhiều Bằng Khen ở khắp nơi. Tôi đến nhà Thầy hai lần và có chuyện trò rất cởi mở, tình cờ tôi bắt gặp một tấm bằng khen của Tòa Thánh Roma do Đức Thánh Cha Bê-Nê-Đictô XVI ban tặng vào ngày 14-2-2013, tôi có chụp tấm bằng khen này. Đây là niềm hãnh diện cho bản thân JM Lam Thy và cũng là niềm hãnh diện chung cho cả họ hàng.

                                 
Hai thầy trò nói chuyện tán gẫu từ chuyện học đến chuyện đời. Thầy có nói là văn bằng Cử Nhân của Thầy là Cử Nhân Hán-Việt do Đại Học Văn Khoa cấp trước năm 1975. Thầy có cho tôi xem một vài cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Việt Nam, nét chữ của Thầy năm xưa rất rõ nét, ít nhiều tôi cũng nhớ lại những năm tháng tôi bị gõ đầu ở nhà Thầy. Thấm thoát thế mà đã hơn 40 năm…!        
  
Nói đến Chữ Nghĩa, hai cậu cháu có nói chuyện chữ Việt Nam mình đã bị thay đổi khá nhiều so với thời trước năm 1975, Thầy kể cho tôi rất nhiều chuyện cười ra nước mắt trong thời gian Thầy còn đi dạy sau năm 1975, tôi nhớ không hết những chuyện cười có thật đã xảy ra trong cuộc đời nghề Giáo của Thầy.

 JM Lam Thy ĐVD

Nhận tiện đây, tôi muốn giới thiệu đến qúy đồng hương một bảng ngữ của một trung tâm dạy luyện thi hay dạy kèm, trường này ở ngay sát bên nhà Mẹ tôi đang ở. Tôi thấy bảng ngữ này lạ quá, cho nên chụp một tấm hình làm bằng chứng để mình cần học hỏi nghiên cứu thêm, bảng ngữ viết rất to và rõ: "Trung Tâm Bồi Dưỡng Văn Hóa", tôi đọc tiếp mấy hàng chữ nhỏ hơn và in ở dưới, thì tôi mới hiểu là trung tâm này dạy luyện thi hay dạy kèm về Toán-Lý-Hóa-Sinh (Hóa Học và Sinh Vật, trước 1975 Sinh Vật là môn Vạn Vật) và ngoại ngữ Anh Văn. Nếu không đọc tiếp mấy chữ nhỏ thì tôi tưởng là trung tâm bán đồ ăn cho Văn Hóa, như là phụ nghĩa cho môn Ẩm Thực vậy. Thường thường tôi chỉ nghe là "Bổ Túc Văn Hóa" hay trung tâm luyện thi hay dạy kèm, đây là lần đầu tiên tôi được thấy một bảng ngữ treo giữa làng xóm như vậy và nghe nói là đã treo nhiều năm rồi, Trung Tâm khá nổi tiếng trong vùng ông Tạ.


Chuyện bên lề về chữ nghĩa đến đây tạm ngưng với Thầy. Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, đó là định luật. Tôi vội vàng chia tay Cậu Diệm và hứa sẽ trở lại dịp tới về Việt Nam thăm Cậu tiếp. Cậu cũng gửi lời thăm tất cả họ hàng nội ngoại xa gần. Bây giờ Cậu đã lớn tuổi và sức khỏe đã kém đi, xin qúy đồng hương thêm lời cầu nguyện cho Cậu Diệm cho Cậu có nhiều sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho Giáo Hội.

Kính chúc qúy đồng hương và họ hàng nội ngoại xa gần sức khỏe dồi dào và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.



Thân ái.  
Tony Thắng Đinh (TTĐ).  
Dallas, Texas ngày 29 tháng 4, năm 2014.  
  
Tái Bút:  
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm tạ Blog KYDV đã cho tôi cơ hội tham gia và viết phóng sự cho chuyến đi VN vừa qua.
----------

Ghi chú của Blog KYDV:
Quý vị cũng có thể xem bài này tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Thắng

No comments:

Post a Comment