Monday, April 28, 2014

Luy Lâu - Lịch sử và văn hóa

Luy Lâu (hay Liên Lâu) thuộc xã Thanh khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, giờ đây không chỉ là khu di tích lịch sử - văn hóa có quy mô to lớn và phong phú vào bậc nhất nước ta trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, mà đang trở thành đối tượng hàng đầu trong việc nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam phải chăng có một thời kỳ hay một giai đoạn Luy Lâu, và nếu vậy cũng có một văn hóa Luy Lâu trong tiến trình hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc từ văn minh sông Hồng đến văn minh Đại Việt.
 
Đây quả là đề tài khoa học lớn và mang tính thực tiễn sâu sắc khi nhân loại đang bước sang thiên niên kỷ mới. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có khát vọng tìm về cội nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc riêng, để có thể phát triển bền vững trong thời đại mới. Giải quyết vấn đề lịch sử và văn hóa Luy Lâu cũng chính là góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu vấn đề cội nguồn dân tộc, cội nguồn và tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam. Trong chuyên luận này chúng tôi xin trình bày những hiểu biết bước đầu của mình về lịch sử văn hóa Luy Lâu trong tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam, qua đó đề xuất một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá vai trò của Luy Lâu trong lịch sử. 
  
- Luy Lâu - Trung tâm chính trị, quân sự của Giao Chỉ và Giao Châu 
   
Vai trò này Luy Lâu đã được các nguồn sử liệu Việt Nam và Trung Quốc xác nhận. Luy Lâu là trụ sở của chính quyền quận Giao Chỉ và Giao Châu từ thời thuộc Tây Hán đến thời thuộc Ngô. 
  
Thời thuộc Đông Hán, đây là trị sở của thái thú Tô Định, đối tượng tấn công chủ yếu của nghĩa quân Hai Bà Trưng: 
  
“Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã đến gần Long Biên’’. 
   
(Đại Nam quốc sử diễn ca) Thời thuộc Ngô, Luy Lâu là trị sở của thái thú Sỹ Nhiếp ở Châu Giao. Hệ thống các nguồn tài liệu, nhất là các nguồn tài liệu ở khu di tích Luy Lâu hiện nay, trong đó phần lớn là các tài liệu, di tích về thái thú Sỹ Nhiếp (bia ký, sắc phong, đình, đền thờ, thành lũy, lăng mộ…) đã cho phép xác định thời kỳ này thủ phủ Luy Lâu mang tên Long Biên. Trước đây trong công trình “Bắc Kỳ thời cổ”, học giả Pháp Madrolle đã xác định trong thời kỳ Bắc thuộc, hai huyện Luy Lâu và Long Biên thay phiên nhau giữ vai trò trị sở của quận Giao Chỉ và Giao Châu. Song đã có lúc, ông ngờ rằng Luy Lâu cũng chính là Long Biên ở địa điểm nào trên đất Bắc Ninh, song vẫn chưa xác định được, mà mới chỉ là những dự đoán. 
  
Căn cứ vào nguồn thư tịch cổ, chúng ta được biết Luy Lâu và Long Biên là hai huyện lớn của Giao Chỉ sau đó là Giao Châu, trong đó Luy Lâu là huyện đứng đầu, nơi đặt trị sở của quận từ thời Tây Hán, rồi Đông Hán và thuộc Ngô. Căn cứ vào sách “Thủy Kinh chú” và “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng tôi cho rằng, trong thời thuộc Hán và Ngô, có lẽ không xảy ra việc chuyển dời trị sở từ Luy Lâu sang Long Biên, mà đã có sự đổi tên trị sở ở Luy Lâu (hay Liên Lâu) sang Long Biên – còn địa điểm vẫn đóng ở vị trí cũ – tức thành Luy Lâu thời thuộc Tây Hán. 
  
