Về bên kia Sông Đuống
29/01/2019 15:50
Phía bờ Nam sông Đuống là huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử, những truyền thuyết đậm chất sử thi và huyền thoại. Với tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh nổi trội cùng sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành, sự tham gia của người dân, vùng Nam sông Đuống đang là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch tâm linh trên vùng đất cổ
Ngày nghỉ, cùng anh Ngô Thế Hiếu, người từng gắn bó với ngành Du lịch nhiều năm, về thăm các điểm du lịch phía bờ Nam sông Đuống. Anh giới thiệu muốn tham quan, tìm hiểu về đạo Phật qua những đình, chùa cổ kính thì chọn đất Thuận Thành hoặc một số di tích của huyện Gia Bình. Nếu chọn làng nghề hay đặc sản của các vùng quê thì cũng nên một lần về bên kia sông Đuống.
Mùa xuân, dòng sông Đuống như dải lụa, ôm ấp, chở che những bãi bồi, thôn xóm. Cụm di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được khởi dựng từ lâu đời bên bờ Nam sông Đuống, thuộc thôn Á Lữ (Đại Đồng Thành, Thuận Thành), là chốn linh thiêng bậc nhất, được xếp vào loại miếu thờ Đế vương các triều đại từ cổ xưa-nơi duy nhất ở Việt Nam còn nguyên dấu tích Thủy tổ người Việt là Kinh Dương Vương (cha của Lạc Long Quân, ông nội Vua Hùng). Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm đầu tư tôn tạo khu di tích lịch sử ngày càng khang trang, tố hảo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân địa phương và người dân cả nước về bái yết tổ tiên.
Hội chùa Dâu (8-4 âm lịch) thu hút đông đảo du khách thập phương chiêm bái, trảy hội.
Cách đền thờ Kinh Dương Vương khoảng 3 cây số theo bờ đê sông Đuống là chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ) cổ kính với kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Trải qua hơn tám thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, chùa vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, độc đáo về cảnh quan, kiến trúc. Đến đây, chiêm ngưỡng Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay là Bảo vật Quốc gia thấy thư thái, yên bình đến lạ. Chùa Dâu (xã Thanh Khương), ngôi chùa được khởi dựng vào những năm đầu Công nguyên, là trung tâm Phật giáo lớn, cổ xưa nhất của Việt Nam, địa chỉ thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, bái Phật. Trên đất Thuận Thành còn có Phúc Nghiêm tự (chùa Tổ) nơi tôn thờ vị tổ sinh ra Tứ pháp ở xã Hà Mãn; Đền và lăng Sỹ Nhiếp (Nam Giao học tổ) - Người có công truyền bá Nho giáo vào Việt Nam nằm trong khu vực thành cổ Luy Lâu, thuộc thôn Tam Á, xã Gia Đông… cùng nhiều di tích trong mỗi làng quê đều hàm chứa giá trị văn hóa đặc sắc.
Trên đất Gia Bình cũng có nhiều di tích lịch sử rất phù hợp với phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt, có di tích gắn với những nỗi oan “động trời” khá thú vị cho du khách khi tìm hiểu như: Đền thờ Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp (Đông Cứu), nơi đây còn có tượng Rồng đá “miệng cắn thân, chân xé mình” là bảo vật Quốc gia (Thái sư Lê Văn Thịnh bị hàm oan “hóa hổ dọa vua” tại hồ Dâm Đàm); xã Đại Lai có di tích lịch sử Lệ Chi Viên là hiện trường vụ án oan của Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và vợ là Nguyễn Thị Lộ khiến ông chịu án tru di tam tộc; xã Thái Bảo có chùa Đại Bi thờ 3 vị tổ sư thuộc thiền phái Trúc Lâm, trong đó có Huyền Quang (Lý Đạo Tái) gắn với nỗi oan tình nàng Điểm Bích… Riêng xã Cao Đức hiện có 2 khu di tích lịch sử là đền thờ Cao Lỗ Vương và đền Tam Phủ nằm trên bãi Nguyệt Bàn. Cao Lỗ Vương là vị tướng thời An Dương Vương có công chế tạo nỏ thần, ông được coi là vị tổ quân khí, cũng phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình.
Những di tích, những địa danh trên vùng đất cổ Thuận Thành, Gia Bình không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt mà còn trở thành tài nguyên vô giá để phát triển du lịch cho quê hương.
Làng nghề hút khách
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm tranh”.
