“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh...”
I - Ve
Tên
cũ của làng Dũng Vy ngày nay, thuộc xã Tri Phương, huyện
Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Cảnh quan ở Ve thuộc loại biểu
trưng ở làng quê miền Bắc “có cây đa cao ngất từng
xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh” có lũy tre bao bọc,
một quần cư gồm “hai thôn chung một làng” và ngôi
đình cổ kính khá đẹp, mới được công nhận là di sản
văn hóa quốc gia. Đặc biệt lại có cả ngôi giáo đường
ngạo nghễ vươn lên đúng vào thời điểm bùng nổ cuộc
chiến thứ hai (1939).
Tại sao Ve ? Thử đưa ra một cách giải thích nguồn gốc danh xưng này.
Thuở xa xưa, khi đường xá còn trong tình trạng sơ khai, Ve là một vùng sâu, vùng xa (ve kêu vượn hót) hẻo lánh, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng khá rộng lớn, có vị trí tự nhiên trải dài từ chân núi Chè ở phía Bắc qua Đồng Lạng, Ve... đến Trung Mầu, Phù Đổng ở phía Nam. Phía Đông là Cao Đình, Đền Xộp và phía Tây giáp Đại Vy... chợ Giầu bên quốc lộ 1. Nếu kẻ một trục thẳng đứng (tung) hướng Bắc-Nam từ núi Chè xuống Phù Đổng và hướng Đông-Tây từ Cao Đình đến quốc lộ 1 (hoành) thì Ve nằm ở vùng giữa hai trục. Nói một cách hình tượng. Ve là cái túi, cái rốn của vùng này.
Khi tổ tiên chúng ta tới đây lập nghiệp khung cảnh còn hoang sơ, cây cối rậm rịt. Nơi đây qui tụ nhiều muông chim hoang dã, trong đó có giống ve sầu, một loài sâu có cánh chuyên sống trên các ngọn cây cao hoặc bụi rậm. Hàng năm, cứ vào đầu mùa Hè, chúng cất cao “tiếng gọi tình thương” mở đầu thời kỳ “vui vẻ” để duy trì nòi giống. Cuộc tình ầm ĩ này vốn kéo dài đến ngày nay, dầu chỉ là rơi rớt, dư âm của một thời vang bóng.
Phải chăng tiếng ve-ve inh ỏi suốt mùa Hè đã khiến cha ông chúng ta, vốn đơn sơ chất phác lấy nó đặt tên cho nơi mình sinh sống là xóm Ve, làng Ve ?
Đây chỉ là giả thiết. Mong các bạn và các bậc cao tuổi tại quê nhà tìm hiểu, xác minh.
Nhân tiện xin mở rộng vấn đề: xung quanh Ve còn nhiều địa danh khác, cũng cần được tìm hiểu như Đền Vua, Mả Chúa, Đồng Thần... đền thờ vua nào, thời nào ? Tại sao nay không còn dấu tích ? Mả Chúa, Đồng Thần cũng vậy. Khi tôi có trí khôn, những địa danh này chỉ là những bãi đất hoang, không đền miếu, không mồ mả, không trồng trọt, trừ Đồng Thần. Tại sao vậy ?
Tuy là cái rốn của vùng, Ve có lợi thế về giao thông thủy bộ.
Thật vậy, con đường độc đạo liên thôn, liên xã chạy qua giữa làng. Do đó, các thôn phía Đông như Cao Đình, xóm Sen, Đinh Thôn muốn giao tiếp với các thôn ở phía Tây như Đại Vy, Đại Thượng, Húc...đều phải qua Ve. Ngược lại cũng thế.
Về đường thủy, Ve nằm ngay bên hữu ngạn nhánh sông nhỏ thuộc hệ thống sông Hồng, là tuyến giao lưu theo chiều hướng Bắc-Nam mà cầu Ve là bến đò trung điểm. Dân miệt ruộng muốn “lên núi” bằng đường sông, và dân miền núi như Chè, Đông Lâu, Móng muốn xuống đồng bằng đều phải qua thủy lộ này.
Ngoài lợi thế về giao thông, Ve còn có ưu thế về nông, thủy sản và chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Đồng ruộng ở Ve khá rộng, thổ nhưỡng mầu mỡ và đa dạng. Do đó cấy được nhiều loại lúa: Lúa Chiêm, lúa mùa, lúa nếp, tám thơm... Ngoài lúa là nguồn lợi chính còn các hoa màu phụ như sắn (mì), ngô (bắp), khoai...
Chẳng phải là cường điệu khi quả quyết nguồn thủy sản ở Ve đa dạng và phong phú nhất vùng. Được vậy là nhờ hai yếu tố: hệ thống ao làng tương đối nhiều và nhất là sự hiện diện của con sông cạnh làng.
Địa thế ở Ve thấp nên khi làm nhà, bà con trong một xóm hay một chi họ, có khi là vài anh em trong gia đình, cũng dành ra một vài sào (công) để đào đấu, vừa lấy đất nâng cao nền làm sân, nền nhà chống úng lụt, vừa làm ao nuôi cá, thả bèo, rau muống, rau rút. Do đó trong làng có nhiều ao. Hàng năm, hệ thống ao làng cung cấp một lượng cua, cá, ếch tuy nhỏ nhưng cũng góp phần vào sinh kế thôn dân. Trong khi rau muống và bèo các loại (bèo tây, bèo tấm, bèo cái) là nguồn thực phẩm giúp phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Quan trọng hơn cả là nguồn thủy sản khai thác từ đồng ruộng và nhất là từ con sông cạnh làng. Đó là con ngòi – như quen gọi – bắt nguồn từ đầm Đại Trung, chẩy qua Ve và xóm Gạ... xuống khỏi Đầm Mậy rồi chuyển hướng về Dền Xộp trước khi đổ vào sông Lục Đầu.
Mùa mưa, tôm cá... xuôi theo dòng nước về ngòi Cầu Ve rất nhiều, vì đoạn ngòi này có hệ sinh thái thích hợp: cây cối hai bên bờ tạo bóng râm, mặt sông có nhiều bèo tiện trú ẩn, rễ cây và rễ bèo lưu giữ nhiều loại vi sinh vật (do nước mưa đem từ đồng ruộng xuống) là mồi cho cá, tôm, cua, ốc, ếch, nghêu, sò...
Tùy theo con nước, thôn dân thu gom nguồn thủy sản bằng cách: cắm đăng, kéo vó, đặt lờ, chài lưới. Mùa nước cạn thì đánh quấy, tát vét...
Tóm lại, nhờ thóc lúa và nông thủy sản khá dồi dào, dân Ve có cuộc sống tương đối ổn định, nói chung, không phải ra ngoài làm thuê làm mướn. Trái lại, Ve vốn là nơi thu hút khá nhiều lao động trong vùng.
Trên đây là đôi nét về danh xưng, vị trí, địa thế và cảnh quan quê hương, nơi tôi đã trải qua thời thơ ấu đầy ắp kỷ niệm, và đã từ đó ra đi theo sự đẩy đưa của vận nước, của lịch sử, mà hành trang chỉ là quãng đời nhỏ dại và nỗi nhớ quê, nhớ tổ.
No comments:
Post a Comment