Thursday, February 27, 2014

Tục Kết Chạ giữa các làng Quan họ cổ bên dòng sông Cầu

( 08:33 | 29/07/2013 )
 
Bắc Giang nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc, đi khắp các miền quê trong tỉnh ở đâu cũng có những làn điệu dân ca trữ tình. Đó là vốn di sản văn hoá phi vật thể quý giá góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca của dân tộc. Mỗi làn điệu dân ca ngân vang suốt chiều dài lịch sử phản ánh đời sống tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, con người Bắc Giang.
 
Đất Kinh Bắc xưa nơi có 49 làng Quan họ, duy chỉ có làng Diềm tên chữ là “Viêm Xá” có đền thờ thuỷ tổ quan họ gọi đền Vua Bà hay đền Bà Chúa. Gần đây khi nghiên cứu, điều tra quan họ bên bờ Bắc sông Cầu, tại làng Việt cổ Trung Đồng thuộc huyện Việt Yên, chúng tôi cũng thấy có đền Vua Bà, nhân dân địa phương còn gọi đền Bà Chúa. Nghiên cứu các thư tịch cổ, tư liệu Hán-Nôm từ văn bia, sắc phong thời Lê và thời Nguyễn ở đình, đền, chùa Trung Đồng cho hay làng Trung Đồng xưa thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Từ lâu đời làng này đã có tục kết chạ với làng Thượng Đồng và Hạ Đồng (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Đó là mối tình huynh đệ gắn bó ngàn đời giữa các làng quan họ cổ bên dòng sông Cầu. Tương truyền tục kết chạ bắt nguồn từ xa xưa khi Bà Chúa đưa dân về khai phá lập làng trong đó có các làng Trung Đồng, Thượng Đồng và Hạ Đồng, cả ba làng đều thờ Bà Chúa và có mối tình huynh đệ kết nghĩa với nhau. Nơi thờ chính vị chúa Bà là ở Thượng Đồng, Hạ Đồng, vùng Diềm (Bắc Ninh) và được coi là thuỷ tổ quan họ.
Liền chị Quan họ thôn Trung Đồng, xã Vân Chung, huyện Việt Yên - Ảnh: Ngọc Dưỡng
 
Đền thờ Bà Chúa làng Trung Đồng hiện nay toạ lạc ở trung tâm làng. Ngôi đền cổ kính có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Nhị, bên trong hậu cung đặt tượng Bà Chúa tôn thờ. Đền còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị trong đó có tấm bia đá thời Nguyễn khắc chữ Hán có giá trị nghiên cứu khoa học. Tại chùa Trung Đồng cũng có ban thờ Bà Chúa, lại có đôi câu đối, nội dung ghi rằng: “Đại Việt lưu truyền tiếng tăm của bậc mẫu nghi thiên hạ, dấu tích linh thiêng còn mãi. Đạo cao đức trọng được triều Trần phong là bậc triều trung nữ Chúa có phẩm hạnh được tôn vinh”. Đặc biệt làng Trung Đồng còn lưu giữ được bản thần tích ghi lại sự tích và công trạng của Bà Chúa đại thể như sau: Bà Chúa là người Quả Cảm, Yên Phong, Bắc Ninh được vua Trần Anh Tông tuyển làm Hoàng phi, bà có nhiều công lao với dân với nước, đề xuất nhiều chủ trương về phát triển nông nghiệp, khai khẩn đất hoang, dạy dân cách ươm tơ dệt lụa. Là người đề xuất giữ gìn văn hoá dân tộc, phát triển dân ca, dân vũ vùng Kinh Bắc. Khi bà mất được nhà vua truy phong làm Hoàng hậu và cho dân thờ làm phúc thần ở Thượng Đồng, Trung Đồng và Hạ Đồng. Công lao của bà được các triều đại sau này ghi nhận phong tặng nhiều danh hiệu mĩ tự cao quý. Đời vua Lê Cảnh Hưng phong là đức Vua Bà. Các đời vua Nguyễn sau này đều có sắc phong với danh hiệu và mỹ tự cao quý.
 
