Monday, February 18, 2013

CHỢ TẾT - HOA ĐÀO & TỤC GÓI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT Ở VIỆT NAM



vanhoaviettv Uploaded on Jan 17, 2012
THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ // CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH. Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống của dân tộc. Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về ý nghĩa. Riêng tôi rất thích thú với truyền thuyết từ thời vua Hùng Vương thứ 6, về cuộc thi tài để chọn người lên làm vua: không thi gì mà thi làm món ăn. Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con.Vào dịp đầu xuân, vua mở hội các con mà bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho". Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những vật liệu sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, làm ra bánh chưng, bánh dầy. Kết quả được vua cha chọn nhường ngôi. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo... để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Vào các dịp lễ tết ở miền Bắc phổ biến nhất là bánh chưng, bánh dầy. Có người quan niệm bánh chưng hình vuông để tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ. Bánh dầy hình tròn để tượng trưng cho trời, là dương dành cho cha. Ở miền Nam bánh tét được chọn thay thế bánh chưng. Có người giải thích đó là do sự hội nhập nhiều luồng văn hoá khác nhau, đặc biệt là văn hoá Chăm với tín ngưỡng "Phồn Thực", nên bánh tét có hình tượng như chiếc Linga là biểu tượng của sức sống, sự trường tồn, hùng mạnh... Nhưng có quan niệm khác cho rằng bánh tét thực ra là cái bánh chưng nguyên thủy của người Việt cổ, được bảo lưu tại miền Nam. Ở miền Trung thì có cả bánh chưng và bánh tét. Từ năm 1802, sau khi đất nước được thống nhất dưới thời Gia Long, bắt đầu có sự kết hợp văn hoá cổ truyền của đất Bắc và văn hoá mới phong phú của vùng đất mới phương Nam. Đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, trong nồi bánh tết luôn luôn có 2 loại, vừa bánh chưng vừa bánh tét.

Monday, February 4, 2013

LÀNG TÔI (Đoạn 3)

III - Chợ Ve

Chợ Ve hình thành từ bao giờ không ai nhớ. Nhưng chắc chắn nó đã ra đời từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu trao đổi của cư dân xung quanh, vì Ve có điều kiện thuận lợi về giao thông thủy bộ (xem phần trên)

Chợ Ve tọa lạc trên mặt bằng ở giữa làng, nơi tiếp giáp 2 thôn và ngay bên đường chính liên thôn, liên xã.

Đặc điểm của nền kinh tế ngày xưa là tự cung, tự tiêu. Do đó, buổi sơ khai, sinh hoạt chợ búa ở đây giống như bất kỳ nơi nào khác, là trao đổi hiện vật: Đổi trứng lấy cá, đổi gà lấy gạo, đổi cua lấy sò chẳng hạn...

Vào khoảng cuối thế kỷ 18 (theo phỏng đoán) Chợ Ve đã khá khang trang: Có nhà lồng chợ mái ngói, có hàng ngang dãy dọc với các khu chuyên doanh, hàng thịt, hàng gạo, hàng rau qủa v.v... cạnh chợ còn có lò rèn để chế tác và sửa chữa nông cụ như liềm, hái, cày, bừa, dao, kéo v.v...

Đến giai đoạn Ve bị tạm chiếm (1949-1954) tuy ngắn ngủi, chợ Ve phát triển thêm bước mới: Bên cạnh những nông thổ sản cổ truyền còn có những mặt hàng ngoại xa xỉ như bia, cam, son phấn, nước hoa.

Thế mới hay “ Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” mà đến cả cái chợ cũng phải long đong theo vận nước!

Kệ, đó là chuyện người lớn. Đối với bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, chợ Ve, trước hết và trên hết là tụ điểm vui chơi. Chiều tan chợ cũng là lúc chúng tôi tụ họp. Chỗ này đáo lỗ, chỗ kia đáo múc, chỗ khác đánh khăng. Cánh họ “thị” tụm năm, túm ba chơi chuyền, nhảy dây v.v...

Những đêm sáng trăng, đặc biệt là trăng rằm tháng 8 (Trung Thu) thì dù ma có xuất hiện trên cây đa cạnh chợ cũng chả ngăn cản được chúng tôi chơi trò đúc chuông, hát ghẹo:

Nó là con gái nhà ai
Tao chẳng thích nó, nó đòi lấy tao

Có bữa gặp phải “sư tử cái mới đẻ”, nó chồm lên, đòi lột quần xé xác.

