Friday, April 6, 2012

Lịch Sử Quê Hương Cách Mạng (Chương 1)

"Trung Mầu là một làng lớn nằm bên trong đê sông Đuống, có nhiều cơ sở mà các đồng chí Trung Ương thường về họp. Tại Trung Mầu nơi có cơ sở Đảng vững mạnh, nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo cả chi bộ Đảng đã đứng lên lật đổ chính quyền của địch thành lập chính quyền cách mạng ngày mồng 10 tháng 3 năm 1945. Đây là nơi giành chính quyền sớm nhất trong cách mạng tháng 8"

(Trích trong cuốn Lịch sử cách mạng tháng 8 năm 1945 trang 86)

CHƯƠNG I

TRUNG MẦU - CON NGƯỜI - LỊCH SỬ

Trung Mầu ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, là đất đai của hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên thuộc tổng Dũng Vi huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, do có chủ trương sát nhập liên xã, hai làng trên đã hợp làm một và được đặt tên là xã Trung Hưng.

Sau hòa bình lập lại (1954) do việc mở rộng ngoại vi Hà Nội, ngày 20/4/1961 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra quyết định chuyển giao xã Trung Hưng về huyện Gia Lâm. Dựa vào quyết định đó ngày 31 tháng 5 năm 1961 Hội đồng chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lại ra quyết định số 78/cp lấy huyện Gia Lâm là thuộc ngoại thành Hà Nội.

Với ý nghĩa là một xã có truyền thống cách mạng, ngày 1 tháng 1 năm 1965 Trung Hưng được trở lại tên cũ là xã Trung Mầu

Địa giới của xã:

-Phía đông-nam giáp xã Lệ Chi (cách sông Đuống)

-Phía tây-nam giáp xã Phù Đổng

-Phía đông-bắc giáp xã Đại Đồng và xã Tri Phương huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

Xã nằm bên bờ tả ngạn sông Đuống, ở về phía đông bắc và cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Diện tích đất đai toàn xã là: 4.240.000m2. Mật độ dân số bình quân 920m2/người.

Xưa kia đường giao thông chính của Trung Mầu chủ yếu là đê của sông Đuống. Về sau do nhu cầu mở rộng đường dân sinh liên xã, được sự quan tâm và giúp đỡ của cấp trên Trung Mầu đã đắp thêm một con đường trục lớn, nâng cấp láng nhựa nối liền với đường 179 đi qua các xã Phù Đổng, Ninh Hiệp rồi ra quốc lộ 1A. So với các xã trong huyện Gia Lâm thì Trung Mầu vẫn còn là một xã xa nhất và hẻo lánh.

Căn cứ vào chính sử thì Trung Mầu là một xã thuộc vùng đất cổ. Truyền thuyết về Đức Thánh Gióng có nói đến người cầm vồ ở Trung Mầu với sắc phong còn lưu lại là Quách Lân Đại Vương. Từ buổi bình minh của tổ quốc vào đời Hùng Vương thứ 6 (khoảng hơn 4000 năm nay) bấy giờ có giặc Ân phương Bắc(thường gọi là nữ tặc) đến xâm lược tràn vào nước ta như nước vỡ bờ. Thế giặc mạnh, vua tôi lo sợ cầu người hiền tài. Cậu bé làng Gióng ăn "bảy nong cơm, ba nong cà", uống "một hơi nước cạn đà khúc sông" lớn nhanh như thổi, bỗng trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tương truyền khi đạo quân binh mã của Ngài ầm ầm kéo qua cánh đồng làng Trung Mầu. Quách Lân một thanh niên khoẻ mạnh trí dũng song toàn đang đập đất trồng cà. Vốn là một người giàu lòng yêu nước và đầy khí phách anh hùng, Quách Lân đã hăng hái cầm vồ ruổi theo vó ngựa của Đức Thánh Gióng xông thẳng ra trước trận tiền đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi giành lại giang sơn cho đất nước.