Hàng năm, vào ngày mồng mười tháng Giêng âm lịch, là ngày giỗ Bà Chúa nhân dân làng Trung Đồng lại sửa lễ sang chạ anh tức làng Thượng Đồng và Hạ Đồng thuộc tỉnh Bắc Ninh góp lễ tôn thờ Bà Chúa. Ngược lại ngày mười năm tháng Tám, ngày sinh Bà Chúa, hai làng Thượng Đồng và Hạ Đồng lại sửa lễ sang làng Trung Đồng thuộc tỉnh Bắc Giang dự lễ. Các ngày sự lệ ở hai bên đều có sinh hoạt hát quan họ giữa các chạ với nhau. Như vậy ở làng Trung Đồng bên bờ Bắc sông Cầu cũng có một ngôi đền nữa thờ Bà Chúa hay còn gọi đền thờ đức Vua Bà. Khảo sát và sưu tầm các bài dân ca quan họ ở làng Trung Đồng cho thấy các anh hai, chị hai ở đây hát những bài quan họ gốc rất cổ xưa mà ít thấy ở đâu có được ví như bài:
 
Trung Đồng - Hà Nội đâu xa,
đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Em là con gái Trung Đồng,
Hát bài thung dung,
Anh hai tài tử,
Ai lên Xứ Lạng,
Đi tìm bạn,
Lên chùa tìm cảnh mà chơi....,
 
Ông Hoắc Công Chờ đã ngoài 70 tuổi, một anh hai quan họ làng Trung Đồng kể: Trước kia trong làng có bọn chơi quan họ, vào các dịp lễ tết, hội hè, giêng hai, bọn quan họ trong làng thường đi hát giao lưu khắp các hội làng trong vùng Xứ Bắc, đặc biệt là thường hát trong các đám hội ở bờ Nam Sông Cầu cùng các chạ anh ở Quả Cảm, vùng Diềm, vùng Vát và vùng Lim (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bên bờ Bắc sông Cầu có vùng Nếnh, vùng phủ Lạng Thương… Do điều kiện kháng chiến đến những năm 1948-1954, sinh hoạt hát quan họ ở làng Trung Đồng cũng như nhiều làng khác bị gián đoạn. Tuy nhiên trong làng vẫn có những người yêu và chơi quan họ, hát quan họ khi điều kiện cho phép. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước nên việc sinh hoạt quan họ ở Trung Đồng được duy trì đều đặn hơn. Làng hiện có một đội quan họ là các anh hai, chị hai đã từng đi hát nhiều năm. Các thế hệ trẻ cũng đang được lớp đàn anh đi trước truyền dạy kinh nghiệm nhằm bảo tồn và duy trì vốn di sản văn hoá dân tộc.
 
Đồng Ngọc Dưỡng
 

Tuesday, February 25, 2014

Xuân Này Con Về - Đinh Văn Thắng (Tony)

Xuân Này Con Về.

Đối với những người trong quân đội VNCH trước năm 1975 (sau năm 1968 - Tết Mậu Thân) nói riêng và hầu như tất cả dân chúng miền Nam VN nói chung, và nhất là những người con xa nhà, mỗi khi Xuân về, chúng ta không thể quên nhạc phẩm “Xuân này con không về” của cố nhạc sỹ Nhật Ngân.

