Thursday, January 16, 2014

Tản mạn về “ngôi nhà chung” của làng

Thứ sáu, 27/12/2013 - 09:32
 
Tản mạn về “ngôi nhà chung” của làng
 
Đình làng giống như “ngôi nhà chung” của một cộng đồng làng xã mà ở đó lòng dân luôn được quy tụ, gắn kết. Bắc Ninh không chỉ tự hào vì được mệnh danh là “xứ sở của đình, đền, chùa, miếu” mà còn có những ngôi đình đẹp nổi tiếng, được dân gian ngợi ca, truyền tụng qua những câu ca dao:
 
Thứ Nhất là đình Đông Khang,
Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm.…
 
Đình Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) là một trong những ngôi đình đẹp nổi tiếng xứ Bắc.

Những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng hẳn khắc sâu hai âm thanh đặc biệt xúc động là tiếng chuông chùa và tiếng trống đình. Đình làng và chùa làng là biểu tượng của văn hóa làng xã gắn bó với người nông dân Việt. Nếu như vị trí tọa lạc của chùa làng không cần quá câu nệ, thường được xây dựng ở nơi thanh vắng, tĩnh mịch có thể là góc làng, ven làng hoặc giữa làng thì vị trí của đình làng nhất định phải được cất dựng trên thế đất phong thủy, nơi cao ráo, phong quang nhất làng. Bởi, trong tâm thức dân gian, ngôi đình là phúc phận của cả làng nên mới  có câu “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Còn theo như nhà nghiên cứu văn hóa Lý Khắc Cung từng phân tích: “Đình làng là một tập hợp kiến trúc mở chứ không khép kín như chùa. Ở đình làng diễn ra mọi hoạt động chung của làng: từ hội họp, bàn bạc công việc, tổ chức hội hè, lễ tết, diễn xướng nghệ thuật cho đến thực thi lệ làng như: khao thọ, thu thuế, xét xử, phạt vạ… Tất cả công việc lớn nhỏ của làng đều được quyết định tại đình. Chính vì vậy, đình thường không có tường bao quanh. Từ bốn phương, tám hướng đều có thể đến với đình. Nội thất, ngoại thất của đình đều được trang trí nguy nga, độc đáo”.
 
Bộ cửa võng được chạm khắc tinh xảo làm nên sự vẻ vang của đình Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.)

Tìm hiểu lịch sử đình làng được biết, vốn xưa đình làng chỉ là đình trạm-nơi dừng chân của khách bộ hành, trong đó có cả vua, quan đi vi hành, tuần du và mọi người dân thường khác. Nhưng đến thời Lê Sơ (khoảng thế kỷ XV), nhân dân bắt đầu đưa các vị thần của làng vào thờ trong đình. Kể từ đó, đình làng vừa là nơi “hội sở thần thánh”, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Đó là một ngôi nhà chung của cả làng, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng dân cư. Đình làng đã trở thành bản sắc văn hóa và là di sản vô giá của dân tộc. Có một nhà nghiên cứu về Mỹ học người nước ngoài đã nói: “Đến Việt Nam mà chưa thăm những ngôi đình làng là chưa biết gì về Việt Nam”. Như vậy, đình làng Việt không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian mà còn là nơi lưu dấu, chứa đựng hồn cốt dân tộc với những giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thuyết, huyền thoại, thần tích, sắc phong… 
  
