Monday, February 4, 2013

LÀNG TÔI (Đoạn 2)

II - Cầu Ve

Đó là chiếc cầu đá khá kiên cố, nằm trên con đường duy nhất dẫn vào làng từ phía Tây và Bắc qua con sông nhỏ cạnh làng.

Theo thiển ý, Cầu Ve hiện nay đúng hơn chỉ là một cống thoát nước. Nhưng trong phương ngữ còn tồn tại cụm từ CỐNG CẦU VE, chứng tỏ xưa kia nơi đây có một cây cầu bằng tre hoặc gỗ, gọi là Cầu Ve (cầu của Xóm Ve). Sau này, khi ông cha ta be đập, đắp bờ từ hai bên lấn ra giữa lòng sông và xây cống thoát nước. Cống ấy gọi là Cống Cầu Ve.

Trải qua thời gian và theo đặc tính chung của ngôn ngữ khắp thế giới là tĩnh lược, rút gọn, đơn giản hóa (kiểu như dân miền quê = dân quê) nên từ “cống” mất dần theo năm tháng, cuối cùng chỉ còn gọi tắt là Cầu Ve, dù chiếc cầu xưa kia không còn nữa.

Cầu Ve là tụ điểm ưa thích của mọi lứa tuổi. Những ngày đẹp trời, chiều chiều, quý ông ra đây hóng mát ngắm cảnh hoàng hôn hay mơ màng dõi theo những cánh cò trắng, từ cánh đồng phía hạ nguồn đua nhau về tổ trên lũy tre làng, quả là thú vị. Những đêm trăng thanh gió mát, nhất là về tháng 7, tháng 8, vừa ngắm trăng, vừa kéo vó, hoặc lơ đãng thả hồn theo nhịp gõ cành cành vào mạn thuyền của các ngư dân lưới cá, cũng là cách thư giãn vô cùng công hiệu sau một ngày lao động mệt nhọc.

Các trai làng thường ra đây tắm, vừa bi bô tán tỉnh, vừa “rửa mắt”, ngắm những cô gái giặt chiếu, giũ lụa, hong tóc... Đây là một bức tranh đồng quê rất trữ tình.

Về mùa nước lớn (tháng 7-8) Cầu Ve đặc biệt nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền, vì đoạn bờ ở đầu cầu phía Đại Vy năm nào cũng sạt lở, nước chảy phăng phăng.

Những người gồng gánh nặng hoặc nhát, không biết bơi đều phải qua sông lụy đò. Đó là đò ngang đưa khách sang sông, chuyển dịch như con thoi giữa hai bờ. Đò dọc chở khách đường dài, xuôi ngược giữa Cầu Ve và Đồng Lạng.

Ngoài chức năng bến khách, Cầu Ve còn là bến trung chuyển lúa. Các thuyền lúa từ đồng dưới (Tào Khê) tập kết lúa về đây, chất thành từng đống để người thân và thợ ra gánh lúa về nhà.

Ngày mùa, tùy theo thời vụ, từ mờ sáng, thợ cấy, thợ gặt từ xóm Gạ, Đại Vy, Húc... tập trung trước cổng làng, chờ dân Ve ra mướn vào làm.

Vì là bến đò khách, bến lúa và chợ lao động nên cũng có những dịch vụ ăn theo như hàng quà, hàng bánh và tất nhiên không thể thiếu gánh nước chè xanh hay nước vối mà chủ thường là một cô thôn nữ xinh xinh đã đi vào thi ca.

Cuối cùng, nói đến Cầu Ve là phải nghĩ ngay đến “đệ nhất thú” trên đời – Thứ nhất là tắm sông.

Tắm sông thú lắm, vì thỏa sức vùng vẫy giữa cảnh trên trời, dưới nước, vô cùng thoáng đãng, không bị gò bó như tắm ao, tắm giếng.

Nhưng tắm sông Cầu Ve còn thú hơn nhiều, vì nước Cầu Ve vừa trong, vừa sạch, lại mát nữa! Trong – sạch – mát mẻ vì trước khi về đến Cầu Ve, nước sông phải qua một hệ thống lọc tự nhiên. Đó là hệ rễ cây, rễ bèo dầy đặc ở phía thượng nguồn, nhất là đoạn từ Đồng Thần đến hết Xóm Gạ.

Tắm Cầu Ve còn hào hứng vô cùng vì các cuộc thi bơi, thi lặn, đuổi bắt và dìm nhau chí chết. Cuộc thi nào có sự chứng kiến và cổ vũ của mấy “em” cũng đều sôi động hơn, ác liệt hơn vì “anh” nào cũng muốn trổ tài để lấy le, lấy lòng.

Với những ưu điểm trên, nước sông Cầu Ve có sức quyến rũ, mê hoặc tới mức

“Sống mà tắm nước Cầu Ve
Chết dù chả có tò te thì đừng”

Đúng thế! Tò te là chuyện của người sống, khi đã “ngủm” ai cần mấy thứ đó! Với lại, tắm Cầu Ve “đã” quá rồi, cần gì phải kèn trống tiễn đưa về miền cực lạc, vừa xưa, vừa tốn tiền! Chín suối dù có hợp lại vẫn nhỏ hơn sông Cầu Ve! Mỉm cười dưới đó đâu có sướng bằng ở Cầu Ve! Chả thế mà năm nào dân Ve cũng có người tự nguyện thoát ly thôn làng để đi theo Hà Bá!!!

No comments:

Post a Comment