Tôi rời VN vào Hè năm 1981, đã 33 năm không về VN vào dịp Tết được, cứ Xuân đến rồi Xuân đi, tưởng rằng sẽ không bao giờ về ăn Tết với Mẹ Già nữa. Nhưng đến năm nay (năm thứ 34), bất ngờ bị thất nghiệp, tôi đã tranh thủ để về VN mừng Xuân và thăm Mẹ Già cũng như thăm họ hàng, thầy trò, bạn hữu vào dịp Tết năm nay. Một chuyến đi thật bất ngờ cho cả bản thân tôi và gia đình. Chuyến đi lần này không dự định mà lại đi được, ngược lại 33 năm trước cố gắng đi thì lại không kỳ nào về VN vào dịp Tết được cả. Chuyến đi lần này đã cho tôi quá nhiều ngạc nhiên và thú vị. Tôi đã cố gắng đi thăm họ hàng trong Sài Gòn, nhất là những người lớn tuổi như dì Cuông (Phan Thị Xin), dì Chỉ, cậu Nguyễn Tuyển Thiệm, bác Hậu gái, cậu Diệm, bác Tòng, chú Hoàn (chồng dì Đinh Thị Lộc) vv...  Định đi Phước Lý, Bảo Lộc và Đà Lạt, nhưng tôi đã không còn đủ thời gian nữa, cho nên đành hẹn lại dịp khác vậy. Sau đây, tôi sẽ lần lượt tường thuật lại chuyến viếng thăm họ hàng của từng gia đình mà tôi đã đi thăm.

Người đầu tiên, tôi xin giới thiệu đến qúy đồng hương thân mẫu của tôi là bà Phan Thị Yêm, năm nay bà 86 tuổi (tính theo tuổi ta, bà sinh năm 1929).

Vào 11:45 đêm ngày 31-1-2014 (tức ngày mùng 1 Âm lịch - Tết), tôi về tới phi trường Tân Sơn Nhất, tôi đã về bất ngờ, không báo cho ai biết, chỉ riêng cho hai đứa cháu Bi và Boy (Sơn và Hùng con của chị Hiền).

Hai cháu cũng giữ bí mật để tạo bất ngờ cho Mẹ Già và gia đình. Giữa đêm mùng Một là tôi đã đặt chân tới nhà chị Hiền, nhưng giờ đó Bà đã an mạnh trong giấc ngủ thường ngày, cho nên đành phải chờ thêm vài tiếng nữa mới báo cho Mẹ Già biết. Tôi đã thức trắng đêm. Đêm thật là dài, giờ giấc bị thay đổi, không có cách nào ngủ được, tôi cứ thao thức và ôn lại kỷ niệm cũ và đứng balcony (băng công) nhìn vào xóm vắng. Xóm làng đã bắt đầu chìm sâu trong màn đêm, lúc này đã làm tôi liên tưởng đến nhạc phẩm Xóm Đêm của nhạc sỹ Phạm Đình Chương “Xóm vắng im lìm…! Nghe ai thoáng ru câu mến trìu, Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều…!”

Tôi đã cố nằm thiếp đi để cho đêm ngắn lại, thế rồi lúc 4:30 sáng, tiếng chuông nhà thờ An Lạc bắt đầu đổ rầm rộ, tiếp đó 4:45 tiếng chuông nhà thờ Tân Chí Linh, nhà thờ Nam Thái nối đuôi nhau liên tục vang dội khắp xóm làng. Tiếng gà gáy, tiếng xe Honda đã bắt đầu nối đuôi nhau, thi thoảng lại có chen vào những tiếng rao hàng rong “bánh mì nóng, bánh chưng, bánh dày nóng vv…!” Thật là thú vị, đã lâu lắm rồi tôi lại được nghe, thấy và cảm nhận được hương vị xóm làng và cuộc sống đời thường của Sài Gòn, được nghe những tiếng chuông Nhà Thờ đổ rầm rộ, được nghe tiếng rao hàng rong, được nhìn lại cảnh người buôn thúng bán bưng, nhìn thấy những nhọc nhằn của người bán hàng rong, thật là tội nghiệp, dù chỉ là mùng Hai Tết đã bắt đầu phải lăn lộn trong cuộc sống…!  

