Monday, May 12, 2014

Bên những dòng sông quê hương - Th.s Đỗ Thị Thủy

Thứ năm, 31/12/2009 - 10:10

Núi sông là nơi tụ khí linh thiêng của đất trời và là hồn của quê hương đất nước. Bởi núi sông là điều kiện tự nhiên quan trọng để con người sinh cơ lập nghiệp và làm nên lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước:

Phía Bắc tỉnh Bắc Ninh là con sông Cầu, xưa có tên là Nguyệt Đức, bắt nguồn từ tỉnh Thái Nguyên, chảy qua tỉnh Bắc Giang, xuống Ngã Ba Xà qua một loạt các làng xã của các huyện thị Yên Phong, Bắc Ninh, Quế Võ, đổ vào sông Lục Đầu. Chạy song song với con sông này là các dãy núi như: Quả Cảm, Cổ Mễ, Đáp Cầu, Thị Cầu, Ngọc Xá, Phù Lương, Phù Lãng, Châu Cầu, Châu Phong. Vùng đất núi sông này đã trở thành “phên dậu” phía Bắc của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc và đã được sử sách ca ngợi, dân gian truyền tụng.

Với vị thế là phên dậu, nên nơi đây đã sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt đánh giặc và cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công lẫy lừng của dân tộc ta chống giặc ngoại xâm. Suốt dãy núi Vũ Ninh, Châu Sơn ghi dấu về truyền thuyết “Thánh Gióng” người anh hùng đầu tiên đánh giặc giữ nước. Dọc sông Cầu, trên 370 làng thờ các danh tướng họ Trương (Trương Hống, Trương Hát) quê ở Vân Mẫu-Quế Võ có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI. Cũng con sông này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của nhà sử học nổi tiếng Ngô Sĩ Liên viết vào thế kỷ XV đã ghi lại cuộc kháng chiến vĩ đại của quân dân nhà Lý đánh bại hàng chục vạn quân xâm lược Tống ở thế kỷ XI.

Sông Cầu, đoạn chảy qua Thị Cầu xưa được gọi là Thị Kiều, sách “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi lại chiến công của quân dân nhà Trần đánh lui quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII. Các thế hệ anh hùng hào kiệt nối tiếp nhau, đến thời Lê Sơ trở đi, vùng đất này có nhiều danh nhân, nghĩa sĩ trung quân ái quốc đánh giặc giữ nước, tiêu biểu là dòng họ 18 Quận công (Quế ổ-Quế Võ) nhiều đời có công với dân với nước. Chính vì vậy, sử sách xưa đã gọi vùng đất Quế Dương là đất “Vũ dũng”.

Vùng đất ven sông Cầu, không những ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, mà còn tạo điều kiện cho các làng xã phát triển nghề nông trồng lúa trồng màu, đánh bắt thủy sản, là quê hương của các làng nghề nổi tiếng. Sách “Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự” viết vào đầu thời Nguyễn, đã cho biết hàng trăm nghề thủ công của xứ Kinh Bắc, trong đó có các làng nghề ven sông Cầu, tiêu biểu như: tơ tằm (Vọng Nguyệt), gốm (Đương Xá, Quả Cảm, Thổ Hà, Phù Lãng), dệt vải (Đẩu Hàn, Viêm Xá), đường mật (Xuân Đồng, Viêm Xá), rượu bánh (Đại Lâm, Tam Đa), nung vôi luyện thép (Thị Cầu, Đáp Cầu), sơn thiếp Bình Cầu… Các làng nghề thủ công này đã góp phần làm nên sự trù phú và văn hiến của các làng xã. Đây còn là đất học của các nhà khoa bảng nổi tiếng như: Trạng Nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (Phù Lương). Các Tiến sĩ Bồng Lai (Bồng Lai) hai cha con cùng đỗ một khoa, nên dân gian có câu “Tiến sĩ Bồng cha Bồng con”. Các dòng họ Tiến sĩ họ Nguyễn và họ Phạm Kim Đôi (Kim Chân) với 25 Tiến sĩ. Làng Vọng Nguyệt (Tam Giang-Yên Phong) nổi danh với tên tuổi của 9 vị đỗ đại khoa, riêng họ Ngô của làng 5 đời liên tiếp có người đỗ đạt và có tới 5 vị đỗ đại khoa.

