Wednesday, March 7, 2018

Du xuân ở xứ sở đình chùa

Thứ Tư, 28/02/2018 - 10:00
 
Du xuân ở xứ sở đình chùa
 
Ngay từ những ngày đầu năm, Tết nguyên đán cổ truyền dân tộc, trong không khí ấm áp của đất trời mùa Xuân, mưa bay nhè nhẹ cây cối đâm chồi nảy lộc, người người khỏe mạnh phấn chấn để đón một năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp, nhiều làng xã ở vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc đã mở hội làng tục gọi là vào “Đám” với những đám rước rợp trời cờ, quạt, kiệu, siêu đao, bát bửu, chiêng trống, những nghi thức tế lễ Thần, Thánh, Phật long trọng tôn nghiêm và những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo... không những được đông đảo nhân dân địa phương tham gia, mà còn thu hút hàng ngàn vạn quý khách mọi miền đất nước về du xuân trảy hội, nên Bắc Ninh - Kinh Bắc từng được sử sách và dân gian ca ngợi là “xứ sở của đình chùa và lễ hội”.
 
Bắc Ninh là tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, có nhiều di tích cùng lễ hội dân gian truyền thống và chủ yếu là của các thiết chế văn hóa tâm linh (đình, đền, chùa...) của cộng đồng nhân dân các làng xã, trong đó một số lễ hội có quy mô vùng miền và quốc gia nổi tiếng như: Lễ hội đền Kinh Dương Vương thôn Á Lữ (Đại Đồng Thành - Thuận Thành) thờ các bậc Thủy tổ dân tộc đã có công khai mở nước, hàng vạn người con đất Việt tìm về dâng hương Thủy tổ; lễ hội chùa Dâu (Thanh Khương-Thuận Thành) do các làng xã thờ Tứ Pháp vùng Dâu tổ chức với hàng ngàn Phật tử các nơi về lễ Phật; lễ hội đền Đô phường Đình Bảng (Đình Bảng-Từ Sơn) thờ 8 vua nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt; lễ hội Thập Đình của 10 làng xã hai bên bờ sông Đuống thờ Thái sư Lê Văn Thịnh triều Lý; lễ hội đền Cao Lỗ Vương của 8 làng xã vùng cửa sông Đuống thờ Cao Lỗ Vương danh tướng của An Dương Vương có công dựng nước; lễ hội đền Vân Mẫu của hơn 370 làng dọc sông Cầu và Ngũ Huyện Khê thờ Thánh Tam Giang có công đánh giặc Lương ở thế kỷ VI; lễ hội đền thờ Quận công Nguyễn Diễn của tổng Nội Duệ;  lễ hội của 5 làng thị trấn Thứa thờ danh tướng thời Lý có công đánh giặc Chiêm Thành; lễ hội Tứ Chạ của đền Yên Phụ (Yên Phụ - Yên Phong)... Lễ hội dân gian truyền thống chủ yếu vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ” tức vào mùa Xuân và mùa Thu, khi người nông dân vừa qua những vụ mùa màng vất vả có nhu cầu thưởng thức, thư giãn về đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là nhu cầu văn hóa tâm linh. Song lễ hội của các làng ở Bắc Ninh chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân:  Mở đầu là lễ hội hoa Mẫu Đơn chùa Phật Tích vào mùng 4 Tết, hội Đồng Kỵ mùng 4 Tết với tục đốt pháo; hội làng Hữu Chấp với tục kéo co nổi tiếng vào mùng 4 Tết; hội làng Ó ( Xuân Ổ) mùng 5 Tết nổi tiếng với chợ “Âm Dương”; hội làng Đống Cao và Hòa Đình mùng 7 Tết nổi tiếng với tục rước “Bà Đống” và hát Quan họ thờ; nổi tiếng hơn cả là Hội Lim vào 11 tháng Giêng hát Quan họ giao lưu giữa các làng Quan họ gốc của cả vùng đã thu hút hàng ngàn vạn quý khách mọi miền cả nước về trảy hội... Kết thúc là lễ hội chùa Dâu của các làng thờ Tứ Pháp vào mùng 8 tháng Tư. Hội Xuân đầu năm náo nức sinh động đã đi vào tâm thức dân gian với các câu ca: “Mùng bốn đi hội kéo co /Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về /Mùng sáu đi chợ Bồ Đề /Mùng bảy trở về đi hội Đống Cao / Hội vui lắm lắm /Chửa kịp đi tắm/Chửa kịp gội đầu /Trầu chửa kịp têm /Cau chưa kịp bổ /Miếng lành, miếng sổ /Miếng chửa têm vôi /Người có thương tôi / Mong người cầm lấy”. Các lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức trong không gian của đình, đền, chùa với phần Lễ và Hội là dịp để mọi người tham dự hội được tiến cận với  “Không gian thiêng” và “Thời gian thiêng”... Phần Lễ gồm các nghi thức rước sách, tế lễ (Thần/ Thánh/ Phật) long trọng, tôn nghiêm, huyền bí của cộng đồng làng xã nhằm cầu cho người khang vật thịnh, quốc thái dân an... Phần Hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và trò chơi dân gian như: quan họ, ca trù, tuồng, chèo, trống quân, múa rối nước, đu cây, chọi gà, thi vật, thi nấu cỗ, bắt vịt, bắt chạch trong chum, đi cầu thùm… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về trảy hội.  
 