Cuối cùng cũng đến lúc Mẹ Già đã nhận được sự Ngạc Nhiên mà tôi mang đến cho Mẹ. Nhìn vào đồng hồ đã 6:30 sáng, tôi vội vàng đi thăm Bà (tức là tôi ở từ nhà chị Hiền, Mẹ ở nhà gần đó). Bất ngờ Mẹ Già và tôi đã gặp nhau, lời đầu tiên tôi gặp Mẹ và thốt lên câu: “Mẹ ơi, Xuân Này Con Về rồi.”  Bà vui quá sức, Bà không nói nên lời, chỉ biết cười và rươm rướm nước mắt. Sau đó, Mẹ tôi nói: “Con về sao không báo cho Mẹ biết ?”. Tiếp đó Bà bảo tôi qua nhà anh Ất - chị Khuyên báo cho anh chị ấy biết. Thật là bất ngờ, cả nhà ai cũng vui mừng. Chị Khuyên tôi (vợ của anh Ất) lăng xăng chạy ra vào và nói “Chị mừng quá, cậu về mà chẳng báo gì cả…! Thế rồi mọi chuyện đâu vào đấy.

Về vào dịp Tết thật là thú vị, có bà con đến chúc Tết gia đình, tôi đã gặp khá nhiều bà con họ hàng qua chúc Tết cho Bà như vợ chồng anh Thông con bác Hậu, anh giáo sư Anh văn Nguyễn Văn Đảng ở Biên Hòa, Thái và Lâm con dì Chỉ, thêm đó Duyên và người chồng ở bên Pháp về ăn Tết nữa, chị Ven, vv….

Qua tới ngày mùng Ba Tết, 9 giờ sáng tôi đã chạy qua Chúc Tết người Thầy năm xưa + người Cậu đã giúp tôi luyện thi lớp 6 vào năm 1972-1973, cũng nhờ người Thầy này mà tôi đã vượt qua vòng thi tuyển (3600 thí sinh, chọn có 360 em), và tôi đã thực sự bước vào ngưỡng cửa trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền năm 1973, bây giờ gọi là Trung học Phổ Thông, tức cấp 3. Trước kia, trường này mang tên “Trường Trung Học Tân Bình”, đến niên khóa 1974-1975 trường được đổi tên Trung Học Nguyễn Thượng Hiền cho đến ngày nay. Theo Bộ Quốc Gia Giáo Dục trước năm 1975, Trường Trung học này dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Sau năm 1975, trường có sự thay đổi và chỉ dạy Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Tôi muốn nói đến Thầy JM Lam Thy ĐVD. Thật là vui mừng khi gặp lại Thầy. Chuyện trò thật say mê, học hỏi từ chữ Nho đến chuyện nhà thờ GX Dũng Vy vv…



Hôm đó quá vội vàng đi chúc Tết Cậu, cho nên không mang máy ảnh theo. Mãi tới ngày cuối cùng trước khi về lại USA (ngày 19-2-2014) tôi mới trở lại thăm Cậu và từ giã Cậu, luôn thể chụp hình và học hỏi cũng như ôn lại kỷ niệm. Hai Cậu Cháu chuyện trò rất vui vẻ và cởi mở…! Bài tới tôi sẽ viết nói thêm về cuộc viếng thăm Thầy JM Lam Thy ĐVD. 

Từ từ tôi sẽ viết để tâm sự cùng qúy đồng hương câu chuyện viếng thăm những người họ hàng khác như dì Cuông, dì Chỉ, vợ chồng Nhan (con chú Đinh Công Khảo), hai chị Uyên (Bốt), chị Thúy con ông Nguyễn Văn Sở (ông Bốt), bác Đinh Quang Tòng, bác Tân, gia đình chú Hoàn, ông Nguyễn Tuyển Thiệm và gia đình chị Hữu ở Long Giao - Long Khánh, anh Đinh Văn Hồng con ông Chẩn ở Đồng Xoài (trước kia ở Phước Lý) và một vài người nữa. Tạm thời dừng bút và hẹn gặp lại qúy vị vào bài kế tiếp.