Chả sợ! Hôm sau vẫn chứng nào, tật nấy:

Con kia má đỏ hồng hồng
Đang thích lấy chồng, chả chó nào rinh
 
hoặc:
 
Con kia má đỏ hồng hồng
Ăn xê xê nhá, cho chồng... nó chê!

Ôi sao mà dơ bẩn quá! Xúc phạm đến thế, không thể tha thứ được!

Bọn tóc quả đào đâu phải vừa. Chúng trả đũa ngay! Hạ nhục cánh mày râu đến mức chả còn gì là nhân phẩm, nhân vị:

Ba đồng một chục liền ông
“Chị” nhốt vào lồng chị “xách” đi chơi

Vậy là chúng tôi đã bị hóa kiếp. Chưa hả giận, chúng bồi thêm:
 
Hai hào một tá con trai
“Chị” nhét chỗ này, “chị” vãi ra kia

Trời! Nhét “chỗ đó” rồi vãi ra bừa bãi như thế thì... mất vệ sinh quá. Xin can, chớ giỡn mặt với nhà cầm đồ!

Những kỷ niệm thời thơ ấu ấy đã “mã hóa” trong máu thịt, in sâu vào ký ức chúng tôi, đẹp như câu chuyện thần tiên bà kể cháu nghe, không bao giờ quên được, như ta không thể quên người ta yêu mến.

Quê hương là người tình

Chẳng biết từ bao giờ và ai đã ví von như vậy. Nhưng ai đã có một thời gắn bó với quê hương, khi phải xa nơi chôn nhau cắt rốn cũng đều nhận thấy câu ví đã lột tả hết tâm tư, tình cảm của người xa xứ. Quê hương sao mà thân thương, sao mà cuốn hút đến thế. Những cảnh vật ngỡ như tầm thường bỗng trở nên sinh động, như có ai thổi linh hồn vào vậy. Từ bờ tre, bụi ruối, cây đa, giếng nước đến nét cong của mái đình, vẻ uy nghi của giáo đường... đều như có sức sống nhiệm màu, “hút” chặt tâm tư, tình cảm kẻ tha hương. Theo tháng năm và tùy theo tâm trạng mỗi lúc, hình ảnh người-tình-quê-hương khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc mờ, nhưng không bao giờ “chết”.

Quê hương là người tình bất diệt. Khẳng định như thế để không vong thân, mất gốc. Và để cùng nhau “giữ thơm quê Mẹ”.

Sàigòn – TP. Hồ Chí Minh
5-2000

Đinh Văn Đích

(Trích KYDV Số1, trang 34)

Kì lạ giếng nước nuôi cá thần nghìn tuổi ở làng DIỀM - BẮC NINH



vanhoaviettv
Published on Mar 17, 2012

Theo truyền thuyết mà nhà nghiên cứu dân gian hàng đầu Bắc Ninh, ông Lê Danh Khiêm (Trưởng ban Nghiên cứu Sưu tầm Quan họ - Trung tâm Văn hóa thể thao Bắc Ninh), đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, thì xưa kia, công chúa, con gái của Vua Hùng thứ 6, đi kinh lý qua vùng Diềm, thấy trong vùng có giếng nước, gọi là giếng Ngọc, có nước trong xanh, ngọt lịm, liền dừng lại định cư. Điều đó có nghĩa, theo truyền thuyết, giếng Ngọc đã có rất lâu rồi, từ thời Hùng Vương.

Người dân làng Diềm không rõ bà tên gì, mà chỉ kính trọng gọi là Vua Bà. Vua Bà hướng dẫn nhân dân khai khẩn rừng hoang, bờ bãi, biến thành bờ xôi ruộng mật, nuôi tằm, dệt tơ.

Sống cùng người dân nơi đây, Vua Bà phát hiện ra giọng nói ngọt ngào của nhân dân, bà liền truyền dạy làn điệu quan họ. Chính vì thế, người Bắc Ninh coi Vua Bà là Thủy Tổ của quan họ. Làng Diềm nổi tiếng là nơi xuất phát của quan họ và cũng là vùng hát quan họ hay nhất Kinh Bắc, không những vì là nơi được Thủy Tổ truyền dạy, mà còn vì có giếng nước ngọt mát. Các cụ kể rằng, muốn có giọng hát quan họ hay, phải uống nước giếng Ngọc từ khi còn tấm bé.
.....