Đám rước  kiệu Thánh của Lễ hội đình năm làng ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài.    
         
Những lễ hội có phần rước sách, tế lễ nổi tiếng như: Lễ hội đình, đền thôn Á Lư, xã Đại Đồng Thành vào ngày 16 tháng Giêng; ngay từ ngày 12, đền và đình thôn Á Lữ được mở cửa bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình, đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu Thần từ đình xuống đền Thượng (thờ Kinh Dương Vương) và đền Hạ  (thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ) để xin rước các bậc Thuỷ tổ dân tộc về đình tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh chưng, bánh dày, hương đăng, hoa quả. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi. Ngoài lễ hội vào mùa Xuân, đền Thượng và đền Hạ còn có ngày lễ hội vào mùa Thu: Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế các bậc thuỷ tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và đền Hạ. Các mâm tế: “Trám đen” tượng trưng cho 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Còn các mâm “Cá gỏi” tượng trưng cho 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển khai mở miền biển.  Hay như lễ hội đền Cao Lỗ Vương (Cao Đức - Gia Bình) vào mồng 10 tháng 3, nhân dân 8 làng (thôn) vùng cửa sông Đuống thờ Cao Lỗ Vương  tổ chức lễ hội, gồm các làng: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố và Mỹ Lộc. Ngay từ sáng mồng 9, đền Cao Lỗ Vương đã được mở cửa để đại diện các làng đến làm lễ mộc dục. Sau lễ mộc dục ở đền, các làng rước lễ vật ra lăng mộ Cao Lỗ Vương tại thôn Tiểu Than làm lễ xin phép được mở hội. Sáng mồng 10, các làng đồng loạt tổ chức rước kiệu, long đình từ làng mình đến đền, theo thứ tự anh em lần lượt vào đền tế lễ Cao Lỗ Vương, rồi xin rước bài vị của ngài về làng mình để tế lễ mở hội. Đám rước kiệu thánh của tám làng rợp trời với cờ quạt, tàn, lọng, kiệu, siêu đao, bát bửu và tưng bừng náo nhiệt với âm thanh trống chiêng, đàn, sáo, nhị, cùng hàng ngàn người tham dự. Trong những ngày lễ hội của các làng thờ Cao Lỗ Vương, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò hèm huý diễn lại sự tích của Thần như: Thôn Đại Trung có trò “Múa mo múa mộc” tượng trưng cho Cao Lỗ Vương khi đánh giặc. Thôn Tiểu Than có trò “Múa bông đánh bệt” diễn lại sự tích Cao Lỗ Vương bị chết oan được “mãnh hổ” mang xác ông về quê hương để nhân dân biết mà chôn cất. Đó còn là lễ hội Thập Đình của 10 làng hai bên bờ sông Đuống thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh có công lao to lớn với vương triều Lý.  Hội Thập Đình được mở vào mồng 6 tháng 2 vào các năm Thân, Tý, Thìn của 10 làng gồm (Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Chi Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn) vốn là quê hương nội, ngoại của Thái sư Lê Văn Thịnh, xưa thuộc 3 tổng, nay thuộc 5 xã, thị trấn của 2 huyện (Gia Bình, Quế Võ). Thôn Bảo Tháp có 2 ngôi đền thờ (danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) được tôn vinh là “Đình Cả”, có trọng trách trong việc tế lễ và làm cỗ bàn để đón các hàng từ. Lễ vật tế Thánh là lễ Tam sinh (bò, lợn, gà), cùng bánh trái, hoa quả, hương đăng. Làng bảo Tháp được bầu Chủ tế. Chức sắc quan viên của các hàng từ trước ngày lễ hội phải về đình Bảo Tháp