Bắc Ninh vốn là trung tâm văn hóa của người Việt cổ, là vùng đất có bề dày văn hiến nên hầu hết các làng đều có đình. Ở Bắc Ninh, đình làng phát triển rực rỡ nhất vào thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII-XVIII). Về tổng thể, đình làng ở Bắc Ninh cũng giống như bao ngôi đình làng Việt khác, vừa là nơi thờ các vị thần thánh là những người có công khai khẩn, mở đất lập làng, giữ nước, giúp dân trong mọi lĩnh vực, các anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề… vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân trong làng. Trong số hàng trăm ngôi đình trên địa bàn tỉnh thì đã có 237 ngôi đình được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 67 di tích cấp Quốc gia và 170 di tích cấp tỉnh (tính đến ngày 1-9-2013). Đặc biệt, ở Bắc Ninh còn có những ngôi đình đẹp nổi tiếng, được dân gian ngợi ca: “Thứ Nhất là đình Đông Khang, thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm…”. Bà Đỗ Thị Thủy, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết thêm, đình làng ở Bắc Ninh còn mang đặc điểm nổi bật về sự dung hội nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Nghĩa là, một ngôi đình không chỉ thờ một vị thần mà có thể thờ 5, 7 vị thần của làng. Hoặc cũng có những ngôi đình lớn với kiến trúc “tiền Thần hậu Phật”, bởi người được thờ vừa là Thần vừa là Phật mà Tứ Pháp ở vùng Dâu (Thuận Thành) là một minh chứng. Dấu tích vẫn còn ghi rõ trong những sắc phong là: “Đại Thánh Pháp Vân Phật/Đại Thánh Pháp Vũ Phật/Đại Thánh Pháp Lôi Phật/ Đại Thánh Pháp Điện Phật…” 
  
Giá trị, vai trò của ngôi đình làng Việt không thể phủ định và chắc chắn nó sẽ còn tồn tại mãi mãi với tư cách là một yếu tố văn hóa, lịch sử. Nhưng trước xu hướng đô thị hóa, trong đó có cả tác động của con người từ những công cuộc trùng tu, tôn tạo khiến không gian văn hóa đình làng đang dần bị biến dạng, mai một. Nói như vậy vì bây giờ ở nhiều địa phương, đình làng thường chỉ được xem như một di tích với vai trò là một nơi thờ tự các vị Thành Hoàng làng, còn chức năng quy tụ, gắn kết thành viên trong cộng đồng lại chưa được chú ý đến nhiều. Vì lẽ đó, muốn bảo tồn và phát huy giá trị đình làng mà chỉ tập trung vào việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo về mặt kiến trúc vật chất thì chưa đủ, cần phải để cho ngôi đình thực sự sống trong không gian văn hóa làng xã, vừa là nơi thờ tự tôn nghiêm nhưng cũng là nơi sinh hoạt chung của người dân. Có như thế, đình làng mới được bảo tồn đúng nghĩa là ngôi nhà chung của làng. 
  
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
 

Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm

12/04/2011

Tác giả : PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Chủ biên)
    Địa chỉ liên hệ: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2008

Tài liệu địa phương chí Hán Nôm là nguồn tài liệu phong phú phản ánh nhiều mặt về lịch sử, địa lý, danh nhân, danh tích, văn hóa, sản vật, con người và phong tục tập quán của từng địa phương. Nguồn tài liệu này đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều công trình nghiên cứu quan tâm sử dụng, song phần lớn vẫn chưa được dịch chú, chỉnh lý và công bố một cách có hệ thống.
 
Chương trình nghiên cứu và dịch thuật nhằm xã hội hóa tài liệu Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong nhiều năm qua đã hết sức chú trọng mảng tài liệu địa phương chí viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Viện đã tiến hành tổ chức sưu tập, chỉnh lý và dịch chú các tài liệu địa phương chí Hán Nôm thuộc các tỉnh phía Bắc: Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Bình…
 
Năm 2008, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã biên dịch và xuất bản cuốnĐịa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm” do PGS.TS. Đinh Khắc Thuân chủ biên. Số tài liệu địa phương chí Hán Nôm của các tỉnh khác sẽ được tiếp tục sưu tầm, biên dịch và chỉnh lý xuất bản trong những năm tới. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
 
 Thu An

Source VASS

Wednesday, January 15, 2014

Hình ảnh xưa: Di cư vào Nam 3 September 1954

Phi trường Gia Lâm

Operation Passage to Freedom, October 1954 đi tìm tự do



Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 với một số người Bắc di cư trên tàu USS Bayfield khi tàu vừa cặp bến Saigon. Sau Hiệp Định Geneve, tàu USS Bayfield là một trong những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam. (HÌNH ẢNH: Trung Tâm Quân Sử Hải Quân Hoa Kỳ).

Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ. Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đua Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm).

Mời xem tiếp tại: Bald Eagle Blog "Từ Hà Nội đến Sài Gòn 1954-1975"

Tuesday, January 14, 2014

Vài nhận xét về Website "Kỷ Yếu Dũng Vy" - Phan Tự Ngôn

From:Ngon Phan (ngonphan@ymail.com)
Sent:Tue 1/14/14 3:47 AM
To: dthuc@live.com (dthuc@live.com)
 
Dear Thuc,
 
I'd like to send you some constructive ideas. Please take your time to read those and think. Thanks.
 
Trước hết cám ơn Đinh Thức đã cống hiến website “Kỷ-Yếu Dũng-Vy” cho bà con Dũng-Vy ở cả hai miền Nam Bắc tại quê nhà cũng như ở hải ngoại. Tuy nhiên, xin có vài nhận xét xây dựng sau đây:

1. Giới thiệu quê hương cho thế hệ mai sau thuộc quê Dũng-Vy thì phải là nơi thông tin (information) cho biết tổng quát về nơi đó thuộc nhiều mặt.

2. Nói về người làng Dũng-Vy thì phải đề cập đến nhiều người và nhiều chi họ chứ không phải chỉ có cụ Xếp, cụ Thơ Thành (hay Thơ Sành) và ông Đinh Văn Diệm và họ Đinh

3. Về văn hoá, có thể giới thiệu chung cho cả vùng và những điểm văn hoá đặc biệt của riêng tỉnh Bắc Ninh như “Hát Quan Họ” thì phải do các tác giả viết theo chiều hướng khách quan, chứ không nên sao chép hoặc trích đăng bài thuộc chế độ hiện tại, vì như thế là trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền và xây dựng cho chế độ ấy. Nói thẳng ra là website vô hình chung đang tuyên truyền cho chế độ Cộng Sản bán dân hại nước mà chúng ta cần phải tranh đấu và đang tiếp tay với bà con trong nước đấu tranh để huỷ diệt nó. 

Trên đây là vài nhận xét xây dựng và mong rằng có nhiều người đọc khác đóng góp thêm và cũng yêu cầu Đinh Thức hãy ghi nhận và chỉnh đốn vấn đề đăng tải bài vở cho phù hợp với ý nguyện vọng của người đọc.

Ô. Phan Tự Ngôn
-----------

From:Thuc Dinh (dthuc@live.com)
Sent:Tue 1/14/14 11:30 AM
To: Ngon Phan (ngonphan@ymail.com)

Chào Ô. Ngôn

Cám ơn ông đã Email cho Blog KYDV.

Hơi bất ngờ khi nhận được Email của ông (thực sự tôi chưa được hân hạnh gặp ông và cũng không biết tuổi tác, địa vị của ông và rất tiếc ông cũng không tự giới thiệu vài hàng cho tôi được biết), vì mấy năm nay chẳng có ai Email hay đóng góp ý kiến, bài vở gì cho Blog KYDV cả, cho đến vài tháng nay mới có sự góp mặt của các bác, chú và vài người trong làng (có lẽ vì chưa biết Blog KYDV).

Thưa ông

Qua ý kiến của ông. Tôi không có nhiều thời giờ nhưng cũng xin có vài ý kiến vắn tắt sau đây:

1. Blog KYDV là nơi nói về Làng Dũng Vi (nay là Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh). Gồm những bài viết tự nguyện của nhiều người có chuyên môn và không chuyên môn (thậm chí không biết chữ) cho nên không được toàn hảo. Chúng tôi cũng đang xây dựng thêm mỗi ngày. Cá nhân tôi làm Blog này cũng chỉ vì là hậu duệ Dũng Vi, muốn phổ biến và tìm hiểu thêm về quê cha, đất tổ.
 