Theo các danh sách trên cho biết, thời Tiền Hán, thành Luy Lâu (hay Dinh Lâu) thuộc Giao chỉ quận và còn có tên là Long Uyên, sang thời Hậu Hán và thuộc Ngô, là thủ phủ của thái thú Sỹ Nhiếp được phong tước Long Biên hầu. Việc đổi tên thành, sách “Thủy Kinh chú” cho biết “Năm Kiến An thứ 23 đời Hán, lúc bắt đầu lập thành (Long Biên), có giao long lượn đi lượn lại ở hai bến Nam - Bắc, nhân đó đổi Long Uyên ra Long Biên…”.

Năm Kiến An thứ 23 (tức năm 218) là thời kỳ Giao Châu dưới quyền cai trị của thái thú Sỹ Nhiếp, và trị sở được xây dựng, mở mang với quy mô to lớn như kinh đô của một nước, mà nay những di tích ở Luy Lâu là bằng chứng vật chất xác định. Vì vậy, việc đoán Luy Lâu là Long Biên là có cơ sở. Tất nhiên để giải quyết vấn đề này, cần tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt cần tiến hành các cuộc khai quật lớn ở Luy Lâu, đồng thời có các cuộc khảo sát, điều tra khảo cổ học với quy mô rộng lớn và các phương pháp tiên tiến, phương tiện hiện đại.
 
- Luy Lâu - Trung tâm kinh tế, thương mại 
   
Các nguồn thư tịch cổ không cho biết gì về vai trò của Luy Lâu. Trong công trình “Bắc Kỳ thời cổ’’, học giả Pháp Madrolle dự cảm rằng: “Với Luy Lâu, hình như chúng ta đang ở ngay trong lòng miền châu thổ, tại tổ của người An Nam, nơi người An Nam xuất phát để tràn lên, mở rộng vùng ngự trị của họ”. Các nhà sử học Việt Nam, trong các công trình thông sử Việt Nam, đều suy đoán Luy Lâu trước thời Hán xâm lược, đã là trung tâm kinh tế - thương mại của người Việt. Luy Lâu được coi như là cái ổ từ đó người Việt Nam tràn ra chiếm lĩnh miền trung châu, và trung tâm Luy Lâu có thể được hình thành do việc viếng thăm của những thương nhân và tăng sỹ Ấn Độ theo thuyền mà tới bằng đường biển và đường sông. 
  
Những dự cảm, suy đoán trên nay đã trở thành sự thật. Ngay trung tâm Luy Lâu đã tìm thấy rìu, giáo đồng, và đặc biệt là khuôn đúc trống đồng – những di vật độc đáo thuộc văn hóa Đông Sơn. Quanh Luy Lâu mặt tập những di tích thuộc nền văn hóa này như ở Đại Trạch, Đình Tổ, Đại Đồng Thành, Lãng Ngâm, Đông Cứu, Đại Lai. Rồi các di tích truyền thuyết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ tập trung khá đậm đặc trong vùng Luy Lâu xưa. Những tài liệu và chứng tích trên đã xác định Luy Lâu trước thời Hán đã là trung tâm cư trú, trung tâm kinh tế quan trọng của người Việt với các hoạt động kinh tế hết sức đa dạng: trồng lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, đúc đồng, làm gốm, đánh cá và giao thương buôn bán. 
  
Trên cơ sở đó, khi giữ vai trò trị sở quận Giao Chỉ và Châu Giao, Luy Lâu đã nhanh chóng trở thành một đô thị lớn. Cho dù các cuộc khai quật ở Luy Lâu còn quá nhỏ hẹp – đúng ra mới là các cuộc thám sát, song với các nguồn tài liệu thu được và di tích thành lũy, đền đài, chùa tháp còn lại, vẫn cho phép hình dung đô thị Luy Lâu thời Bắc thuộc. Trung tâm đô thị là tòa thành với hào lũy kiên cố - nơi làm việc của bộ máy chính quyền châu, quận; hai phía Nam Bắc là khu quan lại, quý tộc với nhà cửa, lầu gác, rồi đến phố xá, chợ búa, bến bãi, các khu sản xuất gốm sứ, gạch ngói, những làng thủ công, làng nông nghiệp, làng chài nhộn nhịp dọc bờ sông Dâu. Phía Đông là khu mộ địa, và phía Nam là chùa Dâu – trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của đô thị Luy Lâu. 
  