LÀNG TÔI (Đoạn 2)

II - Cầu Ve

Đó là chiếc cầu đá khá kiên cố, nằm trên con đường duy nhất dẫn vào làng từ phía Tây và Bắc qua con sông nhỏ cạnh làng.

Theo thiển ý, Cầu Ve hiện nay đúng hơn chỉ là một cống thoát nước. Nhưng trong phương ngữ còn tồn tại cụm từ CỐNG CẦU VE, chứng tỏ xưa kia nơi đây có một cây cầu bằng tre hoặc gỗ, gọi là Cầu Ve (cầu của Xóm Ve). Sau này, khi ông cha ta be đập, đắp bờ từ hai bên lấn ra giữa lòng sông và xây cống thoát nước. Cống ấy gọi là Cống Cầu Ve.

Trải qua thời gian và theo đặc tính chung của ngôn ngữ khắp thế giới là tĩnh lược, rút gọn, đơn giản hóa (kiểu như dân miền quê = dân quê) nên từ “cống” mất dần theo năm tháng, cuối cùng chỉ còn gọi tắt là Cầu Ve, dù chiếc cầu xưa kia không còn nữa.

Cầu Ve là tụ điểm ưa thích của mọi lứa tuổi. Những ngày đẹp trời, chiều chiều, quý ông ra đây hóng mát ngắm cảnh hoàng hôn hay mơ màng dõi theo những cánh cò trắng, từ cánh đồng phía hạ nguồn đua nhau về tổ trên lũy tre làng, quả là thú vị. Những đêm trăng thanh gió mát, nhất là về tháng 7, tháng 8, vừa ngắm trăng, vừa kéo vó, hoặc lơ đãng thả hồn theo nhịp gõ cành cành vào mạn thuyền của các ngư dân lưới cá, cũng là cách thư giãn vô cùng công hiệu sau một ngày lao động mệt nhọc.

Các trai làng thường ra đây tắm, vừa bi bô tán tỉnh, vừa “rửa mắt”, ngắm những cô gái giặt chiếu, giũ lụa, hong tóc... Đây là một bức tranh đồng quê rất trữ tình.

Về mùa nước lớn (tháng 7-8) Cầu Ve đặc biệt nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền, vì đoạn bờ ở đầu cầu phía Đại Vy năm nào cũng sạt lở, nước chảy phăng phăng.

Những người gồng gánh nặng hoặc nhát, không biết bơi đều phải qua sông lụy đò. Đó là đò ngang đưa khách sang sông, chuyển dịch như con thoi giữa hai bờ. Đò dọc chở khách đường dài, xuôi ngược giữa Cầu Ve và Đồng Lạng.

Ngoài chức năng bến khách, Cầu Ve còn là bến trung chuyển lúa. Các thuyền lúa từ đồng dưới (Tào Khê) tập kết lúa về đây, chất thành từng đống để người thân và thợ ra gánh lúa về nhà.

Ngày mùa, tùy theo thời vụ, từ mờ sáng, thợ cấy, thợ gặt từ xóm Gạ, Đại Vy, Húc... tập trung trước cổng làng, chờ dân Ve ra mướn vào làm.

Vì là bến đò khách, bến lúa và chợ lao động nên cũng có những dịch vụ ăn theo như hàng quà, hàng bánh và tất nhiên không thể thiếu gánh nước chè xanh hay nước vối mà chủ thường là một cô thôn nữ xinh xinh đã đi vào thi ca.

Cuối cùng, nói đến Cầu Ve là phải nghĩ ngay đến “đệ nhất thú” trên đời – Thứ nhất là tắm sông.

Tắm sông thú lắm, vì thỏa sức vùng vẫy giữa cảnh trên trời, dưới nước, vô cùng thoáng đãng, không bị gò bó như tắm ao, tắm giếng.

Nhưng tắm sông Cầu Ve còn thú hơn nhiều, vì nước Cầu Ve vừa trong, vừa sạch, lại mát nữa! Trong – sạch – mát mẻ vì trước khi về đến Cầu Ve, nước sông phải qua một hệ thống lọc tự nhiên. Đó là hệ rễ cây, rễ bèo dầy đặc ở phía thượng nguồn, nhất là đoạn từ Đồng Thần đến hết Xóm Gạ.

Tắm Cầu Ve còn hào hứng vô cùng vì các cuộc thi bơi, thi lặn, đuổi bắt và dìm nhau chí chết. Cuộc thi nào có sự chứng kiến và cổ vũ của mấy “em” cũng đều sôi động hơn, ác liệt hơn vì “anh” nào cũng muốn trổ tài để lấy le, lấy lòng.