để túc trực chuẩn bị cho lễ hội. Vào hội, ngay từ sáng mồng 5 tháng 2 (âm lịch), đình và đền Bảo Tháp đã được mở cửa để làm lễ mộc dục, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Chiều ngày mồng 5, làng Bảo Tháp tổ chức rước bình hương từ 2 đền (thờ danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) về đình làng. Ngày mồng 6 chính hội, 10 làng thuộc về hội Thập Đình đồng loạt rước kiệu Thánh từ đình làng mình đến tập trung tại Đình Cả để tế lễ cộng đồng. Làng Bảo Tháp (Đình Cả) trước đó đã rước kiệu Thánh ra đầu làng để đón các hàng từ. Các làng bên này sông Đuống thì theo đường bộ rước đến. Còn làng Vân Xá bên kia sông Đuống phải chèo thuyền qua sông. Các đám rước đến làng Bảo Tháp đông đủ thì tập trung ở ngã ba Đống Vải thuộc đầu làng Bảo Tháp, theo thứ tự kiệu của các làng lần lượt được rước vào đình Bảo Tháp. Đi đầu là làng Bảo Tháp, tiếp theo là Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Cứu Sơn, Chi Nhị, Thi Xá, Trung Thành, Huề Đông. Đám rước của 10 làng đi từ Đống Vải qua Đống Ngấn, qua Ao Cả, qua cửa đền Hạ (thờ danh tướng Doãn Công), rồi tiến vào đình Bảo Tháp. Đám rước hội Thập Đình rợp trời với cờ, kiệu, tàn, lọng, chiêng, trống, siêu đao, bát bửu… cùng quan viên tế, các bô lão, đông đảo nhân dân 10 làng và quý khách thập phương. Khi đám rước về đến đình Bảo Tháp thì tập trung ngoài Tiền tế để cùng tế công đồng. Quan Viên tế gồm 39 người là đại diện của 10 làng đều đội mũ, đi hia, áo thụng tế: Chủ tế mặc áo màu đỏ có bối tử, bồi tế áo đỏ trơn, quan viên tế còn lại mặc áo xanh, trang nghiêm chỉnh tề. Khi tế, quan viên tế từ ngoài Tiền tế vào đến Đại đình, theo nhịp trống chiêng 7 và 3 để tế. Quan viên tế Thánh 3 tuần tế: Sơ Yến, Á Yến, Trung Yến. Giữa 3 tuần tế có dâng rượu vào trong Hậu cung, đọc trúc văn, ẩm phước và hoá văn tế. Sau khi tế lễ xong, các làng khác xin rước chân nhang thờ Thánh từ đình Bảo Tháp về đình làng mình để tế lễ và mở hội.  Những lễ hội có phần hội với những trò chơi dân gian nổi tiếng như: Tục trò  “Kéo co” trong hội đình làng Hữu Chấp; tục “Cướp cầu” trong hội đền Vua Bà Thủy tổ quan họ làng Diềm (Hòa Long-TP Bắc Ninh); tục “Cướp cầu” của hội đình Yên Mẫn; tục “ Kéo rồng rắn” của làng Liễu Ngạn, trò “Chạy dó” và “ Thi vật” của làng Guột xã Việt Hùng, “Bơi chải” của làng Như Nguyệt  (Tam Giang - Yên Phong);  “Kéo lửa” của  hội làng Yên Vĩ (Yên Phụ -Yên Phong)... đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham dự và còn thu hút hàng ngàn quý khách thập phương đến trảy hội.   
 Lễ hội dân gian truyền thống của các làng xã tỉnh Bắc Ninh là cuốn sử sống  động hào hùng kể về lai lịch công trạng của các bậc anh hùng hào kiệt các thời đại được thờ phụng, từng có công lao to lớn với dân với nước trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đồng thời cũng là bức tranh sinh động về các hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo, đặc sắc. Lễ hội dân gian truyền thống đã chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của cộng đồng nhân dân các địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước và đã làm nên bản sắc văn hiến Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Đỗ Thị Thủy, Phòng QLDSVH-Sở VHTTDL Bắc Ninh
 

No comments:

Post a Comment