Các nguồn tài liệu đã xác nhận, Luy Lâu được xây dựng và mở mang với quy mô to lớn vào thời thái thú Sỹ Nhiếp. Nơi đây là trung tâm giao thương buôn bán sầm uất của Giao Chỉ - Giao Châu với các nước trong khu vực, trong đó sông Dâu giữ vai trò thông thương Luy Lâu với vùng biển Đông và vào sâu vùng nội địa qua sông Hồng. Luy Lâu là đô thị cảng, giữ vai trò quan trọng trong đế chế Hán ở vùng Đông Nam Á. 
  
 “Trên đất Giao Chỉ, trong suốt một thời kỳ dài từ cuối thế kỷ II tới thế kỷ IX – X, Luy Lâu không nhường vai trò một đô thị lớn nhất cho bất cứ nơi nào”. Nhận định này trong sách “Đô thị cổ Việt Nam”, theo chúng tôi là có cơ sở. Song quy hoạch, bộ mặt của đô thị Luy Lâu, các hoạt động giao thương buôn bán, các hoạt động kinh tế của Luy Lâu thì còn tiếp tục phải tìm hiểu, và các nguồn tài liệu trong lòng đất Luy Lâu hiện nay, khi được khai thác sẽ đem lại những hiểu biết đầy đủ hơn về trung tâm kinh tế - thương mại Luy Lâu thời Bắc thuộc. Song điều cảm nhận được là chính nhờ có vai trò này, đã khiến xứ Bắc – Bắc Ninh, từ xưa đã cơ bản không phải là vùng thuần nông, mà có sự kết hợp chặt chẽ giữa làm ruộng (trồng lúa, trồng hoa màu, trồng dâu chăn tằm), với sản xuất các mặt hàng thủ công và giao thương phát triển. Nơi đây đông đặc chợ quê, làng nghề, làng buôn, làm thành cá tính – truyền thống người xứ Bắc: cần cù lao động, tài khéo tay thợ và thành thạo hoạt bát trong buôn bán, giao lưu kinh tế, văn hóa. Ở lĩnh vực nào cũng thành nghề tinh xảo, là niềm tự hào của người dân tỉnh Bắc: 
  
Tỉnh Bắc có lịch, có lề,
Có nghề buôn bán, có nghề cửi canh.
Có nghề xe chỉ học hành,
Có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa”.
 
- Luy Lâu - Trung tâm văn hóa, trung tâm Phật giáo 
   
Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta. Đây là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn trong đế chế Hán. Phật giáo đã được truyền thẳng từ Ấn Độ sang và vào Luy Lâu có thể từ trước công nguyên, và sau đó, người có công lập nên sơn môn Dâu là Khâu Đà La. Tài liệu “Cổ Châu Pháp Văn Phật bản hạnh”, các nguồn tài liệu di tích ở Luy Lâu và Phật Tích chỉ rõ rằng sư Khâu Đà La đã vào Luy Lâu rồi lên Phật Tích hành đạo, sau đó trở lại Luy Lâu, lập nên sơn môn này. Mối quan hệ giữa Luy Lâu và Phật Tích đã được xác lập từ những thế kỷ đầu công nguyên và được thực hiện qua sông Dâu – một con sông lớn có vai trò quan trọng đối với các hoạt động kinh tế, văn hóa và tôn giáo của đô thị Luy Lâu. 
  
Khi Phật Giáo vào Luy Lâu cũng là lúc văn hóa Ấn Độ - một trong những nền văn minh của phương Đông cổ đại, truyền vào nước ta qua trung tâm Luy Lâu, mà nay còn để lại những di tồn rất rõ trong tượng Pháp, truyền tích, lễ hội Dâu, hệ thống kiến trúc chùa tháp và tư tưởng Phật giáo được thấm sâu vào đời sống dân chúng. 
  