Với những ưu điểm trên, nước sông Cầu Ve có sức quyến rũ, mê hoặc tới mức

“Sống mà tắm nước Cầu Ve
Chết dù chả có tò te thì đừng”

Đúng thế! Tò te là chuyện của người sống, khi đã “ngủm” ai cần mấy thứ đó! Với lại, tắm Cầu Ve “đã” quá rồi, cần gì phải kèn trống tiễn đưa về miền cực lạc, vừa xưa, vừa tốn tiền! Chín suối dù có hợp lại vẫn nhỏ hơn sông Cầu Ve! Mỉm cười dưới đó đâu có sướng bằng ở Cầu Ve! Chả thế mà năm nào dân Ve cũng có người tự nguyện thoát ly thôn làng để đi theo Hà Bá!!!

Saturday, February 2, 2013

Đất cổ VIỆT YÊN xứ KINH BẮC



vanhoaviettv
Published on May 2, 2012

Việt Yên là một huyện đồng bằng, nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang. Đây là huyện có nhiều làng quan họ nhất ở vùng văn hóa Kinh Bắc với 19 làng quan họ đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Yên là huyện nằm ven sông Cầu, có địa giới hành chính như sau:

Phía nam giáp tỉnh Bắc Ninh,
Phía tây giáp huyện Hiệp Hòa,
Phía đông giáp huyện Yên Dũng,
Phía bắc giáp huyện Tân Yên và thành phố Bắc Giang.
.....

LÀNG TÔI (Đoạn 1)

LÀNG TÔI

“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh...”

I - Ve

Tên cũ của làng Dũng Vy ngày nay, thuộc xã Tri Phương, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Cảnh quan ở Ve thuộc loại biểu trưng ở làng quê miền Bắc “có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh” có lũy tre bao bọc, một quần cư gồm “hai thôn chung một làng” và ngôi đình cổ kính khá đẹp, mới được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Đặc biệt lại có cả ngôi giáo đường ngạo nghễ vươn lên đúng vào thời điểm bùng nổ cuộc chiến thứ hai (1939).

Tại sao Ve ? Thử đưa ra một cách giải thích nguồn gốc danh xưng này.

Thuở xa xưa, khi đường xá còn trong tình trạng sơ khai, Ve là một vùng sâu, vùng xa (ve kêu vượn hót) hẻo lánh, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng khá rộng lớn, có vị trí tự nhiên trải dài từ chân núi Chè ở phía Bắc qua Đồng Lạng, Ve... đến Trung Mầu, Phù Đổng ở phía Nam. Phía Đông là Cao Đình, Đền Xộp và phía Tây giáp Đại Vy... chợ Giầu bên quốc lộ 1. Nếu kẻ một trục thẳng đứng (tung) hướng Bắc-Nam từ núi Chè xuống Phù Đổng và hướng Đông-Tây từ Cao Đình đến quốc lộ 1 (hoành) thì Ve nằm ở vùng giữa hai trục. Nói một cách hình tượng. Ve là cái túi, cái rốn của vùng này.

Khi tổ tiên chúng ta tới đây lập nghiệp khung cảnh còn hoang sơ, cây cối rậm rịt. Nơi đây qui tụ nhiều muông chim hoang dã, trong đó có giống ve sầu, một loài sâu có cánh chuyên sống trên các ngọn cây cao hoặc bụi rậm. Hàng năm, cứ vào đầu mùa Hè, chúng cất cao “tiếng gọi tình thương” mở đầu thời kỳ “vui vẻ” để duy trì nòi giống. Cuộc tình ầm ĩ này vốn kéo dài đến ngày nay, dầu chỉ là rơi rớt, dư âm của một thời vang bóng.

Phải chăng tiếng ve-ve inh ỏi suốt mùa Hè đã khiến cha ông chúng ta, vốn đơn sơ chất phác lấy nó đặt tên cho nơi mình sinh sống là xóm Ve, làng Ve ?

Đây chỉ là giả thiết. Mong các bạn và các bậc cao tuổi tại quê nhà tìm hiểu, xác minh.

