Lưu mãi tiếng thơm miền đất khoa bảng
06/02/2020 20:40
Ngày 15-1 mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 12 Bia Tiến sĩ ghi danh 677 bậc đại khoa ở Văn Miếu Bắc Ninh là Bảo vật Quốc gia. Đây là một trong những di sản văn hóa vô giá, là những trang sử bằng đá xác thực về truyền thống hiếu học khoa bảng vẻ vang của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Các thế hệ trí thức, sĩ tử trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ các bậc đại khoa, tiên hiền tiên triết tại Văn Miếu Bắc Ninh.
Người ta bảo, hiếu học vốn là truyền thống văn hóa quý báu của nhiều vùng miền trong cả nước nhưng từ hiếu học để đạt kết quả khoa bảng rực rỡ và tiêu biểu như đất Kinh Bắc-Bắc Ninh thật sự hiếm. Bắc Ninh là một địa phương đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa thời phong kiến với nhiều đặc điểm tiêu biểu như có người đỗ đầu kì thi đầu tiên của nhà nước phong kiến năm 1075 là Lê Văn Thịnh; có Trạng nguyên khai khoa Nguyễn Quán Quang; Tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp trẻ nhất nước 15 tuổi; có Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo; có Tứ nguyên Nguyễn Đăng (Trạng Tỏi), có một làng đoạt đủ Tam khôi (làng Tam Sơn), rồi còn có 2 cha con cùng đỗ một khoa; 2 anh em ruột cùng đỗ một khoa; 5 anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ; có dòng họ 13 đời liên tiếp đỗ Tiến sĩ; có 8 cha con họ Nguyễn ở Vĩnh Kiều cùng đỗ đạt làm quan đồng triều; lại có Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Cư ở Phù Khê, lúc 7 tuổi đã thuộc nhiều văn sách và biết làm câu đối, được người bấy giờ gọi là thần đồng. Còn cả tấm gương hiếu học hiếm có như cụ Quách Đồng Dần ra làm quan vẫn theo học rồi đi thi đỗ tiến sĩ năm 68 tuổi được dân gian ngợi ca lưu truyền “63 tuổi mới vỡ lòng/Đến năm 68 đã ông nghè rồi”...
Với nhiều cứ liệu lịch sử và văn hóa quan trọng, đặc sắc, Văn Miếu Bắc Ninh hôm nay là một di tích lưu mãi tiếng thơm miền đất giàu truyền thống, thể hiện khát vọng chinh phục những đỉnh cao tri thức của sĩ tử đất Kinh Bắc, cũng như sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân, của các triều đại đối với giới trí thức. 15 bia đá là những di vật giá trị nhất của Văn Miếu Bắc Ninh hiện vẫn còn, trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” được dựng năm 1889, lưu danh đầy đủ họ tên, chức tước, học hàm, học vị của 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc. Họ là những người làm rạng rỡ truyền thống khoa bảng, có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Một trong số 12 Bia Tiến sĩ của Văn Miếu Bắc Ninh.
Giá trị cùng lợi ích to lớn của Văn Miếu cũng như các văn bia “Kim bảng lưu phương” từ xa xưa cũng đã được ông cha ta khẳng định: “Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm cố gắng, biết rõ những điều đã qua mà rộng nhìn tương lai, rèn giũa tư chất danh tiết của kẻ sĩ để củng cố sự bền vững của vận mệnh Quốc gia...”- như lời danh sĩ Thân Nhân Trung đã viết. Hay như trên Văn bia trùng tu Văn Miếu Bắc Ninh cũng ghi: “Văn bia là để biểu dương những người xuất chúng phi thường, có học vấn thông kim bác cổ, đỗ đạt lưu danh; cổ vũ sự nghiệp giáo dục, chấn hưng đạo đức cho ngàn vạn năm”...
Bao lần đến Văn Miếu Bắc Ninh, nhìn ngắm những tấm bia sừng sững được bảo lưu cẩn trọng, nghiêm ngắn, vĩnh cửu, người đời vẫn thường mường tượng suy tưởng về quá khứ, thậm chí còn ước giá như có phép màu nào cho họ được diện kiến tiền nhân để biết nhiều hơn những tháng năm hấp thụ tinh hoa miền đất văn hiến tụ cát khí, với tầm tư tưởng cao rộng mà các đấng bậc tiên hiền tiên triết đã thao thiết góp tạo, cống hiến cho quốc gia hưng thịnh. Mỗi dòng tên trên bảng vàng bia đá truyền đến ngàn sau ấy chắc chắn chẳng phải chỉ để cho đời đời ngưỡng vọng mà là sự ánh xạ tiếng thơm, truyền đi thông điệp từ nhân tâm của những bậc túc nho uyên thâm, tài đức và tận hiến.
Những thông điệp xuyên thời gian mà tiền nhân gửi lại ở hệ thống văn bia Văn Miếu Bắc Ninh vẫn còn nguyên giá trị cả về giáo dục đào tạo, trọng dụng trí thức và nghĩa vụ, trách nhiệm của trí thức đối với nhân dân, đất nước. Nếu chúng ta tiếp thu và phát huy được tinh hoa mà cha ông để lại, xây dựng nền giáo dục thực chất, vừa giàu truyền thống vừa hiện đại đổi mới đồng thời có ý thức và động lực noi gương tiền nhân trong học tập, công tác, trở thành người tâm đức, tài năng gánh vác việc non sông đất nước thì nhất định vị thế quê hương muôn đời tỏa rạng, Tổ quốc mãi hùng cường sánh vai với năm châu...
No comments:
Post a Comment