Sau văn hóa Phật giáo Ấn Độ, là nền văn hóa Hán được truyền vào nước ta qua Luy Lâu, chủ yếu bằng con đường cưỡng bức của bộ máy thống trị. Tham gia vào việc truyền bá văn hóa Hán là đông đảo quan lại, quý tộc, sỹ đại phu, thợ thủ công, thương nhân, giáo sỹ; trong đó có vai trò quan trọng của Sỹ Nhiếp. Ông đã tiến hành truyền bá văn hóa Hán một cách hệ thống, chặt chẽ và quy củ. 
  
Đặc biệt Sỹ Nhiếp đã thực hiện có kết quả việc hòa nhập giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa Hán với văn hóa Việt bản địa. Có lẽ vì công lao đó, mà các sử gia phong kiến Việt Nam sau này rất đề cao Sỹ Nhiếp, nhưng vẫn nhớ và tôn sùng “Nam giao học tổ” thờ phụng “Thánh Nam giao”. Đã đến lúc cần có sự nghiên cứu và đánh giá khách quan, khoa học vai trò của Sỹ Nhiếp trong việc truyền bá và phát triển văn hóa Luy Lâu trong thời gian ông làm thái thú ở Giao Châu. 
  
Nho giáo và văn hóa Hán được truyền vào nước ta chủ yếu qua trung tâm Luy Lâu, được người xứ Bắc tiếp thu từ rất sớm, đã là một nhân tố quan trọng làm nên truyền thống hiếu học khoa bảng của nhân dân Bắc Ninh, trong giai đoạn phong kiến độc lập tự chủ sau này. 
  
Nhưng dù là Nho hay Phật, văn hóa Ấn Độ hay văn hóa Hán, khi vào Luy Lâu đều phải dung hợp, kết hợp với văn hóa bản địa của người Việt, mới có thể tồn tại và phát triển. Hệ thống các chùa ở Luy Lâu với trung tâm là chùa Dâu, vẫn là các bà “Tứ Pháp – Ngũ Pháp” ở trung tâm Phật Điện, và hội Dâu, mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm, chính là hội “cướp nước”, tắm Phật, rước Tứ Pháp của 12 làng trong tổng Dâu – một sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng cộng đồng điển hình của cư dân Việt cổ đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Theo truyền thuyết và tập tục lễ hội, Sỹ Nhiếp – tức thánh Nam Giao chính là người khai hội Dâu từ chiều 7 tháng 4 tại cửa chùa Dâu. 
  
Ngay ở trung tâm Luy Lâu và các vùng xung quanh đậm đặc các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn, các di tích về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ, về các tướng lĩnh của hai bà Trưng, các truyền thuyết lễ hội về cội nguồn dân tộc Việt. Văn hóa bản địa của người Việt ở trung tâm Luy Lâu vẫn bao trùm và sâu đậm trong đời sống mọi mặt của người dân. 
  
Quá trình hội nhập, giao lưu, tiếp xúc giữa các nền văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng bản địa và ngoại nhập ở Luy Lâu thời Bắc thuộc là tập trung tiêu biểu, chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt cổ, sự bao dung, nhanh chóng thích nghi, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại của dân tộc ta. Nhờ đó, trong công cuộc chống xâm lược và đồng hóa, nhân dân ta đã không bị tiêu diệt, mà ngược lại đã bồi trúc nguồn sinh lực mới, để đưa tới sự chuyển biến trong toàn bộ, xây dựng nền văn minh Đại Việt thời độc lập tự chủ. 
  
Trên cơ sở tìm hiểu và đánh giá vị trí, vai trò của trung tâm Luy Lâu trong lịch sử, phải chăng đã có cơ sở để xác định, trong lịch sử Việt Nam đã trải qua một thời kỳ (hay một giai đoạn) Luy Lâu, và như vậy cũng có một văn hóa Luy Lâu. Biết rằng đó là những suy nghĩ bước đầu, nhưng cũng xin mạnh dạn đề xuất, mong được sự thảo luận và đóng qóp của các vị độc giả.
 
Trần Đình Luyện
 

No comments:

Post a Comment