Nhân tiện xin mở rộng vấn đề: xung quanh Ve còn nhiều địa danh khác, cũng cần được tìm hiểu như Đền Vua, Mả Chúa, Đồng Thần... đền thờ vua nào, thời nào ? Tại sao nay không còn dấu tích ? Mả Chúa, Đồng Thần cũng vậy. Khi tôi có trí khôn, những địa danh này chỉ là những bãi đất hoang, không đền miếu, không mồ mả, không trồng trọt, trừ Đồng Thần. Tại sao vậy ?

Tuy là cái rốn của vùng, Ve có lợi thế về giao thông thủy bộ.

Thật vậy, con đường độc đạo liên thôn, liên xã chạy qua giữa làng. Do đó, các thôn phía Đông như Cao Đình, xóm Sen, Đinh Thôn muốn giao tiếp với các thôn ở phía Tây như Đại Vy, Đại Thượng, Húc...đều phải qua Ve. Ngược lại cũng thế.

Về đường thủy, Ve nằm ngay bên hữu ngạn nhánh sông nhỏ thuộc hệ thống sông Hồng, là tuyến giao lưu theo chiều hướng Bắc-Nam mà cầu Ve là bến đò trung điểm. Dân miệt ruộng muốn “lên núi” bằng đường sông, và dân miền núi như Chè, Đông Lâu, Móng muốn xuống đồng bằng đều phải qua thủy lộ này.

Ngoài lợi thế về giao thông, Ve còn có ưu thế về nông, thủy sản và chăn nuôi gia cầm, gia súc.

Đồng ruộng ở Ve khá rộng, thổ nhưỡng mầu mỡ và đa dạng. Do đó cấy được nhiều loại lúa: Lúa Chiêm, lúa mùa, lúa nếp, tám thơm... Ngoài lúa là nguồn lợi chính còn các hoa màu phụ như sắn (mì), ngô (bắp), khoai...

Chẳng phải là cường điệu khi quả quyết nguồn thủy sản ở Ve đa dạng và phong phú nhất vùng. Được vậy là nhờ hai yếu tố: hệ thống ao làng tương đối nhiều và nhất là sự hiện diện của con sông cạnh làng.

Địa thế ở Ve thấp nên khi làm nhà, bà con trong một xóm hay một chi họ, có khi là vài anh em trong gia đình, cũng dành ra một vài sào (công) để đào đấu, vừa lấy đất nâng cao nền làm sân, nền nhà chống úng lụt, vừa làm ao nuôi cá, thả bèo, rau muống, rau rút. Do đó trong làng có nhiều ao. Hàng năm, hệ thống ao làng cung cấp một lượng cua, cá, ếch tuy nhỏ nhưng cũng góp phần vào sinh kế thôn dân. Trong khi rau muống và bèo các loại (bèo tây, bèo tấm, bèo cái) là nguồn thực phẩm giúp phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc.

Quan trọng hơn cả là nguồn thủy sản khai thác từ đồng ruộng và nhất là từ con sông cạnh làng. Đó là con ngòi – như quen gọi – bắt nguồn từ đầm Đại Trung, chẩy qua Ve và xóm Gạ... xuống khỏi Đầm Mậy rồi chuyển hướng về Dền Xộp trước khi đổ vào sông Lục Đầu.

Mùa mưa, tôm cá... xuôi theo dòng nước về ngòi Cầu Ve rất nhiều, vì đoạn ngòi này có hệ sinh thái thích hợp: cây cối hai bên bờ tạo bóng râm, mặt sông có nhiều bèo tiện trú ẩn, rễ cây và rễ bèo lưu giữ nhiều loại vi sinh vật (do nước mưa đem từ đồng ruộng xuống) là mồi cho cá, tôm, cua, ốc, ếch, nghêu, sò...

Tùy theo con nước, thôn dân thu gom nguồn thủy sản bằng cách: cắm đăng, kéo vó, đặt lờ, chài lưới. Mùa nước cạn thì đánh quấy, tát vét...

Tóm lại, nhờ thóc lúa và nông thủy sản khá dồi dào, dân Ve có cuộc sống tương đối ổn định, nói chung, không phải ra ngoài làm thuê làm mướn. Trái lại, Ve vốn là nơi thu hút khá nhiều lao động trong vùng.

Trên đây là đôi nét về danh xưng, vị trí, địa thế và cảnh quan quê hương, nơi tôi đã trải qua thời thơ ấu đầy ắp kỷ niệm, và đã từ đó ra đi theo sự đẩy đưa của vận nước, của lịch sử, mà hành trang chỉ là quãng đời nhỏ dại và nỗi nhớ quê, nhớ tổ.