Phía Đông Nam tỉnh Bắc Ninh là con sông Đuống, xưa có tên là sông Thiên Đức, bắt nguồn từ sông Nhị Hà (Sông Hồng), chảy qua một loạt các huyện (thị) như: Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình rồi đổ vào sông Lục Đầu. Sông này chảy đến địa phận huyện Thuận Thành thì có một nhánh lớn chảy xuống phía Nam được gọi là sông Dâu. Sông Đuống và sông Dâu là đầu mối giao thông đường thủy rất quan trọng, nối sông Hồng với sông Thái Bình và Biển Đông, nên trong dân gian vùng Dâu còn truyền nhau câu ca:

“Lênh đênh ba bốn thuyền kề
Thuyền ra biển cả, thuyền về sông Dâu”.

Vì vậy, ngay từ thời quốc gia Văn Lang-Âu Lạc, vùng Dâu đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của nước ta. Khi nhà Hán xâm lược nước ta đã chọn vùng Dâu để xây thành Luy Lâu làm trị sở thống trị của chúng. Từ thời Hán đến Lục triều, Dâu-Luy Lâu luôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của nước ta. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc và chống đồng hóa của phong kiến phương Bắc, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tiến đánh giặc Tô Định tại thành Luy Lâu; để lại dấu ấn bằng hàng loạt các làng xã ở quanh thành Luy Lâu thờ các danh tướng và Hai Bà Trưng. Hệ thống di tích vùng Dâu như: Lăng mộ đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là thờ các bậc Thủy tổ của dân tộc Việt Nam.

Phía Bắc sông Đuống, xưa là phủ Từ Sơn gồm 5 huyện (Võ Giàng, Quế Dương, Đông Ngàn, Tiên Du, Yên Phong), nay là 5 huyện thị (Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh). Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ghi chép như sau: “Phủ Từ Sơn ở giữa Kinh Bắc, địa thế bề ngang kéo dài. Làng Cổ Pháp là đất thang mộc thời Lý, khí thiêng của đất chung đúc, lăng cũ của tám vị vua nhà Lý um tùm thành rừng. Về cảnh núi sông thì có Tiêu Sơn, núi Phật Tích, núi Phả Lại, núi Lãm Sơn, núi Châu Sơn, sông Nguyệt Đức, sông Thiên Đức…”). Núi Tam Sơn (Từ Sơn) được sách “Đại Nam nhất thống chí” ví như những hạt “minh châu” nổi lên giữa ruộng đồng bờ bãi; nơi sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Vùng đất này, có nhiều dãy núi (Hàm Sơn, Lãm Sơn, Tam Sơn, Tiêu Sơn, Bát Vạn Sơn, Phật Tích, Lim…) và những dòng sông cổ (Ngũ Huyện Khê, Tiêu Tương, Tào Khê) xen kẽ giữa đồng ruộng phì nhiêu mầu mỡ. Những con sông, dòng chảy cổ trên đã tạo điều kiện cho các làng xã quanh đấy phát triển nghề nông trồng lúa màu, các nghề thủ công sắt, dệt, gốm, mộc, nề, giấy dó như: sắt Đa Hội; cày bừa Đông Xuất; dệt tơ tằm và vải Lũng Giang, Nội Duệ, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Tam Tảo, Xuân ổ; mộc chạm khắc Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc, Kim Thiều, Khúc Toại, Trà Xuyên; sơn mài Đình Bảng, Nội Trì, Phù Dực; giấy dó Đống Cao, Bùi Xá; nề xây dựng Nội Duệ, Vĩnh Kiều; đúc gang (Nội Trà), đúc nhôm (Mẫn Xá), nấu rượu (Quan Đình)… Đó còn là vùng đất khoa bảng nổi tiếng như: làng Tam Sơn có tới 17 vị đại khoa và có đủ Tam Khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); làng Hương Mạc có 11 vị đại khoa, trong đó 1 Trạng nguyên, làng Vĩnh Kiều có 10 vị đại khoa, trong đó 2 Thám hoa; làng Phù Chẩn có 10 vị đại khoa, trong đó 2 Trạng nguyên; làng Phù Khê có 16 Tiến sĩ; làng Kim Thiều có 9 vị đại khoa, làng Trang Liệt có 8 vị đại khoa; làng Cẩm Giang có 5 vị đại khoa. Và chính vùng đất địa linh này đã sinh ra các nhà yêu nước cách mạng tiền bối kiệt xuất như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ.