"Người đang đập đất trên đồng
Em sau, anh trước một lòng đi theo"
(Trích truyện Thánh Gióng của Trần Lê Văn)

Hiện nay ở cánh đồng Trung Mầu vẫn còn dấu tích một gò đống to (đường Ghênh ngày nay). Tương truyền đó chính là nơi Quách Lân đi theo Đức Thánh Gióng năm xưa. Hàng năm cứ đến ngày hội Gióng (mồng 9 tháng 4 âm lịch) là ngày ở Trung Mầu phải sửa lễ vật rước đến đền Phù Đổng cúng tế. Tục lệ đó vẫn còn tồn tại mãi đến ngày nay.

Theo cuốn lịch sử các làng ở thủ đô Hà Nội, Trung Mầu có tên nôm là làng Miêu, một làng xưa thờ nhà sư Lý Khổng Minh Không (tức Lý Quốc Sư) tại Chùa Đô. Vì có chiến tích đối với quốc gia, nhà sư đó còn được vua đưa về tưởng niệm tại Kinh Đô Thăng Long. Hiện nay có đền thờ ở phố Lý Quốc Sư quận Hoàn Kiếm nội thành Hà Nội.

Thịnh Liên từ thời Tiền Lê cũng có tên nôm là làng Lân (một làng cận Giang). Chuyện kể rằng đó là làng Mục Hoàn trước kia ở xứ đồng Cửa Cầu được di chuyển đến. Về sau có thêm một số người ở Hà Nam lên làm nghề chài lưới ven bờ sông Thiên Đức cũng nhập cư vào đây. Có thể nói là thượng lưu sông Dâu đến hạ lưu sông Lục Đầu, đâu đâu cũng đều có người làng Lân kiếm cá. Xưa kia sông Thiên Đức chảy qua hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên. Sông nhỏ nước trong hai làng vẫn thường gánh nước về ăn hoặc tắm giặt vào những ngày hè. Thời Tự Đức cho đào kênh phân lũ nối liền sông Thiên Đức với sông Hồng dần dần tạo thêm một khúc sông mới (chỗ từ Cầu Đuống đến ngã ba sông Dâu bây giờ). Từ đó nước sông Hồng tràn vào đem theo lượng phù sa khá lớn bồi đắp đất đai hai ven sông màu mỡ. Sông Thiên Đức về sau được gọi là sông Đuống.

Mặt khác dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học của ngành khảo cổ học ở di chỉ Trung Mầu đã tìm thấy một số ngôi mộ cổ như: Ngôi mộ xóm ngoài, ngôi mộ Vườn Rú, ngôi mộ Triền Vàng... Trong những ngôi mộ kể trên có nhiều hiện vật như vò gốm, tiền đồng, bát đĩa đồng, giáo mác đồng cũng như biết bao dụng cụ bằng đồng khác. Đặc biệt còn tìm thấy cả trống đồng loại I, chiếc rìu đồng lưỡi xén, chậu đồng, thạp đồng,... có khắc họa các hoa văn hình chó săn, hươu, hình người có áo chui đầu, khăn đầu, mũ cắm lông chim, trai đóng khố, gái mặc váy ngắn. Những ngôi mộ cổ đó có niên đại từ thế kỷ đầu đến thế kỷ IV, V trước Công nguyên.

Ở Trung Mầu và Thịnh Liên tất cả có gần 20 cái bia lớn nhỏ. Các bài ký trên bia đều ghi lại việc thờ hậu của nhân dân hai làng và ca ngợi công lao đức độ đối với những người có công. Từng nghe kinh thư có câu cách ngôn: "Ai có công thì được thờ cúng", kinh lễ có lời minh huấn: "Ai làm ơn tất được báo đền". Chỉ có thể kể lại một số bia tiêu biểu như sau:

1-Bia Từ Vũ:

Tạo năm Vĩnh Trị III (1678) người soạn bia là ông Hồ Sĩ Dương (tiến sĩ năm 1652). Nội dung bia ghi lại vị Tả Đô Đốc Trương Tướng Công và vợ là Lê Thị Toàn người xã Giới Tế huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, bỏ tiền giúp dân lo việc quan, lo dân lưu tán về quê. Về sau có 5 mẫu 5 sào ruộng đẳng điền để hương hỏa đèn nhang thờ thánh, được dân bầu làm Mậu Đức.