Dallas Texas, ngày 25-2-2014.
Tony Thắng Đinh. 

-----------
Ghi chú của Blog KYDV:

Quý đồng hương và bạn đọc cũng có thể xem bài viết này tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Thắng.

Friday, February 21, 2014

Danh sách các lễ hội ở Bắc Ninh (Tháng 2)

Lịch một số lễ hội ở Bắc Ninh (Tháng 2) 

  • Mùng 4: Hội Đình Đông - Đình Đoài, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (hai đình chung một hội)
  • Mùng 6
    • Hội Đình Làng Đông Côi (Thôn Cả - Thị Trấn Hồ - H. Thuận Thành - TP. Bắc Ninh).
    • Hội Đình làng Dương Húc (Đại Đồng - Tiên Du), lễ rước Thành hoàng có công dẹp giặc Ân giúp nước.
    • Hội đình Keo ở Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn
    • Hội làng Nghĩa Chỉ ở Nghĩa Chỉ, Minh Đạo, Tiên Du.
  • Mùng 6-­2:
    • Hội trình nghề ở Phương La Đông, Phương La Đoài (Tam Giang,­ Yên Phong).
    • Hội làng Tiêu Long, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 7:
    • Hội đền Đức Vua Bà (Thuỷ tổ Quan họ) làng Viêm Xá (Diềm) ở xã Hoà Long, huyện Yên Phong.
    • Hội làng Hồi Quan nơi thờ đức thánh tam quang ở xã Tương Giang thị xã Từ Sơn
    • Hội Chùa Đài hay còn gọi là chùa Kim Đài, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn
  • Mùng 7­-15:
    • Hội tranh cây mộc tất làng Long Khám ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
  • Mùng 7-9:
    • Hội làng Tiến Bào ở Tiến Bào, xã Phù khê, thị xã Từ Sơn
    • Hội làng Nguyễn Thụ ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
    • Hội làng Lễ Xuyên ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
    • Hội làng Yên Lã ở phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn.
    • Hội chùa Tiêu ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 8-9:
    • Hội làng Hưng Phúc ở xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn
  • Mùng 8­-10:
    • Hội làng Cẩm Giang ở phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn.
  • Mùng 10:
    • Hội làng Đại Vi, xã Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh
    • Hội làng Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, thờ Lê Văn Thịnh (Thủ Khoa Đại Việt đầu tiên)
    • Hội làng Dương Lôi (Đình Sấm) ở phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn để kỷ niệm ngày mất của bà Phạm Thị, mẹ Lý Công Uẩn.
    • Hội làng Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Kỷ niệm ngày sinh của ông bà Phụ Quốc Đại Vương TRẦN QÚY và Minh Phúc Hoàng Thái Hậu PHƯƠNG DUNG, người có công cứu mạng Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ). Tưởng nhớ ớn hai anh em vị tướng ĐÀO LẠI BỘ người có công giúp Thục Phán AN DƯƠNG VƯƠNG đánh giặc Triệu Đà xâm lược.
    • Hội làng Đông Phù (Phú Lâm, ­Tiên Du) có trò rồng rắn đuổi bệt.
    • Hội làng Đại Mão, xã Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh
  • Mùng 10 - 12:
    • Hội Làng Yên Mẫn, phường Kinh Bắc, Thành phố Bắc Ninh
  • Ngày 14:
    • Hội chùa Hàm Long ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh.
  • Ngày 14­-15:
    • Hội chùa làng Nghiêm Xá ở xã Việt Hùng, huyện Quế Võ.
  • Ngày 12­-16:
    • Hội đình Đình Bảng (Đình Bảng, ­Từ Sơn) có đón chạ Cẩm Giang và thi đấu vật.
    • Ngày 17: Hội làng Nghi An (Trạm Lộ - Thuận Thành) rước phật, đá bóng, bóng chuyền, đánh đu, chọi gà, hát quan họ.
    Lễ hội tưởng niệm Đức Thánh Tam Giang, Vọng Nguyệt là nơi có đền thờ chính thờ Trương Hống (trong số 300 làng thờ Đức Thánh Tam Giang) - người anh cả trong gia đình có năm anh em, đã có công giúp Triệu Việt Vương đánh giặc và sau này hiển linh giúp Lê Đại Hành (981), Lý Thường Kiệt (1076) trong kháng chiến chống quân Tống. Tương truyền ông và người em - Trương Hát đã đọc bài thơ Nam quốc sơn hà trong các cuộc kháng chiến đó.[6][7]
      • Ngày 26: Hội làng Tiến Sĩ Kim Đôi ở xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh.
      • Ngày 28: Hội chiến thắng Như Nguyệt ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong.