Blog KYDV không nhận được bất cứ một đồng tiền tài trợ nào của bất cứ ai (trong và ngoài nước), cho nên cũng không cần thiết phải phục vụ cho bất cứ ai. Cá nhân tôi cũng không chịu áp lực từ bất cứ ai, ngoài ý muốn của thân mẫu là cho con cháu hiểu biết thêm về quê cha, đất mẹ. Mong ông hiểu nhiều hơn những gì tôi muốn nói...

2. Blog cũng muốn đăng nhiều bài viết về nhiều người, nhiều chi họ, nhiều những gì liên quan đến Dũng Vi, nhưng rất tiếc chúng tôi không có thời giờ và điều kiện để làm và cũng không nhận được bài viết gì nhiều từ bạn đọc, ngoài những bài viết từ các tập KYDV và trích đăng những thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau...

3. Nói về văn hóa của một đất nước hơn 4000 ngàn năm lịch sử với mấy chục triều đại và chế độ cùng những thăng trầm dâu bể không phải là công việc dễ dàng... Riêng về Quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của cả nhân loại, thì tôi nghĩ có trích đăng những bài viết về Quan họ thì cũng không có gì là đáng tiếc cả... Nếu ông hoặc những tác giả khác trong hoặc ngoài nước có những bài viết hay về Quan họ thì tôi cũng sẽ tìm đọc và trích đăng (Share), chẳng cứ gì phải của chế độ nào cả (cá nhân tôi không ăn lương của ai nên không làm công việc tuyên truyền cho ai).

Và cuối cùng, nếu ông thấy không bằng lòng với Blog KYDV này, ông có thể làm một Website khác theo như ý ông và cho tôi biết địa chỉ để cùng xem. Tôi không làm theo ý của riêng ai và cũng chẳng cần thiết phải ghi nhận hay chỉnh đốn theo ý của ai cả, thưa ông. 

Tôi cũng xin lỗi bạn đọc vì không thể hiểu hết nguyện vọng của bạn đọc, nên cũng không thể chiều theo ý của bạn đọc được. Mong bạn đọc thông cảm.

Blog KYDV - Đinh Tất Thức

Monday, January 13, 2014

Giếng cổ vùng Kinh Bắc

Thứ sáu, 20/12/2013 - 09:19
 
Giếng cổ vùng Kinh Bắc
 
Làng quê Việt xưa luôn gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình. Trong đó thì giếng nước gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân hơn cả. Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, những chiếc giếng cổ vẫn đang góp cho đời những dòng nước mát ngọt và là bộ phận không thể thiếu tạo nên những giá trị độc đáo rất riêng trong đời sống văn hóa vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc.
 
Những mạch nguồn trong mát 
  
Chưa có ai thống kê tại các làng quê Bắc Ninh hiện còn bao nhiêu giếng cổ, giếng nào là cổ nhất, độc đáo nhất... nhưng trong số đó nổi tiếng hơn cả có lẽ là giếng Ngọc tại thôn Viêm Xá, xã Hòa Long (thành phố Bắc Ninh). Giếng đã có tuổi đời hàng trăm năm gắn liền với di tích đền Cùng thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Thủy Tiên - con vua Lý Thánh Tông.
 
Giếng cổ ở chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) gắn với sự tích bà Tấm.
 
Miệng giếng Ngọc hình bán nguyệt nhưng lòng giếng hình vuông. Kiến trúc giếng khá độc đáo gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép nước. Dưới lòng giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu chừng 10m. Do nước giếng được hình thành từ những mạch nước ngầm chảy ra từ núi đá Kim Lĩnh lại được lắng qua hàng chục lớp đá ong tự nhiên nên rất trong. Người làng Diềm luôn tâm niệm nhờ uống nước giếng Ngọc mới có được giọng hát Quan họ “vang, rền, nền, nảy” trứ danh bậc nhất xứ Kinh Bắc. Đa số các hộ ngày nay vẫn giữ thói quen múc nước giếng để pha trà vì cho rằng trà pha xong bao giờ cũng thơm, xanh, ngọt hơn hẳn khi pha với thứ nước khác. Bởi thế mà dân làng vẫn truyền nhau câu ca:
 
“Nước giếng Ngọc, trà Tân Cương
Như chàng Kim Trọng đẹp duyên Thúy Kiều”. 
  