Đặc biệt, vùng đất các làng xã (Đình Bảng, Tân Hồng, Tương Giang), xưa thuộc châu Cổ Pháp, có sông Tiêu Tương chảy qua, có thế đất “Rồng chầu” và có huyệt “Đế vương” là quê hương phát tích nhà Lý. Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo; có nhiều chùa tháp cổ như Cổ Pháp, Kim Đài, Minh Châu, Tiêu, Trường Liêu, Tam Sơn từng là trung tâm Phật giáo với nhiều sư tăng nổi tiếng trụ trì. Chùa Tiêu trên núi Quốc sư Lý Vạn Hạnh trụ trì, nuôi dạy Lý Công Uẩn thuở ấu thơ. Chính vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sinh ra Lý Công Uẩn người có công dựng lập lên vương triều Lý và khai mở nền văn minh Đại Việt. Dọc đôi bờ Tiêu Tương còn là quê hương của những làng Quan họ gốc nổi tiếng như: Lũng Giang, Lũng Sơn, Tam Sơn, Hiên Ngang, Hoài Thị, Hoài Bão, Khúc Toại, Trà Xuyên, Bùi Xá, Đào Xá, Đặng Xá, Dương ổ, Xuân ổ, Hòa Đình, Bồ Sơn, Khả Lễ, Đọ Xá, Đặng Xá, Viêm Xá, Thượng Đồng, Thụ Ninh… Làng Viêm Xá được tôn vinh là đất Thủy tổ Quan họ.

Phía Nam sông Đuống, xưa là phủ Thuận An gồm 5 huyện (Gia Lâm, Siêu Loại, Lương Tài, Gia Định, Văn Giang), nay là 3 huyện (Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài). Vùng đất này, ngoài trung tâm Dâu-Luy Lâu, còn có dãy núi Thiên Thai, những con sông cổ như: Bái Giang, Nghi Tuyền, Nghi Khúc… Dãy núi Thiên Thai và các con sông trên đã tạo điều kiện cho các làng xã quanh đấy phát triển nghề nông, nghề thủ công, giao lưu buôn bán. Đây là vùng đất của các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng: Nghi Khúc (Bưởi Cuốc), Đại Bái (Bưởi Nồi), Đoan Bái (Bưởi Đoan), Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên)… Đó còn là vùng đất của các nhà khoa bảng, các danh nhân nổi tiếng: Làng Thổ Lỗi xưa là quê hương của Nguyên phi ỷ Lan, là vợ của vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Cuộc đời của bà gắn liền với hai vị vua anh minh triều Lý, hai lần nhiếp chính thay chồng và con lo việc giang sơn như: chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và giàu lòng yêu thương nhân dân. Thuộc dãy núi Thiên Thai, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu là quê hương của “Trạng nguyên” Thái sư Lê Văn Thịnh: Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Minh kinh bác học, Lê Văn Thịnh thi đỗ đầu, thăng đến chức Thái sư. Ông là người tài cao đức trọng có nhiều công lao với dân với nước, nên đã được nhiều làng xã thờ làm Thành hoàng làng. Đó còn là tên tuổi hàng trăm các nhà khoa bảng, danh nhân tài cao đức trọng các làng xã của huyện Gia Bình (Đại Bái, Nhân Thắng, Đại Lai, Bình Dương, Quỳnh Phú, Song Giang), huyện Lương Tài (Phú Lương, Trung Chính, Thứa, Trừng Xá, Trung Kênh, Phú Hòa, Lâm Thao, Bình Định, Quảng Phú, An Thịnh…).

Bắc Ninh-Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có núi sông hùng vĩ, ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, là đất “địa linh nhân kiệt” sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Phát huy địa thế của quê hương, truyền thống của ông cha, các thế hệ người Bắc Ninh luôn chịu khó, hay làm, hiếu học, yêu nước, đánh giặc và đã góp phần lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, vùng đất này đã được sử sách ca ngợi là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Th.s Đỗ Thị Thủy
(Ban Quản lý di tích tỉnh)

No comments:

Post a Comment