2-Bia Từ Chỉ:

Tạo năm Chính Hòa XIII (1692) người soạn bia là ông Vũ Thành (Thám Hoa). Nội dung bia ca ngợi nhân đức Nguyễn Công Chiêm và Thê chính phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Thảng người làng Trung Mầu đỗ tiến sĩ làm quan thị nội giám trong triều.

Năm Chính Hòa XI (1690) giúp dân Trung Mầu 11.000 quan và 17 mẫu ruộng.

Năm Chính Hòa XIII (1692) giúp dân ba lần

-Sáu xã Tiên Du-Gia Lâm: 4.000 quan, 13 mẫu 1 sào

-Sáu xã Tiên Du-Gia Lâm: 4.100 quan, 12 mẫu 4 sào

-Thịnh Liên: 700 quan, 2 mẫu để xây dựng đình dựng bia, Trung Mầu 200 quan để xây chùa.

Do có công lao như vậy xã Trung Mầu được chọn thửa ruộng hơn hai sào phụng lập dựng bia Từ Chỉ để người đời sáu xã ghi lòng tạc dạ lâu dài. Bài ca về Từ Chỉ lúc bây giờ còn lưu truyền mãi đến ngày nay.

"Trung Mầu anh cả
Hàng xã thứ hai
Dũng Vi chi ngoài
Kim Đường, Hàn Lạc"

***

"Sáu xã sáu đình
Sáu trăm quan tiền
Sáu xã yêu nhau
Thuận Hòa vi quí..."

3-Bia Bà Đức Chiêu:

Tạo năm Vĩnh Thịnh VI (1710) người soạn bia là ông Nguyễn Đăng Đạo tiến sĩ 1683) trạng nguyên lưỡng quốc (Việt Nam-Trung Quốc) quê Bắc Ninh. Nội dung bia kể về bà cung tần Trần Thị Ngọc Nhuyễn sinh năm 1673 bậc tôn quí ở xã Vạn Phần huyện Đông Thành Phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Bà là người vẹn toàn công dung ngôn hạnh được yêu quí nhất trong số 3000 cung phi, được đội ơn ban thưởng hàng trăm lạng vàng. Bà nghĩ: "Tích tiền của chỉ là phô bày hào nhoáng nhất thời, sao bằng kết thân với xóm làng, truyền lại việc hương khói gây được tiếng tăm để lời khen đến vạn đời". Bà bèn chọn nơi có phong tục tốt để xây nhà, xem địa thế chẳng đâu bằng đất Trung Mầu nên năm Quí Mùi(1703) nhân lúc đói kém bà làm phúc cho xã Trung Mầu 400 quan tiền, 4 mẫu 5 sào ruộng tốt.

Tám giáp trong xã đem chia đều từ lớn đến nhỏ, cùng nhau tôn bầu bà làm hậu thần và giao ước rằng: Khi bà còn sống phải thờ bà như bậc cha mẹ kính yêu, đến khi bà mất thì thờ cúng như thần linh.

Ngày 15 tháng 4 năm Canh Dần (1710) khắc bia vào đá để làm lời giao ước vững bền khiến cho công đức muôn đời không dời đổi, kẻ nào không tuân theo có trời đất soi xét, quan tư sẽ khép vào pháp luật. Vậy phải ghi lòng tạc dạ báo đức đền ơn "nhuộm mà không đen, mài mà không mòn, lời giao ước như núi sông, sáng như nhật Nguyệt", nhìn thấy bia tất nhớ đến người thì quí đến bia, chớ vì lâu năm mà chán bỏ, luôn nhớ đến công ơn để lại cùng nhau suy tưởng, càng xa lại càng sáng, càng lâu lại càng thơm, há chẳng tốt đẹp ru nhân khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi

Tục thờ Thành Hoàng ở hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên có nhiều điểm giống nhau. Các ngày lễ đình được qui định rõ ràng hàng tháng vào ngày mồng 1(sóc), vào ngày rằm (vọng) ngày kỵ thánh hay ngày sinh được diễn ra rất long trọng có thể kéo dài từ ba đến 5 ngày gọi là đại lễ. Ngoài ra hai làng còn mở hội vào hai dịp Xuân, Thu, các ngày xuống đồng (gọi là lễ hạ điền), lên đồng cơm mới (gọi là lễ thượng điền). Những sản phẩm làm ra thường được lựa chọn kỹ lưỡng dâng lên cúng Thánh.

