Wednesday, April 4, 2012

Bắc Giang

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Bắc Giang giáp với nhiều tỉnh thành, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía tây giáp Thái NguyênHà Nội, phía nam giáp Bắc NinhHải Dương. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 51 km.

Địa lý

Vị trí: Là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây giáp tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương.

Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.823 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của Việt Nam. Theo tài liệu năm 2000, trong tổng diện tích tự nhiên của Bắc Giang, đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệprừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác.

Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Khu vực phía bắc tỉnh là vùng rừng núi. Bắc Giang nằm kẹp giữa hai dãy núi hình cánh cung và cùng mở ra như nan quạt, rộng ở hướng Đông Bắc, chụm ở phía Tây Nam (tại vùng trung tâm tỉnh), là: cánh cung Đông Triềucánh cung Bắc Sơn, phần giữa phía Đông tỉnh có địa hình đồi núi thấp là thung lũng giữa hai dãy núi này. Phía Đông và Đông Nam tỉnh là cánh cung Đông Triều với ngọn núi Yên Tử nổi tiếng, cao trung bình 300-900 m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m; phía Tây Bắc là dãy núi cánh cung Bắc Sơn ăn lan vào tới huyện Yên Thế, cao trung bình 300-500 m, chủ yếu là những đồi đất tròn trĩnh và thoải dần về phía đông nam. Tại vùng núi phía đông bắc tỉnh, giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vậtthực vật phong phú, bao gồm 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.

Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thươngsông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hìnhđịa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong.


Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn nằm ở khu vực giáp tỉnh Lạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200 m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông 20 tuổi. Người ta có thể dạo chơi trên hồ Khuôn Thần bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền gắn máy, vừa cùng người Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng bản địa hát soong hao, vừa thưởng thức những sản phẩm độc đáo của địa phương như hạt dẻ, mật ongrượu tắc kè.

Dân số và các dân tộc thiểu số

Uớc điều tra dân số 01/04/2009, dân số Bắc Giang có 1.555.720 người, với mật độ dân số 407 người/km², gấp 1,7 lần mật độ dân số bình quân của cả nước. Trên địa bàn Bắc Giang có 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chayngười Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%.

Lịch sử

Thời vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh.
Đời , đây là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc.
Từ ngày 5 tháng 11 năm 1889 đến ngày 9 tháng 9 năm 1891 đã tồn tại tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, ở bên tả ngạn sông Thương) và huyện Yên Bái (tách từ tỉnh Lạng Sơn). Năm 1891 sau khi trả hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Lục Nam bị xóa bỏ để nhập vào Đạo Quan binh I.
Tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1895, tách từ tỉnh Bắc Ninh, bao gồm phủ Lạng Giang, phủ Đa Phúc và các huyện Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế và một số tổng nằm ở phía nam sông Lục Nam. Tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Năm 1896, phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh được trả lại cho tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1950, tỉnh Bắc Giang thuộc Liên khu Việt Bắc (1949-1956) và gồm 7 huyện: Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hữu Lũng.
Ngày 22-2-1955, huyện Sơn Động từ tỉnh Quảng Yên trả về tỉnh Bắc Giang.
Ngày 1-7-1956, khi thành lập Khu tự trị Việt Bắc, huyện Hữu Lũng sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn thuộc Khu tự trị Việt Bắc.
Ngày 21-1-1957, chia 2 huyện Sơn Động và Lục Ngạn thành 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Bắc Giang nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và đến ngày 01 tháng 1 năm 1997 lại tách ra như cũ.

Văn hóa

Văn hóa Bắc Giang có các điểm đặc trưng sau:

  • Tính chất đan xen đa văn hóa. Đan xen không phải hòa đồng mà tất cả cùng tồn tại tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Bắc Giang.
  • Tính chất tụ hội văn hóa người Việt. Trong lịch sử lâu dài của đất nước người dân từ nhiều nơi như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... đã lên đây sinh sống. Họ mang theo tập tục của mình và có những biến đổi theo người dân bản xứ trên đất Bắc Giang và ngược lại người dân Bắc Giang ở trước đó cũng bị những tác động của cư dân mới đến.
  • Con người Bắc Giang vốn là những cư dân đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau vượt qua thiên tai địch họa, khai phá rừng hoang lập làng, lập bản. Tính chất hào hùng còn dễ nhận thấy hơn qua các cuộc bảo vệ đất nước của dòng họ Giáp, họ Thân và đặc biệt hơn là cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
  • Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn). Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh.
  • Văn hóa Bắc Giang là tính chất đoàn kết, sáng tạo. Từ vùng rừng thiêng nước độc cộng đồng dân cư Bắc Giang sinh sống đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Bắc Giang có hơn 500 lễ hội lớn nhỏ.
Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc". Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn Bắc Giang cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống ở đây. Điều đó được thể hiện qua các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát (Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Thời gian tiếp theo các nhà khảo cổ cũng tìm thấy con người thời đại đồ đá mới sinh sống trên vùng đất này qua di chỉ Mai Sưu (Lục Nam), thời đại đồ đồng qua di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hòa).

Nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

No comments:

Post a Comment