Từ bao đời nay, nghề làm tranh dân gian đã xuất hiện ở Đông Hồ (xưa là làng Đông Mai hay làng Mái). Để có được một tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ là cả quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, bền bỉ của nghệ nhân. Với giá trị đặc sắc, tranh dân gian Đông Hồ được nhiều người trong nước và thế giới biết đến. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được triển khai lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Chị Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thuận Thành cho biết, nhiều năm qua, loại hình du lịch cộng đồng phát triển ở một số làng nghề trên địa bàn trong đó có làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Hiện nay, tại đây có 2 gia đình nghệ nhân đón khách về tham quan, trải nghiệm. Số du khách ngày càng đông nhưng chủ yếu là khách nước ngoài và học sinh, sinh viên.
Làng nghề tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành) ngày càng có nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Ở Gia Bình có 2 làng nghề là đúc đồng Đại Bái và tre trúc Xuân Lai cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Trò chuyện với anh Đinh Gia Khoa, Chủ tịch UBND xã Đại Bái được biết, nghề đúc Đồng ở Đại Bái có lịch sử phát triển hằng trăm năm và hiện nay vẫn còn khá nhiều gia đình sản xuất. Trong làng nghề đúc đồng Đại Bái có những di tích lịch sử về vị tổ nghề Nguyễn Công Truyền với nhiều bảo vật quý. Ngoài lượng khách đến mua hàng, mấy năm qua nhiều khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở hướng phát triển mới.
Phía bờ Nam sông Đuống còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống như: Hội làng Á Lữ (ngày 18 tháng Giêng); hội thi gà Hồ làng Lạc Thổ (ngày 10-2 âm lịch); hội thi mã làng Đông Hồ (ngày 15-3 âm lịch); hội chùa Bút Tháp (24-3 âm lịch); hội chùa Dâu (ngày 8-4 âm lịch)… Nơi đây còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc như: Trống quân Bùi Xá, Rối nước Đồng Ngư, Ca trù Thanh Khương… và nhiều món ăn như: Tương, cháo Thái ở Đình Tổ, đậu Trà Lâm, nem Bùi, gà Hồ… mà chỉ cần thử một lần sẽ chẳng bao giờ quên.
Khai thác tiềm năng du lịch
Cùng với quê hương, đất nước, các huyện phía Nam sông Đuống đang từng ngày, từng giờ đổi mới vươn lên trù phú. Ngành công nghiệp không khói cũng đang được đầu tư phát triển với nhiều hoạt động cụ thể như: Xây dựng các tuor, điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm trùng tu tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa; tăng cường hướng dẫn viên tại một số di tích… Những nỗ lực ấy làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và người dân về phát triển du lịch, từng bước tạo tiền đề để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Cùng với quê hương, đất nước, các huyện phía Nam sông Đuống đang từng ngày, từng giờ đổi mới vươn lên trù phú. Ngành công nghiệp không khói cũng đang được đầu tư phát triển với nhiều hoạt động cụ thể như: Xây dựng các tuor, điểm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm trùng tu tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa; tăng cường hướng dẫn viên tại một số di tích… Những nỗ lực ấy làm thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và người dân về phát triển du lịch, từng bước tạo tiền đề để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 thì các huyện phía Nam sông Đuống được xác định là không gian có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và giữ vai trò quan trọng. Đặc biệt, các huyện này nằm trong quy hoạch không gian du lịch phía Đông theo dải sông Đuống với loại hình du lịch sinh thái làng quê, đường sông (sông Đuống), du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí núi Thiên Thai, tham quan tìm hiểu về các danh nhân (danh nhân dân tộc, địa phương), làng nghề… Hiện các cấp, ngành đang tích cực triển khai kế hoạch, dự án theo lộ trình quy hoạch đề ra.
Được biết, mới đây các địa phương cũng đã rà soát, lập danh sách đề nghị tỉnh công nhận một số di tích lịch sử, làng nghề có đủ điều kiện trở thành điểm du lịch, trong đó có các di tích: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành), đền Tam Phủ (Gia Bình) hay như làng nghề tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai… Đây là hoạt động thiết thực vừa bảo tồn, phát huy giá trị di tích vừa tạo điều kiện cho du lịch văn hóa, tâm linh phát triển.
Phía Nam sông Đuống với nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, lễ hội truyền thống tiêu biểu là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng, tăng tính hấp dẫn cần lựa chọn những di tích, làng nghề tiêu biểu có giá trị văn hóa lịch sử để tập trung đầu tư, tạo thành điểm đến hoàn chỉnh mới thực sự thu hút du khách.
No comments:
Post a Comment