Một giếng cổ nổi tiếng khác của Bắc Ninh là giếng Gióng ở thôn Đại Bái, xã Đại Bái (huyện Gia Bình). Tương truyền khi thánh Gióng đánh giặc Ân đi qua đây đã dừng lại để uống nước. Xung quanh giếng có một vết lõm vừa bàn chân người được cho là bàn chân của Thánh Gióng để lại. Ngoài ra còn nhiều vết lỗ chỗ nhỏ ly ty khác vẫn được truyền tụng là vết nước trầu bắn do Thánh Gióng ăn trầu, nhả bã xuống. Đặc biệt, nguồn nước ở đây lúc nào cũng có màu đỏ như màu bã trầu nên người dân thường gọi là nước trầu. Vào dịp lễ hội (mùng 8-4 âm lịch), dân làng lại trang trọng tổ chức lễ rước nước. Sáng sớm, người ta múc đầy một chóe nước từ giếng lên đặt vào kiệu khiêng rước về đình làng, thờ cúng liên tục trong ba ngày rồi ban cho người dân. Không chỉ đơn giản là nguồn nước sinh hoạt, giếng Gióng đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây, gửi gắm niềm tin và tấm lòng hướng về tổ tiên, cội nguồn. 
 
Giữ hồn giếng cổ 
  
Các giếng cổ ở Bắc Ninh nằm rải rác tại các làng quê. Về cơ bản giếng có 3 kiểu dáng: Hình tròn (chiếm đa số), hình vuông hoặc trên tròn dưới vuông. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Một số giếng có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Đặc biệt, nước ở các giếng này hầu hết đều rất trong và mát dù đã tồn tại qua hàng trăm năm.
 
Giếng Ngọc (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) nước vẫn trong xanh dù đã hàng trăm năm tuổi.

Ngày nay, có lẽ hình ảnh người dân múc từng gầu nước giếng làng gánh về nhà dùng thật hiếm gặp bởi nước máy, nước giếng khoan phổ biến. Nhiều giếng cổ vì thế bị xuống cấp, bị lãng quên. Nhưng giếng Ngọc và một số giếng cổ khác ở Bắc Ninh vẫn đang tồn tại như một mạch nguồn nhắc nhở người dân về bề dày lịch sử, văn hóa quê hương. Ông Nguyễn Văn Thư, một  bậc cao niên ở làng Viêm Xá cho biết: “Khi tôi sinh ra, giếng Ngọc đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ đời cụ kỵ. Tôi nhớ lúc còn bé vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về nhà dùng hàng ngày. Cả làng cùng tề tựu trò chuyện, ca hát, trẻ con đùa nghịch, trai gái hò hẹn… Giờ đã có nước máy nhưng dân làng vẫn lấy nước ở đây về pha trà, nấu cơm như một thói quen”. 
 
Những chiếc giếng cổ đã đi vào tiềm thức của biết bao người dân mỗi làng quê. Trong đó có những sự tích, những câu chuyện kể và cả niềm tin vào những điều thiêng liêng. Chẳng thế mà nhiều nơi người ta lập cả một ngôi miếu nhỏ gần giếng để thờ thần giếng hay coi giếng như một vật phong thủy mang lại điềm lành cho làng… Du khách thập phương đến những nơi này cũng không ngần ngại múc một cốc nước ngọt lành từ giếng lên uống với ước mong về những điều tốt đẹp. 
 
Những chiếc giếng cổ đã và đang song hành cùng lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân xứ Kinh Bắc. Cuộc sống có hiện đại, tiện dụng đến đâu thì giếng làng luôn là một mảnh ghép không thể thiếu của hồn quê và sẽ trường tồn mãi với thời gian.
 
Thương Huyền