Saturday, April 14, 2012

Quan họ

Dân ca quan họ (còn được gọi là dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca quan họ Bắc Giang hay dân ca quan họ Kinh Bắc) là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam; tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc - tức Bắc NinhBắc Giang ngày nay. Tên gọi Quan họ Bắc Ninh không có nghĩa tỉnh Bắc Ninh là chủ thể chính của thể loại dân ca này, Bắc Ninh hay Kinh Bắc được hiểu là tỉnh Bắc Ninh cũ mà ngày 10/10/1995, tỉnh Bắc Giang tách khỏi tỉnh này. Tuy nhiên, loại hình dân ca này chủ yếu phát triển mạnh ở vùng ven sông Cầu, một ranh giới tự nhiên của hai tỉnh.[1] Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi di sản này có thể thay đổi theo thời gian, do các chủ thể văn hóa tạo ra.[2]

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại[3][4][5] sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

Nguồn gốc

Ý nghĩa từ "Quan họ" thường được tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen về mặt từ nguyên của "quan" và của "họ". Điều này dẫn đến những kiến giải về Quan họ xuất phát từ "âm nhạc cung đình", hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức ("họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.

Một số quan điểm lại cho rằng Quan họ bắt nguồn từ những nghi lễ tôn giáo dân gian mang yếu tố phồn thực chứ không phải Quan họ có nguồn gốc từ âm nhạc cung đình, hoặc có quan điểm nhận định diễn tiến của hình thức sinh hoạt văn hóa "chơi Quan họ" bắt nguồn từ nghi lễ tôn giáo dân gian qua cung đình rồi trở lại với dân gian.

Nhận định khác dựa trên phân tích ngữ nghĩa từ ngữ trong các làn điệu và không gian diễn xướng lại cho rằng Quan họ là "quan hệ" của một nhóm những người yêu quan họ ở vùng Kinh Bắc.

Tuy vậy vẫn chưa có quan điểm nào được đa số các học giả chấp nhận[6]. Quan họ ngày nay không chỉ là lối hát giao duyên (hát đối) giữa "liền anh" (bên nam, người nam giới hát quan họ) và "liền chị" (bên nữ, người phụ nữ hát quan họ) mà còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa liền anh, liền chị với khán giả. Một trong những hình thức biểu diễn hát quan họ mới là kiểu hát đối đáp giữa liền anh và liền chị. Kịch bản có thể diễn ra theo nội dung các câu hát đã được chuẩn bị từ trước hoặc tùy theo khả năng ứng biến của hai bên hát.


Quan họ truyền thống

Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc[7] Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú "chơi Quan họ", không phải là "hát Quan họ"[8] Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. - "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức (thưởng thức "cái tình" của bạn hát). Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị "chơi quan họ" ưa thích đến tận ngày nay như: Hừ La, La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo.

Quan họ mới

Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ", là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng,... Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu, tức quan họ mới. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên trên thế giới.

Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: Không có ý thức và có ý thức[9]. Dù ít hay nhiều nhưng hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cách cải biên không có ý thức. Đa số các bài quan họ mới thuộc dạng cải biên này. Cải biên có ý thức là những bài bản đã cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống. Loại cải biên này không nhiều, ví dụ bài "Người ở đừng về" là cải biên từ làn điệu "Chuông vàng gác cửa tam quan" (Xuân Tứ cải biên).

Hát quan họ với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức tưởng nhầm là quan họ truyền thống như bài "Sông Cầu nước chảy lơ thơ" do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống "Nhất quế nhị lan". Quan họ mới được ưa thích hơn quan họ truyền thống không phải do không gian và những sinh hoạt theo lề lối cổ của quan họ không còn nữa mà một phần do hoạt động "hát quan họ" ngày nay thường được gắn với chính quyền nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá quan họ trên diện rộng.

No comments:

Post a Comment