Việc chuẩn bị lễ có thể do một gia đình hoặc ban cho một dòng họ trong làng thay mặt tiến lễ, sang năm đến họ khác. Năm ấy họ nào được cúng tiến là niềm hạnh phúc lớn để đáp lễ Đức Thánh đã bảo hộ cho họ mình ăn lên làm ra. Nghi lễ là bước trọng yếu trong ngày hội. Dân làng bầu ra một người có uy tín là chủ lễ đánh ba hồi trống điểm báo với thần linh, đội tế (nam giới), đội dâng hương (nữ giới) lần lượt theo nghi lễ đã qui định, đội thanh nhạc hòa đồng với đội tế làm cho nghi lễ ngày hội càng long trọng.

Trong ngày lễ có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: đánh cờ, đánh vật, đánh đu, chọi gà, thả chim, hát trống quân, hát tuồng... Có rước sách, có ăn uống linh đình trong dân. Với việc tổ chức long trọng và tỉ mỉ như vậy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi người. Tục thờ Thành Hoàng ở Trung Mầu nói chung cũng được hòa nhập với cộng đồng người Việt Nam đã có từ lâu đời (thời Hậu Lê). Trung Mầu xưa có một đình, một nghè, hai chùa (một gọi là Chùa Đô, một gọi là chùa Mới nay xây nhà truyền thống của xã). Thịnh Liên có hai đình hai chùa. Theo sắc phong còn để lại cả hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên đều thờ ba vị tướng: Cao Chương Đại Vương, Cao Gia Đại Vương, Tòng Chinh Đại Vương, (thời Đinh). Các vị tướng này đều là nhân vật cụ thể có công đánh giặc giữ nước thuộc địa phận hai làng được nhà vua phong tướng sắc. Riêng làng Thịnh Liên vì đại bộ phận là dân chài còn thờ vị thần: "Hán Giang Thủy Tộc Long Vương". Thời ấy sự ngưỡng mộ Thành Hoàng cũng không kém gì sự ngưỡng mộ tổ tiên của nhân dân hai làng.

Tính đến năm 1975 Trung Mầu có diện tích là 952 mẫu, riêng đất canh tác có 670 mẫu trong đó ruộng trên đồng có 469 mẫu, ngoài bãi có 201 mẫu. Dân số của Trung Mầu có 3750 nhân khẩu. So với ruộng đất bình quân đầu người là 1 sào 8 thước. Ruộng đất trên đồng phần lớn là cấy hai vụ lúa cộng với một số trồng xen thêm vụ màu như tỏi, khoai tây, thuốc lá và các loại ra. Ruộng đất ngoài bãi chủ yếu là trồng ngô, xưa kia có trồng lúa lốc, trồng kê, trồng dâu nuôi tằm. Về sau phát triển mạnh nghề trồng mía ép đường, trồng bắp cải, cà rốt, lạc, ớt xuất khẩu... Năng xuất lúa tốt nhất là 170kg/sào còn thường là 120kg/sào. Bình quân cứ có 3-4 năm được mùa lại có một năm mất mùa vì nhiều sâu cắn gié, hạn hán cháy đồng, lũ lụt. Trên 30% dân thiếu lương thực triền miên. So với diện tích đất đai trong toàn xã thì hồ ao đầm ở Trung Mầu tương đối nhiều, có hơn 100 cái lớn nhỏ chiếm diện tích khoảng 60 mẫu.

Về Nghề nghiệp

Trung Mầu có nghề chăn nuôi lợn nái từ lâu đời. Người ta kể rằng không rõ nghề đó đã thâm nhập vào Trung Mầu từ bao giờ, nhưng là một nghề rất cơ bản vì ngoài việc có phân để bón ruộng họ còn có vốn có món để làm nhà, để lấy vợ cho con. Mỗi gia đình thường nuôi ít nhất là một con, nhiều gia đình nuôi hai con. Hàng năm Trung Mầu đã cung cấp hàng nghìn con lợn giống cho nhân dân trong vùng và các nơi khác. Người xưa ở Trung Mầu đã có câu ca:

"Trung Mầu đi bán lợn con
Bán đắt bán rẻ lon ton chạy về
Trung Mầu đi bán lợn xề
Bán đắt bán rẻ chạy về lon ton"

Từ đó Trung Mầu đã thực sự trở thành "vùng lợn giống" của huyện Gia Lâm.