    Source

    Phúc-âm-hóa đời sống gia đình - Dạy giáo lý - JM Lam Thy Đinh Văn Diệm

    PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
    DẠY GIÁO LÝ


    Shape

    DẪN NHẬP : 

    Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra định hướng căn bản “Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin Ki-tô giáo”. Định hướng này được thực hiện bằng kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):

    – Năm 2014: Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình.
    – Năm 2015: Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn.
    – Năm 2016: Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội. (Thư Chung 2013, số 4)

    Như vậy, năm 2014 tập trung vào kế hoạch “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Để Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, “hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.” (Thư Chung 2013, số 6). Điều đó cho thấy cần phải đặt lại vấn đề Giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình, nhất là vấn đề Dạy Giáo Lý cho con trẻ, vì đó là những nhân tố căn bản cho việc xây dựng gia đình, đồng thời khi trưởng thành sẽ là “đạo binh các giảng viên Giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần Tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.” (SL “Truyền Giáo – Ad Gentes”, số 17). 

    Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ nhiều khi vì bận lo sinh kế cho gia đình, đã phó mặc việc giáo dục cho nhà trường (giáo dục văn hóa) và khoán trắng cho các lớp Giáo Lý trong Giáo xứ (giáo dục đức tin). Riêng vấn đề dạy Giáo Lý, nhiều khi có điều kiện, có thời gian để có thể thực hiện được công việc ấy, thì nhiều phụ huynh lại thầm nhủ: “mình thì biết gì về Giáo Lý mà dạy với dỗ!” Đó phải chăng là một mặc cảm tự ti không nên có? Thực ra, việc dạy Giáo Lý là việc của tất cả mọi Ki-tô hữu, như Tông huấn “Ki-tô hữu Giáo dân – Christifideles Laici” (số 7) đã khẳng định: “Theo nghĩa đó, mọi Ki-tô hữu chúng ta đều là Giáo Lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục, mà trong đó "mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác”. Thư Chung 2007 của Hội Đồng Giám Mục VN (số 21) cũng nhấn mạnh : “Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em mình" (x. Lc 22, 31-33); Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta.” 

    Trong phạm vi một bài viết giới hạn, chỉ xin được đặt lại vấn đề này một cách đơn giản và ngắn gọn, với mục đích trước hết là để “tự huấn luyện” bản thân như lời dạy của Chân phước Gio-an Phao-lô II (nêu trên), và sau là xin được cùng chia sẻ với tất cả những Ki-tô-hữu-giáo-lý-viên đồng hành. 
    ......


    -----------

    Ghi chú của Blog KYDV:

    Blog KYDV mới nhận được Bài "Dạy Giáo Lý" do tác giả đồng hương JM Lam Thy Đinh Văn Diệm gởi cho Blog hôm nay 21-02-2014. Bài viết khá dài, xin được trích đăng Phần Dẫn Nhập.

    Quý đồng hương và bạn đọc có thể xem đầy đủ bài viết tại Hình ảnh - Văn bản KYDV - Đinh Văn Diệm