Nghề đáng kể thứ hai là nghề chăn nuôi vịt. Từ lâu ở đây đã có nhiều lò ấp vịt, mỗi năm đã bán ra ngoài hàng vạn con vịt con, hàng nghìn con vịt thịt. Do việc chăn nuôi vịt phát triển nhiều gia đình đã ăn nên làm ra như có bát cơm ăn, xây được nhà ngói để ở, mua sắm được các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình.

Ngoài hai nghề trên còn một nghề đáng kể nữa là nghề nuôi tằm ươm tơ. Tương truyền rằng: Ngày xưa bà Đức Chiêu có đem nghề tằm về đây dạy cho Trung Mầu biết làm ăn và đã được bà con ở đây dựng bia thờ (tấm bia đó hiện còn ở Trung Mầu). Từ lâu nghề nuôi tằm ươm tơ tuy đã bị mai một nhưng vẫn còn lưu truyền trong nhân dân ta cho mãi tới ngày nay.

Năm 1976 Trung Mầu có phát triển thêm một số nghề thủ công khác như nghề nung gạch, nghề thêu ren, quại ngô... Nhiều mặt hàng được đảm bảo kỹ thuật và đã được xuất khẩu đi một số nước trên thế giới.

Trước đây Trung Mầu còn có sới Vật và lò dạy võ. Đặc biệt là Vật một thời đã nổi tiếng ở trong vùng, thanh niên họ đua nhau tham gia tập luyện vừa để nâng cao thể lực vừa vui chơi trong những ngày hội hè. Người thầy dạy võ vật đầu tiên là ông Từ Vũ (hiện còn tấm bia ở Trung Mầu)

Gà chọi, chim bay cũng là sở thích của một số người ở cả hai làng. Hàng năm Trung Mầu thường có mở hội chim, gà chọi vào tháng 4 âm lịch. Ngày hội đông lắm, người các nơi từ Chờ, Chõ, Giốt, Let, Cẩm, Lim, Khắc Liệm, Bái Uyên, Dâu, Keo... đều về đây tham dự hội.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa do có chơi gà chọi, chim bay nhà cụ Nguyễn Phú Nghi và cụ Nguyễn Xuân Đống đã có nhiều đồng chí cán bộ của Trung ương, của xứ ủy Bắc Kỳ, của tỉnh Bắc Ninh qua lại mà vẫn che mắt được quân thù.

Tuồng là một trong những hình thức nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của dân tộc. Từ lâu ở Trung Mầu đã xuất hiện một vài gánh hát không chuyên nghệ nhân thường ngày làm ruộng, hàng năm xuân thu nhị kỳ họ tụ tập nhau lại chủ yếu vào những ngày hội hè đình đám của làng và các xã phụ cận. Một thời đã có tin gần đồn xa được bà con nhiều nơi tấm tắc khen ngợi một số kép và đào ở Trung Mầu.

Mê tín di đoan là một thói hư tật xấu của xã hội cũ, do giai cấp phong kiến đặt ra để mê hoặc và lừa bịp nhân dân ta. Cả Trung Mầu và Thịnh Liên trước kia đếm đầu ngón tay mới thấy có một vài điện thờ nhỏ và một số cây hương. Thầy bói, thầy cúng, đồng cốt... là những người làm nghề hèn hạ ở Trung Mầu thấy cũng xuất hiện rất ít.

Trung Mầu là một xã có hoàn cảnh địa lý khá đặc biệt nên có ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử địa phương. Trung Mầu là một xã nằm trong địa bàn cư trú của người Việt cổ, đất đai màu mỡ có truyền thống lâu đời, phong tục tập quán lành mạnh. Cuộc sống lâu đời và đầy sáng tạo đó đã để lại cho nhân dân Trung Mầu một niềm tự hào về tổ tiên, về quê hương của mình...

(Hết chương 1 - Mời bạn ghé đọc Chương 2)

Nguồn Trường THCS Trung Mầu

No comments:

Post a Comment